• Về đầu trang
Treng
Treng

Những lý do khiến chúng ta nghiện mua sắm và bí kíp 'cai nghiện thần tốc'

Cuộc sống

Mỗi khi gặp một chuyện buồn nào đó, người ta thường nghĩ ngay đến chuyện mua sắm để giải toả nỗi sầu. Khi sở hữu một món đồ mới, ví dụ như cái váy xinh xắn hay chiếc điện thoại thông minh đắt đỏ sẽ mang đến cảm giác hưng phấn khiến chúng ta bị phân tâm, tạm quên đi những vấn đề khó khăn mà bản thân đang phải đối mặt.

Mặc dù đôi khi lý trí khuyên chúng ta không cần thiết phải sở hữu món đồ đó, nhưng trái tim vẫn không thể cưỡng lại sức hấp dẫn của việc shopping. Dưới đây là một số lý do thôi thúc khiến chúng ta mải mê mua sắm dù sản phẩm đó không thật sự cần thiết. Bên cạnh đó, các chuyên gia còn gợi ý những biện pháp đối phó với tình trạng này giúp chúng ta chi tiêu một cách hợp lý, hiệu quả hơn.

1. Bạn muốn gây ấn tượng với người khác.

Theo thuyết tiến hoá của Darwin, các tài nguyên thiên nhiên là có hạn và con người không ngừng cạnh tranh, cố gắng đòi hỏi nhiều nhất để trở nên sung túc.

Tuy nhiên, một khi các nhu cầu cơ bản như cơm ăn áo mặc đã được đáp ứng, thì chúng ta sẽ tiêu xài tiền bạc vì những thứ hào nhoáng khác. Điều này dẫn đến việc mọi người thể hiện sự giàu có và tầm quan trọng của mình đối với thế giới bằng cách mua thật nhiều món hàng xa xỉ mặc dù không cần thiết.

Hãy nhớ rằng, những món đồ đẹp mắt, cầu kỳ không phải lúc nào cũng mang tới cảm giác thoải mái, dễ chịu. Thành thật mà nói, một chiếc áo len đắt tiền cũng sẽ không thể khiến tâm trạng bạn trở nên tốt hơn về lâu dài.

Với số tiền tương tự, bạn có thể dành một ngày thư giãn tại spa. Bạn sẽ được nghỉ ngơi, giảm căng thẳng và sẵn sàng đối mặt với mọi thử thách ở phía trước.

2. Bạn ghen tị với những người có nhiều hơn mình.

Chúng ta thường thích so sánh bản thân với những người xung quanh. Điều này dẫn đến việc chúng ta mua đồ chỉ vì bạn bè cũng sở hữu sản phẩm tương tự chứ không phải bản thân thực sự cần đến nó.

Ngoài ra, con người ích kỷ hơn những gì họ nghĩ. Từ trước đến nay, mọi người luôn quan niệm chỉ những kẻ mạnh mới có thể tồn tại đến cuối cùng. Vì vậy, họ không ngừng mua sắm để thể hiện sự trù phú của bản thân.

Tuy nhiên, trên thực tế thì hạnh phúc lại đến từ những điều nhỏ bé. Việc sở hữu nhiều món đồ không đồng nghĩa với việc bạn sẽ trở thành người hạnh phúc nhất. Mỗi khi mua một món đồ mới, bạn có thể cảm thấy hồi hộp, hưng phấn nhưng cảm giác đó sẽ nhanh chóng qua đi.

Một bữa tối đơn giản, quây quần trò chuyện cùng gia đình và bạn bè sẽ vui vẻ hơn nhiều. Khoa học đã chứng minh rằng những mối quan hệ lành mạnh, có ý nghĩa sẽ giúp gia tăng tuổi thọ.

3. Bạn là nạn nhân của các chiêu trò tiếp thị.

Các công ty luôn có đủ mọi chiêu trò để khiến bạn mua các sản phẩm của họ ngay cả khi bạn không biết gì nhiều về nó. Đến những khách hàng lạnh lùng, khó tính nhất cũng khó có thể cưỡng lại các chiêu trò tiếp thị, quảng cáo này.

Một trong những cách marketing chính là cho khách hàng dùng thử sản phẩm. Khoảnh khắc người tiêu dùng cầm trên tay một món hàng mới có thể tạo tâm lý sở hữu, khiến người đó mua thêm nhiều sản phẩm hơn.

Để đối phó với điều này, chúng ta cần suy nghĩ kỹ về những thứ mình sẽ mua trước khi bước ra đường. Khi đi mua sắm ở cửa hàng, mọi người có xu hướng vung tiền nhiều hơn lúc mua hàng trực tuyến. Vì vậy, để hạn chế tình trạng mua sắm vô tội vạ, chúng ta cần lập một danh sách những thứ phải mua trước khi ra khỏi nhà và chỉ mua đúng những món đồ có tên trong đó.

4. Bạn cảm thấy không kiểm soát được cuộc sống của mình.

Nhiều người cho rằng việc sở hữu các của cải vật chất giúp họ an tâm hơn. Điều này đúng trong trường hợp đó là các nhu cầu thiết yếu như cơm ăn áo mặc. Chúng ta có xu hướng cảm thấy an toàn hơn khi ngày 3 bữa no đủ, có xe cộ, có một ngôi nhà để trở về,... Tuy nhiên, việc mua sắm dư thừa chỉ mang lại cảm giác an toàn trong thời gian ngắn.

Thay vào đó, chúng ta hãy học cách sống đủ. Trước khi mua một thứ gì đó, chúng ta hãy tự hỏi bản thân rằng mình có thực sự cần nó hay không.

5. Bạn mua sắm vì cảm thấy buồn chán.

Lý do phổ biến nhất khiến chúng ta mua sắm điên cuồng chính là sự nhàm chán. Khi không có việc gì để làm, cảm thấy chán nản, buồn bã thì điều duy nhất chúng ta mong muốn chính là tìm thứ gì đó mới lạ để tăng thêm gia vị cho một ngày ảm đạm.

Nếu cảm thấy cuộc sống quá tẻ nhạt, bạn cần tìm cách để có thêm nhiều trải nghiệm. Sống có mục đích là sử dụng thời gian và tiền bạc cho những điều thật sự quan trọng, cần thiết, giúp tạo dựng một tương lai tốt đẹp cho chính mình và những người thân xung quanh. Vì vậy, thay vì mua một món đồ mới để tìm kiếm sự hồi hộp, phấn khích; bạn hãy đăng ký làm tình nguyện viên hoặc ra ngoài khám phá thế giới.

Theo: Bright Side
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.