• Về đầu trang
Spock
Spock

Chuyện lạ như đùa: Cha mẹ Trung Quốc cắm trại ngay trong trường Đại học vì... thương con

Cuộc sống

Khi Yang Zheyu nhập học tại Đại học Thiên Tân vào mùa thu năm nay, cậu đã mua tất cả những gì cần thiết cho mình: từ áo ấm, từ điển, kem đánh răng và tận bốn đôi giày nữa. Đó là cách cậu chuẩn bị cho năm đầu tiên trong đời sống xa gia đình.

Và chỉ vài trăm mét từ ký túc xá của con trai, mẹ cậu đang ngồi trong một chiếc lều màu xanh dương ngay phòng tập thể chất của trường Đại học Thiên Tân. Bà đã nấu sẵn mì, mua xà bông vệ sinh và thậm chí là sẵn sàng lau sàn phòng kí túc xá cho con trai.

merlin 143397672 d5d867c8 a5e7 4206 acfa 489a53446234 jumbo

Cha mẹ của các tân sinh viên đang ngồi trong các căn lều tạm ở nhà thể chất Đại học Thiên Tân, khi con cái họ cũng đang dần quen với cuộc sống ở kí túc xá

“Thật tốt khi mẹ tôi cũng ở đây với tôi”, cậu sinh viên Yang cho biết. Cũng như nhiều sinh viên khác nhập học cùng cậu, họ đến từ những thị trấn cách vùng trung tâm kinh tế Trung Quốc hơn 700 dặm (khoảng 1100 km). "Nói thật, tôi chưa bao giờ xa nhà trước kia."

Mẹ của Yang, bà Ding Hongyan, có xuất thân nông dân, là một trong số hơn 1.000 bậc cha mẹ của sinh viên khóa 2018 đã quyết định dựng lều và sinh hoạt ngay trong trường Đại học vào tháng 9 này, để xem con cái mình sống thế nào trong những ngày đầu xa rời vòng tay chăm sóc của bố mẹ.

Trong hành trang của họ là những túi hạt hướng dương, với đầy giấy vệ sinh và nhiều lời mời mọc về các loại dịch vụ, hay lời khuyên cho cha mẹ như giá một bánh bao hấp quanh trường đại học, ngành học nào là dễ kiếm việc nhất, hay cả quảng cáo về hẹn hò trực tuyến.

merlin 143397615 578369c9 eed4 4782 8cef 73c4b56732b0 jumbo

Dịch vụ "lều yêu thương" kiểu này khiến nhiều người lo ngại về tác động tiêu cực của chính sách "một con" đến một thế hệ trẻ Trung Quốc nói chung

Từ năm 2012, Đại học Thiên Tân đã giới thiệu cho các bậc phụ huynh về dịch vụ “lều yêu thương" này để cho nhiều cha mẹ, vốn vẫn còn bỡ ngỡ với việc sống xa con cái có thể “tạm biệt” con mình dễ hơn. Bất kể phụ huynh đến từ tầng lớp nào, trường cũng không thu tiền dịch vụ nói trên.

Nhưng chính hành động này của trường Thiên Tân hay một số đại học khác trên cả nước đã thổi bùng lên cơn tranh cãi về hệ quả của chính sách một con tại Trung Quốc vào những năm 80. Mặc dù hoàn thành tốt mục tiêu đề ra là kìm hãm sự phát triển dân số của quốc gia này, nhưng một bộ phận “con một” lại không có khả năng tự lập khi được bố mẹ nuông chiều.

Những người Trung Quốc, từng sống dưới thời Cách mạng Văn hóa vào các thập niên 60 vào 70 - vốn được biết đến là thời kì đầy biến động cả về kinh tế và chính trị, lên tiếng chỉ trích các bậc cha mẹ trong “lều yêu thương”. Theo quan điểm trên, chính họ đã khiến các con trở nên mềm yếu trước những thách thức của cuộc sống bằng việc bao bọc con trong vòng tay yêu thương của gia đình.

merlin 143397693 f6a15d2c 848e 4e13 bed5 64651e7aeb07 jumbo

Bà Ding Hongyan, mẹ của một sinh viên đã lặn lội hơn 1000 km để xem tình hình sinh sống của con những ngày mới nhập học

Nhiều người trẻ Trung Quốc hiện tại chính là người đầu tiên trong gia đình được đi học đại học. Chính phủ đã cho phép mở hàng trăm trường đại học trong những năm gần đây, và số sinh viên trúng tuyển hiện lên tới 37,8 triệu vào năm ngoái, tăng hơn 20% kể từ năm 2010.

Tại Đại học Thiên Tân, các cha mẹ tại đây cho biết họ chấp nhận sống trong lều vì lo lắng cho cuộc sống mới của con ở nơi xa, nhưng bản thân lại không có đủ điều kiện để đến sống cùng con tại thành phố mới. Nhiều người đến từ các vùng nông thôn, chủ yếu là nông dân, giáo viên và công nhân xây dựng.

Qi Hongyu, một hiệu trưởng trường mẫu giáo từ tỉnh phía đông Giang Tô, đã không nề hà chặng đường dài để đến Thiên Tân bởi ông tự hào về con gái của mình và muốn đến để xem cô bé sống thế nào ở môi trường mới. “Con bé đang viết tiếp giấc mơ của tôi,” ông nói. Trong lời kể, ông cũng không giấu nổi sự hãnh diện khi con gái mình và 17.000 sinh viên khác đang được giáo dục tại một trong những trường đại học lâu đời và danh giá nhất Trung Quốc.

merlin 143397537 3d0c139d bf60 41f4 a379 88dd62044efc jumbo

Đại học Thiên Tân, một trong những đại học lâu đời và uy tín nhất Trung Quốc, chính là giấc mơ của nhiều sinh viên

Ông Qi, như nhiều người Trung Quốc có xuất thân nông dân khác đều thấy rằng, hiện nay con cái của họ đang được hưởng thụ một cuộc sống tốt đẹp hơn hơn so với thế hệ trước. Nhưng ông cũng hy vọng rằng bọn trẻ sẽ trở nên tự lập và biết lo cho bản thân hơn khi sống xa gia đình. Ông nói: “Bọn trẻ đã lớn lên trong sự che chở của gia đình. Chúng chưa bao giờ có trải nghiệm thực tế ngoài xã hội bởi suốt ngày chỉ biết có học thôi”.

Khi trời sẩm tối, hàng trăm bậc làm cha mẹ, cũng trải chăn nệm xuống khu vực sàn nhà thể chất sau một chuyến hành trình dài từ quê nhà đến trường học. Chuyện vệ sinh cá nhân đều được thực hiện ở trong phòng thay đồ gần đó. Tiếng nói cười, xen lẫn là phương ngữ từ nhiều vùng khác nhau khắp Trung Quốc khiến cho cả khu nhà sôi động hẳn lên.

merlin 143397612 0a74141e f416 4b7f 982a fdb620c8608e jumbo

Có đến 1000 vị phụ huynh đang "cắm trại" tại đây và họ đều là cha mẹ của những tân sinh viên.

Khi chuẩn bị ngủ, họ nói về những nơi bán quà sáng và cửa hàng để mua chăn hay ga trải giường cho con. Điểm số mà con họ đạt được trong kỳ thi tuyển sinh đại học, những ngành học “tốt”, thường là liên quan đến công việc trí óc tại những trung tâm công nghiệp lớn... là chủ đề được nhiều người quan tâm nhất.

Một giáo viên tiếng Anh tại một vùng nông thôn Trung Quốc, bà Yang Luping vẫn đang dặn dò con gái mình rằng chẳng mấy chốc cô sẽ phải học cách tự giặt quần áo cá nhân khi bắt đầu cuộc sống ở trường đại học. "Con biết rồi mà mẹ", con gái của bà Yang, cô Lu Yizhuo, ngắt lời mẹ mình.

merlin 143397711 c61347c3 2b19 4388 9529 09a18d1eb654 jumbo

Bà Yang Luping đang dặn dò con gái về những khó khăn trước mắt ở trường Đại học

Theo như mô tả về bản thân, “mẹ Hổ” Yang Luping đã phải làm việc cật lực suốt nhiều năm để con gái có cơ hội học tập tại một trường đại học tốt. Khi con gái còn bé, bà đã dùng búp bê Barbie như một cách thúc đẩy việc học của con. Kể cả khi con gái học tại trường nội trú, bà vẫn giặt quần áo cho con khi cô về nhà vào mỗi cuối tuần.

Với bà Yang, con gái chính là “của để dành” của bà và một khởi đầu tốt tại trường đại học của con không thể thiếu sự cổ vũ từ phía gia đình."Tôi muốn được ở bên cạnh con bé để để chắc chắn là nó vui vẻ và an toàn ở đây", bà Yang kể. "Tôi luôn nói với con bé rằng nếu có kiếp sau, tôi vẫn muốn làm mẹ nó một lần nữa."

Quay lại với mẹ con Yang, mẹ cậu lo rằng cậu sẽ dễ bị ốm vặt tại những nơi có nhiều cao ốc và tiếng ồn như nơi đây. Đôi khi cậu còn quá đắm chìm vào các trò chơi trên điện thoại di động, và điều đó có thể khiến cậu bị xao nhãng khỏi việc học. Bởi vậy, bà đã dặn cậu rất nhiều trong ngày đầu nhập học: Không chơi game. Không chơi với bạn xấu. Và không yêu đương.

Nhưng Yang lại thấy điều đó có phần hơi bất tiện và hứa với mẹ rằng họ sẽ giữ liên lạc thường xuyên qua điện thoại và WeChat, một ứng dụng nhắn tin phổ biến tại Trung Quốc. “Mẹ có thể gọi điện lúc nào tùy thích, nhưng đừng có làm ảnh hưởng đến việc học của con”, Yang nhắc mẹ.

Theo: The New York Times
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.