• Về đầu trang
Mèo một mẩu
Mèo một mẩu

Bạn có muốn "trở thành" một rạn san hô khi chết đi?

Độc lạ

Eternal Reefs – một tổ chức từ thiện ở Florida đã phát triển dịch vụ “Về với thiên nhiên sau khi bạn qua đời bằng cách trở thành một phần thay thế cho những rạn san hô tự nhiên đã mất.”

Từ rất lâu về trước, biển đã được chọn là một trong những nơi dừng chân cuối cùng của cuộc đời con người. Có rất nhiều bằng chứng về tập tục chôn cất trên biển của người Ai Cập và La Mã cổ đại đã được tìm thấy, hay như đưa xác chết lên xuồng và đẩy ra biển ở Nam Thái Bình Dương, hoặc trải tro cốt xuống biển như một số nước Châu Á. Và ngày nay, những người yêu thiên nhiên đã sáng tạo ra một cách chôn cất mới đó là trở thành một rạn san hô nhân tạo dưới đáy biển.

Cụ thể, phần tro cốt sau khi hỏa táng sẽ được trộn với bê tông có độ pH trung tính tạo thành một “mái vòm lớn” cao hơn 1m, rộng 2m và nặng từ 250kg - 1800kg. Mái vòm được thiết kế mô phỏng chức năng của một rạn san hô với bề mặt gồ ghề thuận lợi cho các loài thực vật và tảo phát triển. Bên trong mái vòm rỗng, có nhiều lỗ với mục đích sẽ là “ngôi nhà” cho nhiều động vật biển như cá, cua, hải sâm, … sinh sống.

Những mái vòm này sau đó sẽ được đặt ở các khu vực biển được cấp phép và quản lý của Hoa Kì. Gia đình và bạn bè của người đã mất có thể theo dõi vị trí của mái vòm thông qua định vị GPS. Chi phí cho một mái vòm như vậy vào khoảng 1,295 đô la (khoảng gần 30 triệu VNĐ). Cho đến nay đã có 3,000 mái vòm như thế được thả xuống đại dương tại 25 địa điểm khác nhau kéo dài từ Texas đến New Jersey.

Năm 2014, công ty đã đặt thử 16 mái vòm và sau một thời gian, khi các thợ lặn quay trở lại, họ thấy bên trên bề mặt bê tông có rất nhiều loài thực vật biển, tảo, động vật không xương sống, … phát triển. Bên trong mái vòm cũng đã trở thành nơi cư trú của gần 56 loài cá, hải sâm, cua, nhím biển, bọt biển và san hô.

Mặc dù vẫn có ý kiến trái chiều cho rằng đây chỉ là một cách để quảng bá cho dịch vụ mai táng vừa phô trương vừa tốn kém, do ngành sản xuất bê tông chiếm đến 8% tổng lượng khí thải nhà kính, chưa kể mỗi người sẽ đóng góp 400kg CO2 thải ra môi trường trong quá trình hỏa táng, tuy nhiên không thể phủ nhận rằng dịch vụ này thực sự đã tạo ra một hệ sinh thái mới dưới lòng đại dương.

Janet Hock _ cựu giáo sư, bác sĩ nha khoa ở Indianapolis, đồng thời cũng là một người yêu đại dương, đam mê lướt sóng. Vào năm 2020, khi ở tuổi 77, bà cũng đã đăng kí để trở thành một rạn san hô khi qua đời.

“Khi đó bạn có thể bắt đầu một cuộc sống thứ hai dưới đáy đại dương bằng cách trở thành một rạn san hô để các loài sinh vật biển dựa vào và phát triển. Ban đầu tôi đã nghĩ mái vòm này trông thật xấu xí. Nhưng chắc hẳn sẽ thật thú vị khi có các chú cá nhỏ nhiều màu sắc bơi qua những chiếc lỗ trên mái vòm của tôi hàng ngày.”

  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.