• Về đầu trang
Quang Niên 光年
Quang Niên 光年

Cận cảnh sự khác nhau bên trong các nhà tù trên khắp thế giới

Cuộc sống

Ước tính có khoảng 10.350.000 người đang phải chịu cảnh giam cầm trong ngục tù trên khắp thế giới. Dẫu biết những người này đang phải trả giá cho những hành vi phạm tội của họ, nhưng chất lượng tù giam ở nhiều nơi đang dần trở nên tồi tệ khiến nhiều tổ chức xã hội phải lên tiếng.

Không nhiều người trong chúng ta phải vào ngục ra khám nên ta không biết rõ bên trong đó là một thế giới như thế nào. Với hy vọng mở ra cho mọi người một cái nhìn rõ ràng hơn về hệ thống trại giam trên khắp thế giới, nhiếp ảnh gia Jan Banning người Hà Lan đã đến các nơi giam giữ tù nhân ở nhiều quốc gia và thực hiện bộ ảnh này.

i01

Một tù nhân trong phòng giam của mình tại Maison d’arrêt de Bois-d’Arcy, Pháp.

i02

Khu ở chung của các tù nhân nam tại nhà giam hạt Calhoun ở thành phố Morgan, bang Georgia, Hoa Kỳ.

i03

Bên trong nhà tù Mutukula ở Uganda. Không khí thân thiện giữa các tù nhân và nhân viên an ninh được cho là khá tốt, nhưng chất lượng sống ở đây rất tệ.

Khi được hỏi tại sao lại chọn các nước Pháp, Uganda, Mỹ và Colombia, nhiếp ảnh gia Jan cho biết đã tham khảo số liệu từ Viện Max Planck cũng như xem xét đặc trưng địa lý và sự ảnh hưởng quốc tế của các nước đó, đây là những yếu tố tiên quyết tác động đến môi trường của nhà tù.

“Tôi không thể đi hết hàng trăm quốc gia trên khắp thế giới mà chỉ có thể lựa chọn các quốc gia tiêu biểu. Mỹ và Pháp là hai nước văn minh ở phương Tây, trong khi Uganda và Colombia là hai quốc gia có nền kinh tế đang phát triển. Những nước này ngoài sự giống nhau về kinh tế, địa lý, thì còn có hệ thống pháp luật khá tương đồng. Tại sao tôi lại chọn Mỹ thay vì Anh? Bởi vì Mỹ hiện vẫn còn thực thi án tử hình,” ông Jan cho biết.

i04

Tiết học tại nhà tù Mutukula ở Uganda, người đứng lớp là một tù nhân nhận bản án tử hình.

i05

Trại giam Establecimiento Carcelario de Reclusion Especial ở Sabana Larga, Colombia, có sức chứa 50 người nhưng trong thực tế luôn có hơn 100 người được giam giữ tại đây.

Chuyến đi của Jan khiến chính ông cũng phải bất ngờ. Ở Uganda, ông được vào nhà tù ngay sau khi xin giấy phép. Trong khi đó ông mất khoảng 2 năm để được tham quan nhà tù ở Pháp, khoảng thời gian tương tự với các trại giam ở Mỹ và Colombia.

“Khi được vào bên trong, nhân viên an ninh dẫn dắt tôi đến những căn phòng giả được dựng lên vì mục đích che giấu sự thật đang diễn ra bên trong. Thậm chí có nơi tôi bị ngăn cấm chụp hình bằng đe dọa vũ lực, rất đông bảo vệ đứng vây xung quanh để tôi không thể chụp được ảnh,” nhiếp ảnh gia kể lại.

i06

Phòng giam giữ ở Maison d’arrêt de Bois-d’Arcy, Pháp có gần như đầy đủ các thiết bị sinh hoạt cần thiết, nơi đây đã mở cửa đón tù nhân từ năm 1980.

i07

Một cuộc gặp định kỳ tại nhà tù ở bang Georgia. Những tù nhân đang ngồi trong căn phòng này đều nhận bản án chung thân, họ tham dự các buổi gặp mặt để lắng nghe chuyên gia tâm lý chia sẻ.

Sự khác biệt giữa nhà tù ở các quốc gia khiến Jan Banning phải ngạc nhiên. Ở Uganda, bầu không khí rất thoải mái, tù nhân trao đổi với nhau rất thân thiện và trông nó giống khu trọ tập thể hơn. Vấn đề là ở đây giam giữ quá nhiều người khiến chất lượng sống không cao, nhưng ít ra họ vẫn được đối xử tốt.

Tại Pháp, bên trong buồng giam có gần như đầy đủ mọi nhu yếu phẩm và đồ gia dụng, phạm nhân có thể tự nấu ăn hoặc làm những gì mình thích trong khuôn khổ cho phép. Nhìn chung hệ thống tù ngục ở Uganda và ở Pháp tương đối nhân đạo, vẫn đảm bảo quyền con người cho người bị giam giữ.

i08

Khoảng sân trống dùng cho các hoạt động thể thao bên cạnh phòng giam của tù nhân J.M. tại ngục Centre Penitentiaire de Lille-Annoeullin. Anh J.M. là thành viên của băng đảng tội phạm khét tiếng "Sea Breeze". Trước khi vào đây, anh đã phải ngồi tù 14 năm cho bản án 15 năm vì tội danh giết người vào năm 2007. Năm 2013, anh bị bắt giữ lần nữa vì “bảo kê” các hoạt động phi pháp ở hộp đêm, tòa án kết án 4 năm tù cùng mức phạt 100.000 euro.

i09

Phòng hỏi cung của cảnh sát tại nhà tù Kakira, Uganda.

“Một điều thú vị tôi đã tìm thấy, rằng nhà giam ở Uganda được sơn màu vàng cùng các màu ấm khác, khiến gợi lên không gian đặc trưng của khí hậu và cảnh sinh hoạt xóm làng tại Châu Phi. Trong khi đó, nhà tù Mỹ được xây dựng từ bê tông và thép không gỉ rất lạnh lẽo, tạo cảm giác ngột ngạt và buồn bã.

Trong quá trình tác nghiệp, tôi đã làm thân được với một nữ tù nhân. Sau khi được trả tự do, cô đã đến tham dự buổi triển lãm ảnh của tôi và chia sẻ với báo giới ngay tại buổi trưng bày, rằng cô có mối quan hệ rất tốt với nhân viên cai tù và cô được đối xử rất tốt khi sống tại đây,” Jan Banning chia sẻ.

i10

Một căn phòng trong nhà tù Maison d’arrêt de Bois-d’Arcy ở Pháp. Tại đây hiện đang giam giữ 770 người, trong đó có khoảng 215 người bị tạm giam chờ ngày xét xử.

Trong khi đó, Jan Banning phải nhìn nhận thẳng thắn rằng nhà tù ở Mỹ được xây dựng để trừng phạt. Người tù ở Mỹ luôn giữ một khuôn mặt sắt lạnh và dè chừng mọi thứ, họ có khoảng cách vô hình rất lớn với nhân viên quản giáo cùng các tù nhân xung quanh. Jan cho biết mình không bắt chuyện được với ai trong ngục giam ở Mỹ.

“Đồng ý rằng nhà tù được xây lên nhằm cách ly những tế bào nguy hiểm ra khỏi cơ thể là một xã hội lành lặn, nhưng nhiều nơi trên thế giới vận hành nhà tù như một nơi để trừng phạt thay vì cải huấn họ ở khía cạnh tinh thần. Ở Hà Lan, tỷ lệ tù nhân thấp đến nỗi họ phải “thuê” tù nhân từ Na Uy hay Bỉ, tôi thấy đó cũng là một sự thành công của hệ thống nhà tù,” nhiếp ảnh gia Jan Banning chia sẻ cảm nghĩ về bộ ảnh của mình.

  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.