• Về đầu trang
Raven Le
Raven Le

Cúng sao giải hạn: Rốt cuộc 'nam La Hầu, nữ Kế Đô' thực hư ra sao, có cần phải lo sợ hay không?

Lịch sử

Tranh cãi xung quanh việc cúng sao giải hạn có thực sự hiệu quả hay chỉ là mê tín dị đoan vốn không phải một chủ đề mới. Trên một số trang mạng cũng có bài viết từ nhiều năm trước của các học giả phân tích thực hư về hai ngôi sao khét tiếng là La Hầu và Kế Đô, thế nhưng những bài viết đó hoặc là quá sơ sài, hoặc là quá chuyên sâu dẫn đến khó hiểu cho bạn đọc.

Nhân dịp này, dựa trên cơ sở là phân tích các truyền thuyết, kiến thức thiên văn học và tham khảo giáo lý nhà Phật, Lost Bird xin phép tổng hợp lại đầy đủ và giải thích lý do vì sao cúng giải hạn để thoát La Hầu, Kế Đô là một hoạt động mê tín cần phải hạn chế.

Sau khi thấu hiểu bản chất vấn đề, chúng ta cũng không cần phải lo sợ khi bị 2 ngôi sao này "chiếu" nữa.

1549984347 291 so sao la hau chieu menh nghin nguoi ngoi tran ra duong cau an a1 2 1549984057 width660height440

Hàng nghìn người đến chùa Phúc Khánh, Hà Nội để cúng kiến giải hạn La Hầu, họ ngồi lấn ra cả đường lớn gây ách tắc giao thông, một hình ảnh rất phản cảm.

Nguồn gốc hai ác tinh La Hầu, Kế Đô

Nhiều tín đồ Phật giáo nghĩ rằng La Hầu Tinh Quân và Kế Đô Tinh Quân là hai vị thần có liên quan đến nhà Phật (vì các chùa chiền hay nhận cúng sao giải hạn cho những ai bị 2 vị này chiếu). Thực ra, La Hầu và Kế Đô chẳng những không có liên hệ gì mấy với Phật giáo mà cũng chẳng phải sản phẩm của Đạo giáo Trung Quốc.

La Hầu và Kế Đô (tiếng Phạn phát âm là RahuKetu) vốn được nhắc đến đầu tiên trong truyền thuyết của đạo Hindu ở Ấn Độ. 2 ác tinh này vốn phát triển từ 2 phần của một con rắn quỷ bị thần Vishnu chặt làm đôi.

la hau ke do

La Hầu (phải) là đầu của rắn quỷ, Kế Đô (trái) là phần đuôi của rắn quỷ.

Truyền thuyết có thể có nhiều dị bản nhưng đều đại loại như sau:

Ngày xưa, vào thuở hồng hoang, một ngày nọ thần Mặt Trời Surya và thần Mặt Trăng Chandra cùng các vị thần khác đi tìm bảo vật là bình nước trường sinh bất lão. Trong cuộc tìm kiếm này, chư thần chư quỷ phải cùng phối hợp với nhau mới thành công.

Khi tìm được bình nước trường sinh chìm trong đáy biển, các vị thần chưa kịp uống thì một con rắn quỷ khổng lồ nhảy ra cướp lấy bình nước và uống ừng ực. Thân hình to lớn của nó che khuất cả thần Mặt Trời và Mặt Trăng khiến trời đất tối sầm (lý giải hiện tượng Nhật thực, Nguyệt thực).

Surya và Chandra hốt hoảng liền đi cầu cứu thần Vishnu. Với tư cách là vị thần bảo hộ, Vishnu liền ra tay trừ khử rắn quỷ. Ông biến thành một người phụ nữ xinh đẹp khiến rắn quỷ phân tâm, sau đó chặt ngang cổ họng rắn quỷ khiến nó đứt lìa đầu.

vishnu rahu ketu

Ảnh minh họa thần Vishnu chặt đầu con rắn quỷ (cầm đầu trên cái tay thứ 2 bên trái). Thân rắn quỷ chìm dưới biển.

Con rắn quỷ vừa uống nước thần nên không chết, mặc dù vậy nó không đánh nổi thần Vishnu nên cố nuốt lấy thần Mặt Trời Surya và thần Mặt Trăng Chandra để trả thù. Tuy nhiên, vì đã bị chặt đứt đầu nên nó vừa nuốt vào thì mặt trăng mặt trời đã lại rơi ra nơi cái cổ bị đứt (lý giải hiện tượng Nhật thực, Nguyệt thực chỉ diễn ra trong vài phút chứ không kéo dài).

Thất bại, con rắn đành quy phục các thần, đầu rắn biến thành Rahu (La Hầu) và đuôi rắn biến thành Ketu (Kế Đô).

Truyền thuyết trên là cách mà những tín đồ Hindu cổ đại ở Ấn Độ dùng để giải thích hiện tượng Nhật thực, Nguyệt thực. Mặc dù được phát triển từ thời sơ khai nhưng khái niệm về La Hầu và Kế Đô cũng được xây dựng trên cơ sở thiên văn học (chi tiết sẽ bàn sau trong phần tiếp theo).

la hau hindu

Tranh minh họa La Hầu trong đạo Hindu.

Vì đạo Hindu (Ấn Độ Giáo) phát triển từ rất sớm, thời gian nằm vào khoảng 1750 năm trước Công Nguyên (thời kỳ Vệ Đà), trong khi Phật Thích Ca (Thái tử Tất Đạt Đa Cồ Đàm của nước Ca Tỳ La Vệ) sáng lập và truyền dạy Phật Giáo vào thế kỷ thứ 6 trước Công Nguyên (ông sinh năm 624 TCN, mất năm 543 TCN).

Chính vì vậy, La Hầu và Kế Đô không phải một sản phẩm của Phật Giáo mà chỉ được các vị tu hành ghi lại trong kinh văn Phật Giáo nguyên thủy (còn gọi là Phật Giáo Tiểu Thừa hay Phật Giáo Theravada).

ke do hindu

Tranh minh họa Kế Đô trong đạo Hindu.

Đến khoảng thế kỷ thứ 2 TCN, khi các thương gia Ấn Độ đến Trung Quốc để giao dịch thì họ cũng lưu truyền cả các truyền thuyết của đạo Hindu lẫn kinh văn Phật Giáo nguyên thủy vào Trung Quốc, bao gồm cả khái niệm La Hầu, Kế Đô như đã nói ở trên.

Ở Trung Quốc lúc bấy giờ, hệ thống thần tiên Đạo Giáo và các nghiên cứu về thiên văn học cũng đã phát triển từ lâu nên người Trung Quốc tiếp thu chiêm tinh học Ấn Độ rất nhanh và cảm thấy có nhiều sự tương đồng.

Sau đó, các tu sĩ và học giả Trung Quốc đã học hỏi khái niệm chiêm tinh học Navagraha của Ấn Độ mô tả 9 thiên thể chuyển động trên bầu trời và vay mượn để phát triển luôn hệ thống Cửu Diệu Tinh Quân gồm 9 vị thần ứng với 9 ngôi sao chiếu mệnh cho con người, họ sáp nhập khái niệm này vào hệ thống thần tiên của Đạo Giáo, cụ thể như sau:

cung sao giai han

1) Surya (Sun), đại diện cho Mặt Trời – Thái Dương Tinh Quân trong Đạo Giáo.

2) Chandra (Moon), đại diện Mặt Trăng – Thái Âm Tinh Quân.

3) Budha (Mercury), đại diện sao Thủy – Thủy Đức Tinh Quân (còn gọi là Thủy Diệu)

4) Shukra (Venus), đại diện sao Kim – Thái Bạch Tinh Quân (còn gọi là Thái Bạch Kim Tinh).

5) Mangala (Mars), đại diện sao Hỏa – Hỏa Đức Tinh Quân (còn gọi là Vân Hớn).

6) Guru (Jupiter), đại diện sao Mộc – Mộc Đức Tinh Quân.

7) Shani (Saturn), đại diện sao Thổ – Thổ Đức Tinh Quân (còn gọi là Thổ Tú).

8) Rahu (North Luna Node), tức La Hầu Tinh Quân.

9) Ketu (South Luna Node), tức Kế Đô Tinh Quân.

Đến đây, xem như bạn đọc đã tìm hiểu qua nguồn gốc của La Hầu (羅喉) và Kế Đô (計都), hai khái niệm này vốn không phải của Phật Giáo cũng không phải của Đạo Giáo Trung Quốc. Kế đến cần phải xác định thêm rằng La Hầu và Kế Đô theo danh sách Cửu Diệu Tinh Quân ở trên hoàn toàn không đại diện cho một ngôi sao nào cả.

Thực ra, Rahu và Ketu theo chiêm tinh học cổ đại của Ấn Độ không phải là tên của một vì tinh tú nào mà nó là tên của hai điểm tưởng tượng trong thiên văn học, được dùng làm cơ sở để tính toán và xác định những yếu tố khác có liên quan. Mời các bạn tham khảo trong phần tiếp theo.

La Hầu, Kế Đô trên cơ sở thiên văn học

Các nhà chiêm tinh học cổ đại khi quan sát, nghiên cứu đường đi của Mặt Trăng quanh Trái Đất, và Trái Đất quanh Mặt Trời đã xác định được quỹ đạo của hai đường đi trên đều có hình hình ê-líp (gọi chung là đường biểu kiến chuyển động của Mặt Trăng và Mặt Trời trên Thiên Cầu).

Đường ê-líp được vạch ra bởi Mặt Trời khi mà Trái Đất quay quanh Mặt Trời gọi là đường Hoàng Đạo (gọi là Ecliptic hay Solar Path), đường ê-líp được vạch ra bởi Mặt Trăng khi nó quay quanh Trái Đất gọi là đường Bạch Đạo (Lunar Path).

la hau ke do la gi 1

Theo sơ đồ trên, Hoàng Đạo và Bạch Đạo là hai hình ê-líp có tâm là Trái Đất, hai đường này lại cắt nhau ở hai điểm. Thứ nhất, khi Mặt Trăng đi theo Bạch Đạo và cắt Hoàng Đạo tại một điểm để tiến lên phía Bắc gọi là điểm La Hầu (hay còn gọi là giao điểm Bắc).

Thứ hai, khi Mặt Trăng đi theo Bạch Đạo và cắt Hoàng Đạo tại một điểm để đi xuống phía Nam gọi là điểm Kế Đô (hay còn gọi là giao điểm Nam). Hai điểm này là hai điểm giả định, hiện tượng Nhật Thực và Nguyệt Thực sẽ chỉ xuất hiện khi Mặt Trăng trùng hoặc ở gần hai điểm này mà thôi.

636371956180466197 solar eclipse

Nhật Thực, khi Mặt Trăng đi vào một trong hai điểm La Hầu hoặc Kế Đô vào ngày trăng khuyết.

Cụ thể, Nhật Thực sẽ xảy ra khi Mặt Trăng đi đến tiệm cận hoặc trùng với một trong hai điểm trên vào ngày trăng non (tức trăng khuyết - new moon). Nguyệt Thực sẽ xảy ra khi Mặt Trăng đi đến tiệm cận hoặc trùng với hai điểm trên vào ngày trăng tròn (full moon). Mỗi một năm sẽ có ít nhất 2 lần Nhật/Nguyệt thực và tối đa là 5 lần.

a43d6444 6eed 464c b1da e1160ae230d6 large16x9 ap18208745304046

Nguyệt Thực, khi Mặt Trăng đi vào một trong hai điểm La Hầu hoặc Kế Đô vào ngày trăng tròn.

Thế nên, La Hầu và Kế Đô vốn là hai khái niệm được dùng để tính toán thời điểm có Nhật Thực (Solar Eclipse) và Nguyệt Thực (Lunar Eclipse), nó không liên quan gì tới mê tín dị đoan, cũng không phải là một ngôi sao thực sự có thể "chiếu mệnh" ai cả. Chính vì thế, trong hệ thống Cửu Diệu đã nói ở phần trước, La Hầu và Kế Đô được gọi là hai "hư tinh" - tức hai ngôi sao không có thật.

Theo quan điểm của Phật Giáo

Hầu hết các tín đồ Phật Giáo ở Việt Nam hiện nay đang tiếp thu một phiên bản Phật Giáo bị ''bản địa hóa'' và ảnh hưởng nghiêm trọng từ Phật Giáo Trung Hoa (Phật Giáo Đại Thừa), Đạo Giáo và Nho Giáo sau hàng ngàn năm Bắc thuộc, bị Trung Quốc đô hộ và cố gắng đồng hóa.

Chính vì vậy, bản chất vô thần của Phật Giáo nguyên thủy đã bị bóp méo, trở thành một phiên bản Phật Giáo có bản chất đa thần (thờ nhiều thần). Ngoài việc thờ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, một bộ phận người Việt Nam còn thờ luôn những vị thần của Đạo Giáo mà không hề biết xuất thân, nguồn gốc, ý nghĩa và hình tượng của vị thần đó như thế nào, trong đó có cả La Hầu và Kế Đô.

phat thich ca mau ni

Phật Thích Ca - người sáng lập ra Đạo Phật đã khuyên các tín đồ Phật Giáo không được mê muội tin vào cúng sao giải hạn, chẳng những không có ích lợi gì còn có thể bị lún sâu vào tệ nạn mê tín dị đoan.

Thực ra, trước khi nhập niết bàn, Đức Phật có dặn dò các đệ tử rằng:

Này các đệ tử, sau khi ta qua đời, các vị phải trân trọng, cung kính giới luật như kẻ nghèo hèn được giàu có, như kẻ đui mù được sáng mắt. Phải biết rằng giới luật là bậc thầy tối thượng. Dẫu có sống thêm ở đời bao nhiêu năm nữa, ta cũng không ngoài mục đích răn dạy các vị về giới luật ấy thôi.

Người giữ giới thì không được kinh doanh, thương mại, xây dựng nhà cửa, cày cấy ruộng vườn, đầu tư nông nghiệp, thuê người giúp việc, theo kiểu thế tục. Không được chặt đốn cây cối, đào đất, móc hang, điều chế dược liệu, đoán quẻ tốt xấu, xem sao đoán mạng, nghiên cứu địa lý, tìm tòi hưng suy, hay coi lịch đoán số.

Bản chất đạo Phật là một phương pháp tu tập, có nền tảng triết lý vững vàng, sắc bén, hoàn toàn không có chỗ cho sự mê muội, mù quáng, cả tin như cúng sao giải hạn. Có thể nói điều mà Đức Phật lo lắng đang thực sự diễn ra trong thời hiện đại, khi con người ngày càng chìm đắm vào sự mê tín và xa rời giáo lý Phật dạy.

chua phuc khanh

Những người này đang làm trái với giáo lý nhà Phật, mạo hiểm tính mạng của mình và người khác, ngồi trên dải phân cách của đại lộ để cúng sao giải hạn. (Ảnh chụp trước chùa Phúc Khánh).

Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh từng nói:

Phật giáo coi việc dâng sao giải hạn này là mê tín. Bởi, người ta cứ nghĩ rằng có một lực lượng siêu nhiên, các chòm sao quản lý vận mệnh tốt xấu, hạnh phúc khổ đau của con người, cho nên để tạo tâm lý trấn an người ta làm hài lòng các thần linh đó bằng cách cung kính.

thuong toa thich nhat tu

Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh

Tuy nhiên, quan điểm của Phật giáo khẳng định, điều này không giải quyết được vấn đề. Khi con người muốn chuyển họa phải gieo nhân tích đức, làm các việc nhân văn, nhân đạo có giá trị tương đương hoặc lớn hơn những hành vi xấu trong quá khứ.

Khi làm được nhiều việc phúc lành thì những họa cũ sẽ tan biến còn bản thân việc cúng sao không có giá trị gì mà chỉ giúp con người chìm sâu thêm vào mê tín, sợ hãi.

Theo: Tổng hợp và biên soạn từ nhiều nguồn (Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, Classical Hindu Mythology, The Times Group - India, Utrecht University, Geoastro Applets)
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.