• Về đầu trang
CIBOONG
CIBOONG

Những kênh nhạc YouTube giúp bạn học và làm việc tại nhà thật hiệu quả

Cuộc sống

Vào những ngày này, mặc dù hầu hết các công ty, trường học đều tạm thời đóng cửa nhưng Lost Bird biết rằng nhiều chymie vẫn đang phải giải quyết công việc và bài tập tại gia hằng ngày.

Chính vì thế, hãy cùng biến một ngày làm việc và học tập của chúng ta trở nên thật vui vẻ và năng suất bằng những giai điệu sau đây nhé!

1. Lofi

Lofi (hay Lo-Fi, tức low-Fidelity) được Urban Dictionary định nghĩa là một loại nhạc không lời có nguồn gốc và ảnh hưởng từ Boom-Bap, nhạc không lời New York Underground, các đoạn nhạc jazz vào những năm 1960 - 1970, và cả nhạc điện tử.

Theo Hyde School, nghe lofi khi học/làm việc sẽ giúp não bộ tập trung hơn. Bộ não sẽ chọn ra những âm thanh khác biệt và liên kết chúng với tư duy tập trung. Thể loại nhạc này cực thích hợp nếu bạn đang trong giai đoạn luyện thi mà dường như không thể ngồi yên một chỗ.

Sau đây là những kênh YouTube theo đuổi thể loại nhạc này:

sothace

sothace là một tân binh Việt trong làng nhạc lofi trên YouTube.

Chỉ mới được thành lập vào cuối năm 2019 nên sothace vẫn chưa nhận được quá nhiều sự chú ý từ cộng đồng mê nhạc lofi (đúng như YouTuber này mong muốn!). Tuy nhiên, sothace vẫn mang một màu sắc rất riêng bởi mỗi list nhạc là những bài hát phổ biến từ Đông sang Tây được phối lại cực bắt tai nên rất thích hợp cho những bạn có gu âm nhạc phong phú.

ChilledCow

Đã nhắc đến lofi thì không thể nào không gọi ChilledCow – cái tên gây bão hồi cuối tháng Hai vừa qua khi bị "ăn gậy" của YouTube. Trước đó, ChilledCow đã sẵn nổi danh với thời lượng phát trực tuyến hơn 1 năm cùng hàng trăm nghìn lượt xem ở bất kỳ thời điểm nào trong ngày.

Nhiều follower còn chia sẻ rằng ngồi làm việc cùng cô bé học bài bên cửa sổ trên nền nhạc lofi hiphop thì sẽ chẳng thể nào cảm thấy cô đơn được.

Nếu dữ liệu mạng của bạn bị giới hạn khiến việc nghe nhạc trên YouTube thật xa xỉ thì đừng lo lắng vì ChilledCow cũng đã có mặt trên Spotify rồi nhé!

Ngoài ra còn có rất nhiều kênh khác chuyên phát nhạc lofi cũng nhận được sự yêu mến của đông đảo người dùng YouTube, chẳng hạn như The Jazz Hop Café, nourish., STEEZYASFUCK,...

2. Baroque

Baroque là thể loại nhạc thịnh hành trong khoảng thời gian từ những năm 1600 đến năm 1750, không chỉ có âm điệu hùng vĩ, bi tráng và tràn đầy năng lượng mà còn rất đa dạng về phong cách. Một số nhà soạn nhạc lỗi lạc điển hình cho thể loại này là Johann Sebastian Bach, George Frideric Handel, Antonio Vivaldi,...

Tại sao chúng ta nên nghe baroque khi học tập và làm việc? Câu trả lời nằm ở nhịp điệu 60 nhịp/phút của thể loại nhạc này. Theo nghiên cứu, cơ thể của chúng ta sẽ được thư giãn khi nghe baroque: nhịp tim chậm lại, huyết áp giảm đi, đồng thời sóng não beta giảm 6% trong khi sóng não alpha (thích hợp cho trí nhớ và học tập) lại tăng 6%.

Các kênh YouTube chuyên phát baroque:

HALIDONMUSIC

Được thành lập từ năm 2009 tới nay, HALIDONMUSIC – tài khoản YouTube của hãng thu âm Italy – luôn nằm trong top những kênh chuyên về nhạc cổ điển phổ biến nhất.

Bên cạnh hàng loạt những video mới được tải lên để phục vụ cho nhu cầu #workfromhome trên toàn thế giới, HALIDONMUSIC còn sở hữu thư viện nhạc cổ điển đồ sộ được phân chia theo danh sách các nhà soạn nhạc như Mozart, Chopin, Tchaikovsky, v.v...

I Love You Venice

Khác với hầu hết những kênh phát nhạc trực tuyến mà chúng ta thường nghe, I Love You Venice đem đến cho người xem một trải nghiệm sống động hơn rất nhiều. Đúng vậy, kênh nhạc cổ điển này truyền hình trực tiếp những khung hình đẹp nhất từ thành phố được UNESSCO công nhận là Di sản thế giới về nghệ thuật và kiến trúc: Venice (Italy).

Trong thời điểm dịch bệnh hoành hành thế này thì có lẽ chẳng còn gì tuyệt vời hơn ngồi trước màn hình và ngắm nhìn những ngôi nhà nhỏ nhắn cũ kỹ nằm san sát nhau bên bờ kênh hiền hòa, khoảnh khắc hoàng hôn buông trên những con phố lát đá xinh xắn, hay bầu trời sáng sao cùng ánh đèn từ vài chiếc thuyền lững lờ trôi hắt xuống dòng nước lung linh tựa bức tranh sống của danh họa Vincent van Gogh trên nền nhạc cổ điển.

3. Jazz

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng nghe nhạc jazz cũng tác động rất tốt đến con người. Cụ thể, nhạc jazz có thể gửi tín hiệu đến hệ thần kinh trung ương giúp nhịp thở và nhịp tim của chúng ta chậm lại. Bên cạnh đó, nhạc jazz cũng cải thiện khả năng ngôn ngữ, khả năng tập trung, trí nhớ và tâm trạng của chúng ta.

Nếu muốn trải nghiệm dòng nhạc này, hãy thử ghé kênh Cafe Music BGM channel. Họ có khá nhiều luồng phát trực tiếp mỗi ngày cho bạn chọn lựa đó.

4. Original Soundtrack

Từ những bản nhạc tạo cảm giác thư thái yên bình của nhà Ghibli đến giai điệu vui tươi ngập tràn hứng khởi của nhà Disney, những kênh phát OST sẽ là chiếc vé nhanh nhất đưa bạn về tuổi thơ ngay trong giờ làm việc.

Nếu bạn là fan của Ghibli Studio thì chắc chắn không thể bỏ qua kênh Clark Briena của YouTuber người Hàn Quốc.

Ngoài những video tập hợp OST dài hơn một giờ đồng hồ, Clark Briena đã bắt đầu phát trực tiếp liên tục bộ sưu tập những bản nhạc tuyệt vời nhất của Ghibli từ ngày 10/3/2020.

Còn nếu bạn yêu thích tinh thần “magic never ends” của nhà Disney thì hãy chọn nghe những bản OST quen thuộc được cover trên tiếng piano của chàng nghệ sĩ trẻ người Nhật Bản - chủ kênh kno Disney Piano Channel

Được thành lập vào tháng 1/2014, kno Disney Piano Channel đến nay đã có gần 200 nghìn người đăng ký theo dõi. Bên cạnh những video với thời lượng dài trên 1 tiếng đồng hồ phù hợp khi làm việc, học tập và thư giãn, kênh YouTube này còn có cả các bản tutorial ngắn dành cho ai hứng thú với dương cầm nữa đấy!

15 ngày cách li xã hội rồi sẽ qua nhanh thôi. Đừng quên tranh thủ khoảng thời gian này để chăm sóc bản thân và tận hưởng sự thoải mái khi được học/làm việc tại nhà bạn nhé.

Bây giờ thì bật YouTube lên và bắt tay vào hoàn thành từng việc thôi!

Đọc tiếp

'Arigato Japan': Tàu Diamond Princess đã sạch bóng Covid-19 và sẵn sàng ra khơi

Full series

Covid-19

  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.