• Về đầu trang
Hạnh Tâm
Hạnh Tâm

Những sự kiện lịch sử lật ngược thế cờ chỉ vì ‘người tính không bằng trời tính’

Lịch sử

Một đám sương mù có thể thay đổi cục diện của một trận chiến. Một trận bão có thể gây ra đại họa cho cả quốc gia. Dù các chiến lược gia có tính kỹ đến đâu, sẽ có lúc họ chỉ biết cúi đầu bất lực nhìn Mẹ Thiên Nhiên ra tay.

Phong thần Kamikaze

Những năm 1274 và 1281, Đế quốc Mông Cổ của Hốt Tất Liệt đem quân tấn công Nhật Bản. Bất ngờ làm sao, cả hai cuộc chiến đều thất bại chỉ vì có hai cơn bão bỗng dưng ùn ùn kéo đến đánh chìm tàu thuyền Mông Cổ.

Dân chúng Nhật Bản đinh ninh họ sẽ bại trận, không ngờ rằng mình lại thắng trong gang tấc. Họ cho rằng đó chính là Kamikaze (phong thần) đã bảo vệ đất nước Mặt Trời mọc. Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, Kamikaze còn được dùng để chỉ những phi công cảm tử.

Những phi công trong đội cảm tử Kamikaze (ảnh: bbc)

Cơn bão trong chiến tranh Anh - Tây Ban Nha năm 1588

Năm 1588, hạm đội Armada của Tây Ban Nha khởi hành từ Lisbon với ý đồ đưa quân xâm lược nước Anh. Armada được xem là hạm đội bất khả chiến bại của Tây Ban Nha. Nó thậm chí còn được gọi là “hạm đội vĩ đại và may mắn nhất”.

Do ảnh hưởng của bão tố, cuối tháng bảy, Armada mới tiến đến bờ biển phía Nam của nước Anh. Lúc này Anh đã sẵn sàng nghênh chiến và tổ chức những đợt tấn công dữ dội khiến Armada buộc phải rút về cố thủ ở thành phố cảng Calais, nước Pháp. Trong lúc hạm đội neo biển chờ quân tiếp viện, hải quân Anh đã tấn công bằng tám tàu nhỏ chở chất nổ. Đúng lúc này, cơn bão ngoài Đại Tây Dương gây ra sóng to gió lớn khiến Armada càng gặp khó khăn trong việc phản công. Hạm đội vĩ đại không còn sự lựa chọn nào khác ngoại trừ rút quân về Tây Ban Nha.

Kết quả, gần một nửa hạm đội bị đánh chìm và 20.000 lính Tây Ban Nha tử trận. Nữ hoàng Elizabeth cho rằng cơn bão định mệnh này là sự can thiệp đúng lúc của Chúa. Để bày tỏ lòng thành kính, Nữ hoàng đã cho in hàng chữ “Chúa đã thổi bay quân địch” trên những tấm huy chương trao cho binh lính.

Bức tranh tái hiện lại trận chiến của hạm đội Armada và quân Anh

Mùa đông giá rét của chiến tranh Vệ quốc năm 1812

Năm 1812, bất chấp sự phản đối của quân Đồng minh, Napoleon Bonaparte đem hơn 600.000 binh lính cùng 200.000 chiến mã chinh phạt nước Nga. Theo các nhà sử học, một trong những nguyên nhân khiến Napoleon thua trận là do thời tiết quá khắc nghiệt.

Nước Nga lúc bấy giờ là mùa đông, nhiệt độ từ -4 đến -20 độ C. Rất nhiều ngựa bỏ mạng khiến cho quân đội gặp khó khăn trong việc vận chuyển và tiếp tế. Quân lính của Napoleon chết như ngả rạ vì giá rét, bệnh tật và đói khát. Cộng thêm việc thiếu thốn thuốc men, lương thực và thời tiết giá lạnh kéo dài, đội quân của Napoleon không thể chống cự được lâu, cuối cùng đành phải rút về nước.

Trận chiến này đã tạo ra bước ngoặt lớn. Một thời gian ngắn sau, nhiều nước đã nổi dậy chống lại quân Pháp và lật đổ đế chế của Napoleon.

Napoleon và quân Pháp rút về nước

Mùa đông khắc nghiệt nhất lịch sử của chiến tranh Xô – Đức năm 1941

Năm 1941, Hitler mở cuộc tấn công nước Nga chớp nhoáng bắt đầu từ ngày 22/6 trước khi mùa đông giá rét ập đến. Mọi thứ vẫn suôn sẻ cho đến mùa sình lầy vào tháng 10, gây thiệt hại nặng nề cho các trang thiết bị, người và ngựa hoàn toàn kiệt sức.

Diễn biến ngày càng tệ hơn khi thời tiết bước sang tháng 11. Mùa đông năm 1941 – 1942 được xem là mùa đông giá rét nhất lịch sử nước Nga. Có những ngày nhiệt độ kéo xuống gần -40 độ C, thậm chí nhiệt độ thấp nhất từng đo được là -53 độ C.

Nhà báo Italy là Curzio Malaparte ghi chép lại:

“Cái lạnh kinh hoàng của mùa đông năm đó đã để lại hậu quả nặng nề. Hàng nghìn người cụt tay chân. Cả tai, mũi, ngón tay và bộ phận sinh dục của họ bị sương giá làm cho nứt toác. Nhiều người khác còn rụng cả tóc. Vì quá lạnh, mí mắt của họ rụng như lớp da chết”.  

Mùa đông khắc nghiệt của nước Nga đã góp phần làm sụp đổ kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh của Hitler, đồng thời làm Đức Quốc Xã dần suy yếu trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Đám mây dày trong vụ ném bom nguyên tử ở Nhật Bản

Ngày 9/8/1945, chiếc Bockscar cất cánh từ đảo không quân Tinian, hướng về Nhật Bản để thả quả bom nguyên tử thứ hai. Sau khi tàn phá Hiroshima bằng quả bom nguyên tử đầu tiên “Little Boy”, mục tiêu thứ hai của Mỹ là hủy diệt thành phố Kokura – nơi đặt xưởng vũ khí của nước Nhật.

Tuy nhiên, Kokura bị đám mây dày đặc che phủ gần hết thành phố. Sau ba lần bay vòng quanh Kokura và chiếc Bockscar gần hết nhiên liệu, phi công Charles W. Sweeney cuối cùng đành chuyển sang mục tiêu dự bị là Nagasaki. Vào lúc 10h58 tính theo giờ địa phương, chiếc Bockscar đã thả quả bom nguyên tử thứ hai “Fat Man” xuống thành phố Nagasaki, khiến cho gần 35.000 người bỏ mạng.

Nagasaki sau vụ thả bom nguyên tử

Sự kiện Cơn bão Đen ở Mỹ

Năm 1929, trong khi nước Mỹ đang phải đối mặt với cuộc Đại khủng hoảng thì người dân ở vùng Đại bình nguyên vẫn tiếp tục cày cấy trồng trọt và kiếm bộn tiền.

Năm 1931, những cơn bão lốc cuốn theo cát bụi gây xói mòn, hạn hán, hệ sinh thái và nông nghiệp thiệt hại trầm trọng. Những người dân khá giả, có của ăn của để bỗng chốc mất trắng và lâm vào cảnh bần cùng. Rất nhiều người không thể tiếp tục canh tác trên đất của mình đành phải bỏ xứ mà đi.

Cơn bão Đen ùn ùn kéo đến

Sự kiện Cơn bão Đen và Đại khủng hoảng đã biến thành “cuộc khủng hoảng kép” đe dọa kinh tế và xã hội của nước Mỹ lúc bấy giờ.

Đọc thêm bài: Giulia Tofana - Sát thủ giết 600 gã đàn ông được xem là 'thánh sống' của nhiều phụ nữ thời Phục Hưng

Theo: RD
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.