• Về đầu trang
Neko Punch
Neko Punch

Cô gái mắc hội chứng lạ ‘Người đẹp ngủ trong rừng’ và những giấc ngủ kéo dài hàng tuần liên tục

Độc lạ

Rhoda Rodriguez-Diaz, 21 tuổi, đến từ Leicester, Anh, mắc phải “hội chứng Người đẹp ngủ trong rừng” khiến cô có thể ngủ tới 22 giờ một ngày, chỉ đi lại trong trạng thái như đang mơ để ăn uống và đi vệ sinh.

hypersomnia 1 1

Rhoda Rodriguez-Diaz, 21 tuổi, mắc chứng KLS khiến cô ngủ li bì suốt 22 giờ một ngày

Tệ nhất là khi thời gian ngủ của cô có thể kéo dài 3 tuần liên tục, và việc này đã khiến cô trượt bài thi cuối kỳ năm 2 đại học vì cô đã ngủ xuyên suốt cả kỳ thi đó.

“Thật là khó chịu khi mọi người đều gọi tôi là đồ lười biếng,” Rhoda giải thích. “Tôi đã rất vất vả để có thể xoay sở với những hệ lụy mà nó mang lại. Nhưng tôi nhất quyết không thể để hội chứng này ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống của mình được. Nó chỉ là một phần của tôi và không phải là con người tôi. Tôi rất bực mình vì không thể nào tránh khỏi nó.”

hypersomnia 3

Có 1.000.000 người thì có 1 người mắc phải hội chứng hiếm gặp này

Hồi nhỏ, Rhoda đã được bác sĩ đa khoa của mình chẩn đoán mắc chứng Hyper-insomnia - một chứng bệnh gây mệt mỏi kéo dài. Nhưng mãi cho đến tháng Chín năm ngoái, các bác sĩ mới phát hiện ra sinh viên ngành tâm lý học này đã mắc phải hội chứng “Người đẹp ngủ trong rừng.”

Đã có nhiều tháng liên tiếp Rhoda không bị rơi vào trạng thái ngủ liên miên, nhưng một khi những cơn buồn ngủ ập đến, cô hoàn toàn không thể kiểm soát chúng.

"Cuộc sống vẫn tiếp tục diễn ra trong khi tôi đang ngủ.” Cô nói. “Thực tế tát cho tôi một cú đau điếng khi tỉnh dậy và nhận ra tôi đã bỏ lỡ một tuần trong đời mình rồi. Tôi cảm thấy mỗi khi chuyện này xảy ra, nó như một bước lùi với tôi vậy. Tôi đã bỏ lỡ quá nhiều thứ, và đây là phần khó nhất của chuyện này. Thật không dễ dàng gì để giải thích với mọi người trong suốt thời gian qua tôi đã ở đâu, bởi vì không phải ai cũng cố gắng để hiểu điều này.”

hypersomnia 2 1

Rhoda nhớ lại khi còn nhỏ, mình đã không có nhiều thời gian để chơi với bạn bè mình như cô từng muốn.

"Hồi bốn, năm tuổi, tôi đã ngủ suốt hai hoặc ba tuần liền và các bác sĩ cũng không thể giải thích vì sao." Cô nói. “Chứng bệnh này đã khiến tôi khá khổ sở khi còn nhỏ. Nhưng sau đó hiện tượng này đã không xảy ra nữa cho đến khi tôi bước vào tuổi thiếu niên. Khi tôi 15 hay 16 tuổi, tôi nhớ rằng mình ngày càng ngủ nhiều hơn. Ngay cả ở trường tôi cũng ngủ thiếp đi ở lớp học. Tôi buộc mình phải đi học, và mặc dù không bị trêu chọc nhưng tôi cảm thấy rất khó chịu về chuyện này.”

Giữa tháng Hai và tháng Sáu năm ngoái, Rhoda đã phải trải qua nhiều kỳ ngủ dài, và điều này đã khiến cô không thể có đủ thời gian để làm bài tập và tham gia một số bài kiểm tra. Kết quả là cô đã bị cho thôi học vào kỳ học tháng Bảy.

Sau khi được bác sĩ đa khoa thăm bệnh hồi tháng Năm, Rhoda lại được đưa đến gặp một bác sĩ chuyên khoa tại bệnh viên St Thomas và nhận được kết quả chẩn đoán vào tháng Chín vừa rồi.

“Mọi chuyện đã không còn quá tệ như trước nhưng tôi vẫn cảm thấy rằng mình đang cố để bắt kịp mọi thứ. Tôi cũng đã ngủ rất nhiều trong năm nhất đại học nhưng vì không ảnh hưởng quá nhiều đến chuyện học tập và công việc nên tôi đã không đến gặp bác sĩ. Cho đến khi hoàn thành công việc, tôi đã đến gặp bác sĩ của mình. Tôi đã cố giải thích với nhà trường rằng có lý do cá nhân khiến mình không thể làm việc được.

Bởi vì mãi đến tháng Chín tôi mới được chẩn đoán mắc hội chứng này nên trước đó tôi không có gì để chứng minh cho tình trạng sức khỏe của mình cả. Tôi đã không hoàn thành đủ số tín chỉ quy định và bị cho thôi học học kỳ vừa rồi.”

hypersomnia 3 1

Rhoda đang đăng ký để học lại năm 2 đại học

Lần gần đây nhất Rhoda trải qua một kỳ ngủ dài là khi cô ngủ suốt 60 giờ trong 3 ngày. Sinh viên khoa tâm lý học này đã phải ăn đồ ăn vặt trong giờ nghỉ trưa và tăng cân sau mỗi kỳ ngủ. Hiện cô đang đăng ký để học lại năm thứ 2.

Được biết, có nhiều người mắc phải hội chứng Kleine-Levin này cuối cùng đã thoát khỏi nó, và Rhoda đang cố kiểm soát tình trạng của bản thân trong cuộc sống của một người trưởng thành.

“Bây giờ tôi đã nhận thức rõ hơn về nó, tôi sẽ nhận ra khi nào tôi lại bắt đầu một kỳ ngủ dài. Tôi đã từng cảm thấy rằng mình như đang mơ. Đó quả là một cảm giác siêu thực – như thể bạn đang thực sự không ở đây.

Nó chỉ là một trở ngại trong cuộc đời tôi và tôi đang chờ cho đến khi nó dần biến mất. Tôi chỉ muốn có một cuộc sống bình thường nhưng chứng bệnh này đang ngăn cản tôi.”

Hội chứng “Người đẹp ngủ trong rừng” là gì?

- Hội chứng Kleine-Levin (KLS), một hội chứng rối loạn hiếm gặp, gây ra những cơn buồn ngủ kéo dài và có định kỳ.

- Trong một số trường hợp, người mắc phải hội chứng phải dành 20 giờ mỗi ngày để ngủ. Vì lý do này, nó thường được gọi là hội chứng “Người đẹp ngủ trong rừng.”

- Hội chứng này có thể xảy ra với bất kỳ ai, những nam thiếu niên thường có nguy cơ mắc phải cao hơn bất kỳ đối tượng nào. Khoảng 70% người mắc hội chứng này là nam giới.

- Người mắc hội chứng KLS không có những triệu chứng của nó giữa những kỳ ngủ. Khi những triệu chứng xuất hiện, chúng có thể kéo dài đến vài ngày, vài tuần hay thậm chí là vài tháng.

- Triệu chứng thường là những cơn buồn ngủ mãnh liệt, mong muốn được ngủ và gặp khó khăn khi thức dậy vào buổi sáng.

- Hội chứng này có thể gây ra những triệu chứng khác như: ảo giác, mất phương hướng, hay cáu gắt, thèm ăn, ham muốn tình dục thái quá,…

(Theo Healthline)

Theo: Daily Mail
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.