• Về đầu trang
Caroline
Caroline

8 khu vực nguy cấp cần được bảo vệ nhất trên thế giới

Thiên nhiên

Xếp hạng những nơi có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất không hề đơn giản bởi con người đã xâm phạm gần như mọi môi trường sướng trên Trái Đất.

Nhưng có một số địa điểm bị đe dọa sẽ là một tổn thất vô cùng nghiêm trọng đối với đa dạng sinh học của hành tinh. Dưới đây là tám địa điểm đặc biệt quan trọng với hệ sinh thái bao gồm hàng nghìn loài động thực vật.

1. Madagascar

Hòn đảo ngoài khơi phía đông của châu Phi này là nơi sinh sống của 21 triệu người. Theo tổ chức Bảo tồn Thế giới, đây là môi trường sống của 8 họ thực vật độc đáo, 4 họ chim và 5 họ linh trưởng, bao gồm 50 loài vượn cáo độc nhất trên hành tinh.

Do các hoạt động chăn thả gia súc, khai thác gỗ và đốt nương làm rẫy, Madagascar chỉ còn lại 17% thảm thực vật nguyên thủy. Ngoài ra, các loài xâm lấn cũng tàn phá không ít hệ động thực vật ở địa phương. Mới đây vào tháng 5, tổ chức bảo tồn BirdLife International tuyên bố loài chim nước đen và vàng Alaotra Grebe, đã tuyệt chủng. Loài này không chống chọi nổi với các mối đe dọa từ ngư dân và các loài cá ăn thịt ngoại lai.

2. Borneo

Hòn đảo nhiệt đới tươi tốt này nằm giữa Indonesia, Brunei và Malaysia, là nơi sinh sống của loài đười ươi Bornean đang bị đe dọa, loài tê giác Sumatra cực kỳ nguy cấp và khoảng 1.000 con voi lùn đặc hữu.

Chỉ từ tháng 7 năm 2005 đến tháng 9 năm 2006, theo Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF), có 52 loài thực vật và động vật mới được phát hiện trong rừng nhiệt đới Borneo.

Theo báo cáo của WWF năm 2005, Borneo của Indonesia đã mất hơn 1,21 triệu ha rừng mỗi năm từ năm 1997 đến năm 2000 do khai thác trái phép, cháy rừng và phát triển các đồn điền trồng dầu cọ.

Cũng trong báo cáo này, buôn bán trái phép động vật hoang dã là một hoạt động kinh doanh đem về hàng tỷ Euro mỗi năm ở Indonesia. Một cuộc điều tra năm 2003 của nhóm giám sát buôn bán động vật hoang dã TRAFFIC cho thấy chỉ trong một tháng, các quan chức Indonesia đã tịch thu 30 con đười ươi từ những kẻ buôn bán động vật hoang dã.

3. Micronesia và Polynesia

Được Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới gọi là "tâm chấn của sự tuyệt chủng toàn cầu hiện nay", quần thể hơn 4.000 hòn đảo Nam Thái Bình Dương này đang đứng trước nguy cơ bị tàn phá của cả người dân địa phương và biến đổi khí hậu.

Con người đã định cư trên những hòn đảo này từ 2.000 đến 3.000 năm trước. Theo một báo cáo năm 1989 trên Tạp chí Khoa học Khảo cổ học, đã có hàng nghìn loài chim đã tuyệt chủng từ khi con người đặt chân đến đây. Săn bắn và nông nghiệp đưa các loài này vào nguy cơ tuyệt chủng, nhưng mối đe dọa từ loài xâm lấn còn lớn hơn. Một trong những kẻ ngoại lai được công bố năm 1992 trên tạp chí Oryx, là loài chuột, thức ăn của chúng bao gồm chim và bò sát.

4. Arizona, New Mexico và sa mạc Chihuahuan

Các đảo thường dễ bị đe dọa vì vị trí biệt lập của chúng. Các loài tiến hóa trong môi trường đảo khép kín có thể không thích nghi được khi môi trường sống của chúng thay đổi.

Nhưng không phải tất cả các hòn đảo đều được bao quanh bởi nước. Ở Arizona, New Mexico và Chihuahua, các đỉnh núi cao tới hàng nghìn feet trên nền sa mạc tạo nên những “đảo trời”. Vùng khí hậu mát hơn ở đỉnh của những “đảo” này cho phép các khu đa dạng sinh học phát triển mạnh. Theo Sky Island Alliance, một nửa số loài chim ở Mỹ làm tổ ở đây cùng với104 loài động vật có vú, bao gồm cả Báo đốm, Ocelot và Javelinas.

Sự xâm lấn của con người đe dọa đến môi trường sống ở nơi này, nhưng sự nóng lên toàn cầu và hạn hán lại có sức đe dọa lớn hơn. Khi nhiệt độ tăng lên, các sườn núi ngày càng trở nên khô cằn, khiến các loài sống trên đỉnh núi ngày càng thu hẹp lại.

5. Lưu vực Địa Trung Hải

Vành đai bờ biển bao quanh Biển Địa Trung Hải đã ghi nhận tồn tại của con người trong ít nhất 8.000 năm. Theo Tổ chức Bảo tồn Quốc tế, có vẻ kỳ lạ khi nghĩ rằng một khu vực đông dân cư như vậy có nguy cơ tuyệt chủng, nhưng các bờ biển của Địa Trung Hải là nơi sinh sống của 22.500 loài thực vật, nhiều hơn bốn lần so với phần còn lại của châu Âu cộng lại. Một nửa trong số đó không được tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới.

Mặc dù du lịch đóng góp một phần đáng kể trong nền kinh tế của khu vực, nhưng sự phát triển này đang đe dọa ngiêm trọng đến hệ thực vật bản địa. Phá rừng, cháy rừng và chăn thả gia súc đã phá hủy 95% thảm thực vật tại khu vực này.

Theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), khu vực này cũng là nơi sinh sống của loài linh miêu Iberia và hải cẩu thầy tu Địa Trung Hải, hai loài mèo và hải cẩu bị đe dọa nhiều nhất trên hành tinh. Chỉ có khoảng 500 con hải cẩu thầy tu và khoảng 150 con linh miêu Iberia còn sống sót trong tự nhiên.

6. Rừng nhiệt đới Andes

Dãy núi này trải dài theo bờ biển phía tây Nam Mỹ từ Bolivia đến Chile. Đây là nơi sinh sống của 1/6 loài thực vật trên Trái đất trong khi chỉ chiếm 1% diện tích đất của hành tinh. Hơn 660 loài lưỡng cư sinh sống ở đây; năm 2004, 450 loài trong số đó đã được IUCN liệt kê là bị đe dọa. Loài khỉ lông vàng cực kỳ nguy cấp, từng được cho là đã tuyệt chủng cũng xuất hiện trong các khu rừng ẩm ướt trên dãy Andes.

Andes là khu vực giàu đa dạng sinh học và cũng giàu tài nguyên thiên nhiên. Ngành công nghiệp dầu khí đã được phát hiện trong khu vực này và các công ty đang xây dựng đường xá, đường ống dẫn qua các khu vực dễ bị tổn thương. Các đập thủy điện đe dọa hệ sinh thái sông. Và nạn phá rừng do nông nghiệp, đặc biệt là đồn điền cà phê, khiến các loài chim bản địa không có nơi cư trú, mặc dù các nhóm bảo tồn đang làm việc với nông dân địa phương để phát triển cà phê trồng lấy bóng mát và chấm dứt việc chặt phá.

7. Nam Cực

Nam Cực được biết đến là “sa mạc” băng và lạnh giá, nơi nhiệt độ mùa đông thường xuyên xuống thấp tới âm 94 độ F (âm 70 độ C). Nhưng đường bờ biển của lục địa có vẻ cằn cỗi này lại sở hữu phong phú các sinh vật biển, bao gồm chim cánh cụt, chim biển, hải cẩu và cá voi.

Ngay cả ở những nơi sâu nhất của Biển Weddell ngoài khơi phía tây Nam Cực cũng là một kho báu của sự sống: một cuộc khảo sát trên Biển Weddell được công bố trên tạp chí Nature năm 2007, đã tìm thấy hơn 700 loài mới, bao gồm nhện biển, bọt biển ăn thịt và bạch tuộc.

Mối đe dọa kép từ sự nóng lên toàn cầu và đánh bắt quá mức đang đe dọa đa dạng sinh học của Nam Cực. Một báo cáo năm 2008 do WWF thực hiện cảnh báo rằng nếu nhiệt độ toàn cầu tăng 3,6 độ F (2 độ C) so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp, băng biển ở Nam Cực có thể giảm từ 10% đến 15%. Nếu điều đó xảy ra, các loài sống phụ thuộc vào băng sẽ mất môi trường sống và nguồn thức ăn. Các chuyên gia cảnh báo rằng việc đánh bắt quá mức các loài nhuyễn thể như tôm, một mắc xích quan trọng của chuỗi thức ăn ở Nam Cực, có thể đe dọa toàn bộ hệ sinh thái.

8. Bắc Cực

Nhiệt độ trung bình ở Bắc Cực đã tăng lên gần gấp đôi so với mức trung bình toàn cầu theo một nghiên cứu vào tháng 4 năm 2010 được công bố trên tạp chí Nature.

Băng tan là tin xấu đối với các loài động vật có vú lớn ở Bắc Cực. Theo Đánh giá tác động khí hậu Bắc Cực năm 2004, gấu Bắc Cực có thể bị tuyệt chủng vào năm 2100 nếu biển Bắc Cực không còn đóng băng suốt mùa hè. Tuần lộc có thể mất các khu vực kiếm ăn khi sự ấm lên làm thay đổi thảm thực vật trên lãnh nguyên. Và mực nước biển dâng có thể phá hủy gần một nửa số khu vực làm tổ của một số loài chim di cư.

Nhưng sự nóng lên của Bắc Cực không chỉ có hại cho các sinh vật sống ở đó. Khi băng tan chảy, bề mặt đại dương có thể hấp thụ nhiều năng lượng mặt trời hơn, làm tăng nhiệt độ đại dương và bắt đầu một vòng phản hồi làm tan lớp băng còn lại nhanh hơn. Những thay đổi về độ mặn của đại dương có thể làm mất ổn định các dòng hải lưu. Và lớp băng vĩnh cửu tan chảy có thể giải phóng carbon vào khí quyển, tạo ra một vòng phản hồi khác làm ấm hành tinh nhanh hơn.

Theo: livescience.com
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.