• Về đầu trang
Mèo một mẩu
Mèo một mẩu

15 loài thực vật lãnh nguyên độc đáo_ (Phần 2)

Thiên nhiên

7. Hoa phục sinh (Pulsatilla patens)

Giống với nhiều loài thực vật lãnh nguyên khác, hoa phục sinh mọc thấp, sát mặt đất và có lớp lông mịn cách nhiệt. Loài hoa này được tìm thấy từ vùng Tây Bắc Hoa Kỳ đến phía bắc Alaska. Những bông hoa phục sinh trông như chiếc cốc với màu sắc đặc trưng là trắng và tím đã phát triển cơ chế tự thích nghi trong điều kiện khí hậu lạnh giá. Chúng biết cách hấp thụ nhiều ánh sáng mặt trời hơn và nở hoa vào thời điểm rất sớm trong năm.

Loài hoa này thường mọc trên các sườn núi phía nam, ưa đất cát. Mặc dù người dân bản địa từ lâu đã sử dụng dầu từ cây hoa phục sinh như một loại thuốc chữa bệnh, nhưng nếu không biết cách xử lý hoặc ăn trực tiếp có thể gây ra các phản ứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong.

8. Cây dâu gấu (Arctostaphylos uva-ursi)

Tên gọi của loài cây thường xanh này xuất phát từ việc những quả mọng đỏ rực của nó là món ăn khoái khẩu của gấu. Dâu gấu có độ cao chỉ từ 15-20cm, thân được bao phủ bởi một lớp lông mịn. Chúng thường mọc trên đá hoặc cát (những tảng đá sẽ bảo vệ chúng khỏi ảnh hưởng của gió), vì vậy có khả năng sống trong điều kiện cực khô hạn, khắc nghiệt hoặc những nơi đất nghèo chất dinh dưỡng.

9. Hoa nghệ tây Bắc cực (Anemone patens)

Nghệ tây Bắc cực mang màu sắc kết hợp giữa tím và trắng, thêm vào đó là phần nhị hoa tươi sáng giúp thu hút các loài thụ phấn. Cả thân, chồi và lá cây đều được phủ một lớp lông mao giữ nhiệt. Những bông hoa nghệ tây Bắc cực thường mọc thành cụm gần nhau giúp giữ ấm và có bộ rễ ngắn để tránh tiếp xúc với lớp băng vĩnh cửu.

10. Trà Labrador (Ledum groenlandicum)

Thuộc chi Đỗ quyên, trà Labrador phổ biến ở những bãi lầy ẩm ướt và các khu rừng thuộc vĩ độ thấp trong quần xã sinh vật lãnh nguyên. Loài thực vật này có khả năng tự điều chỉnh để phù hợp với từng kiểu khí hậu cụ thể. Ở phía nam, nơi có thời tiết ấm áp hơn, chúng thường mọc cao, thẳng để đón nắng tối đa. Trong khi ở phía Bắc lạnh lẽo, chúng lại mọc sát mặt đất để giảm ảnh hưởng bởi gió.

11. Hoa Lupin (Lupinus arcticus)

Những bông hoa Lupin xanh tím làm cho các sườn núi cao đầy cỏ, đá và tuyết của vùng lãnh nguyên trở nên tràn đầy sức sống. Vì thích những khu vực rộng rãi để thỏa sức lan rộng, hoa lupin được coi là nguồn cung chất dinh dưỡng dồi dào cho đất, đặc biệt là những khu vực thiếu khoáng chất, có hàm lượng nitơ thấp. Chúng dùng thân cây mỏng và thấp làm vũ khí chống chọi với thời tiết khắc nghiệt ở vùng lãnh nguyên, còn quả chứa độc lại bảo vệ chúng khỏi trở thành thức ăn của một số loài động vật.

12. Rêu Bắc cực (Calliergon giganteum)

Rêu Bắc cực là một loài thực vật thủy sinh có mặt ở cả khu vực đáy hồ và xung quanh các vũng lầy tại lãnh nguyên. Giống như những loại rêu khác, rêu Bắc cực có phần rễ con rất nhỏ. Chúng còn phát triển nhiều khả năng đặc biệt giúp thích nghi với điều kiện sống khắc nghiệt như phát triển rất chậm, chỉ khoảng 1cm mỗi năm hay lưu trữ chất dinh dưỡng để sử dụng vào mùa xuân năm sau khi lá bắt đầu phát triển.

13. Hoa la bàn (Silene acaulis)

Một trong những loài thực vật phổ biến tại khu vực phía bắc Bắc cực là hoa la bàn. Đây là loài cây lâu năm, phát triển chậm. Chúng mọc thành các cụm hoa như một tấm đệm dày với nhiều lá nhỏ giúp cản gió và tuyết. Những cụm hoa xinh xắn này được tìm thấy nhiều ở cùng đất cát và đá tại hạ lưu Alps.

14.  Hoa long đởm (Gentiana nivalis)

Là một trong những loài quốc hoa của Úc và Thụy Điển, hoa long đởm (tên khác là khổ sâm tuyết) là cây hàng năm, có mạch, phát triển mạnh ở Bắc cực. Chúng nảy mầm, ra hoa và hạt trong một khoảng thời gian rất ngắn vào mùa hè (tháng 7,8). Một cây long đởm cao khoảng 20cm, được tìm thấy chủ yếu trên các gờ đá, sỏi, đồng cỏ hay đầm lầy thuộc vùng núi Na Uy, Scotland hay các dãy núi Pyrenees, Alps, và Apennines.

15. Cỏ tai hổ tím (Saxifraga oppositifolia)

Cỏ tai hổ tím với phần thân thấp, lá hình bầu dục xếp chồng lên nhau, cũng tạo thành một tấm đệm hoa trên nền đất lãnh nguyên. Đây là loài thực vật nở hoa sớm nhất quần xã thực vật lãnh nguyên (khoảng từ tháng 4 ở những khu vực đồi núi và tháng 6 ở khu vực Bắc cực). Cỏ tai hổ được các nhà nghiên cứu sử dụng để quan sát các tác động của biến đổi khí hậu với hệ sinh thái lãnh nguyên.

  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.