• Về đầu trang
Hạnh Tâm
Hạnh Tâm

9 kiểu cô đơn mà ai cũng từng trải qua ít nhất một nửa trong số này

Cuộc sống

Khi nghĩ về cô đơn, có lẽ bạn sẽ hình dung ra cảnh mình đang ngồi một mình trong phòng và “tận hưởng” nỗi cô đơn trong lòng. Tuy nhiên, cuộc sống sản sinh ra nhiều loại cô đơn và không phải cái nào cũng thuộc dạng cách ly xã hội.

Hiểu được từng loại cô đơn là một cách để hiểu hơn về bản thân. Nó cũng giúp bạn nhớ rằng để bớt cô đơn thì việc hòa vào đám đông hoặc “bập” vào một mối quan hệ là chưa đủ. Quan trọng là bạn cần có sự kết nối cảm xúc với người xung quanh. Khi thiếu vắng sự kết nối và thấu hiểu, cô đơn sẽ nhấn chìm đời sống tinh thần của bạn và gây ra những hậu quả không đáng có.

1. Cô đơn hậu chia tay

Một ngày nọ, người ấy bỗng nhiên biến mất khỏi cuộc sống của bạn và để lại cho bạn khoảng trống mênh mông trong lòng. Cảm giác cô đơn sau khi chia tay chẳng khác nào nỗi đau trước sự ra đi của người thân yêu. Triệu chứng của nó thậm chí còn có những nét tương đồng với từ bỏ một sở thích, một thói quen hoặc thậm chí giống như khổ sở cai nghiện.

noi co don7

Cảm giác hậu chia tay tương đương với nỗi đau khi người thân yêu qua đời.

Thời gian sẽ xoa dịu nỗi đau. Câu này đúng nhưng chưa đủ. Hàng ngày hàng tuần trôi qua, chỉ cần bạn đừng hoàn toàn chọc ngoáy vào nỗi đau chia tay, vết thương lòng dần dần cũng sẽ khép miệng.

Hãy giữ cho mình bận rộn với các hoạt động lành mạnh, vui vẻ và đừng cố cách ly bản thân dù cảm xúc của bạn cực kỳ tệ. Hãy tâm sự với gia đình và bạn bè thân, hãy để họ giúp bạn vượt qua nỗi đau tình cảm này thay vì cắn răng chịu đựng một mình.

2. Cô đơn trước sự thay đổi

Dù bạn là người hướng ngoại, đứng trước những thay đổi lớn trong cuộc đời, bạn vẫn sẽ cảm thấy cô đơn. Những thay đổi lớn này có thể là nghỉ việc hoặc bắt đầu một công việc mới, thay đổi chỗ ở, chia tay hoặc có người yêu, mới kết hôn, ly dị hoặc đang xây dựng mái ấm riêng của bản thân,…

Bất cứ sự thay đổi nào cũng cần thời gian để thích ứng nên sự cô đơn này của bạn có thể chỉ mang tính chất tạm thời. Đừng quá lo lắng và bi quan. Còn nếu nó đã kéo dài được một thời gian dài và bạn vẫn thấy không ổn, bạn nên nhờ đến sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè hoặc những người từng rơi vào hoàn cảnh tương tự.

noi co don2

Trong thời gian thích ứng với cuộc sống mới, bạn nên cố gắng nhìn nhận mọi việc theo hướng tích cực.

3. Cô đơn của người chăm sóc

Đây là sự cô đơn khi bạn phải có nghĩa vụ và trách nhiệm chăm sóc ai đó, thường là người trong gia đình như người già, người bệnh hoặc vợ/chồng tàn tật.

Trách nhiệm này khiến bạn gặp áp lực và cô độc. Vì phải dành phần lớn thời gian để chăm sóc, bạn không có nhiều bạn bè, không có những cuộc trò chuyện ý nghĩa và thấu hiểu, bạn thấy mình sống trong sợ hại và mệt mỏi, kỹ năng xã hội cũng gặp nhiều hạn chế.

Lời khuyên ở đây là đừng bỏ rơi bản thân mình. Hãy tìm đến những tổ chức xã hội uy tín để tìm sự giúp đỡ và có một người đáng tin cậy để bạn chia sẻ mà không phán xét gì. Đừng để trách nhiệm này nuốt chứng bạn vào nôi cô đơn lạc lõng nhé.

noi co don8

Đừng nên để trách nhiệm và nghĩa vụ tước đi những cơ hội tuyệt vời trong cuộc sống.

4. Cô đơn trong tình bạn

Nghe lạ lắm phải không? Nhưng thực tế là chúng ta vẫn cảm thấy cô đơn dù danh sách bạn rất dài. Đó là vì tình bạn cũng có nhiều kiểu, ví dụ như bạn học cũ, bạn đồng nghiệp, bạn xã giao, bạn thân,…

Nếu một người không có bạn tâm giao, không có người bạn thật sự để chia sẻ và tin tưởng, người đó sẽ luôn thấy cô quạnh.

Để có một hoặc thậm chí nhiều hơn một người bạn thân là không dễ dàng, nhưng không có nghĩa bạn không làm được. Hãy bắt đầu xây dựng tình bạn bằng những kết nối sâu sắc, chung sở thích và quan điểm, dựa trên nền tảng tin cậy và chân thành.

noi co don9

Nhiều bạn mà không có bạn thân thì cũng thật là buồn, phải không nào?

5. Cô đơn trong gia đình

Dù bạn vẫn sống với bố mẹ nhưng nếu họ không giúp đỡ, ủng hộ bạn, nếu họ không trò chuyện với bạn đúng cách, bạn vẫn cảm thấy lạc lõng khi ở ngay trong chính gia đình mình.

Nếu bạn thấy cô đơn khi ở nhà, hãy ra ngoài tham gia các hoạt động nhóm, đi du lịch và kết bạn nhiều hơn, biết đâu bạn cũng sẽ tìm được ai đó đồng cảnh ngộ với mình và dễ cảm thông với nhau hơn.

noi co don4

Nếu bạn đang gặp khó khăn trong việc trò chuyện với bố mẹ và ở nhà thấy cô đơn, hãy tìm cho mình sở thích nào đó hoặc tham gia các hoạt động bên ngoài nhiều hơn.

6. Cô đơn trên mạng

Mục đích của mạng xã hội là kết bạn và chia sẻ nhưng thực tế là chúng ta vẫn cảm thấy cô đơn khi lang thang trên đó.

Mỗi khi bạn đang lướt tường nhà ai đấy và tự dưng thấy cô đơn, khó chịu quá, hãy tắt Facebook và bỏ di động xuống. Thay vì dành thời gian để chầu trực trên Facebook hay Instagram, bạn nên dành nó cho gia đình, bạn bè, người yêu hoặc làm những gì có ích cho bản thân.

Mạng xã hội sẽ rất tốt nếu bạn biết cách khai thác. Hãy để nó khiến bạn vui vẻ và thông minh hơn thay vì đánh chìm bạn vào vùng cảm xúc tiêu cực.

noi co don3

Khi bạn đầu tư chất lượng cho cuộc sống thật, bạn sẽ không còn cảm thấy cô đơn với cuộc sống ảo nữa.

7. Cô đơn ở nơi làm việc

Đi làm chỉ để đảm bảo nguồn thu nhập và nâng cao kỹ năng thôi nên không cần kết bạn với đồng nghiệp. Nếu hàng năm trời bạn đi làm trong suy nghĩ như vậy, bạn sẽ không tránh khỏi cảm giác cô đơn, lủi thủi ở chốn công sở.

Còn với những người làm việc tự do và dành phần lớn thời gian ngồi một mình giữa bốn bức tường trong nhà, bản thân họ có lẽ cũng thấy buồn chán, tẻ nhạt vì không có ai để trao đổi.

noi co don1

Cô đơn ở nơi làm việc cũng là một cách để bạn nhìn nhận lại nơi làm việc, các mối quan hệ và mục tiêu sự nghiệp của bản thân.

Nếu bạn thấy cô đơn ở nơi làm việc, hãy xem lại môi trường và tính chất công việc này có đang phù hợp với mình không. Tuy nhiên, bạn cũng không cần cố kết thân với ai ở công sở nếu không thấy thoải mái, bởi vì bạn đã có những mối quan hệ thân thiết khác ở ngoài văn phòng làm việc như gia đình, anh chị em hoặc bạn bè thân rồi.

Còn nếu bạn làm việc tự do, hãy sắp xếp thời gian lên lịch đi cà phê hoặc đi chơi xa với hội bạn. Làm việc ở nhà cũng cho phép bạn thoải mái đọc sách, xem phim hoặc học một thứ gì đó để cuộc sống bớt nhạt nhẽo hơn.

8. Cô đơn trong tình yêu

Tuy đã có người yêu,đôi khi bạn vẫn có những khoảng thời gian thấy cô đơn, trống vắng, “yêu thương gì đâu mà chỉ thấy lưng nhau”.

Chuyện trò là một cách kết nối và hiểu nhau hơn. Nếu bạn đang rơi vào tình trạng này, hãy nói chuyện và bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ của mình với người ấy, hãy cho người yêu biết bạn muốn gì.

noi co don5

Nếu người ấy yêu bạn thật lòng, anh/cô ấy sẽ biết cách giải quyết vấn đề này giữa hai người.

9. Cô đơn sau sinh

Khi trong nhà có một đứa trẻ, có bậc cha mẹ thấy vui vẻ hạnh phúc, cũng có những người cảm thấy cô đơn và những nỗi cô đơn này diễn ra theo các cách khác nhau. Đặc biệt là với những người lần đầu có con, đây quả là một trải nghiệm chẳng dễ chịu gì và họ thậm chí buộc phải “oằn mình” đi qua giai đoạn này.

Nếu bạn thấy vấn đề nghiêm trọng hơn suy nghĩ, hãy tìm đến sự giúp đỡ. Chia sẻ với bạn đời, bố mẹ hai bên, với bạn bè thân hoặc những người đã có gia đình, bạn thậm chí cũng có thể nhờ đến sự tư vấn của bác sĩ. Trong thời gian chăm con, chỉ cần một buổi đi xem phim với bạn bè, trò chuyện với bố mẹ hoặc đi shopping với chồng cũng có thể giúp tâm trạng của bạn cải thiện hơn đấy.

noi co don6

Có con ảnh hưởng nhiều đến tâm sinh lý, vì vậy hãy để mọi người xung quanh cùng giúp đỡ, hỗ trợ bạn nhé.

Có lúc cô đơn giống như một con quái vật đáng sợ đang há miệng chực chờ nuốt chửng bạn. Nếu bạn không thể đối mặt với nó, đừng cố âm thầm chịu đựng và hãy lên tiếng tìm sự giúp đỡ nhé!

Theo: bustle
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.