• Về đầu trang
Coffeecat
Coffeecat

Lời nguyền tàn độc của hồn ma Masakado tại Tokyo

Độc lạ

Một ngân hàng tại Tokyo đã từng mở tài khoản đứng tên một người đàn ông đã mất cách đây... hơn 1.000 năm.

Ngân hàng này là một nhánh của Tokyo-Mitsubishi UFJ (giờ đây là một phần của MUFG - ngân hàng lớn nhất Nhật Bản), tọa lạc gần một ngôi mộ kỳ bí - nơi yên nghỉ của một người đàn ông. Nhân viên làm việc tại ngân hàng này được căn dặn kỹ lưỡng rằng không được mở những cửa sổ hướng về ngôi mộ, và không được quay lưng về ngôi mộ - ngay cả khi ngồi ở bàn làm việc. Tài khoản ngân hàng được thiết lập nhằm xoa dịu cơn giận dữ của linh hồn người đàn ông này.

ngoi mo masakado otemachi nhat ban

Ngôi mộ của Masakado tại Otemachi, Nhật Bản (nguồn ảnh: World Discovery/Alamy)

Người này là ai? Taira no Masakado, một chiến binh nổi loạn đã tử nạn vào năm 940 nhưng linh hồn vẫn vất vưởng tại vùng này. Qua nhiều thế kỷ đắm chìm trong bạo loạn, mê tín, và những sự trùng hợp, truyền thuyết về hồn ma Masakado đã gắn liền với thành phố Tokyo và những người dân nơi đây.

Vào thời của Masakado, vùng đất Tokyo không có gì khác ngoài đầm lầy và cỏ dại. Nhật Bản lúc này được cai quản bởi thủ đô Kyoto xa xôi, trong khi Tokyo vẫn còn là vùng hỗn loạn vô pháp, nơi hội tụ những con người bị xã hội ruồng bỏ và sẵn sàng chinh chiến. Những chiến binh này tự xưng là samurai - "người phụng sự" - và lấy lòng trung thành với đức vua làm kiêu hãnh.

Trong bối cảnh này, Masakado là một tia sáng nhen nhóm góp phần chuyển quyền lực từ Kyoto sang những samurai tại Tokyo. Một ngày nọ, Masakado tự xưng là "Hoàng đế nước Nhật" - người được Nữ thần Mặt trời lựa chọn, giết một lãnh chúa và chiếm lấy hai tỉnh phía Nam. Trước sự bội bạc ngông cuồng này, Nhật hoàng đã treo thưởng hậu hĩnh cho người lấy được đầu của chàng samurai trẻ, sau này được biết người đó là anh em họ của Masakado. Tuy thủ cấp lìa thân nhưng hành động của Masakado đã để lại một dư âm không thể chối bỏ: ông đã thách thức quyền lực tối cao của Nhật hoàng.

masakado hon ma nhat ban tren lung ngua

Bức họa Masakado trên lưng ngựa, quật ngã một người lính bộ binh, bởi họa sĩ Yoshitoshi, c 1883-1886 (nguồn ảnh: John Stevenson/Corbis/Getty)

Không lâu sau, những truyền thuyết về ông được dựng lên. Người ta kể rằng Masakado mình đồng da sắt, chỉ có một điểm yếu là ở đỉnh đầu, nơi mẹ ông - thuộc loài mãng xà - chưa kịp ban phước. Nạn dịch bươm bướm được xem là dấu hiệu Masakado chuẩn bị làm càn.

Chính quyền thời ấy thường chế giễu ông, nói rằng ông bị xiên bởi những cành cây lá kiếm dưới địa ngục, lá gan ông bị thiêu cháy vĩnh viễn. Nhưng càng tuyên truyền gièm pha, sự lo ngại của chính quyền đối với ông càng rõ mồn một.

Tương truyền rằng con gái của ông, Takiyasha, đã sống sót tại một pháo đài cổ, học "thuật gọi hồn" (necromancy), và gầy dựng nên một đội quân ếch. Trong tiếng Nhật, ếch (kaeru) đồng âm với "trở về", ám chỉ rằng Masakado sẽ trở lại để báo thù.

cong chua takiyasha con gai masakado

Takiyasha trong bức họa in bản mộc thực hiện bởi Yoshu Chikanobu, 1884
(nguồn ảnh: Wikipedia/Taira_no_Masakado)

Để ngăn chặn điều này, chính quyền đã mang thủ cấp của ông về Kyoto và treo lên cao nhằm thị uy dân chúng. Nhưng không lâu sau, chiếc đầu giận dữ đã tự bay về vùng Kanto để tìm lại cơ thể. Trên đường về, một chiến binh tại tỉnh Gifu đã bắn mũi tên trúng chiếc đầu, nhưng rồi nó vẫn điên cuồng bay đi tìm về thi thể. Về sau, thủ cấp của ông đã ngã xuống tại một làng chài vô danh tại Shibazaki. Dân làng đã rửa thủ cấp thật sạch sẽ, chôn cất đầy kính cẩn và dựng lên một ngôi mộ có khắc bùa nhằm phong ấn thủ cấp của Masakado. Nhưng sau này những đợt sấm chớp và bóng ma kỳ lạ liên tục xuất hiện - và mỗi khi dân làng gặp vận rủi, họ đều đổ lỗi cho ông.

Cũng vào lúc này, Masakado danh nổi như cồn đối với những samurai trẻ nổi loạn chống đối chính quyền. Họ đã sống theo châm ngôn đầy tai tiếng của ông:

Người ở cõi này giành lấy quyền lực thông qua những thắng lợi trên chiến trường.

Sau này nhóm samurai chống đối đã biến châm ngôn ấy thành hiện thực, và Masakado được vinh danh là "vị samurai đầu tiên". Ngôi mộ của ông tại đền thờ Phật Kanda đã trở thành một phần của thủ đô mới: một Edo tráng lệ dưới quyền của các Tướng quân (Shogun).

Chế độ Mạc phủ dưới quyền các Tướng quân thực chất chỉ ra đời để phò tá Thiên hoàng trong hoàn cảnh đất nước lâm nguy. Tuy vậy, dòng dõi Tokugawa khôn ngoan đã biến mình thành vương triều, thành lập Mạc phủ tại Edo từ những năm 1600 và trị vì Nhật Bản đến 250 năm sau đó. Đến năm 1720, Edo đã trở thành thành phố lớn nhất thế giới và là nơi tập trung quyền lực tại Nhật Bản - dưới sự bảo hộ của Masakado.

Nhật Bản lúc này cũng tự tách mình khỏi thế giới, và Edo trở thành một "thế giới trên mây", nơi theo đuổi tinh hoa hội họa, thủ công mỹ nghệ, và đôi khi là những đêm khoái lạc. Những sân khấu kabuki nổi tiếng bị cấm bàn về những chủ đề chính trị, nên người dân tại các thành phố lớn thường tìm đến những câu chuyện về những hồn ma xưa vất vưởng. Vở kịch Masakado (1836) là một trong những cú hit lúc bấy giờ, trong đó con gái ông kể lại câu chuyện cuộc đời ông và dùng ma thuật để chống lại những kẻ theo đuổi cô.

con gai masakado takiyasha

Pháp sư Takiyasha và Quỷ cốt, bộ tranh in mộc bản thực hiện bởi Kuniyoshi Utagawa, 1844. Trong bộ tranh, Takiyasha triệu hồi Quỷ cốt nhằm đe dọa Mitsukuni - một nhân vật chính trong vở kịch kabuki - và đồng bọn.
(nguồn ảnh: Eileen Tweedy/Rex/Shutterstock)

Nhưng rồi tầng lớp samurai cũng đi vào dĩ vãng. Cuộc cách mạng năm 1868 diễn ra, lật đổ chế độ Mạc phủ và "khôi phục" quyền lực của Nhật hoàng. Thành phố Edo đổi tên thành To-kyoto ("Kinh đô ở miền Đông"), sau này được rút gọn thành Tokyo. Ngôi mộ Masakado giờ đây tọa lạc trong khuôn viên của văn phòng Bộ Tài chính mới.

Lo sợ tầm ảnh hưởng của Masakado, đến năm 1874 chính quyền mới đã chính thức tuyên bố rằng ông là "kẻ thù của Nhật hoàng", toan chấm dứt quyền lực thần thánh của ông. Và rồi Bộ Tài chính cháy tàn cháy rụi trong trận động đất năm 1923. Người ta đổ lỗi cho Masakado. Có tin đồn rằng tòa văn phòng được dựng lên thay thế sau này cũng bị ám bởi hồn ma Masakado: trong vòng 5 năm, nơi đây đã xảy ra biết bao nhiêu sự cố với tổng 14 người thiệt mạng - trong đó có cả Bộ trưởng Tài chính.

Các nhà chức trách thú nhận rằng họ đã san bằng ngôi mộ trong quá trình xây dựng văn phòng. Sau khi Bộ trưởng Tài chính qua đời, vào năm 1928, họ đã tức tốc khôi phục ngôi mộ và mời một pháp sư đến tổ chức "lễ trấn hồn" - gọi là "trừ tà" thì quá bất kính.

Đến năm 1940 khi 9 cơ quan lân cận bị sét đánh tan tành, họ lại biện minh rằng đã quên đặt lại phiến đá có khắc bùa phong ấn Masakado lúc xưa. Phiến đá được đặt lại như cũ, nhưng rồi Masakado lại lên sóng vào năm 1945 khi bị cho là đã gây ra cái chết của một tài xế lái xe ủi đất. Quân đội Mỹ chiếm đóng Nhật Bản lúc bấy giờ định biến khu này thành bãi giữ xe, nhưng sau tai nạn này đã quyết định không mạo phạm đến nơi Masakado yên nghỉ.

Tập đoàn Tài chính Mitsui đã bỏ ngoài tai tất cả những sự kiện này. Năm thập kỷ sau vụ tai nạn, lúc này Nhật Bản rơi vào cuộc suy thoái kinh tế kéo dài, tập đoàn Mitsui định bán đi giấy phép khai thác khoáng sản tại vùng đất của Masakado. Một hành động ngạo mạn, xấc xược, và có lẽ đã đánh dấu sự sụp đổ của nền kinh tế Nhật Bản. Nhưng rồi "cười người hôm trước, hôm sau người cười", tập đoàn này đã tuyên bố phá sản vào năm 2002. Cũng trong thời gian này, ngân hàng Tokyo-Mitsubishi đã thử "đút lót" Masakado bằng cách lập tài khoản đứng tên ông.

Masakado không phải là hồn ma duy nhất tại Tokyo. Công viên Toyama, nơi xảy ra những cuộc thí nghiệm chết người, đôi khi vẫn vang vọng lời ai oan, và những "ngôi nhà ma ám" tại Nhật Bản được cho thuê với giá cả phải chăng. Ngay cả thủ tướng Nhật Bản cũng không "miễn dịch" với hồn ma Masakado. Từ năm 2012, ông Shinzo Abe đã từ chối dọn đến dinh thự tại Nagatocho, trung tâm của thủ đô Tokyo, nơi một trong những người tiền nhiệm của ông từng bị ám sát.

loi nguyen masakado ga otemachi

Chúng tôi đã ghé thăm ngôi mộ của Masakado tại ga Otemachi, lối ra C4... có vẻ như lời nguyền xưa vẫn mãnh liệt như ngày nào.

Ngôi mộ Masakado đến giờ vẫn còn đó, một phần cổ kính lọt thỏm giữa những tòa nhà chọc trời và công trình xây dựng gần lối ra C4 của ga Otemachi.

Theo: The Guardian
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.