• Về đầu trang
Dorothy
Dorothy

'Chú chó Hachiko' của Liên Xô: Bị bỏ lại ở sân bay, ngóng đợi chủ suốt 2 năm và một cái kết có hậu

Cuộc sống

Câu chuyện chú chó Hachiko nổi tiếng của Nhật Bản chờ đợi chủ nhân tại một nhà ga trong suốt gần mười năm sau khi ông qua đời đã lấy đi nước mắt của nhiều người. Ở Liên Xô cũng có một câu chuyện đau lòng tương tự.

Ảnh từ phim 'Palma', dựa trên câu chuyện có thật về một "chú chó Hachiko" ở Liên Xô (Ảnh: Komsomolskaya Pravda / Global Look Press)

Vào năm 1974, tại sân bay Vnukovo của Moscow, trong lúc hành khách đang xếp hàng lên máy bay Il-18 (Ил-18) để đi đến thành phố Norilsk ở miền Viễn Bắc, có một hành khách đã tranh cãi gay gắt suốt một lúc với một tiếp viên hàng không về việc đưa cô chó chăn cừu Đức của mình lên bay cùng.

Có vẻ như cuộc thương lượng không diễn ra suôn sẻ như người này mong đợi. Ông đành từ bỏ, cởi bỏ xích cổ cho cô chó cưng. Nó nghĩ rằng mình được thả ra để dạo chơi nên liền vui vẻ chạy dọc theo đường băng.

Vì không có chứng nhận thú y nên chủ nhân của nó không thể mang nó lên máy bay cùng (Ảnh: Alexander Opryshko/Central Studio for Documentary Film, 1978)

Vì mải chơi nên nó không biết rằng lúc này chủ nhân đã kịp bước lên máy bay, cầu thang đã được tháo ra, cửa cũng đóng lại và máy bay đang chuẩn bị cất cánh. Đến lúc nó kịp nhận ra mọi chuyện cũng là lúc chiếc Il-18 đang dần tăng tốc. Nó kinh ngạc lao theo rồi chỉ biết dừng lại, dõi theo cho đến lúc máy bay khuất hẳn khỏi tầm mắt. Câu chuyện chạm đến trái tim của hàng triệu người dân Liên Xô đã bắt đầu như vậy.

Người bạn bị bỏ rơi

Hóa ra vì không có chứng nhận thú y cho chó cưng nên người chủ kia đành phải bỏ nó lại sân bay. Và rồi suốt hai năm, sân bay Vnukovo đã trở thành nhà của nó.

Kể từ ngày đó, ngày nào cô chó này cũng chạy ra đường băng. Sau khi ghi nhớ hình dạng của mẫu Il-18, nó cứ thế lao đến từng chiếc Il-18 với hy vọng sẽ gặp lại người mà nó yêu thương nhất.

Chú chó đã thu hút sự chú ý của các phi công và nhân viên sân bay. Ban đầu, họ cố gắng bắt nó, nhưng vô ích. Nó thận trọng và không gây phiền toái cho người khác.

Sau khi ghi nhớ hình dạng của mẫu Il-18, nó cứ thế lao đến từng chiếc Il-18 với hy vọng sẽ gặp lại người mà nó yêu thương nhất (Ảnh: Alexander Opryshko/Central Studio for Documentary Film, 1978)

Các nhân viên ở Vnukovo thay nhau chăm sóc nó, họ cho nó ăn, nhưng nó vẫn không chịu đến gần ai. Họ cố tìm ra tên của nó bằng cách thử gọi bằng những cái tên khác nhau, khi gọi đến tên "Alma", nó đáp lại, thế là họ quyết định gọi nó là "Palma".

Bất kể nắng mưa, ngày nào cũng vậy, cô chó Palma cũng ra đường băng dõi theo máy bay Il-18. Một kỹ thuật viên ở đây cho biết mình đã chứng kiến cảnh người chủ của nó tranh cãi với tiếp viên hàng không, nhưng không thể xác định thêm chi tiết về vụ việc.

Cuối cùng, phi công Vyacheslav Valentey đã đưa câu chuyện về chú chó chăn cừu tuyệt vời này lên tờ Komsomolskaya Pravda.

Nếu không có Valentey, sẽ chẳng có ai nghe gì về Palma cả.

Nhà báo kiêm nhiếp ảnh gia Yuri Rost nhớ lại.
Phi công Vyacheslav Valentey (Ảnh: Alexander Opryshko/Central Studio for Documentary Film, 1978)

Ông Rost đã đến Vnukovo để gặp chú chó đặc biệt này.

Bây giờ tất cả chúng tôi đều cho nó ăn. Nhưng nó không ăn từ tay ai và cũng không để bất cứ ai đến gần mình. Ngoại trừ kỹ thuật viên Volodin. Họ dường như đã trở thành bạn bè, nhưng nó cũng không muốn đến chỗ anh ấy lắm. Chắc nó sợ sẽ lỡ mất máy bay.

Một nhân viên sân bay nói với ông Rost.

Một ngôi nhà mới

Ngay sau đó, tờ Komsomolskaya Pravda đã đăng một bài báo về Palma với tiêu đề Hai năm chờ đợi, trong đó có lời kêu gọi người chủ đã bỏ rơi con chó:

Có thể người đã bay đi trên chiếc Il-18 đó sẽ đọc được bài báo này, đó là người có lẽ đã quyết định rằng ai đó mà ông ta, đáng buồn thay, phải bỏ lại phía sau đã quên ông ta mất rồi. Người này nên khẩn trương xin nghỉ làm, tìm lấy tiền rồi bay đến Moscow đi nhé.

Câu chuyện của Palma đã khiến cả Liên Xô xúc động. Tờ báo nhận được hàng nghìn lá thư xin nhận nuôi vì có rất nhiều người muốn nhận nuôi một chú chó tận tụy và trung thành như vậy.

Người ta sau đó cũng tìm thấy chủ nhân của cô chó. Trong một lá thư gửi cho tờ báo, ông này cố biện minh cho bản thân, nói rằng "các vấn đề cứ chồng chất, ông bị trói buộc và quên mất" con chó. Tuy nhiên, ông cũng không hề bày tỏ mong muốn hay thể hiện ý định quay trở lại và cũng không tiết lộ tên ban đầu của con chó, đó là lý do tại sao nó vẫn được gọi là Palma.

Bà Vera Kotlyarevskaya dắt theo Palma (Ảnh: Alexander Opryshko/Central Studio for Documentary Film, 1978)

Một cuộc tìm kiếm chủ nhân mới cho chú chó đã bắt đầu và cuối cùng bà Vera Kotlyarevskaya ở Kiev là người được chọn. Bà là phó giáo sư tại một học viện sư phạm, cũng là chắt của nhà thơ Ukraine nổi tiếng Ivan Kotlyarevsky. Bà đã có được sự tin tưởng của chú chó nhạy cảm và thận trọng này.

Xin nghỉ làm một tháng, bà Vera đến Vnukovo. Bà thăm cô chó mỗi ngày và nhanh chóng chiếm được lòng tin của nó. Cuối cùng, bà cho Palma dùng thuốc ngủ và đưa nó về căn hộ của mình ở Kiev. Đáng mừng là nó không hề tỏ ra hung hăng hay hoảng sợ.

Một con chó rất cân bằng, có hệ thần kinh ổn định, quen với con người và sống ở nhà nhiều. Ở nhà, nó hay đến gần con gái tôi khi con bé đang ngủ, liếm lên má và cẩn thận cắn nhẹ vào tai con bé.

Bà Kotlyarevskaya viết trong nhật ký.

Được biết cô chó cũng nhiều lần cố trốn đi, đó là lý do tại sao họ luôn phải đóng chặt cửa ban công và cửa sổ.

Mãi sáu tháng sau, Palma mới ổn định cuộc sống và cuối cùng đã chấp nhận ngôi nhà và chủ nhân mới, dành cho họ tất cả tình yêu và sự trung thành của mình.

Theo: Russia Beyond
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.