• Về đầu trang
Mai Mèo
Mai Mèo

‘Nữ hoàng chín ngày’ của Anh Quốc: Con tốt trên bàn cờ chính trị, bị tử hình vì mang tội danh cướp ngôi

Lịch sử

Những cuộc chơi chính trị dưới chế độ quân chủ xưa kia lúc nào cũng tồn tại đầy rủi ro, và kết cục cho kẻ thua cuộc – và bất cứ ai bị gán tội có liên quan – chỉ là cái chết: chém đầu, treo cổ, thiêu sống…

Chẳng ai an toàn, cho dù có là hoàng thân quốc thích đầy cao quý. Và kể cả khi tưởng chừng đã nắm chắc ngôi vị quân vương một nước, cái danh xưng đó dễ dàng bị tước bỏ chỉ sau chín ngày, còn vị nữ hoàng bất đắc dĩ kia suýt nữa đã bị lịch sử lãng quên với tội danh tiếm ngôi và phản quốc.

portrait

Bức tranh được cho là chân dung của Công nương Jane Grey. Cũng giống như các tư liệu lịch sử về mình, chân dung của Jane Grey khá ít ỏi vì khó có thể xác định danh tính chính xác của người trong tranh. Nguồn ảnh: antheamissy.com

Công nương Jane Grey (sinh khoảng 1536, 1537 – mất 1554) sinh ra trong một gia đình quý tộc với cha là Henry Grey – Công tước Suffolk, còn mẹ là Frances Brandon – con gái lớn của dòng dõi Brandon đầy danh tiếng.

Theo lệ thường, Jane được thụ hưởng một nền giáo dục hàng đầu với những học giả uyên bác dạy cô tiếng Hebrew, Hy Lạp, Ý và Latin. Vốn có sẵn tố chất thông minh và tư tưởng độc lập, vị công nương trẻ sớm trở thành một tín hữu Kháng Cách, giống như cha mình. Nhưng lớn lên trong một gia đình danh giá thật chẳng dễ dàng, như Jane từng hiếm hoi kể với học giả Roger Ascham:

“Khi ở cùng với cha hoặc mẹ, cho dù là nói năng, im lặng, đứng, ngồi, đi lại, vui vẻ hay buồn rầu, cho dù là may vá, chơi đùa hay nhảy múa, cho dù là làm bất cứ điều gì, tôi đều phải cân đo, tính toán thật tỉ mỉ đến mức hoàn hảo như cách Chúa tạo ra thế giới này.

Nếu không, tôi sẽ bị quở trách thật nghiêm khắc, đe dọa một cách hung hăng, ví dụ như đôi lúc tôi bị cấu, véo, đánh và vài cách khác nữa (mà tôi xin không kể tên ra vì danh dự của mình)… khiến tôi cảm thấy như ở trong địa ngục.”

portrait 1

Bức chân dung này được phát hiện vào đầu thế kỷ 21 và được xác định là chân dung của Công nương Jane Grey. Nó được vẽ vào khoảng những năm 1590, nhưng danh tính của người họa sĩ vẫn là bí ẩn. Nguồn ảnh: Wikipedia

Theo lẽ thường ở thời bấy giờ, con cái của các quý tộc được gửi đến những gia đình khác cũng thuộc dòng dõi cao quý để học tập và mở rộng quan hệ. Jane Grey cũng không thuộc ngoại lệ khi ở vào khoảng 11, 12 tuổi, cô được gửi đến sống ở nhà của Thomas Seymour – chú ruột của Vua Edward VI đang tại vị.

Thomas Seymour sau đó cưới Catherine Parr (vợ góa của Vua Henry VIII), và Jane sống cùng họ mãi đến khi Catherine Parr qua đời năm 1548.

Lúc này, Jane gần như đã bắt đầu số phận con cờ chính trị của mình khi Thomas Seymour dự định đề xuất cô cho vị trí vợ của nhà vua. Đây trở thành một trong nhiều tội danh của Thomas Seymour khi ông bị bắt giữ vào cuối năm đó.

Trong vụ án của Thomas Seymour, cha của Jane tuy có dính líu nhưng may mắn thoát tội. Vừa trải qua bốn cuộc thẩm vấn, ông lập tức sắp xếp gả con gái cho Bá tước Hertford – con trai lớn của Bảo quốc hầu, thế nhưng hôn sự này bất thành.

Nàng công nương trẻ không được thảnh thơi lâu, vì đến mùa xuân năm 1553 thì cha cô đã tìm được một “mối” tốt hơn cho cả con gái lẫn gia đình mình. Lần này thì Jane chính thức trở thành vợ của Guildford Dudley – con trai của John Dudley, Công tước Northumberland, một nhân vật quyền thế nhất nước.

Không rõ vì lí do gì mà Vua Henry VIII lúc sinh thời lại loại bỏ Frances Brandon – mẹ của Jane Grey – khỏi danh sách kế vị, trong khi vẫn giữ lại tên con gái của bà.

Hai người con gái của Henry VIII là Mary và Elizabeth tuy được phục hồi quyền kế vị nhưng vẫn bị xem là con ngoại hôn theo luật pháp (vì Henry VIII đã li dị mẹ của họ là Catherine xứ Aragon và Anne Boleyn).

Vua Edward VI, vốn đau ốm triền miên, mang thể chất yếu ớt có nguy cơ băng hà bất cứ lúc nào, lâm bạo bệnh vào mùa hè năm 1553 và sau đó qua đời ở tuổi 15. Bất ngờ thay, các sắc thư và tuyên cáo của Edward VI không trao quyền kế vị cho người chị gái cùng cha khác mẹ của mình là Mary Tudor.

Ngày 9 tháng 7 năm 1553, Jane Grey, lúc này đã là Phu nhân Jane Dudley, được thông báo rằng mình được Vua Edward VI truyền lại ngôi vị. Theo nhiều ghi chép, cô đã suýt ngất xỉu khi nghe tin, rồi chỉ miễn cưỡng chấp nhận sau khi bị nài ép bởi gia đình và chính chồng mình, Guildford Dudley.

Jane được đưa đến Tháp London, nơi mà các đời vua chúa Anh trước đó vẫn đến trú ngụ chờ ngày đăng quang, đồng thời cũng từng là nơi nhiều hoàng thân quốc thích bị giam giữ chờ ngày xét xử. Sau khi được tuyên xưng là Nữ hoàng, Jane cũng từ chối phong chồng mình là Quốc vương mà chỉ ban cho tước hiệu Công tước Clarence.

lady jane grey after robert smirke

Công nương Jane Grey bị nài ép nhận lấy ngôi vị, tranh khắc của Robert Smirke. Nguồn ảnh: Wikipedia

the crown offered to lady jane grey after leslie

Vương miện được trao cho Công nương Jane Grey, tranh khắc vào khoảng năm 1827 của họa sĩ Charles Robert Leslie. Hai người đứng giữa trong tranh là Guildford Dudley và Jane Grey. Nguồn ảnh: Wikipedia

Trong khi đó, Công nương Mary Tudor nhanh chóng triệu tập được lực lượng ủng hộ đông đúc sẵn có của mình với mục tiêu rõ ràng là giành lại ngôi vị vốn hiển nhiên được coi như thuộc về bà. Trước đó, cha chồng của Jane Grey là Công tước Northumberland đã thất bại trong nỗ lực bắt giam Mary.

Ngay khi ông đem quân rời khỏi London, Hội đồng Cơ mật lập tức quay sang ủng hộ Mary Tudor và tuyên bố bà mới là Nữ hoàng hợp pháp của nước Anh. Lúc này, Công tước Northumberland – với hy vọng được an toàn và bảo toàn tước hiệu – thuyết phục con dâu mình thoái vị.

mary tudor

Nữ hoàng Mary của Anh, nổi danh lịch sử bởi cái tên “Mary khát máu”

Tuy được gọi là “Nữ hoàng chín ngày”, nhưng có thể thời gian tại vị của Jane Grey nhiều hơn con số đó. Sau khi Mary Tudor được tuyên bố là Nữ hoàng, Jane bị bắt giam ở Tháp London còn chồng cô bị giam ở Tháp Beauchamp.

Người dân và Quốc hội hoan hỉ ủng hộ Nữ hoàng Mary, còn Jane Grey bị gọi là “Kẻ cướp ngôi”. Tuy mang tội phản quốc và từng ký một số văn kiện dưới tên “Nữ hoàng Jane” khi còn tại vị, cô gần như đã may mắn thoát khỏi tội chết. Nhưng sau đó, với cuộc nổi dậy của những người theo Kháng Cách có sự tham gia của cha và hai em trai của Jane, số phận cô coi như đã an bài mặc dù bản thân không hề liên can.

lady jane grey letter as queen

Một bức thư được Jane Grey kí dưới tên “Nữ hoàng Jane". Nguồn ảnh: Wikipedia

Jane Grey, bây giờ lại được gọi bằng tên Phu nhân Jane Dudley, bị tuyên án tử. Thời điểm hành hình đã ấn định sẵn được dời lại ba ngày để cho cô cơ hội cải đạo sang Công giáo.

Với danh phận hoàng tộc của mình, Jane được cho phép bị xử tử ở nơi kín đáo, trong khi chồng cô bị chém đầu trước công chúng. Trước khi bị dẫn đến chỗ hành hình, Jane đã nhìn thấy xác chồng được chở ngang qua phòng mình.

Trước bệ chém, Jane tự bịt mắt nhưng sau đó lại không thể tìm được thớt chém. Đến lúc này, vị công nương mới bật khóc và hỏi rằng “Tôi phải làm gì đây? Nó đâu rồi?”. Ngài Thomas Brydges, người phụ trách ở Tháp London lúc đó đã giúp cô tìm chỗ. Ngày 12 tháng 2 năm 1554, Công nương Jane Grey bị xử chém vì tội phản quốc ở tuổi 16, 17.

the last moment

“The Last Moments of Lady Jane Grey”, tranh vẽ của họa sĩ Hendrick Jacobus Scholten (1824–1907) miêu tả những giây phút cuối cùng của Công nương trong Tháp London trước khi bị đưa đi hành hình. Nguồn ảnh: Art UK

the execution of lady jane grey

Tranh “The Execution of Lady Jane Grey” của họa sĩ người Pháp Paul Delaroche, miêu tả cảnh tượng ở buổi hành hình của Công nương Jane Grey. Nguồn ảnh: EnglishHistory.net

Tưởng chừng đã bị lịch sử lãng quên với những nguồn tư liệu ít ỏi, “Nữ hoàng chín ngày” Jane Grey dần trở thành một hình tượng nổi tiếng trong cả sử sách lẫn các tác phẩm văn học, nghệ thuật.

Mối quan hệ vợ chồng vốn đầy miễn cưỡng giữa Jane và Guildford cũng được lãng mạn hóa trong các vở kịch, tiểu thuyết và đặc biệt là bộ phim Lady Jane ra mắt năm 1986, với nội dung chủ đạo là cuộc đời của Jane và chuyện tình với chồng. Trong bộ phim này, Helena Bonham Carter thủ vai Jane Grey và Cary Elwes vai Guildford Dudley.

lady jane 1986

Jane Grey (Helena Bonham Carter) và Guildford Dudley (Cary Elwes) trong bộ phim Lady Jane năm 1986. Nguồn ảnh: Imdb

lady jane 02

Bộ phim miêu tả cuộc hôn nhân của Jane và Guildford như một câu chuyện tình đẹp và chỉ bị chia lìa bởi cái chết. Nguồn ảnh: film.ru

Nổi danh hậu thế với ngôi vị nữ hoàng, thế nhưng cuộc đời của Jane Grey có lẽ cũng như hầu hết con cái của các bậc quý tộc thời bấy giờ: bị tính toán ngay từ khi chưa chào đời và trở thành con tốt trên bàn cờ chính trị mà người điều khiển chính là cha mẹ, người thân của mình.

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.