• Về đầu trang
Coffeecat
Coffeecat

Góc khuất về những phi công 'cảm tử' Thần Phong Kamikaze (Phần 1)

Lịch sử

James Fahey, Hải quân Binh nhất phục vụ tàu tuần dương USS Montpelier, viết trong trang nhật ký ngày 27/11/1944:

Sáng hôm nay vào lúc 10:50 a.m., báo động khẩn cấp vang lên. Toàn bộ thủy thủ vào vị trí chiến đấu.

Cả bầu trời Philippines, nơi đóng quân của Montpelier lúc bấy giờ, chỉ toàn máy bay của quân đội Nhật Bản. Phi công Mỹ nỗ lực phản công, và có vẻ như một chiếc máy bay đã bị hạ. Farey thấy chiếc máy bay đó lao về phía tàu - nhưng kỳ lạ thay nó không bốc khói. Chẳng hề có dấu hiệu hư hại nào.

ship during kamikaze attack

Một máy bay kamikaze lao xuống, toan đam vào hàng không mẫu hạm của Mỹ, tuy nhiên đã bị bắn hạ trước khi đạt được mục tiêu. Thái Bình Dương, khoảng năm 1944. (nguồn: US Navy/Interim Archives/Getty Images)

Chiếc máy bay lao thẳng xuống biển, chỉ vừa trượt phần thân tàu một chút. Fahey không tài nào hiểu nổi, phải chăng một phi công Mỹ tài ba đã bắn hạ phi công Nhật trong chiếc máy bay đó?

Nhưng ngay sau đó, lại một chiếc máy bay Nhật không hề có dấu hiệu hư hại nào lao xuống, đâm vào đuôi tàu USS St. Louis gần đó. Kho tàu chìm trong biển lửa, nhiều thủy thủ chạy tán loạn cầu cứu cho đến khi chỉ còn là tàn tro.

Một loại hình chiến tranh mới đã bắt đầu.

Fahey bị tấn công trong một trận đột kích kamikaze - đòn tấn công đến từ những kẻ địch không màng chuyện sống còn. Dùng phi công kamikaze là một biện pháp vô cùng liều lĩnh và tàn bạo, và chỉ có hiệu quả trong một thời gian.

Khởi đầu của Thần phong: Thế chiến II

Fahey đã nghĩ rằng ông là người đầu tiên nhìn thấy máy bay cảm tử kamikaze. Nhưng tính đến lúc ông bị tấn công, quân đội Nhật đã sử dụng chiến thuật này được hơn một tháng.

Chiếc máy bay kamikaze chính thức đầu tiên đâm trúng mục tiêu là vào ngày 25/10/1944 trong trận Hải chiến vịnh Leyte, nhưng thực chất thì ý tưởng này đã được quân đội Nhật nung nấu từ lâu.

chaos during kamikaze attack

Một máy bay kamikaze bốc hỏa.
Thái Bình Dương, khoảng năm 1944 - 1945. (nguồn: Fotosearch/Getty Images)

Ngay từ trận chiến đầu tiên giữa quân đội Mỹ và Nhật đã có một đòn tấn công kiểu "kamikaze". Trong trận Trân Châu Cảng, Trung úy Fusata Iida đã cố ý đâm vào một trạm khí hải quân Mỹ, giữ vững lời thề "nếu gặp sự cố, tôi sẽ lái máy bay đâm vào căn cứ địch thay vì hạ cánh khẩn cấp."

Nhưng phải đến vài năm sau đó, khi Đức Quốc xã đầu hàng và Nhật cũng sắp bại trận trước Mỹ thì việc đưa dân mình vào cõi chết mới được quân đội Nhật suy xét như một chiến thuật quân sự.

kamikaze airplane over carriers

Một máy bay kamikaze đâm trượt một hàng không mẫu hạm Mỹ sau khi bị hư hại nặng.
Thái Bình Dương, khoảng năm 1944 - 1945. (nguồn: Bettmann/Getty Images)

Tại Nhật Bản lúc bấy giờ, rất ít người tin là sẽ có cách giành thắng lợi trong cuộc chiến. Thay vì đấu tranh giành thắng lợi, họ tin rằng nếu tạo sức ép đủ mạnh lên Khối Đồng Minh thì sẽ có thể thỏa thuận những điều khoản chiến tranh tốt hơn.

Người đầu tiên đề xuất chiến thuật này là Đại úy Motoharu Okamura vào ngày 15/06/1944.

Okamura đã bàn với Phó đô đốc Hải quân Takijirō Ōnishi, người chỉ huy Hạm đội Hàng không đầu tiên của nước Nhật:

Trước tình hình này, tôi tin chắc rằng cách duy nhất để giành lại ưu thế trong cuộc chiến là đột kích bằng những máy bay.

Okamura rất quả quyết. Ông đã trấn an người chỉ huy rằng những nam thanh niên Nhật sẽ sẵn lòng hy sinh thân mình để bảo vệ tổ quốc.

Hãy cho tôi 300 chiếc máy bay và tôi sẽ lật ngược tình thế. Không còn cách nào khác đâu.

Những "tình nguyện viên" Kamikaze

Đội quân cảm tử của Okamura và Ōnishi khác hẳn với những cá nhân liều mạng lúc trước.

Những chiếc máy bay của đội quân cảm tử đảm bảo sẽ gây tác động cực mạnh, với phần mũi máy bay được trang bị 250 kí bom. Khi đâm vào mục tiêu, ngoài thiệt hại do va chạm, những máy bay này sẽ gây ra một vụ nổ có thể vô hiệu hóa hoặc đánh chìm cả một hàng không mẫu hạm.

kamikaze explosion

Khói đen nghi ngút từ tàu USS Bunker Hill sau khi bị tấn công bởi hai máy bay kamikaze.
Thái Bình Dương. 11/05/1945. (nguồn: Hulton Archive/Getty Images)

Lực lượng cảm tử này được gọi là kamikaze ("thần phong"). Cụm từ này xuất hiện vào thế kỷ 13, khi một cơn bão đã càn quét Đế quốc Mông Cổ lăm le xâm lược Nhật Bản lúc bấy giờ. Cũng tương tự với cơn bão thần bí này, đội quân kamikaze sẽ bảo vệ người dân khỏi cảnh diệt vong.

Những phi công cảm tử chẳng có chút cơ hội sống sót nào. Tuy vậy vẫn có rất nhiều người nhập ngũ, đúng theo dự đoán của Okamura. Có lời rằng khi Phó đô đốc Ōnishi kêu gọi nhập ngũ, mọi nam nhi đều đã sẵn sàng tình nguyện.

Nỗi sợ cái chết

Theo tuyên truyền của quân đội Nhật, đây chính là bằng chứng cho thấy nam nhi Nhật Bản rất sẵn lòng hy sinh vì tổ quốc. Nhưng trong những dòng thư và nhật ký mà phi công kamikaze để lại, sự kiên định này có phần lung lay.

Quân đội đã tự hào trình báo, khi Trung úy Yukio Seki - một phi công trẻ ưu tú - được yêu cầu lãnh đạo đơn vị kamikaze, anh nhắm nghiền đôi mắt và lặng thinh một hồi, rồi vuốt ngược mái tóc về sau và dõng dạc: "Xin hãy bổ nhiệm tôi vào vị trí này".

yukio seki heigakkou kamikaze

Hình chụp Yukio Seki vào năm 1939.
(nguồn: Wikipedia)

Nhưng những lời tâm sự riêng của Seki lại cho thấy, anh chỉ tình nguyện nhận nhiệm vụ này vì anh cảm thấy chẳng còn cách nào khác. Anh cay đắng chia sẻ với một phóng viên hiện trường:

Tương lai Nhật Bản thật ảm đạm nếu buộc phải hy sinh một trong những phi công giỏi nhất. Tôi nhận nhiệm vụ này không vì Hoàng Đế hay vì Đế quốc Nhật... Tôi nhận nhiệm vụ vì tôi được lệnh phải nhận.

kamikaze

Một phi công giúp bạn mình chỉnh lại nón trước nhiệm vụ kamikaze.
Nhật Bản, khoảng năm 1944 - 1945. (nguồn: Hulton Archive/Getty Images)

Rất nhiều phi công kamikaze khác cũng chung nỗi niềm trước cái chết không thể tránh khỏi của họ, tuy rằng trên giấy tờ thì họ đã "tình nguyện" hy sinh. Một phi công viết thư gửi mẹ anh:

Mẹ ơi, con không thể kiềm được nước mắt khi nghĩ về mẹ. Khi con nghĩ về những kỳ vọng mẹ danh cho tương lai của con... Con rất đau lòng khi phải chết mà chưa kịp mang niềm hạnh phúc đến với mẹ.

Điều kiện khắc nghiệt

Những phi công tình nguyện còn phải qua những kỳ huấn luyện vô cùng khắc nghiệt nhằm buộc họ chấp nhận nhiệm vụ cảm tử này.

Irokawa Daikichi, một trong những phi công kamikaze, viết trong nhật ký của anh rằng trong thời gian tham gia tập huấn, anh thường bị bỏ đói và đánh đập. Cấp trên không cho anh ăn uống gì, và khi họ nghi ngờ rằng anh đã ăn gì đó, họ sẽ đánh anh đến đổ máu.

Tôi bị đánh đau đến nỗi không còn nhìn thấy và cảm nhận được thềm đất. Khi vừa nhổm dậy, tôi lại bị đánh tiếp... [Ông ta] đánh 20 lần vào mặt tôi, và bên trong miệng tôi bị cứa rách bởi răng đâm trúng.

kamikaze pilots standing

Những phi công kamikaze đứng nghiêm trước sỹ quan chỉ huy.
Khoảng năm 1944 - 1945. (nguồn: Keystone/Getty Images)

Phi công kamikaze bị hành hung do bất kỳ hành vi nào bị cho là "bất trung". Một vài phi công chia sẻ, họ bị bắt học nằm lòng những bài thơ được viết bằng tiếng Nhật cổ, và mỗi khi mắc lỗi thì họ đều bị đánh đập dã man.

Đến ngày xuất trận, tất cả sự tự do ý chí hay ý định chống đối đều đã bị xóa sạch.

senninbari

Đai thắt lưng "senninbari" với 1.000 mũi khâu đỏ, mỗi mũ được khâu bởi một người phụ nữ.
(nguồn: m1pencil)

Trước khi lên máy bay, những phi công sẽ được nhận một chiếc đai với 1.000 mũi khâu, được gọi là senninbari - mỗi mũi được khâu bởi một người phụ nữ - như một lời tạ ơn cho sự hy sinh của họ. Như những samurai thời trước, họ sẽ ngâm tuyệt mệnh thi - một bài thơ về cái chết - và cùng nâng chén rượu cuối cùng trước lúc ra đi.

(còn tiếp)

Theo: All That's Interesting
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.