• Về đầu trang
Mèo một mẩu
Mèo một mẩu

5 cách giúp cắt giảm lãng phí thực phẩm và tiết kiệm chi phí cho gia đình

Cuộc sống

Lãng phí lương thực thực phẩm không chỉ là mối nguy hại đến môi trường, mà còn lãng phí tiền bạc, ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế của các gia đình, đặc biệt là trong giai đoạn lạm phát khiến giá cả tăng cao hiện nay.

Thông thường, vì cuộc sống bận rộn nên nhiều người có thói quen tích trữ thực phẩm trong tủ lạnh dùng dần. Tuy nhiên, nếu không biết cách bảo quản đúng, chúng sẽ rất dễ bị hư hỏng.

Theo số liệu từ năm 2021, mỗi năm người Việt lãng phí đến 8,8 triệu tấn thực phẩm, tương đương với 3,9 tỉ USD. Dưới đây là một số lưu ý khi bảo quản thực phẩm giúp hạn chế tình trạng hư hỏng và tiết kiệm chi phí cho gia đình của bạn.

Đừng để kín chỗ trong tủ lạnh

Điều đầu tiên và cũng là thói quen xấu nhiều người hay mắc phải đó là đi chợ một lần rồi chất đồ kín tủ lạnh.

Mặc dù bạn có thể đi chợ một lần vào mỗi cuối tuần để mua đồ dự trữ cho cả tuần sau, nhưng hãy ước tính số lượng đủ, cất vừa trong tủ lạnh mà vẫn còn giữ được khoảng trống giữa chúng.

Những khoảng trống này có nhiệm vụ đưa hơi lạnh tuần hoàn khắp tủ, giúp thực phẩm được làm lạnh đều và tươi lâu hơn.

Để thịt gần nơi phả ra hơi lạnh

Hãy để thịt và các loại thực phẩm dễ hỏng khác như cá, trứng, sữa… ở trong cùng, gần khu vực tỏa hơi lạnh nhất.

Theo Phó giám đốc dinh dưỡng Stefani Sassos của Good Housekeeping, phía trong cùng của tủ lạnh là nơi có độ lạnh cao nhất, ấm dần ra phía ngoài cửa và kệ để tầng dưới luôn lạnh hơn kệ tầng trên. Do đó, hãy để những loại thực phẩm dễ hỏng ở phía trong ngăn dưới cùng, và để đồ hộp hoặc chai nước ngọt… có vỏ bảo quản ở khu vực cánh cửa.

Đóng gói thực phẩm đúng cách

Cách thực phẩm được đóng gói cũng ảnh hưởng phần lớn đến chất lượng bảo quản. Tốt nhất là bạn nên đầu tư cho các loại hộp đựng chất lượng cao, nắp kín (có phần gioăng cao su ở nắp). Chúng không chỉ giúp ngăn cản thực phẩm tiếp xúc với không khí mà còn bền, có tính di động cao. Bạn thậm chí có thể tận dụng chúng cho nhiều mục đích khác nhau như đựng đồ ăn đi làm, đi dã ngoại…

Đối với các loại thực phẩm chín, thức ăn thừa, hãy đựng chúng trong hộp thủy tinh chịu nhiệt, dùng được trong lò vi sóng.

Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ tủ lạnh

Nếu có thời gian, hãy cố gắng dọn vệ tủ lạnh một lần mỗi tuần để kịp thời loại bỏ thực phẩm hỏng và lau chùi sạch sẽ giúp không khí bên trong tủ lạnh trong lành hơn, ngăn nấm mốc phát triển có thể ảnh hưởng đến những loại đồ ăn khác.

Ngoài ra, bạn cũng nên tận dụng tủ đông để lưu trữ thực phẩm dễ hỏng. Chẳng hạn như với chuối chín, bóc vỏ, cắt lát và trữ đông có thể bảo quản được trong thời gian dài thay vì để nguyên cả quả.

Không phải mọi thứ quá hạn đều không dùng được 

Ngày hết hạn in trên hộp đựng thực phẩm hoặc đồ uống thường là gợi ý thời điểm tốt nhất nên tiêu thụ, không nhất thiết có nghĩa là thực phẩm sẽ bị hư hỏng sau thời điểm này. Thay vào đó, các chuyên gia khuyên bạn nên kiểm tra màu sắc và hương vị của sản phẩm để xác định xem nó còn dùng được hay không.

Tuy nhiên, phương án tốt nhất vẫn là mua một lượng vừa đủ và ăn hết trước thời hạn được in trên nhãn.  

  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.