• Về đầu trang
Hạnh Tâm
Hạnh Tâm

6 câu chuyện có thật thú vị khó tin, xứng đáng được chuyển thể thành phim Hollywood

Cuộc sống

Đôi khi trong cuộc sống, chúng ta sẽ được nghe nhiều câu chuyện ngỡ chỉ xuất hiện trong những bộ phim bắt nguồn từ trí tưởng tượng. Ví dụ như 6 câu chuyện có thật dưới đây.

1. “Tiểu thư và kẻ lang thang” phiên bản người thật

Một ngày năm 2006, nữ diễn viên người Thụy Điển Emmy Abrahamson tình cờ gặp Vic Kocula trên chuyến đi tới Amsterdam. Chỉ cần một ánh nhìn, cô biết anh là kẻ vô gia cư. Quần áo anh bẩn thỉu hôi hám, tóc bết, râu chưa cạo, cả người anh cũng đầy mùi rượu nữa. Nhưng cũng chỉ một ánh nhìn này, cô biết mình đã phải lòng chàng trai mắt nâu ấy.

Vic Kocula cũng vậy. Anh si mê cô ngay từ cái nhìn đầu tiên. Cả hai nói chuyện với nhau rất ăn ý và hiểu đối phương. Những giờ phút ở Amsterdam chưa khi nào đẹp đẽ đến thế!

6 cau chuyen lost bird1

Emmy là một nữ diễn viên kiêm nhà báo tự do ở Thụy Điển. Còn Vic là kẻ vô gia cư lưu lạc từ Canada đến Amsterdam (ảnh: Twitter).

Khi Emmy rời Amsterdam để khởi hành đến Vienna, Vic Kocula bảo anh sẽ gọi điện lại cho cô. Emmy mong chờ điều đó. Nhưng cô cũng hiểu đây không phải là một bộ phim tình cảm lãng mạn, chắc là anh sẽ chẳng gọi cho cô như lời anh hứa. Có lẽ anh sẽ quên cô ngay thôi. Amsterdam rồi cũng chỉ là một kỷ niệm thú vị thời thanh xuân.

3 tuần sau, Emmy nhận được một cuộc điện thoại. Là của Vic Kocula. Anh đã gọi cho cô. Anh vẫn giữ lời hứa. Điều quan trọng hơn là Vic Kocula quyết tâm cai rượu, chăm chỉ học hành và làm việc để trở thành một kỹ sư cơ khí. Vì anh muốn đem lại tổ ấm cho người phụ nữ anh yêu và anh đã làm được.

6 cau chuyen lost bird

Gia đình nhỏ với 2 đứa con xinh xắn của cặp vợ chồng Emmy và Vic (ảnh; faktum).

2. Một bà già ở thị trấn Borja, Tây Ban Nha đã phá hỏng bức họa Chúa Jesus nổi tiếng. Sau đó, thị trấn trở nên giàu có nhờ khách du lịch đến xem.

Năm 1930, họa sĩ lừng danh Elías García Martínez vẽ bức bích họa Ecce Homo miêu tả Chúa Jesus. Trải qua năm tháng, bức tranh đã bị hư hại, đặc biệt là gương mặt của Chúa. Năm 2012, cụ bà Cecilia Giménez quyết định phải làm một điều gì đó.

Dù nói thế này thật bất kính với một bà lão, quả thực công thức nhiệt tình + ngu dốt = phá hoại rất phù hợp với bà Cecilia. Bà đã phục chế mặt Chúa trông chẳng khác nào tranh châm biếm hạng xoàng. Ngay đến các nhà phục chế chuyên nghiệp cũng giơ tay đầu hàng trước phiên bản lỗi này.

6 cau chuyen lost bird5

Phiên bản năm 1930 và 2012.

Có ai ngờ “kiệt tác” Ecce Homo lại thu hút khách du lịch đến thế. Hàng ngàn người đổ xô tới thị trấn nhỏ bé Borja (Tây Ban Nha) chỉ để chiêm ngưỡng gương mặt biến dạng của Chúa Jesus. Họ thậm chí sẵn sàng trả tiền để xem tranh và mua những món quà lưu niệm có in mặt Chúa. Còn 5000 dân bản địa bỗng chốc nhận được những cơ hội kiếm chác từ sự phá hoại của một cụ bà có tâm.

Để cảm ơn cụ bà Cecilia Giménez, chính quyền địa phương đã quyết định trích một phần số tiền kiếm được để hỗ trợ nhà hưu trí và giúp đỡ bà Cecilia chăm sóc cậu con trai bại não. Một cái kết vui vẻ cho mọi người!

3. Hai cô gái tổ chức một chuyến du lịch ngắn bằng thuyền nhưng cuối cùng phải trôi dạt trên đại dương suốt 5 tháng trời.

Jennifer AppelTasha Fuiava quyết định thực hiện một chuyến hải trình từ Hawaii đến Tahiti, một hòn đảo thuộc Pháp ở phía Nam Thái Bình Dương. Đồng hành cùng họ là hai chú chó.

Theo dự kiến, Jennifer và Tasha sẽ cập bến sau 18 ngày. Do thời tiết xấu, động cơ của con tàu bị hư hại. Hai cô gái bắt đầu lo lắng và cố gắng gọi cứu hộ nhưng vô ích. Chẳng có một con tàu nào nhận được tín hiệu của họ. Jennifer và Tasha thậm chí còn bị cá mập tấn công.

Sau 5 tháng, tưởng chừng mọi hy vọng đã bị dập tắt. May mắn làm sao, một con tàu ngư dân Đài Loan đã cứu sống các cô gái. Quả là một chuyến hải trình mạo hiểm như phim vậy.

6 cau chuyen lost bird4

Hai cô gái may mắn vượt nạn. Đây chắc chắn là kỷ niệm nhớ đời nhất của họ.

4. Một phụ nữ người Mỹ đã nhận nuôi một cô gái tật nguyền, sau đó cô trở thành vận động viên nổi tiếng.

Vừa mới chào đời, Oksana đã bị cha mẹ đem gửi ở trại trẻ mồ côi Ukraina. Lý do là vì cô quá xấu xí. Oksana có bàn chân 6 ngón, tay thiếu ngón cái, hai chân ngắn dài khác nhau. Cha mẹ cô thực sự không thể chấp nhận nổi đứa con gái gớm ghiếc này. Oksana bé nhỏ bị cha mẹ bỏ rơi, bạn bè hắt hủi và trêu chọc. Cô bé thường xuyên bị đánh và bỏ đói, luôn sống trong sợ hãi cùng cô độc.

Cuộc đời của Oksana bước sang trang mới khi cô gặp Gay Masters, giáo sư trị liệu ngôn ngữ của Đại học Louisville nước Mỹ. Gay vô tình nhìn thấy Oksana qua một bức hình. Sau khi tìm hiểu hoàn cảnh của Oksana, bà quyết định nhận nuôi cô bé. Dù thủ tục phức tạp và khó khăn, bà không hề bỏ cuộc. Sau 2 năm, Gay Masters được phép nhận nuôi Oksana.

6 cau chuyen lost bird2

Oskana Masters tự tin, xinh đẹp và thành công như ngày hôm nay là nhờ vào tình cảm nồng hậu, chân thành của mẹ cô, bà Gay Masters.

Khi trở về Mỹ, Oksana Masters buộc phải phẫu thuật cắt cụt chân đến đầu gối. Để vực dậy tinh thần con gái, bà Gay đã đã thuyết phục Oksana tham gia nhóm chèo thuyền dành cho trẻ em khuyết tật.

Năm 2012, tại Thế vận hội Paralympic London, Oksana và đồng đội giành huy chương đồng cho bộ môn chèo thuyền. Oksana tiếp tục thử sức mình ở môn trượt tuyết và thành công giành được huy chương bạc và đồng ở Sochi năm 2014.

Oksana không chỉ là một vận động viên giỏi, cô còn là người truyền cảm hứng cho rất nhiều người, đặc biệt là những ai không may mắn mất đi chân tay. Câu chuyện của Oksana còn khiến bao người cảm động bởi tình mẫu tử cao cả, đẹp đẽ giữa hai con người không cùng máu mủ.

6 cau chuyen lost bird3

Câu chuyện về tình mẹ con và nghị lực sống của Oskana truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ (ảnh: Cosmopolitan).

5. Một người phụ nữ đã bỏ chồng và 3 đứa con để vào sống trong rừng.

Thập niên 70, nhà nhân chủng học Kenneth Good quyết định xuống phía Nam Venezuela để nghiên cứu bộ lạc Yanomami. Kenneth đã sống cùng họ, học ngôn ngữ của họ và cưới một cô gái tên Yarima trong bộ lạc làm vợ.

Sau khi kết hôn, hai vợ chồng cùng chuyển đến nước Mỹ. Yarima luôn thấy cô đơn và lạc lõng. New York không phải là vùng đất cô thuộc về. Dù chồng cô rất tốt, ba đứa con đáng yêu ngoan ngoãn, vẫn có một khoảng trống lớn trong lòng Yarima. Khi con trai cả David lên 5, Yarima quyết định khăn gói trở về quê nhà ở Venezuela.

6 cau chuyen lost bird6

David chup ảnh cùng mẹ mình sau 20 năm xa cách.

David không thể hiểu tại sao mẹ rời bỏ bố con anh. Sự ra đi của bà Yarima khiến David tổn thương sâu sắc. Sau này, David đọc được cuốn nhật ký của bố về bộ tộc Yanomami và vợ ông, chàng trai trẻ đã xách ba lô đến Venezuela tìm mẹ mình. Sau 3 ngày lang thang dọc sông Orinoco, cuối cùng anh cũng tới ngôi làng của bà Yarima. Lần đầu tiên sau 20 năm, hai mẹ con rốt cuộc cũng gặp lại nhau. Cảnh mẹ con đoàn viên đã lấy đi nước mắt của bao người.

Hiện David là nhà nghiên cứu văn hóa và anh luôn tự hào rằng một nửa dòng máu chảy trong mình thuộc bộ tộc Yanomami.

6. Một người đàn ông chiến đấu với đàn hải âu và phá hỏng phòng khách sạn. Phải mất 17 năm, khách sạn mới chịu tha thứ cho người khách đáng thương.

Năm 2001, Nick Burchill trên đường đi công tác đã ở lại khách sạn Fairmont Empress. Nick có mua một vài món ăn trong thị trấn. Vì khách sạn không có tủ lạnh, Nick đã để đồ ăn lên bệ cửa sổ để giữ mát rồi tranh thủ đi dạo một lúc.

5 tiếng sau, Nick quay về phòng và chứng kiến một cảnh tượng kinh hãi trong đời. Một đàn mòng biển chui qua cửa sổ vào phòng Nick và chén đồ ăn của ăn. Sau khi no say, chúng thậm chí còn đi bậy lung tung khắp phòng. Khi đàn mòng biển thấy Nick, chúng hoảng sợ bay tán loạn, đâm sầm vào mọi thứ.

6 cau chuyen lost bird7

Một kỷ niệm chỉ cần nghĩ lại cũng thấy nổi da gà.

Cuối cùng chỉ còn lại 1 con mòng biển đứng “hiên ngang” giữa đám đổ vỡ. Nick lập tức rút giày phi thẳng vào con mòng biển để tống cổ nó ra khỏi phòng. Khi “đám giang hồ” đã bay đi hết, Nick bực mình nhớ ra tối nay anh có một buổi hẹn quan trọng và đôi giày duy nhất đã bị anh phi ra ngoài. Khi Nick tìm thấy giày, nó đã ướt nhẹp. Anh đành phải lấy máy sấy tóc ra sấy, hy vọng chiếc giày kịp khô ráo.

Nhưng hỡi ôi, ông trời vẫn chưa chịu tha cho Nick và tiếp tục trêu ngươi anh. Trong lúc sấy giày, Nick tuột tay làm rơi máy vào bồn cầu dẫn đến chập điện. Cả khách sạn rơi vào cảnh tối om. Không cần nói cũng biết đoạn kết, Nick bị cấm tiệt ở khách sạn này mãi mãi.

17 năm sau sự cố kinh hoàng đó, Nick đã viết một bức thư gửi tới ban quản lý khách sạn Fairmont Empress. Anh kể lại sự việc và mong khách sạn hãy bỏ qua tội lỗi của anh. Ban quản lý đã chấp nhận lời xin lỗi của Nick và mở cửa khách sạn đón tiếp vị khách đặc biệt này.

Bạn có biết câu chuyện nào giữa đời thường mà như phim ảnh không? Hãy kể cho Lost Bird nghe nhé!

Theo: Brightside
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.