• Về đầu trang
Chymmee
Chymmee

Giải mã khái niệm các bệnh tâm lý một cách trực quan bằng loạt tranh về... kẹp giấy

Khám phá

Eisen Bernardo, một nhân viên thiết kế đồ họa người Philippines đã sử dụng những chiếc kẹp giấy để trực quan hóa một số những căn bệnh tâm lý phổ biến, đặc biệt là trong giới trẻ hiện nay. Anh thực hiện bộ ảnh với mong muốn phần nào nâng cao được ý thức và sự hiểu biết về vấn đề đáng báo động này.

1. Rối loạn lo âu

Người mắc chứng rồi loạn lo âu có triệu chứng là lo âu quá mức về việc gì đó khó có thể xảy ra, nỗi sợ vô lý và chiếm hầu hết thời gian của họ khiến họ không thể sống và làm việc một cách bình thường.

Rất nhiều những chiếc kẹp giấy nằm lộn xộn, ngổn ngang trong tấm ảnh, giống như việc người bệnh phải luôn luôn đối mặt với vô vàn suy nghĩ, lo âu của mình.

2. Trầm cảm

Trầm cảm là một trong số những căn bệnh phổ biến nhưng không mấy ai nhận ra được rằng mình đang dần bị con quái vật này nuốt chửng. Người mắc bệnh trầm cảm thường cảm thấy mình như bị rơi vào một hố đen sâu thẳm, không có lối ra.

Chiếc kẹp ghim biểu hiện cho sự trống trải trong tâm hồn, những cảm xúc tiêu cực xung quanh như bao trùm lấy một cá thể và người đó đành phải tìm mọi cách chống đỡ để có thể tiếp tục sống sang ngày tiếp theo.

3. Rối loạn ám ảnh cưỡng chế

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) là một rối loạn dựa trên những suy nghĩ và thói quen mang tính ám ảnh, lặp đi lặp lại. Một trong những ám ảnh/hành vi cưỡng chế bao gồm sắp xếp. Đây là hành vi cưỡng chế khiến người bệnh muốn mọi thứ luôn hài hòa, đối xứng, hoàn hảo và chính xác.

Bức tranh này bộc lộ rõ sự ám ảnh và hành vi cưỡng chế người bệnh phải chịu đựng, đó là họ cảm thấy vô cùng khó chịu khi có một chiếc kẹp ghim bị đặt lệch vị trí. Trong tiềm thức của hầu hết những người mắc OCD, mọi thứ xung quanh họ phải hài hòa với nhau và họ không thể thoải mái hay vui vẻ cho đến khi làm xong và tất cả mọi thứ đều hoàn hảo.

4. Rối loạn stress sau sang chấn

Những người sau khi trải qua chấn thương tâm lý thường có nguy cơ mắc rối loạn stress sau sang chấn (PTSD). Những triệu chứng gặp ở người bệnh sau khi mắc phải PTSD bao gồm: sự trải nghiệm lại sự kiện gây chấn thương tâm lý, gặp ác mộng kéo dài về các sự kiện thuộc chấn thương tâm lý, sự nâng cao tỉnh thức và sự trải qua những tâm trạng và suy nghĩ tiêu cực.

Nếu nhìn thật kĩ, chiếc kẹp giấy giờ đây không còn giữ nguyên hình dáng ban đầu mà đã biến đổi như thể bị bẻ cong hoặc bị vật nặng đè nén, bởi thể cả tâm hồn và thể xác người bệnh giờ đây đã bị phá hủy gần như hoàn toàn do triệu chứng của căn bệnh kinh khủng này.

5. Rối loạn lưỡng cực

Biểu hiện đặc trưng thường thấy của rối loạn lưỡng cực, hay còn được biết tới là bệnh hưng - trầm cảm, là sự thay đổi rõ rệt tâm trạng, cảm xúc, hành vi cũng như năng lực cá nhân. Những thay đổi này diễn tiến theo từng giai đoạn.

Khi trong trạng thái hưng cảm, những cảm giác phấn chấn, vui vẻ, hào hứng được thể hiện rõ ràng, Ngược lại, khi trong giai đoạn trầm cảm, người bệnh rơi vào tình trạng trầm uất, buồn chán, thờ ơ. Đôi khi, một giai đoạn bao gồm biểu hiện của cả hai trạng thái hưng cảm và trầm cảm.

Bức tranh sử dụng 2 gam màu cùng 2 chiếc kẹp giấy khác nhau biểu hiện cho 2 trạng thái đối nghịch, 2 giai đoạn xuất hiện trong quá trình bệnh phát triển.

6. Rối loạn đa nhân cách

Nói đơn giản, rối loạn đa nhân cách là một con quái vật có thể thay đổi hình dạng. Việc nó thay đổi hình dáng bên ngoài phản chiếu chuyện nạn nhân thay đổi nhân cách của mình. Nếu có quá nhiều nhân cách tồn tại, cả con quái vật và nạn nhân sẽ bị rối loạn do không biết đâu mới là nhân cách nguyên thủy của mình.

Trong bức tranh, một chiếc kẹp giấy ở chính giữa được vây quanh bởi những cái kẹp khác mang màu sắc hoàn toàn khác nhau, biểu hiện cho tính chất của căn bệnh: Người mắc rối loạn đa nhân cách sẽ có rất nhiều những "con người" với những tính cách hoàn toàn độc lập.

7. Rối loạn ăn uống

Những người bị các chứng rối loạn ăn uống có hành vi ăn uống rối loạn và niềm tin méo mó, với những nỗi lo lắng thái quá về cân nặng, hình dáng, ăn uống và hình ảnh cơ thể. Các chứng rối loạn ăn uống là các chứng bệnh tâm thần nghiêm trọng; đó không phải là một lựa chọn về lối sống.

Do quá bận tâm về việc ăn uống, thực phẩm, hình thể và cân nặng hoặc cảm thấy lo lắng về mỗi lần ăn uống, người bệnh có thể sẽ có những hành vi như ăn kiêng quá đà (cắt khẩu phần ăn, bỏ đói bản thân,...) hay ăn uống kín đáo và tránh các bữa ăn với người khác.

Ta có thể dễ dàng nhận thấy trong bức tranh một đĩa thức ăn gần như trống trơn, chỉ có duy nhất một chút đồ ăn, thể hiện sự ám ảnh cũng như hành vi của người mắc rối loạn ăn uống.

8. Lạm dụng chất gây nghiện

Lạm dụng chất có thể được định nghĩa đơn giản là việc sử dụng gây hại ở bất kỳ các chất nào nhằm mục đích thay đổi tâm trạng. “Chất” ở đây có thể bao gồm rượu và các loại ma túy khác ( hợp pháp hoặc không hợp pháp) cũng như một số chất hoàn toàn không phải ma túy.

Tổng quan, bức tranh giống như một túi đựng ma túy hay các loại thuốc đang được đổ ra để chuẩn bị cho việc sử dụng.

Bệnh tâm lý và các chứng rối loạn có thể không được nhìn thấy và chẩn đoán rõ ràng như những căn bệnh khác. Tuy nhiên, sự nguy hiểm mà chúng mang lại thì vô cùng đáng sợ.

Với nếp sống vội vã, xô bồ trong xã hội hiện tại, chúng ta cần đặc biệt chú ý đến sức khỏe tâm lý của người thân và chính mình thường xuyên hơn để không xảy ra những hậu quả đáng tiếc.

Theo: boredpanda
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.