• Về đầu trang
Raven Le
Raven Le

Chỉnh sửa gen người: Hành động nhỏ gây ra ảnh hưởng sâu rộng cho toàn nhân loại

Cuộc sống

Ngày 26 tháng 11 vừa qua, Giáo sư Hạ Kiến Khuê (He Jiankui) người Trung Quốc công bố thành quả mới nhất trong nghiên cứu của ông và các đồng sự là một cặp song sinh biến đổi gen được cho là có khả năng kháng hội chứng HIV bẩm sinh.

Ngay sau đó, giới y bác sĩ và khoa học gia toàn cầu đã rúng động với phần lớn ý kiến phản bác, thậm chí tỏ rõ thái độ phẫn nộ vì hành vi phi đạo đức khi can thiệp yếu tố di truyền và sinh ra hai đứa trẻ được biến đổi gen đầu tiên trên thế giới.

nha khoa hoc trung quoc 1

Giáo sư Hạ Kiến Khuê giải thích về nghiên cứu của ông thông qua một clip trên YouTube. (Ảnh cắt từ clip)

Trong bài viết này, Lost Bird xin được tổng hợp và lý giải các sự kiện và thông tin bên lề cần biết để bạn đọc có cái nhìn tổng quát và khách quan nhất xung quanh sự kiện gây tranh cãi trên.

Biến đổi gen không phải là một phương pháp mới

Trước hết chúng ta cần tái xác nhận rằng các phương pháp biến đổi gen đã được nghiên cứu và thực hành từ những thập niên 70 của thế kỷ trước ở Mỹ và Châu Âu, người Trung Quốc không phải những nhà nghiên cứu tiên phong trong lĩnh vực này.

Năm 1972, Giáo sư sinh hóa học người Mỹ tên Paul Berg đã thành công trong việc tái kết hợp ADN của Virus Khỉ và Virus Lambda. Năm 1974, Giáo sư Rudolf Jaenisch ở đại học MIT đã lai tạo ra một con chuột biến đổi gen, cũng là ''sinh vật sống được biến đổi gen'' đầu tiên trên thế giới (Genetically Modified Organism, hay GMO).

crispr mice 1280

Rudolf Jaenisch cầm trên tay con chuột biến đổi gen đầu tiên trên thế giới.

Đối với thực vật, năm 1986 giống thuốc lá có khả năng kháng thuốc diệt cỏ được tạo ra ở Pháp và Mỹ và giống cà chua biến đổi gen đầu tiên được thương mại hóa vào năm 1994 là giống Flavr Savr của hãng Monsanto, Mỹ.

Như vậy chúng ta có thể thấy việc biến đổi gen để tạo ra một cá thể động thực vật mới theo ý muốn là hoàn toàn khả thi từ rất lâu và ứng dụng trong nông nghiệp, thủy sản, chăn nuôi gia súc. Ở Việt Nam cũng có những giống lúa tốt nhất thế giới được tạo ra nhờ biến đổi gen.

16 39 42 vl dbscl nghien cuu chon to giong lu nh lhv

Nhà nghiên cứu ở Viện lúa Đồng Bằng Sông Cửu Long ứng dụng công nghệ gen để thay đổi các giống lúa cho phù hợp điều kiện môi trường và đáp ứng nhu cầu tiêu thụ.

Những thí nghiệm biến đổi gen nêu trên cũng có thể thực hiện trên con người chứ không có ngoại lệ. Điều duy nhất khiến chúng không được thực hiện là do rào cản pháp lý của các quốc gia và rào cản đạo đức y sinh của cộng đồng y học quốc tế.

Vì sao nên hạn chế biến đổi gen lên con người và cả các loài động thực vật khác?

Sau khi xác định được tính khả thi trong việc biến đổi gen người, chúng ta tiếp tục đi đến những nguy cơ khiến việc này bị cấm. Cần hiểu rằng gen là vật liệu ghi lại thông tin di truyền của mỗi giống loài, có tính thừa kế từ đời này qua đời khác và liên hệ chặt chẽ với quá trình chọn lọc tự nhiên mà thành.

Tức là để bất cứ loài nào có hình dạng, đặc tính như hiện tại đều do quá trình tích lũy và thích nghi hàng trăm, hàng ngàn thậm chí hàng triệu năm mà được hệ gen như vậy, đó không phải là một quá trình một sớm một chiều, nó diễn ra có hệ thống và có sự tương quan giữa các giống loài để tạo nên cân bằng trong hệ sinh thái.

Bất cứ hành vi nào khinh suất gây biến đổi gen tạo ra loài mới một cách đột ngột sẽ diễn biến vô cùng khó lường và gây ra 3 hậu quả chính: ảnh hưởng đến kinh tế và đời sống con người, ảnh hưởng hệ sinh thái và cuối cùng là vi phạm đạo đức y sinh.

ap18330076450272

Ảnh các phôi đột biến gen ở phòng thí nghiệm của Hạ Kiến Khuê.

Ví dụ cụ thể nhất về ảnh hưởng đến kinh tế và đời sống con người là vụ việc giống cây bông ''Bt'' ở Ấn Độ vốn rất hứa hẹn khi mới được lai tạo và đưa vào trồng trên diện rộng, ngay sau đó giống cây này thất bại và giảm năng suất.

Người nông dân Ấn Độ ngày càng kiệt quệ vì phải mua phân bón với giá cả đắt đỏ dẫn đến nợ nần, phá sản. Vào thời điểm đó, theo thống kê của Trung tâm Nhân quyền và công lý toàn cầu (Center for human rights and global justice), cứ 30 phút có một người nông dân Ấn Độ tự tử vì mất mùa.

39802 vwnyfnbubf 1505454339

Cây bông đột biến gen ở Ấn Độ chịu trách nhiệm cho sự tán gia bại sản của 300.000 người nông dân, dẫn đến nhiều vụ tự tử.

Còn ví dụ về ảnh hưởng hệ sinh thái thì không đâu xa mà ở chính Việt Nam, năm 2012 một giống ngô mới được lai tạo ở Sơn La cho năng suất cao khiến người dân hy vọng có thể đổi đời khi trồng nó. Tuy nhiên, ngô biến đổi gen này chỉ tốt trong 2 năm đầu, sau đó chẳng những nó giảm năng suất mà còn hút hết chất dinh dưỡng trong đất khiến ruộng nương trở thành nơi khô cằn như một ''vùng đất chết''.

Đáng sợ thay, vùng đất nơi từng trồng ngô ở Sơn La bây giờ chẳng những không thể trồng ngô mà cả những loại cây khác cũng không sống nổi vì môi trường đất đã bị hủy hoại nghiêm trọng.

nd vua ngo son la 1a384188

Giống ngô chỉnh sửa gen ở Sơn La, Việt Nam. Tưởng đâu giúp người dân thoát nghèo, cuối cùng ngô đột biến khiến nông dân ngậm đắng nuốt cay.

Nguy cơ từ thí nghiệm của Hạ Kiến Khuê

Trong trường hợp của hai bé Lộ Lộ và Na Na, Giáo sư Hạ Kiến Khuê vốn dựa trên những nghiên cứu lý thuyết và thực hành trước đó của các nhà khoa học khác để ứng dụng trên con người chứ không phải một phát minh gì mới lạ, và ông đã vi phạm cái gọi là đạo đức y sinh trong nghiên cứu y học.

Phương pháp mà Hạ Kiến Khuê sử dụng được gọi là CRISPR–cas9, có tác dụng vô hiệu gen CCR5 được xem là cầu nối giúp virus HIV xâm nhập vào tế bào. Phương pháp này vốn được phát triển vào năm 2012 bởi hai nữ khoa học gia là Jennifer Doudna và Emmanuelle Charpentier.

CRISPR khiến việc chỉnh sửa gen dễ dàng hơn bao giờ hết. Chính bản thân giáo sư Jennifer Doudna cũng lo ngại nghiên cứu của bà sẽ bị lạm dụng để tạo ra những đứa trẻ đột biến.

doudnasmile750

Giáo sư Jennifer Doudna, 54 tuổi, người phát minh ra phương pháp chỉnh sửa gen mà Hạ Kiến Khuê đã áp dụng.

Doudna chia sẻ quan điểm về nghiên cứu của Hạ Kiến Khuê với tờ Washington Post như sau:

Hành vi bất chấp hậu quả và thiếu minh bạch này thật đáng lo ngại. Có nhiều cách tốt hơn để ngăn chặn lây nhiễm HIV, tôi không nghĩ nghiên cứu này phục vụ cho một nhu cầu y học chính đáng nào.

Giáo sư Eric Topol, chủ tịch Viện Nghiên cứu dịch mã di truyền Scripps, California thẳng thắn chỉ trích nghiên cứu này chỉ bằng một từ ''vô tâm''. Ông cho rằng còn quá sớm để làm việc này.

Cùng quan điểm với Eric Topol, giáo sư Julian Savulescu chuyên khoa Đạo đức thực nghiệm tại đại học Oxford mạnh mẽ lên án rằng đây là một thí nghiệm biến đổi gen vô nhân tính.

Trong thông cáo của mình, Savulescu viết:

Thí nghiệm này đã khiến những đứa trẻ khỏe mạnh bình thường phải đối mặt với mối nguy hiểm của việc chỉnh sửa gen mà chẳng có được những lợi ích thiết thực nào. Dù nghiên cứu đó có thành công đi nữa thì những đứa trẻ có thể trở nên yếu ớt trước những căn bệnh khác, thậm chí có thể bị ung thư sớm.

Như vậy, Giáo sư Hạ Kiến Khuê thực chất đang áp dụng những nghiên cứu của người khác vào một mục đích cá nhân thiếu minh bạch và đi ngược lại đạo đức của một nhà nghiên cứu y học. Những gì ông đã làm không phải là người khác không làm được, mà họ đã chọn không làm vì nó quá nguy hiểm và không có giá trị thực sự.

he jiankui 780x450

Hạ Kiến Khuê từng nghiên cứu ở đại học Stanford của Mỹ. Đồng sự mô tả ông là một người thông minh nhưng có những ý tưởng điên rồ.

Phương pháp chỉnh sửa gen được áp dụng hợp pháp, hợp đạo lý để chữa bệnh cho một cá thể trong một trường hợp cụ thể nào đó, nó không truyền lại và ảnh hưởng đến bất cứ một ai khác.

Ngược lại, điều mà Hạ Kiến Khuê đã làm là trực tiếp thay đổi thông tin di truyền của hai bé song sinh mãi mãi và nó sẽ truyền lại cho hậu duệ của hai bé nếu có. Điều này có thể dẫn đến một chuỗi những đột biết không lường trước trong tương lai ở nhân loại, kể cả nguy cơ tạo ra một giống người đột biến nguy hiểm.

Chính phủ Trung Quốc không ủng hộ Hạ Kiến Khuê tạo ra em bé đột biến gen

Sáng ngày 27 tháng 11, báo Tân Hoa Xã - hãng thông tấn chính thức của chính phủ Trung Quốc cho biết nhà chức trách đã vào cuộc điều tra làm rõ vụ việc chấn động giới khoa học và gây tranh cãi này.

Hiện tại, không có bất cứ cơ quan đủ thẩm quyền nào bảo trợ cho nghiên cứu của Hạ Kiến Khuê. Mọi thí nghiệm của Giáo sư Hạ đều diễn ra âm thầm và không có nhiều người biết cho đến khi nó được chính ông Hạ đăng tải trên tờ MIT Technology với mục đích tuyển mộ thêm người tham gia thí nghiệm bất nhân này.

6635666 6428275 image a 22 1543202149884

Hạ Kiến Khuê cùng học trò đang tiến hành nghiên cứu, ảnh do chính đương sự chia sẻ trên internet.

Đại học Khoa học và Công nghệ miền Nam, thành phố Thâm Quyến nơi Giáo sư Hạ Kiến Khuê từng làm việc đã chia sẻ rằng ông Hạ Kiến Khuê đã tự ý nghỉ việc hồi tháng 2 năm nay. Đại diện nhà trường cho biến nghiên cứu của Giáo sư Hạ không liên quan tới nhà trường, và họ kịch liệt phản đối hành vi này.

capture

Ngày 26 tháng 11, Weibo dẫn nguồn báo Phượng Hoàng của Trung Quốc cho biết Thứ trưởng Bộ Khoa Học Trung Quốc, ông Xu Nam Bình đã chỉ đạo các cơ quan có trách nhiệm điều tra vụ việc chỉnh sửa gen bị nghiêm cấm và xử phạt vi phạm nếu có.

Hiện tại Giáo sư Hạ Kiến Khuê chưa đưa ra phản biện nào trước sự chỉ trích của dư luận và cộng đồng khoa học trong và ngoài nước.

Hơn nữa, cho đến bây giờ Giáo sư Hạ vẫn không chứng minh được cặp song sinh đột biến gen do ông gây ra thực sự kháng được HIV như thế nào, cũng không có tài liệu nào về quá trình thí nghiệm được ông công bố để chứng tỏ thí nghiệm an toàn cho hai đứa bé.

Theo: Tổng Hợp
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.