• Về đầu trang
Raven Le
Raven Le

'Quán bar câm' ở Tokyo, nơi người ta chỉ giao tiếp bằng giấy và bút, lời nói trở nên thừa thãi

Du lịch

Giữa những tiếng ồn chói tai và ánh đèn neon rực rỡ của khu Kabukicho thuộc Shinjuku sầm uất, bạn có thể tìm thấy một ốc đảo yên tĩnh, một "quán bar câm" nơi khách hàng chỉ có thể nghe thấy tiếng bút chì vạch trên giấy.

"Decameron - Book Cafe & Bar" còn được gọi là "quán bar câm" ở Tokyo vì phương pháp giao tiếp độc đáo.

Ngày nay chúng ta thực sự lắng nghe mọi người đến mức nào? Đó là một câu hỏi ám ảnh người Nhật trong thời đại kim tiền, khi tất cả đều bị cuốn theo sự xô bồ hối hả trên những con phố sầm uất. Đôi khi tâm trí của chúng ta đi lang thang vô định và thực sự lắng nghe ai đó là một điều vô cùng xa xỉ.

Một quán bar mới mở ở Kabukicho - khu đèn đỏ nhộn nhịp nhất của thủ đô Tokyo quyết định đảo ngược thực tại này với không gian tĩnh lặng hiếm có, khách du lịch dễ bị hấp dẫn bởi triết lý đằng sau nó. Được gọi là “Decameron - Book Cafe & Bar”, cơ sở này có cùng tên gọi với bộ tiểu thuyết của tác giả người Ý thế kỷ 14 Giovanni Boccaccio.

Tại Decameron, sẽ không có ai nói một lời nào, thay vì trò chuyện với nhân viên pha chế và tán gẫu với những khách hàng khác, người đến quầy bar được yêu cầu giao tiếp bằng chữ viết với bút chì và giấy.

Nằm trong một con hẻm yên tĩnh, quán bar câm Decameron gần như là một ốc đảo tách biệt với sự náo nhiệt của khu Kabukicho.

Kabukicho đã bị chính phủ Nhật Bản coi là một trong những điểm nóng lây nhiễm Coronavirus ở Tokyo, các cơ sở kinh doanh trong khu vực đang gặp rất nhiều khó khăn để duy trì hoạt động do lượng khách hàng giảm mạnh. Đây không phải là thời điểm lý tưởng để mở một quán bar mới, đặc biệt là khi chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp rút ngắn thời gian hoạt động do đại dịch.

Thế nhưng Decameron đã khai trương vào ngày 22 tháng 7, với phương pháp giao tiếp bằng chữ viết giúp giảm bớt lo ngại của khách hàng về việc lây nhiễm qua giọt bắn trong không khí giữa không gian chật chội, khép kín.

Một số quán bar trong khu vực đã phải đóng cửa do sụt giảm doanh thu, nhưng ở đây, hoạt động kinh doanh của Decameron đang được duy trì theo chiều hướng tốt. Bước vào bên trong, khách hàng được chào đón bởi một không gian ấm cúng do ánh sáng vàng từ bóng đèn dây tóc lớn theo kiểu cổ điển, có một nhà bếp nhỏ ở phía sau và bảng đen ghi tên các loại đồ uống.

Đồ uống bao gồm bia, rượu, cà phê, Mojito và Negronis, tất cả đều đồng giá 1.000 Yên (217.000 VNĐ) với phí vào cửa là 500 Yên (108.000 VNĐ). Nghe nghe có vẻ hơi cao so với những nơi khác ở Tokyo, nhưng đối với một quán bar Kabukicho, nơi mà phí vào cửa khá phổ biến, thì có thể chấp nhận được.

Không giống như các quán bar khác ở Kabukicho, Decameron chuẩn bị sẵn một số sổ ghi chép trên quầy (và cả đồ chuốt bút chì), nơi khách hàng có thể viết ra đơn đặt hàng cùng với bất kỳ thứ gì khác mà họ muốn giao tiếp. Trong khi việc ngăn chặn sự lây lan của Coronavirus là lý do chính cho hệ thống chữ viết tại Decameron, một nguyên nhân khác là quán bar muốn cung cấp cho mọi người cơ hội để suy nghĩ lại về cách họ trò chuyện với nhau.

Mỗi người đều sử dụng sổ tay và bút chì riêng biệt để ghi lại những suy nghĩ của mình, trong suốt thời gian này, tất cả những gì khách hàng có thể nghe thấy là tiếng tủ lạnh kêu nhỏ và tiếng bút chì lướt trên mặt giấy. Khái niệm "lời nói gió bay" không tồn tại ở Decameron, vì viết ra một lời cần thời gian và sự cẩn trọng của người viết, trong khi đó người đọc có cơ hội tiếp thu nội dung dưới dạng chữ viết một cách trực quan hơn giữa con phố sầm uất bị ô nhiễm bởi tiếng ồn.

Việc viết ra giấy mất một khoảng thời gian đáng kể nên khách hàng mất khoảng 10 đến 15 phút để trao đổi những thông điệp với bartender. Mặc dù vậy, họ thấy thích thú với trải nghiệm mới lạ này. Đôi bên đều thể hiện sự kiên nhẫn trong khi đợi nhau viết xong, sự chú ý dành cho những gì được viết ra đem lại cảm giác như họ đang chia sẻ điều gì đó đặc biệt. Nó sâu lắng, một cách thoải mái đến lạ lùng.

Không có sự phân tâm nào khi mọi người giao tiếp bằng cách sử dụng chữ viết, khách hàng có thể cảm thấy sự hào phóng và lịch sự - những cung bậc cảm xúc thường thiếu thốn rõ rệt một cách đáng buồn trong các cuộc trò chuyện xã giao hàng ngày. Biện pháp đối phó của Decameron để bảo vệ nhân viên và khách hàng trong bối cảnh đại dịch do Coronavirus thực sự là một lời nhắc nhở về tầm quan trọng của việc sống chậm lại và trân trọng những điều nhỏ nhặt.

Anh Kiyo, người sáng lập Decameron cho biết:

Tất nhiên, đây là một biện pháp đối phó với Covid-19, trong một quán bar nhỏ như của chúng tôi, nó luôn chật chội bất kể bạn muốn làm gì đi nữa, vì vậy giao tiếp bằng văn bản trở nên lý tưởng. Hơn thế nữa, tôi nghĩ chữ viết có thể hữu ích trong việc "tạo ra những mối quan hệ mới theo một cách bình thường", phù hợp với bối cảnh mà chúng ta đang đối mặt trong xã hội.

Tôi nghĩ rằng bạn hiểu được điều này từ cuộc trò chuyện bằng văn bản của chúng ta, nhưng khi bạn đang viết thay vì nói, việc tập trung vào người mà bạn đang giao tiếp trở nên cần thiết hơn. Trong một cuộc trò chuyện bằng giọng nói, các phép ngắt lời thường được sử dụng để bạn có thể giả vờ như mình đang nghe ngay cả khi bạn hoàn toàn không để ý tới câu chuyện của người kia. Bạn không thể làm điều đó khi viết. Từ ngữ cũng trở nên rất lịch sự vì khó có thể viết ra ngôn ngữ thô. Đó cũng là một điểm thú vị.

Theo: ROCKETNEWS24
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.