• Về đầu trang
Chym Chung
Chym Chung

Vì chiến tranh chia cắt 2 miền Triều Tiên, có những người mẹ phải xa lìa con đến gần cả cuộc đời

Cuộc sống

Bà Lee Keum đã không gặp con trai mình trong suốt 68 năm. Lần cuối cùng họ thấy nhau là khi Sang Chol 4 tuổi, thời điểm đó bà cùng với chồng và hai người con chạy về phía Nam, trốn khỏi cuộc chiến ngay trong những ngày đầu của Chiến tranh Triều Tiên.

Trong khi hàng trăm ngàn người khác cố gắng bỏ trốn, Lee và con gái lạc mất chồng và Sang Chol.

Họ tiếp tục chạy về phía Nam, hòa mình vào dòng người tị nạn tiến vào vùng phi quân sự. Ngay sau đó bà phát hiện ra rằng chồng và con trai vẫn còn đang ở phía bên kia của vùng phi quân sự, phía Bắc Triều Tiên. Gia đình của bà là một trong số hàng chục ngàn người Hàn Quốc có thân thích bị chia cắt bởi chiến tranh.

3

Sau đó, Lee là một trong số ít người may mắn được chính phủ giúp đỡ để đoàn tụ gia đình.

Vào ngày 20/8, cuộc hội ngộ đầu tiên sau bao năm trời đã diễn ra, tại Núi Kumgang của Bắc Triều Tiên. Cuộc hội ngộ là một phần trong hiệp ước lịch sử được ký kết bởi các nhà lãnh đạo của hai miền Triều Tiên vào tháng Tư. Khoảng 57.000 người đủ điều kiện tham gia. Trong số đó, 0,16%, tức chỉ 89 người, nhận được quyết định thực hiện cuộc hành trình.

Những người còn lại sẽ phải đối mặt với viễn cảnh đau khổ khi không bao giờ có thể gặp lại các thành viên gia đình của họ nữa. Hơn 75.000 người đã chết mà không được đoàn tụ với những người thân yêu.

"Khi đến miền Nam, tôi nhận ra rằng có thể tôi sẽ không còn được gặp họ nữa", bà Lee, hiện nay 92 tuổi, nói về chồng và con trai. "Tôi tự nhủ rằng rằng chiến tranh qua đi và chúng tôi có thể đoàn tụ. Tôi đã từng từ bỏ việc tìm kiếm họ."

12

Phân ly

Bà Lee lớn lên ở tỉnh Hamgyong Bắc, bây giờ là Bắc Hàn, nơi bà kết hôn và có hai người con trai. Người con trai cả chết non, người thứ hai sống sót, tên là Sang Chol.

Lee đang ở tại nhà bố mẹ chồng ở quận Kapsan khi cuộc chiến nổ ra vào ngày 25/6/1950, sau nhiều tháng căng thẳng gia tăng giữa miền Nam bị Mỹ chiếm đóng và miền Bắc Triều Tiên với sự hậu thuẫn của Liên Xô.

Nhà của họ ở vùng nông thôn hẻo lánh nên rất khó khăn trong việc tiếp cận tin tức, nhưng những người tị nạn đã kể với Lee về những gì đã xảy ra. "Họ đến từ sâu trong núi", bà nói. "Họ bảo rằng đang chạy trốn và chúng tôi cũng nên làm như vậy." Gia đình đã đóng gói thức ăn và đồ dùng trên một chiếc xe bò và đi về phía Nam. "Chúng tôi không trở về nhà của mình. Cả gia đình chạy trốn chỉ với bộ quần áo mặc trên người. Chúng tôi cứ tiếp tục đi, đi mãi. Sau đó khi đã qua một quãng đường dài, tôi cần cho con bú. Nhưng có rất nhiều người trên đường nên không có chỗ để làm điều đó." Để tìm kiếm sự riêng tư, bà Lee băng qua một con suối nhỏ cùng với người con gái mới sinh của mình, để chồng chăm sóc cho Sang Chol vừa tròn bốn tuổi.

Khi bà quay lại, cả hai đã biến mất. Lee đi cả ngày với nỗ lực tìm kiếm chồng con, nhưng chìm trong tuyệt vọng. Tuy vậy bà vẫn không bỏ cuộc.

"Tôi tiếp tục. Tôi nghĩ ông ấy đã đi đến con đường này," bà tâm sự. "Tôi không dừng lại để ăn hay ngủ, mà cứ tiếp tục đi."

Cuối cùng, bà gặp anh rể của mình, người cũng đang nỗ lực tìm kiếm bà. Chồng của Lee đã quay trở lại để thử tìm kiếm, nhưng họ đã lạc mất nhau trong dòng người tị nạn.

Và bà không bao giờ gặp lại chồng cùng con trai nữa.

Binh lính Mỹ hành quân qua dòng người tị nạn ở khu vực sông Nakdong, bây giờ là Hàn Quốc, trong Chiến tranh Triều Tiên.

Chạy trốn chiến tranh

Khi Lee và gia đình chồng tiếp tục đi về phía nam, bà bám lấy hy vọng rằng ông và Sang Chol sẽ bắt kịp họ.

Một đêm nọ, khi họ đang trú ẩn trong một căn nhà bỏ hoang, bà bị đánh thức bởi tiếng đạn. "Chúng tôi ở trong hoàn cảnh vô cùng tồi tệ", bà nhớ lại. Không thể ngủ được, bà nằm trong bóng tối và lắng nghe trận chiến, mắt nhắm chặt. Cuối cùng, có thông báo đến rằng cuộc chiến đã dừng lại và người dân có thể lên một chuyến tàu hướng về phía Nam.

Chuyến tàu chật kín những người tị nạn. Lee và người thân của bà ném hành lý của mình lên nóc tàu phủ đầy tuyết. Họ ngồi trên xe lửa qua đêm đến cảng, sau đó họ tới một chiếc phà đi đến Đảo Geoje.

Trong đám đông hỗn loạn, Lee lạc mất người thân một lần nữa, và một mình đến Geoje.

"Tôi bế theo con gái, ngủ dưới chân một bức tường."

Khi mới đến Geoje, hai mẹ con được cung cấp một lượng nhỏ vật tư, một phần của chương trình tái định cư người tị nạn trên đảo của chính phủ, nhưng phần lớn là được nhận sự giúp đỡ từ người dân địa phương .

Lee nhiều ngày mong mỏi về chồng và con trai, tự hỏi điều gì đã xảy đến với họ và tưởng tượng ra điều tồi tệ nhất.

"Mỗi sớm tôi thức dậy, dẫn con gái ra đồng và ngồi trên một tảng đá. Đó là nơi tôi chờ đợi ông ấy và con trở về. Tôi cứ lặp đi lặp lại như vậy trong một năm trời".

Thời gian trôi qua, Lee từ bỏ việc tìm kiếm. Bà tái hôn với một người đàn ông có hoàn cảnh tương tự. Theo thời gian, bà thấy mình nhớ rất ít về Sang Chol, chỉ mang máng rằng đó là một cậu bé ngoan, không quấy phá.

Dân thường từ Hungnam của Bắc Triều Tiên lên tàu USS Jefferson County chạy trốn khỏi Chiến tranh Triều Tiên vào ngày 19/2/1950.

Mong chờ

Sang Chol bây giờ đã 72. Sau khi bố ông nhận ra rằng đã lạc vợ trong dòng người hỗn loạn đi về phía Nam, bố đưa ông trở về làng để tìm họ. Rất ít chi tiết được tiết lộ về cuộc sống của Sang Chol.

Sau 68 năm, mẹ cuối cùng đã tìm thấy ông. Lee nói bà cảm thấy tê liệt khi biết rằng mình đã được chọn tham gia vào cuộc hội ngộ. "Tôi không kiểm soát được bản thân. Không thể tin rằng tôi sẽ gặp lại con trai của mình", Lee nói. "Có ổn không nếu tôi ôm đứa con trai giờ đã hơn 70 tuổi?"

Bà Lee Keum chuẩn bị cho việc kiểm tra y tế và các thủ tục khác trước khi gặp lại con trai mình ở Bắc Triều Tiên.

Đối với hầu hết các gia đình bị chia rẽ bởi Chiến tranh Triều Tiên, những ký ức về người thân đã ít, nhưng người thân còn sống sau cùng còn ít hơn. Tuy mất mát và đau đớn của sự chia ly vẫn tồn tại, nhưng mong muốn tái hợp mạnh mẽ hơn nhiều.

Cuộc hội ngộ

Lee được hai cô con gái dìu đi, trong khi Chol đi cùng với người con dâu của mình đến cuộc hội ngộ được mong đợi bao lâu nay tại một khu nghỉ mát gần Núi Kumgang ở miền Bắc. Đây là lần đầu tiên họ gặp nhau sau 68 năm ròng rã.

Cuộc hội ngộ xúc động sau 68 năm

“(Gia đình tôi) ở Bắc Triều Tiên không sống lâu, nên tôi cầu nguyện cho sức khỏe của con trai tôi,” Lee tâm sự

Bà không biết bắt đầu từ đâu sau tất cả những năm bị đánh mất. “Tôi nên hỏi gì đây? Ồ, tôi nên hỏi con tôi những gì bố nó kể về tôi nhỉ. Ông ấy hẳn đã kể cho nó nghe về chuyện chúng tôi bị tách ra như thế nào và nhà của chúng tôi từng ở đâu. Tôi nên hỏi con trai tôi về điều đó.”

Theo: CNN
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.