• Về đầu trang
H.Khanh
H.Khanh

Kỳ án Adolf Beck: Thân phận bị tráo và hơn một thập kỷ tù oan (Phần 2)

Độc lạ

3 năm sau khi được thả ra, vào ngày 23/3/1904, một người phụ nữ tên Pauline Scott trình diện trước sở cảnh sát Scotland Yard và báo lại rằng có một người đàn ông tự xưng Lãnh chúa Willoughby đã đến tiếp chuyện với cô và cuối cùng lừa cô một chiếc nhẫn, đồng hồ và vài đồng vàng.

Một thám tử nhận ra khuôn hình phạm tội này ngay lập tức và nghĩ đến cái tên Adolf Beck. Tại một tòa án, Beck được dẫn ra trước mặt Scott, và cô khẳng định ngay:

Đây chính là người đàn ông đã cướp đồ trang sức và tiền vàng của tôi.

Và cũng như lần trước, những lời kháng cáo của Beck gần như là vô dụng vì rõ ràng là có quá nhiều nhân chứng chống lại ông. Khi vụ án được đăng tải trên các mặt báo, lại một loạt phụ nữ khác đến sở cảnh sát để báo cáo về tình trạng của mình. Và tất nhiên, trong một hàng dài các nghi phạm, tất cả đều chỉ vào mặt Beck.

Tháng Sáu năm đó, bây giờ đã là một người đàn ông nghèo mạt hạng và khổ đến cùng cực, Beck một lần nữa phải hầu tòa tại Old Bailey vì lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, các nạn nhân bao gồm Pauline Scott, Rose Reece, Caroline Singer và Grace Campbell, tất cả những vụ lừa đảo này đều có nhiều điểm tương đồng với chuỗi vụ án năm 1895 và 1877.

Và cũng lại một lần nữa, Beck, vì không có nhiều bạn bè và người thân, nên đã không thể đưa ra bằng chứng ngoại phạm thuyết phục được tòa (Nên nhớ rằng, thông tin về việc bao quy đầu đã đề cập ở phần trước đến bây giờ vẫn chưa được công khai). Ông bần đến mức đứng trước tòa, Beck đã kêu lên:

Trước Chúa, Đấng toàn năng, tôi xin thề rằng tôi hoàn toàn không có gì liên quan đến những tội danh mà những người này đang buộc tội tôi. Tôi chưa hề nói chuyện, cũng chưa bao giờ gặp những người phụ nữ này cho đến khi thám tử dẫn họ đến trước mặt tôi.

Cũng như làn trước, quá nhiều nhân chứng và điểm tương đồng là đã quá đủ để dẫn Beck vào tù. Ở tuổi 63, Beck nhận bản án 5 năm tù.

Khoảng trưa ngày 7/7/1904, chính xác 10 ngày sau khi Beck vào tù, lại thêm một chuỗi những vụ lừa đảo nữa xảy ra. Một quý ông lịch lãm ra đường và tán gẫu với hai chị em Violet và Beulah Tuener ở quảng trường Russell, và mặc dù trước đó không hề quen biết, gã đàn ông vẫn ngọt miệng với 2 chị em và lừa được của họ 2 chiếc nhẫn quý và vài đồng bạc lẻ.

Nhưng lần này thì khác, 2 chị em đã sinh nghi và thuê thám tử theo dõi gã đàn ông kia ngay sau khi hắn vừa rời đi. Sau khi thấy hắn bước vào một tiệm nữ trang để bán 2 chiếc nhẫn, vị thám tử ngay lập tức gọi cho cảnh sát, và gã lừa đảo bị bắt không lâu sau đó.

Chỉ vài ngày sau, toàn bộ vụ việc liên quan đến Beck gần sáng tỏ. Gã lừa đảo vừa bị bắt chính là John Smith của những vụ lừa đảo năm 1877 (Tên thật của hắn có thể là Frederick Meyer). Chuyên gia phân tích chữ viết tay cũng xin lỗi công khai vì những phán đoán sai lầm của mình. Những người phụ nữ cũng tụ tập lại ở sở cảnh sát và xác nhận rằng Meyer mới chính là kẻ cắp. Bản thân hắn cũng thú nhận tất cả các tội danh bị đổ lên Adolf Beck. Mãi đến lúc này, bằng chứng bao quy đầu mới được Bộ Nội Vụ đưa ra công khai.

Dân chúng giận dữ, và Beck được thả ra vào ngày 19/7. 8 ngày sau, nhiều người đề nghị sở cảnh sát bồi thường Beck 2,000 bảng Anh vì tuyên án oan. Khoản tiền bồi thường được nâng lên thành 5,000 bảng Anh.

Nhưng câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ: Làm sao mà cả cảnh sát lẫn nạn nhân lại có thể phạm sai lầm suốt nhiều năm liền như vậy? Dưới áp lực của công chúng, chính phủ đã mở một cuộc điều tra do Chủ tịch tòa phúc thẩm Richard Henn Collins và 2 thẩm phán cấp cao điều hành.

Forrest Fulton khi kết án Beck vào năm 1896 đã từ chối chấp nhận những bằng chứng từ vụ án năm 1877 được xem là một sai lầm trong quá trình điều tra và tuyên án. Bộ Nội Vụ cũng bị chỉ trích rất nhiều vì đã không tiếp nhận những bằng chứng về việc bao quy đầu. Nhưng 2 lỗi lầm này không phải là lý do làm cho vụ án này nổi tiếng. Những luật sư ở tòa vẫn còn gọi tên vụ án này cho đến bây giờ vì đây là bằng chứng tốt nhất về sự không đáng tin của nhân chứng. Đã có ít nhất 16 người tuyên thệ trước tòa rằng Beck là kẻ lừa đảo, gần như tất cả trong số họ đều chỉ thẳng mặt Beck mà không hề do dự. Họ tự nguyện chỉ ra Beck mà không hề có bất cứ áp lực nào.

Tâm lý chung cho rằng nhiều nhân chứng đơn giản là không thể sai được. Mặc dù vậy, tâm lý chung vẫn có những lúc sai, và những người phụ nữ này đã sai hoàn toàn. Thậm chí Beck và Meyer còn không phải là anh em sinh đôi. Ngoại trừ những điểm chung về cân nặng và chiều cao như bao người đàn ông thời đó, Beck không hề giống Meyer.

Kể từ năm 1904, các thẩm phán và bồi thẩm đoàn đã hiểu rằng chỉ riêng nhân chứng thôi thì không bao giờ đủ để kết án ai đó. Trăm nghe không bằng một thấy, nhưng trăm thấy thì cũng không thể đáng tin được.

Theo: Tổng Hợp
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.