• Về đầu trang
Hạnh Tâm
Hạnh Tâm

Câu an ủi cảm động nhất khi buồn không phải là ‘Lạc quan lên!’ mà là ‘Nghĩ tiêu cực cũng đâu có gì xấu!’

Cuộc sống

Khi chúng ta hoảng sợ, lo lắng và bi quan, nguồn năng lượng tích cực sẽ giúp chúng ta vực dậy bản thân, thoát ra khỏi suy nghĩ tiêu cực và cố gắng sống tốt hơn.

Tuy nhiên, tích cực không phải lúc nào cũng là cách tốt nhất để giúp đỡ người khác. Bạn không thể chỉ đơn giản gieo vào đầu họ những câu nói tích cực và cho rằng vấn đề của họ đã được giải quyết. Đó là một dạng ”tích cực độc hại”.

Vả lại có những lúc tìm kiếm sự giúp đỡ không có nghĩa là tìm kiếm sự tích cực hay nguồn cảm hứng. Những lúc ấy, chúng ta chỉ đơn giản cần ai đó chấp nhận những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực của mình.

nhung loi an ui3

ảnh minh họa: Chibird

Dưới đây là những ví dụ so sánh về “tích cực độc hại” và không phán xét cảm xúc tiêu cực:

"Tích cực độc hại”

Kiểu gì cậu cũng sẽ vượt qua được thôi!

Hãy tích cực lên!

Đừng có nghĩ tiêu cực thế làm gì!

Hãy nghĩ vui vẻ lên xem nào!

Đừng bỏ cuộc!

Lạc quan lên!

Hãy nhìn mọi chuyện theo chiều hướng tốt.

nhung loi an ui2

ảnh minh họa: Chibird

An ủi và không phán xét cảm xúc tiêu cực

Đúng là khó khăn quá nhỉ. Nhưng cậu cũng từng trải qua những chuyện tồi tệ hơn thế rồi, tớ tin là lần này cậu cũng sẽ vượt qua được.

Cuộc sống thể nào chẳng có những lúc đi sai hướng. Mà thế nào mới là đi đúng hướng chứ?

Đang ở trong hoàn cảnh như này mà nghĩ tiêu cực thì cũng đâu có gì xấu.

Giờ mà bảo tích cực lên thì cũng khó nhỉ. Thế để tớ truyền vào người cậu một ít năng lượng tích cực nhé!

Thỉnh thoảng bỏ cuộc cũng tốt mà. Quan trọng là cuối cùng cậu muốn như thế nào kia.

Cứ như này cũng chẳng vui nhỉ. Hôm nay cậu có muốn chúng mình cùng làm gì không?

Lúc này cậu đang buồn nên nhìn đâu cũng thấy bế tắc, khi nào tâm trạng ổn hơn rồi thì cậu sẽ tìm ra lối thoát cho mình!

nhung loi an ui

ảnh minh họa: Hyocheon Jeong

Những câu động viên “Hãy nghĩ tích cực lên” hoặc “Đừng bi quan thế” có thế xuất phát từ ý tốt nhưng không phải lúc nào cũng có tác dụng. Nó cũng giống như những câu trích dẫn truyền cảm hứng nhan nhản trên mạng, đôi khi bạn đọc lên lại thấy sáo rỗng.

Một sự thật khác là khi bạn cố nhồi nhét suy nghĩ tích cực vào ai đó, nó sẽ gây ra tác dụng ngược. Khi nghe những câu “tích cực độc hại”, người bi quan sẽ cảm thấy không thoải mái và xấu hổ trước những suy nghĩ tiêu cực của bản thân, họ cũng không còn muốn chia sẻ vì sợ bị đánh giá, sợ làm phiền người khác và quyết định tự “gặm nhấm” nỗi buồn của mình.

nhung loi an ui4

ảnh minh họa: Chibird

Tích cực giống như một hạt mầm. Bạn không thể chỉ ngồi đó bảo “Nảy mầm đi, lớn lên đi, nở hoa đi” thì hạt mầm đó sẽ vươn mình thành cây lớn xanh tươi trĩu quả. Bạn cần chăm bón hạt mầm đó bằng sự lắng nghe, thông cảm, an ủi và giúp đỡ hết mình.

Theo: Good

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.