• Về đầu trang
Raven Le
Raven Le

Quên chuyện cưới hỏi đi, người Hàn Quốc thậm chí còn không muốn hẹn hò

Cuộc sống

Không chỉ ở Việt Nam mà tại Hàn thì giới trẻ cũng rất sợ câu hỏi "Có vợ chưa?" hoặc "Khi nào con có chồng?" từ người thân, họ hàng. Một bộ phận thuộc thế hệ cuối của Gen X và đầu Gen Y (những người sinh năm 80 đến đầu thập niên 90) nay cũng đã trưởng thành, với độ tuổi từ khoảng 25 đến dưới 40.

Họ đang chịu nhiều áp lực, phân vân không biết có nên lập gia đình hay không. Một người đàn ông 34 tuổi giấu tên cho biết:

Mỗi lần tôi đến thăm bố mẹ, họ lại tạo áp lực bắt tôi sớm có vợ. Họ bắt đầu câu chuyện như là đang đùa vui nhưng vào cuối cuộc hội thoại thì thái độ của hai ông bà trở nên rất nghiêm trọng.

Ý kiến khác từ chị phụ nữ 32 tuổi làm công việc tự do ở Seoul cũng khá tương đồng:

Mỗi khi gặp tôi lần đầu người ta lại hỏi khi nào tôi có gia đình, nhất là người già, họ hay hỏi mấy câu tương tự như vậy lắm.

phu nu han quoc

Phụ nữ Hàn Quốc quá chán nản với việc có chồng, sinh con.

Rõ ràng giới trẻ cảm thấy người già rất khiếm nhã khi cứ chăm chú đào sâu vào đời tư của người khác như vậy. Thực tế mà nói thì bất chấp sự hối thúc của người thân, giời trẻ Hàn Quốc hiện nay không màng đến hôn nhân, thậm chí họ còn không buồn hẹn hò.

Một khảo sát bởi Viện nghiên cứu sức khỏe và xã hội Hàn Quốc cho thấy từ tháng 1 năm 2012 thì 40% người trẻ có độ tuổi từ 20 đến 44 đã không còn hứng thú trong việc yêu đương nữa, tất nhiên dẫn đến tỷ lệ kết hôn theo nghi thức truyền thống cũng thấp hơn đáng kể.

Đến năm 2015, theo báo cáo của tờ báo Korea Herald thì 90% nam và 77% nữ Hàn Quốc có độ tuổi từ 25 đến 29 chưa kết hôn, ở độ tuổi 30 đến 34 thì trung bình có 54% dân số chưa lập gia đình và giảm xuống còn 33% đối với người 40 đến 45 tuổi. Tức có 1/4 người Hàn Quốc ở tuổi trung niên vẫn chưa có gia đình, cao hơn cả Nhật Bản là 25% nam giới và 14% nữ giới trung niên độc thân.

dan so han quoc

Tốc độ già hóa dân số ở Hàn Quốc đang tăng nhanh hơn cả Nhật Bản.

Tỉ lệ cặp vợ chồng sinh con ở Hàn Quốc cũng giảm rõ rệt, vào năm 2018 tỉ lệ này là 0,95 tức ứng với mỗi 100 phụ nữ thì có 95 em bé ra đời. Để ổn định dân số và độ tuổi của người dân thì tỉ lệ sinh em bé phải đạt 2,1, tức ứng với mỗi 100 phụ nữ phải có 210 em bé ra đời. Vào thập niên 70, cứ mỗi năm có 1 triệu em bé ra đời nhưng vào 2017 con số này chỉ còn 357 nghìn.

Theo các số liệu thống kê nói trên, Đại học Cao Ly dự đoán đến năm 2030, một phần ba dân số Hàn Quốc sẽ là người già trên 65 tuổi. Họ sẽ thành gánh nặng cho người trẻ và cả nền kinh tế quốc gia.

Những ''rào cản hôn nhân" nào ngăn các cặp đôi đến với nhau?

Kết hôn và có con sẽ trở thành gánh nặng tài chính cho bất kỳ cặp đôi trẻ nào trong bối cảnh kinh tế Hàn Quốc có tỉ lệ thất nghiệp cao suốt 17 năm qua. Thu nhập trung bình của người Hàn Quốc vẫn chỉ đủ sống với 31.000 USD một năm trong xã hội mà vật giá rất đắt đỏ.

Thống kê năm 2013 cho kết quả rằng mỗi cặp vợ chồng Hàn Quốc phải chi 90.000 USD để kết hôn, bao gồm cả việc tổ chức lễ cưới và chi phí quà tặng cho bà con hai họ gái trai. Tức chi phí cho đám cưới nhiều gấp 3 lần tổng thu nhập trung bình hàng năm của họ, một con số rất rất đáng để cân nhắc khiến bất kỳ người trẻ nào cũng chùn bước khi nghĩ tới việc thành hôn.

phu nu han quoc 2

Một cô gái trẻ Hàn Quốc đứng selfie một mình, ngoài kia là thành phố Seoul sầm uất. Bức ảnh có thể nói lên nhiều điều.

Ngoài ra còn một vài yếu tố văn hóa xã hội khác cũng ngăn trở hôn nhân. Một phụ nữ người Úc từng làm dâu gia đình Hàn Quốc tiết lộ:

Hôn nhân ở Hàn Quốc là một cách để gia tăng của cải và các mối quan hệ, nếu cô dâu hoặc chú rể có gia thế hiển hách hoặc có nghề nghiệp cao quý như bác sĩ chẳng hạn, họ sẽ yêu cầu thông gia phải chi trả một khoản phụ phí rất lớn. Người Hàn nghĩ rằng điều đó là xứng đáng thôi vì họ có địa vị cao trong xã hội nên thông gia phải đóng thêm một khoản ''thuế'' vậy.

Bên cạnh đó trong một xã hội coi trọng công việc và học tập thì tình thân bị xếp vào hàng thứ yếu là hiển nhiên. Thống kê 2017 cho thấy người lao động Hàn Quốc làm việc nhiều hơn người Mỹ đến 250 giờ mỗi năm và hơn người Đức tới 424 giờ.

Năm 2018 thống kê trên các trang tuyển dụng như Job Korea hay Albamon chỉ ra rằng người 68,3% người lao động Hàn Quốc xem trọng sự nghiệp hơn hôn nhân, và 47,5% không kết hôn vì lo ngại áp lực tài chính.

gio lam viec

Hàn Quốc đứng top trong số các nước có số giờ làm việc hàng năm cao nhất. Không tính hiệu suất công việc. (số liệu năm 2017)

Phụ nữ Hàn Quốc trở nên ''kén cá chọn canh'' hơn xưa

Khi xã hội ngày càng văn minh tiến bộ, người phụ nữ nhận ra họ mất quá nhiều quyền lợi khi kết hôn: công việc, cơ hội tiến thân, sự tự do chăm lo cho bản thân, thời gian để hưởng thụ thành quả lao động... họ sẽ mất tất cả nếu phải tay bồng tay bế con nhỏ lại còn phải đảm đương việc tề gia nội trợ, cơm dâng nước rót cho các ông chồng.

phu nu han quoc 3

Những cô gái trẻ thà giữ mãi tuổi thanh xuân còn hơn làm vợ làm dâu cung phụng cho nhà chồng.

Chính quyền Seoul đã nhận ra điều này từ năm 2005, họ chi trả hơn 32 tỷ USD (746 tỷ VND) để trợ cấp cho các cặp vợ chồng trẻ có con nhỏ thêm 268 USD mỗi tháng (khoảng 6 triệu VND). Tuy nhiên kế hoạch này không có hiệu quả vì số tiền đó vẫn quá ít và không đáng để đánh đổi nếu so với những gì người phụ nữ có thể mất nếu kết hôn.

Ông Shin Gi-wook, một nhà xã hội học người Hàn Quốc công tác ở Đại học Stanford, Hoa Kỳ giải thích:

Phụ nữ Hàn Quốc không thể cân bằng giữa sự nghiệp và những gì mà ''thuần phong mỹ tục'' của xã hội áp đặt lên họ. Tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn tồn tại ở Hàn Quốc, người phụ nữ phải vào vai người vợ, người mẹ, con dâu... tất nhiên họ sẽ không muốn đánh đổi sự nghiệp để gánh lên vai những trách nhiệm đó.

Hàn Quốc đối mặt với khủng hoảng dân số nghiêm trọng

Theo nghiên cứu của giảng viên khoa xã hội học Michael Hurt ở Đại học Seoul, chính phủ Hàn Quốc cần có kế hoạch để diệt tận gốc nạn phân biệt giới tính, đồng thời cải cách toàn bộ các chính sách bất lợi cho nữ giới thì mới mong tăng được tỉ lệ sinh con ở nước này.

trong nam khinh nu ava1

Nạn phân biệt giới tính ở Hàn Quốc có nguy cơ đẩy dân tộc này đến bờ vực diệt vong.

Nếu không thể cải thiện được tình hình khủng hoảng dân số hiện nay thì người Hàn Quốc sẽ ''diệt chủng tự nhiên'' vào năm 2750. Đây không còn là vấn đề kinh tế xã hội nữa mà là sự tồn vong của dân tộc, một nghiên cứu bởi chính phủ vào năm 2014 cũng chứng nhận điều này.

Theo đó ông Michael Hurt nói:

Nạn phân biệt giới tính ở Hàn Quốc cần được xem là tội ác ''chống lại dân tộc'', trên phương diện nhân khẩu học, người Hàn đang tự đẩy mình đến tình trạng diệt chủng khi cứ trọng nam khinh nữ.

Cứ một người phụ nữ Hàn Quốc bị vùi dập bởi sự phân biệt giới tính thì nhiều người khác sẽ nhìn vào đó mà quyết định không kết hôn. Nếu muốn duy trì dòng giống Cao Ly thì hãy mau xóa bỏ nạn phân biệt đi thôi.

Theo: South China Morning Post
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.