• Về đầu trang
Raven Le
Raven Le

Nhiều vụ trộm cắp nông sản và gia súc liên quan đến người Việt Nam gây tranh cãi trên MXH Nhật

Cuộc sống

Nhật Bản thường được coi là một quốc gia an toàn, nơi mà hành vi trộm cắp tài sản rất hiếm khi xảy ra, bạn có thể để quên điện thoại, máy tính xách tay hoặc ví của mình và yên tâm khi biết rằng không ai khác sẽ chạm vào nó, đa phần người ta sẽ tìm lại được của rơi tại trạm gác gần nhất của cảnh sát địa phương. Tuy nhiên, vào mùa hè này, nạn trộm cắp gia tăng… nhiều báo cáo gia súc, thiết bị canh tác và nông sản bị mất cắp được cảnh sát ghi nhận và nó liên quan tới người Việt.

Bộ Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản (MAFF) đã cảnh báo mọi người về vấn đề trên với dòng tweet này được đăng lên tài khoản chính thức của họ vào ngày 3 tháng 9.

【Xin hãy cảnh giác】 Nhiều nhà sản xuất đang bị trộm cắp gia súc và sản phẩm nông nghiệp, những thứ vốn được chăm sóc cẩn thận, các loại máy móc như máy kéo cũng bị đánh cắp. Bộ Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản kết hợp với Cơ quan Cảnh sát Quốc gia đang cảnh báo người dân và cắm chốt đề phòng trộm cắp. Đối với các nhà sản xuất, xin vui lòng cảnh giác theo hướng dẫn này.

Các vụ trộm tại những trang trại đã ảnh hưởng đến một số nhà sản xuất trên khắp Nhật Bản, đặc biệt là ở các tỉnh Ibaraki, Saitama và Gunma. Tỉnh Saitama bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với 688 con lợn (bao gồm cả lợn con), 3 con bò và 28 con gà được báo cáo bị đánh cắp trên 5 khu vực. Trong khi đó, tổng cộng 132 con lợn đã bị trộm từ hai thành phố ở tỉnh Gunma và 6 con bò thuộc một thành phố ở tỉnh Ibaraki cũng đã được báo cáo là bị đánh cắp.

Việc xảy ra một loạt các vụ trộm trang trại ở mức độ này là cực kỳ bất thường tại Nhật Bản, sau khi các báo cáo được thu thập, người ta bắt đầu đặt câu hỏi rằng ai có thể là thủ phạm đứng sau chuyện này. Nam diễn viên kiêm nhạc sĩ Nhật Bản Takeshi Tsuruno, người có họ hàng làm trong ngành nông nghiệp, đã tweet lại tin nhắn từ MAFF và chia sẻ nội dung như sau:

Trong ruộng của chúng tôi, rau mùi/ngò gần đây đã bị đánh cắp. Thủ phạm đã bị bắt quả tang nhưng vẫn kiên trì nói “Tôi không hiểu tiếng Nhật” nên mọi người hãy cẩn thận. Thật đáng buồn, chúng tôi đã lắp đặt một camera giám sát.

Bài tweet của Tsuruno nhanh chóng lan truyền, nhận được hơn 34.000 lượt thích và hơn 16.000 lượt retweet. Thực ra, đại ý của bài viết này không nói về chuyện rau củ, nó đang ám chỉ rằng kẻ trộm không phải người Nhật, mà là người "nước ngoài". Cách nói của Tsuruno cũng nhận được một số bình luận tiêu cực:

“Bạn không cần phải đề cập rằng họ không hiểu tiếng Nhật.”

“Thật kỳ lạ khi biến thứ này thành một chủ đề Nhật Bản / không phải Nhật Bản.”

"Một tên trộm là một tên trộm, bất kể chủng tộc nào."

"Vì vậy, đó có thể là một người Nhật giả vờ rằng họ không hiểu tiếng Nhật, phải không?"

"Chúng ta nên tập trung vào bản thân tội phạm, không phải quốc tịch của tội phạm."

Sau khi nhận phản ứng dữ dội, Tsuruno đã cố gắng quay lại nhận xét ban đầu của mình với một thông điệp bổ sung:

“Hành vi ăn cắp nông sản, dù của Nhật Bản hay nước ngoài, đều là tội hình sự. Đó là một sự thật, không phân biệt đối xử. Anh rể của tôi đã sử dụng lòng trắc ẩn của một samurai và tha thứ cho họ, nhưng chúng tôi không ngờ họ lại đưa ra cáo buộc như vậy, vì vậy chúng tôi nhất định sẽ báo cảnh sát lần sau. Các ruộng lân cận cũng bị ảnh hưởng tương tự nên chúng tôi sẽ cùng nhau phòng chống tội phạm ”.

Điều này chỉ làm dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi khác trong phần bình luận, khiến Tsuruno phải tự hỏi tại sao anh ta, với tư cách là nạn nhân, lại bị chỉ trích thay vì tội phạm. Sau đó anh ta thoát khỏi cuộc tranh luận bằng cách nói:

“Tôi xin lỗi, nhưng mọi người đã xúc phạm tôi!! Tại sao nạn nhân lại bị chỉ trích?! Điều này thật quá lố và tôi hoàn toàn tức giận."

Chính trị gia Nhật Bản và cựu Thống đốc tỉnh Niigata - ông Ryuichi Yoneyama sau đó đã tham gia cuộc tranh luận bằng cách nói rằng ngay cả khi thủ phạm là người nước ngoài trong vụ án này thì điều đó không tự động liên kết người nước ngoài với vụ trộm gia súc phổ biến mà MAFF đề cập.

Tuy nhiên, ông Niigata cũng cho biết vào ngày 26 tháng 9, có thông tin rằng một cảnh sát ở tỉnh Gifu đã bắt giữ hai người nước ngoài vào ngày 31 tháng 7 liên quan đến việc gây thiệt hại cho cơ sở chăn nuôi gia súc địa phương. Cảnh sát bắt gặp hai người đàn ông Việt Nam đi xe đạp lúc 4 giờ sáng và phát lệnh truy đuổi sau khi phát hiện vết máu trên xe đạp của họ. Đến khoảng 6h30, một con bò ở cùng khu vực này được phát hiện đã chết và bị cắt mang đi một phần thịt khiến hai người này bị bắt vì nghi ngờ trộm cắp.

Tin tức đưa tin người Việt Nam trộm và giết bò ở Nhật.

Những vụ việc tương tự như vụ trộm bò kể trên đã khiến phương tiện truyền thông địa phương tự động suy diễn và gán tội trộm cắp vật nuôi đối với công dân Việt Nam tại Nhật. Sau khi phỏng vấn một cửa hàng bán nguyên liệu và nhà hàng phong cách Việt Nam, đài TV Asahi xác nhận rằng một người Việt Nam đã gọi điện đến cho chủ cửa hàng để mời chào và đề nghị bán cho họ một con lợn con. Lợn nguyên con thường không được bán ở Nhật Bản vì họ không ăn theo cách này, theo báo cáo của TBS News, chỉ có người Việt Nam thường ăn lợn nguyên con, xiên que và quay vào những dịp trọng đại như đám cưới (món heo sữa quay).

Do các vụ trộm cắp gia súc phổ biến ở các tỉnh Ibaraki, Saitama và Gunma ngày càng nhiều, có vẻ như các phương tiện truyền thông Nhật Bản đã trở nên chú tâm đến việc xác định quốc tịch có thể có của những kẻ tội phạm. Những khu vực này cũng là nơi có nhiều du học sinh, tu nghiệp sinh, thực tập sinh Việt Nam đang sống, học tập và lao động.

Mới đây, cảnh sát thành phố Nagano vào ngày 9 tháng 9 đã cho biết có hai nữ thực tập sinh người Việt bị bắt vì ăn trộm nho quý và có hành vi hành hung với người bảo vệ vườn. Theo điều tra, hai người phụ nữ sống tại thành phố Nagano, tên họ ghi nhận là Tran Thi Lieu, 32 tuổi cùng Duong Thi Kim Hieu, 20 tuổi.

Vườn nho ở Odanaka bị trộm bởi 2 nữ thực tập sinh Việt Nam.

Cả hai bị bắt gặp lẻn vào vườn nho ở Odanaka thuộc thành phố Nagano để trộm những chùm nho có tên gọi "Shine Muscat" có giá hàng triệu đồng mỗi chùm. Sau khi bị phát hiện, Tran Thi Lieu đã cắn vào tay bác bảo vệ. Tran Thi Lieu bị với cáo buộc cướp giật và gây thương tích, đồng phạm Duong Thi Kim Hieu chạy thoát nhưng cũng bị bắt không lâu sau đó. Khai nhận với cảnh sát, cả hai cho biết là chỉ muốn hái nho ăn.

Xa hơn một chút vào giữa tháng 7, mạng xã hội Nhật cũng rúng động khi một chủ ruộng dưa hấu chia sẻ camera giấu kín cho thấy hai thủ phạm loay hoay lấy dưa và... nói tiếng Việt.

Một vlogger Việt Nam tại Nhật chia sẻ quan điểm về vụ nghi ngờ người Việt trộm dưa trên kênh YouTube.

Trên thực tế, các cơ sở canh tác nông nghiệp ở Nhật thường ở nơi vắng vẻ, rộng, xa trung tâm thành phố, ít người trông nom vì nạn trộm cắp vặt ở Nhật hiếm khi xảy ra (trên thực tế, Nhật Bản ghi nhận các vụ trộm quần lót và quấy rối nhiều hơn là trộm các tài sản đắt tiền khác). Một số cơ sở trồng rau củ, trái cây của Nhật thậm chí được trang bị hệ thống tưới tự động, chủ vườn điều khiển từ xa và ít khi xuất hiện. Điều này tạo điều kiện cho kẻ trộm dễ dàng lấy cắp nông sản. Hầu hết các trường hợp thủ phạm bị bắt sau khi chủ vườn lắp camera giấu kín ghi lại hành vi phạm tội và giao nộp video cho cảnh sát "bắt nguội".

Hiện tại tình hình trộm cắp đang gia tăng ở Nhật liên quan mật thiết đến đại dịch Covid-19, vì trạng thái giãn cách khiến nhiều người thất nghiệp và mất thu nhập, trong số đó có những lao động người Việt. Nhiều ý kiến cho rằng tình thế túng quẫn khiến họ phải đi trộm nông sản và gia súc để bán hoặc ăn qua ngày. Mặc dù chưa có gì chắc chắn rằng chỉ có người Việt mới đi ăn trộm, tuy nhiên những vụ việc gần đây nhất lại liên quan đến người Việt, khiến dân bản xứ hình thành suy nghĩ nghi ngờ và kỳ thị.

Theo: Jin115, SBC News...
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.