• Về đầu trang
Răng Đen
Răng Đen

Địa ngục - Vùng đất của người chết có những bí ẩn gì?

Kinh dị

Địa ngục được cho là chỉ xuất hiện trong truyền thuyết, thần thoại, tín ngưỡng nhưng rất nhiều người tin rằng địa điểm này có thật và tò mò, tìm hiểu về thế giới của người chết.

Dưới đây là một số ghi chép về địa ngục, âm gian trong văn hóa của các vùng miền, lãnh thổ. Mỗi nền văn minh lại có cách lý giải, khắc họa riêng biệt và độc đáo về cõi âm.

Văn hóa Á Đông

Dân gian tương truyền rằng sau khi kết thúc vận mệnh cuộc đời ở trần thế, thân xác con người sẽ bị hủy hoại dần còn linh hồn sẽ được quỷ sai của địa phủ là Hắc Bạch Vô Thường dẫn đi, giao cho Đầu Trâu Mặt Ngựa dẫn xuống Quỷ Môn Quan. Tại đây, linh hồn phải đi qua đường Hoàng Tuyền với hai bên bờ nở rộ hoa Bỉ Ngạn, có sắc đỏ như máu, chỉ thấy hoa không thấy lá. 

Đường Hoàng Tuyền đi rất xa, đi mãi cho đến tận cuối con đường sẽ đến Vong Xuyên Hà, trên sông có cầu Nại Hà. Bên cầu Nại Hà có đá Tam Sinh Thạch, tảng đá ghi chép ba đời của một con người. Trên đá có khắc bốn chữ đỏ như máu là Tảo Đăng Bỉ Ngạn (nghĩa là sớm đến bờ bên kia).

Phía bên bờ đối diện có một gò đất gọi là Vọng Hương đài, trong đài có đình Mạnh Bà. Tại đình, linh hồn sẽ gặp Mạnh Bà uống một chén canh để quên đi hết tất thảy mọi chuyện nơi dương gian. Sau cùng đứng trên Vọng Hương đài, ngắm nhìn nhân gian lần cuối rồi đi qua cầu Nại Hà tiến vào cõi âm. 

Tương truyền rằng con người sau khi chết thì ngày đầu tiên không ăn cơm nơi cõi người, ngày thứ hai vượt qua âm dương giới, ngày thứ ba đến Vọng Hương đài trông thấy người thân khóc lóc nhớ thương. Nếu linh hồn vẫn vương vấn dương gian, muốn kiếp sau gặp lại người mình yêu thương nhất ở kiếp này thì sẽ không uống canh Mạnh Bà mà nhảy vào Vong Xuyên Hà, đợi chờ nghìn năm sau để được đầu thai gặp lại.

Thập Điện Diêm Vương là 10 vị vua cai quản địa phủ, trừng phạt những kẻ có tội. Hành vi, tội ác của loài người nơi dương thế sẽ hiện ra trong Nghiệt kính đài. Theo bản án của Diêm Vương đưa ra, quỷ sai sẽ dẫn độ linh hồn đi chịu phạt tại 18 tầng ngục; có 8 cửa ngục lớn và 128 cửa ngục nhỏ. Mỗi cửa sẽ có các kiểu trừng phạt, tra tấn riêng vô cùng đày ải và khổ sở.  

Diêm Vương sẽ quyết định linh hồn có thể đi vào cõi nào để tiếp tục luân hồi, chuyển kiếp làm người hay là động vật hoặc lên trời hưởng phúc. 

Văn hóa Trung Đông

Trong Kinh thánh tiếng Do Thái, Gehenna ban đầu là tên của một thung lũng Jerusalem, địa điểm hiến tế của các tín đồ thờ thần Moloch, nơi họ hy sinh những đứa trẻ trong ngọn lửa lớn. Sau này Gehenna được gọi là địa ngục theo ngôn ngữ Hebrew, đây là vùng đất trừng trị những kẻ ác độc. 

Gehenna là nơi chứa các vực sâu thăm thẳm với ngọn lửa cháy mãi không dừng, tại đây các cơn mưa lửa sẽ được trút xuống với sức nóng gấp 60 lần so với ngọn lửa ở trần thế. Trên bầu trời là những đám mây lưu huỳnh dày đặc và phía dưới là dòng sông làm từ kim loại nóng chảy. Những ai xấu xa sẽ bị giam giữ tại Gehenna, chịu sự trừng phạt tra tấn từ những ngọn lửa và cái nóng của địa ngục thiêu đốt.

Thần thoại Hy Lạp

Theo người Hy Lạp cổ thì vị thần cai quản địa ngục là Hades. Vương quốc của Hades luôn tối tăm, lạnh lẽo; những linh hồn sẽ bị phán xét tại đây và hiếm có người trần nào có thể đặt chân đến địa phủ mà quay trở về dương gian.

Hades
Chó ba đầu Cerberus.

Lối vào địa ngục được canh giữ bởi con chó ba đầu hung dữ Cerberus; khi tiến vào thế giới của bóng tối, người chết phải dùng đồng tiền để đưa cho người lái đò Charon mà vượt sông Acheron. Đồng tiền này thường khi mai táng các thân nhân sẽ đặt lên miệng người chết. Người lái đò Charon có luật lệ phải có tiền mới chở qua sông. Vì vậy, những ai khi chết không làm nghi lễ mai táng bỏ tiền vào miệng sẽ chịu kết cục rất bất hạnh, họ bị bỏ lại bên bờ sông và suốt đời khóc thương cho thân phận bạc bẽo, hẩm hiu của mình.

Người lái đò Charon.

Có 5 dòng sông chảy qua địa ngục, là Acheron (đau khổ, bất hạnh), Cocytus (than khóc), Lethe (lãng quên), Phlegeton (lửa) và Styx (căm ghét). Trong đó, Styx là dòng sông chia cắt ranh giới giữa dương gian và địa ngục.

Khi linh hồn được Chron đưa vượt sông sang bên bờ bên kia sẽ phải chịu phán quyết của ba vị thần: Minos, Rhadamanthus và Aeacus. Họ sẽ quyết định số phận của linh hồn dựa trên những việc đã làm ở nhân thế. Sau phán quyết, linh hồn sẽ được dẫn đến ba vùng đất kỳ bí. Đó là vườn địa đàng Elysian dành cho linh hồn người tốt và anh hùng; vườn Asphodel là nơi của linh hồn người thường không vướng tội lỗi và Tartarus, địa điểm giam giữ, trừng phạt kẻ có tội, làm điều độc ác, phản trắc.

Thần thoại Ai Cập 

Anubis, con của Nephthys và Set là vị thần cai quản cõi âm trong nền văn minh Ai Cập cổ đại thuở ban đầu. Sau này khi con người sùng bái thần Osiris thì Anubis trở thành người giữ cửa địa ngục.

Anubis

Thần Osiris được coi là thần chết trong thời Trung vương quốc. Thần được miêu tả có ngoại hình với nước da xanh, đầu đội vương miện gắn hai chiếc lông đà điểu, trên mặt có bộ râu của pharaoh, tay này cầm gậy tay kia nắm đòn đập lúa, dưới chân quấn vải như xác ướp. Thần Osiris cai quản linh hồn người chết và bảo vệ sự sống, ban phát cuộc sống vĩnh cửu sau nghi thức mai táng. 

Osiris

Truyền thuyết kể rằng Anubis là vị thần gắn với quá trình ướp xác và bảo vệ người chết sang thế giới bên kia. Ông xuất hiện với hình dạng mình người đầu chó rừng, cánh tay đeo một dải ruy băng, tay này cầm gậy thì tay kia cầm móc. Thân hình ông có màu đen tượng trưng cho sự tái sinh. Anubis cũng là một trong các vị thần tham gia vào quá trình phán xét tội lỗi ở dương gian của người chết, quá trình này gọi là nghi lễ “cân tim”.

Trước sự chứng kiến của thần Osiris, thần Anubis sẽ chịu trách nhiệm dẫn dắt người chết thực hiện nghi lễ. Người chết sẽ tuyên thệ theo ghi chép trong tử thư rồi trái tim của họ sẽ được đặt lên chiếc cân, so sánh với chiếc lông vũ đà điểu, biểu tượng cho thần công lý, sự thật - thần Matt.

Nếu chiếc cân giữ thăng bằng thì người chết sẽ hưởng cuộc sống hạnh phúc, bình yên khi đầu thai ở kiếp sau. Còn nếu cân bị nghiêng, trái tim nặng hơn sợi lông thì người chết sẽ bị quái vật Ammit trừng phạt.

Văn hóa Maya

Xibalba (nơi của nỗi sợ) được coi là địa ngục trong thần thoại Maya của người K’iche’. Hệ thống hang động gần quốc gia Belize được cho là lối vào Xibalba.

Trong Popol Vuh, Xibalba là một phủ nằm dưới đất liên kết cái chết với mười hai vị thần được gọi là Chúa tể hay Tử thần Maya. Hun - Came là vị thần quan trọng nhất, cai quản địa ngục cùng thần Vucub-Came. Mười vị thần còn lại thực hiện nhiệm vụ theo từng cặp như sau:

  • Xiquiripat (Đóng vảy) và Cuchumaquic (Tụ máu) gây đau bệnh cho con người.
  • Ahalpuh (Quỷ Mưng mủ) và Ahalgana (Quỷ Vàng da) gây trương phình xác người.
  • Chamiabac (Gậy Xương) và Chamia lom (Gậy Sọ) biến xác chết thành những bộ xương.
  • Ahalmez (Quỷ Bụi) và Ahaltocob (Quỷ Đâm) đâm chết loài người.
  • Xic (Cánh) và Patan (Đai Băng) gây ra cái chết khi con người đi trên đường rồi ho ra máu.

Những vị thần sẽ đi lang thang trên mặt đất và thực thi nhiệm vụ được giao phó.

Khi bị dẫn đến địa ngục Xibalba, linh hồn người chết sẽ phải vượt qua những con sông máu, đầy bọ cạp và mủ. Ngoài ra còn có ngã tư chia thành bốn con đường làm người chết bối rối, lúng túng khi lựa chọn.

Ở Xibalba còn có sáu căn nhà chết chóc, là Nhà Tối bị bóng tối bao trùm; Nhà Lạnh đầy những cơn mưa đá băng giá; Nhà Báo Đốm với những con báo đang đói khát; Nhà Dơi là nơi chứa loài dơi nguy hiểm với tiếng kêu la kinh dị; Nhà Dao Cạo thì chứa đầy lưỡi dao tự di chuyển và cuối cùng là Nhà Nóng, nơi chứa lửa thiêu đốt bất cứ ai bước vào đó. 
Đọc thêm: Bí ẩn về Bindi - dấu chấm trán nổi tiếng của người Hindu

Theo: Tổng
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.