• Về đầu trang
Hieu Duong
Hieu Duong

Pin mặt trời: Năng lượng sạch hay lượng rác thải khổng lồ?

Cuộc sống

Năng lượng mặt trời có thể sẽ trở thành nguồn năng lượng chính trong tương lai, tuy nhiên điều này đặt ra một câu hỏi khó có lời giải đáp: chúng ta sẽ làm gì với hàng triệu tấm pin hỏng bị thải ra?

Tháng 11 năm 2016, Bộ Môi trường Nhật Bản đã đưa ra con số chấn động về lượng rác thải từ việc sử dụng năng lượng mặt trời là 800.000 tấn vào năm 2040, và hoàn toàn chưa có kế hoạch khả thi nào để kiểm soát con số đáng báo động này. Cùng năm đó, Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (International Renewable Energy Agency - IRENA) ước tính đã có khoảng 25.000 tấn tấm quang năng bị thải ra trên toàn cầu và con số này sẽ đạt mức 78 triệu vào năm 2050. “Một sự tăng trưởng điên rồ” - một thành viên thâm niên thuộc Viện Nghiên cứu Năng lượng nhận xét - “Điều này sẽ sớm trở thành vấn đề nghiêm trọng”.

solar panel types recycled hero 77d62368225d3592e32e1cb5f582159f

Hàng triệu tấm pin mặt trời bị thải ra mỗi năm.

Thông thường, một tấm pin quang năng sẽ hoạt động 25 đến 30 năm, thậm chí lâu hơn. Tuy nhiên, khi ngành công nghiệp sản xuất pin mặt trời phát triển, thị trường sẽ tràn ngập những tấm pin “hàng nhái” đến từ Trung Quốc và tất nhiên tuổi thọ của chiếc pin kém chất lượng sẽ giảm đi khoảng 5 năm (theo nhận định của chủ biên trang Solar Power World).

Trước khi nói về sự nguy hại của rác thải từ việc sử dụng năng lượng mặt trời, chúng ta cần hiểu cấu tạo của tấm pin quang năng.

a device structure of solar cells on cnc substrates cnc ag peie pbdttt cpcbm moo 3

Cấu trúc phổ biến của một tấm pin năng lượng mặt trời.

Có rất nhiều loại pin quang năng. Tuy nhiên, cấu tạo chung của chúng đều gồm những thành phần chính là nhôm, thủy tinh, bạc và một loại vật liệu có tính dẻo là etylen-vinyl axetat. Chúng còn có thể bao gồm những chất nguy hiểm và thậm chí gây ung thư khác như chì, crom và cadmium. Bình thường, tấm pin sẽ rất an toàn nhờ có lớp kính chắc chắn. Tuy nhiên, khi lớp kính vỡ đi thì mọi chuyện sẽ khác. Khi kính bị vỡ do nhiệt hoặc do tác động lực thì các chất hóa học độc hại sẽ ngay lập tức phát tán ra ngoài.

Nguy cơ này sẽ càng cao hơn nữa khi các tấm pin được lắp đặt ở những vùng nhiều thiên tai (bão, mưa đá,...). Gió mạnh và mưa lớn có thể làm vỡ kính, các chất hóa học sẽ thấm vào đất, len lỏi rồi chảy vào mạch nước ngầm. Các chất độc hại bị rò rỉ rồi thấm vào đất hoàn toàn có mối liên hệ với sự biến đổi khí hậu. Điều này khó lường hơn rất nhiều lần so với tưởng tượng của chúng ta.

untitled

Tấm pin mặt trời có thể bị vỡ ra vì nhiều lí do và điều này rất nguy hiểm.

Pin quang năng chỉ là một trong rất nhiều loại rác thải công nghệ (các thiết bị điện hay công nghệ cũ bị thải ra môi trường). Trung Quốc chứa đến 70% trong tổng rác thải công nghệ của thế giới nhưng khả năng tái chế lượng rác này là một thử thách lớn. Kể từ đó, nhiều quốc gia phương Tây liên tục xem các nước Đông Nam Á là “bãi rác công nghệ” của mình. Tuy nhiên, đây chắc chắn không phải là một giải pháp lâu dài. Thử nghĩ mà xem, các doanh nghiệp thu gom những tấm pin đã hỏng rồi bán lại cho các nước muốn dùng “điện xanh” với giá rẻ thì thực chất, quá trình đó chỉ là chuyển đống pin phế thải từ bãi rác này sang bãi rác khác mà thôi.

e waste cover photo

Một bài toán khó giải quyết - "rác thải công nghệ".

Khi các nhà nghiên cứu còn đang đau đầu với bài toán xử lí số lượng rác điện tử thì lại xuất hiện một thử thách khác: việc tái chế khó có thể mang lại lợi ích kinh tế. Pin mặt trời bao gồm các vật liệu có giá trị, chẳng hạn như bạc và đồng, nhưng hàm lượng lại ít hơn điện thoại di động hay những thiết bị khác. Với hàm lượng ít ỏi đó, nhà tái chế sẽ khó thu được lợi nhuận cao sau quy trình tái chế pin hỏng mang tính phức tạp và đòi hỏi nhiều yếu tố kĩ thuật. Viện Nghiên cứu Năng lượng Điện đã đề nghị vận chuyển các tấm pin hỏng về cùng một vùng đất hay các công-ten-nơ. Đây là giải pháp được xem là khả thi nhất trong thời gian tìm ra câu trả lời cho bài toán tái chế vì ít nhất các tấm pin hỏng nên được gom về cùng một chỗ.

ar 180219675 1

Hiệp hội Công nghiệp Năng lượng mặt trời (SEIA) - một hiệp hội của Hoa Kỳ về lĩnh vực này - đã và đang xây dựng những trung tâm tái chế với hi vọng có thể cứu vãn được tình hình. Ngoài ra, hai năm trước, SEIA đã công bố một chương trình tái chế quốc gia, buộc các thành viên phải cân nhắc và đưa ra cam kết về các hành động của họ. Hiện nay, đã có 5 trung tâm tái chế được vận hành. Dù vậy, tình hình hoạt động không khả quan lắm. Vì các doanh nghiệp nhà máy đều đau đầu với bài toán mang tên “hiệu quả kinh tế” từ việc tái chế này.

Một chuyên gia đề xuất các quốc gia phải áp dụng những đạo luật cho vấn đề tái chế này. Mọi vật đều sẽ biến dạng khi không nằm trong cái khuôn của chính nó và việc này cũng vậy. Luật là cần thiết để đưa bài toán xử lí, tái chế pin quang năng nói riêng và rác thải công nghệ nói chung vào khuôn khổ và thực sự mang lại hiệu quả.

vietnam recycles

Tái chế rác công nghệ là một quá trình lâu dài.

Trên thực tế, đã có những động thái từ các quốc gia. Một số nhà làm luật đề nghị cộng thêm một khoản phí tái chế vào giá của mỗi chiếc pin mặt trời. Bang Washington đã tiên phong đi những bước đầu tiên: Năm ngoái, họ đã ban hành điều luật buộc những nhà sản xuất pin quang năng phải có kế hoạch tái chế. Vào tháng 6, EU đã thực hiện kế hoạch tái chế pin mặt trời đầu tiên của mình tại Pháp.

Đó chỉ là những bước nhỏ trên con đường dài phía trước. Những kế hoạch thực sự toàn diện phải được thực hiện trước khi Trái Đất của chúng ta bị lấp kín bởi những tấm pin. Các thiết bị công nghệ tiên tiến đem lại cho chúng ta nhiều sự tiện lợi nhưng mặt khác chúng cũng kéo theo những hệ quả khó kiểm soát.

Theo: The Verge
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.