• Về đầu trang
Raven Le
Raven Le

Cá voi sát thủ đại chiến cá nhà táng, nổi giận khi phát hiện con người can thiệp

Thiên nhiên

Khi quan sát cá táng ở ngoài khơi Sri Lanka, Philip Hoare bắt gặp một "biệt đội" cá voi sát thủ trưởng thành, dày dạn kinh nghiệm, chúng có ý định thực hiện một phi vụ bất khả thi: tấn công vào đàn 100 con cá nhà táng để giết một con non. Một đàn cá nhà táng lớn như thế này được gọi là "super pods" (siêu đàn), chúng là một thế lực bất khả xâm phạm. Lũ cá voi sát thủ (orcas) liều lĩnh sẽ làm điều đó như thế nào? Câu chuyện đầy kịch tính dưới đây được kể dưới ngôi thứ nhất theo nguyên tác của ông Philip Hoare.

1

Một "super pods" cá nhà táng được dẫn đầu bởi những con đực sừng sỏ, dày dạn chiến trận.

Fact: Cá nhà táng là loài động vật săn mồi to lớn nhất hành tinh, có thể dài đến 20 mét và nặng hơn 50 tấn cùng vũ khí là một hàm răng sắc nhọn, quả đầu to như cái chày và một cái đuôi đủ mạnh để quật nát chiến thuyền thời trung cổ. Lý do duy nhất khiến chúng không thể vượt qua cá voi sát thủ (orcas) để đứng đầu chuỗi thức ăn là vì cá nhà táng non quá chậm chạp và dễ tổn thương.

2

Philip Hoare (Ảnh: Andrew Sutton)

Tôi dành cả tuần lênh đênh trên con một chiếc thuyền nhỏ dài 6 mét ngoài khơi Ấn Độ Dương, gần thành phố Kalpitiya gần bờ tây Sri Lanka. Cùng với nhà sinh vật học Ranil Nanayakkara và nhà nhiếp ảnh Andrew Sutton, tôi có mặt ở vùng biển được bảo vệ nghiêm ngặt này dưới sự cho phép của Cục bảo vệ động vật hoang dã Sri Lanka, đầu tiên tôi gặp 2 chú cá nhà táng mới lớn, 2 "thanh niên" này đã đủ tuổi để có thể đi tìm bạn gái...

3

Cá nhà táng sắp lặn xuống nước.

Cá nhà táng là những thợ lặn bậc thầy, với một hơi thở, chúng có thể lặn sâu được hơn 1,6 km xuống đáy đại dương mà vẫn duy trì được sức mạnh và dưỡng khí cần có cho cơ thể khổng lồ đầy bắp thịt cuồn cuộn.

4

Tranh vẽ cảnh một cá nhà táng đang săn mực khổng lồ.

Ở vùng biển sâu tăm tối, cá nhà táng dùng năng lực định vị sóng âm để phát hiện ra con mồi và cũng là kẻ thù truyền kiếp của chúng: mực khổng lồ. Trận chiến giữa hai loài này vốn đã đi vào huyền thoại.

5

Một con cá nhà táng đực tiếp cận chúng tôi, ra vẻ tò mò. Cái đầu lớn của nó chứa một chất lỏng quý giá nhất đại dương: "dầu cá voi spermaceti". Thứ mà người xưa tin là tinh dịch của chúng. Thực ra, đó là một thứ dung dịch mà con vật dùng để cộng hưởng và khuếch đại sóng âm. Cá nhà táng là loài phát ra âm thanh lớn nhất đại dương, lên đến 230 decibels dưới mặt nước (so với cá voi xanh chỉ 155 - 185 decibels). Đây là khả năng tối quan trọng giúp chúng săn mực trong môi trường biển sâu.

6

Một con cá nhà táng đực trưởng thành có thể chứa đến 1900 lít dầu spermaceti.

Cá nhà táng còn biết gửi đi những tính hiệu tương tự mã morse của con người để giao tiếp xa đến hơn 10 dặm (hơn 16 km).

7

Mực khổng lồ chiếm 90% khẩu phần ăn của cá nhà táng, vì ăn nhiều mực, chúng thải ra một loại phân có màu đỏ đặc trưng. Hành vi săn bắt cá voi ở đầu thế kỷ 20 đã đến số lượng của loài này suy giảm nghiêm trọng.

8

Cá nhà táng xuất hiện ở hầu hết các đại dương. Chúng là loài có địa bàn hoạt động rộng lớn thứ 3 trên thế giới (sau con người và cá voi sát thủ). Ảnh trên là một con đực lớn với vết sẹo rất sâu ở vây lưng, dấu vết của việc bị chém bởi chân vịt tàu thủy khi chúng bơi bên dưới những chiếc tàu lớn. Mặc dù nặng hơn 50 tấn nhưng cá nhà táng rất linh hoạt dưới nước.

9

Vào mùa xuân ở vùng biển ngoài khơi Sri Lanka, cá nhà táng tập trung thành những đàn khoảng 100 con, thậm chí hơn. Chúng sẽ lặn xuống độ sâu hàng ngàn mét, nơi những hẻm núi dưới đáy biển mà ánh sáng mặt trời không chạm đến và bắt đầu giao phối.

Nhiếp ảnh gia Andrew Sutton từng ghi nhận trường hợp hơn 350 cá nhà táng cùng tập trung vào một địa điểm vào năm 2015. 1 cặp cá nhà táng đang áp bụng vào nhau, chúng đang giao hoan và có vẻ không phiền bởi sự hiện diện của chúng tôi ở đây.

10

Bất thình lình, lũ cá voi tăng tốc bơi về phía Bắc. Chúng tôi tự hỏi đây có phải là đặc trưng của mùa sinh sản hay không. Tôi đang hy vọng một cảnh tượng thú vị như trong chương "Grand Armada" của tác phẩm Moby-Dick. Chúng tôi tiếp cận và thấy chúng đang giữ một đội hình chặt chẽ, sát vào nhau, vây-kề-vây, nhìn như những khúc gỗ được buộc vào nhau thành cái bè lớn.

Một cảnh tượng kỳ vĩ, rất thích thú khi thấy hàng trăm con vật khổng lồ ở cùng nhau như thế này. Tuy nhiên hành vi này không phải giao tiếp bình thường, chúng đang triển khai đội hình tác chiến vì nghe được một báo động nguy hiểm...

Trong truyện Mobi-Dick, con quái vật cá voi được nhắc đến chính là một con cá nhà táng khổng lồ.

11

Một nhóm gồm 30 cá nhà táng lớn, những con đực dày dạn kinh nghiệm chiến đấu, chúng tạo thành hàng rào để bảo vệ những con cái và con non. Hành vi minh chứng cho sự trung thành và đoàn kết vốn đã rất nổi tiếng ở loài này. Chúng đang phải đối mặt với kẻ thù khét tiếng: cá voi sát thủ.

Cá voi sát thủ - lũ orca, chúng có biệt danh như vậy đơn giản vì chúng...giết cá voi, điều mà ngoài con người ra, không có một loài thứ 3 nào làm được, kể cả cá mập trắng lớn. Trong ảnh trên, bạn có thể thấy một hàng rào gồm các con đực cá nhà táng, vây chúng nhô lên mặt nước thành một đường ngang. Gần ống kính hơn, 2 con đực khác đang lao đến để tham gia cùng đội hình phòng thủ.

Chuyên gia về cá nhà táng Hal Whitehead cho biết một cuộc chiến như thế này rất ít khi được chứng kiến bởi con người.

12

Ảnh trên, một con cá voi sát thủ đang bơi vòng quanh đàn cá nhà táng, cái vây lưng của nó - dấu hiệu của tử thần đang nhô cao trên mặt biển. Lũ cá nhà táng đang rất cảnh giá, chúng liên tục thở phì phò, ngoi đầu lên mặt nước để quan sát.

Dưới mặt nước, chúng há miệng đầy răng nhọn, liên tục táp vào vào nước để răn đe kẻ thù. Chúng bắt đầu cố ý đại tiện, thứ phân màu đỏ được thải ra có thể khiến bọn sát thủ orca bị phân tâm. Andrew và tôi có thể nghe thấy những âm trầm do bọn cá nhà táng tạo ra, tương phản với tiếng thét chói tai của lũ orca.

13

Bọn cá voi sát thủ đang khép chặt vòng vây, chúng cũng chỉ cách tôi vài mét. Andrew nhận thấy tình hình đã trở nên rất nguy hiểm khi ở dưới nước, anh ấy ra lệnh cho tôi ngay lập tức phải lên thuyền.

14 edited

Một giờ sau đó, chúng tôi được chứng kiến sự kịch tính chưa từng có, 2 trong số những loài hùng mạnh nhất Trái Đất đang đối đầu với nhau trong cuộc chiến giằng co. Ảnh trên chụp 10 con cá nhà táng đực to lớn đang tạo thành một lá chắn sống. Con cá nhà táng trưởng nhóm đang nhô cao đầu để xác định vị trí của kẻ thù, nó biết cách quan sát cái vây lưng của cá voi sát thủ.

Nhóm 10 con đực này đang cố đánh lạc hướng bằng chiến thuật chim mồi, chúng hy vọng nhóm còn lại sẽ có cơ hội để tẩu thoát.

15

Lũ orca bắt đầu tấn công trực diện. Một nhóm 8 orca mạnh mẽ đuổi theo bầy cá nhà táng. Cá voi sát thủ là loài ăn thịt ("ăn thịt" khác với "ăn cá", tức nó ăn tất, con gì có thịt thì nó sẽ ăn). Chúng còn có biệt danh là "lũ sói của đại dương", những kẻ săn mồi manh động. Theo nhà sinh vật học Ranil Nanayakkara nói, orca là những kẻ mưu mô gian xảo.

16

*Fact: Cá voi sát thủ theo chế độ mẫu hệ, con đực sinh ra sẽ theo mẹ suốt đời. Cá voi sát thủ cũng là loài động vật duy nhất có hiện tượng kinh nguyệt như con người. Thật sự rất thú vị.

Các orca đang tăng tốc, chúng được kiểm soát bởi một con cái già dặn đang ở giai đoạn mãn kinh*.

17

*Bí kíp dụng binh của orca: chỉ truyền nữ, không truyền nam.

Mặc dù có một con đực lớn trong bầy có vây lưng cao đến 1,2 mét và đang đẫn đầu trong đội hình tuy nhiên tất cả hiệu lệnh đều thuộc về con cái "nữ thủ lĩnh" của cả bầy.

Con cái đặc biệt này là cá thể duy nhất sở hữu các tinh túy về tư duy chiến thuật của giống loài, vốn được chân truyền lại từ mẹ của nó, và nó cũng sẽ chỉ truyền lại cho con gái mình mà thôi*.

19

Khi cá voi sát thủ bao vây, cá nhà táng bắt đầu thay đổi đội hình chiến thuật. Con đực tạo thành vòng tròn xung quanh những con cái và con non, chúng quay đầu vào trong và sử dụng thứ vũ khí đáng sợ nhất để đón tiếp đối thủ: cái đuôi mạnh và có cạnh sắc - thứ vũ khí mà những người thợ săn cá voi thời xưa vừa tôn sùng vừa sợ hãi, gọi là "bàn tay của Chúa"*.

Những cái đuôi trứ danh này, đã từng "quật" cho biết bao nhiêu thủy thủ và thợ săn cá voi đi vào cõi vĩnh hằng. Đội hình và chiến thuật này của cá nhà táng gọi là "đội hình marguerite" - đặt theo tên của một loài hoa có hình dáng tương tự.

18 1

Đội hình marguerite - đưa thành viên yếu ớt vào bên trong, những con lớn sẽ bao bọc bên ngoài, đập đuôi để giết chết bất cứ kẻ nào đến gần.

Mặc dù bảo vệ được đồng loại, lũ cá nhà táng không đuổi được 8 con cá voi sát thủ. Vì thế chúng đã có một kế hoạch khác. Bầy cá nhà táng tập trung lại gần thuyền của chúng tôi, giống như đang tìm một sự hỗ trợ, sự hiện diện của chúng tôi đang có lợi cho chúng.

20

Lũ orca dạt ra, rõ ràng là rất tức giận. Chúng tôi vẫn thấy được chúng nó ở phía xa, có cử chỉ rất kích động trên mặt nước, nhảy lên cao và lộn nhào. Chúng tôi đến gần để đảm bảo có thể ghi lại những hình ảnh kịch tính này.

Chúng bắt đầu bơi vòng quanh thuyền của tôi, khép chặt vòng vây. Tôi cảm thấy vừa thích thú khi có thể nhìn chúng gần đến như vậy, nhưng cũng vừa sợ hãi khi thấy chúng đang bơi xung quanh chúng tôi y như cách chúng đã vây hãm lũ cá nhà táng.

21

Tôi chợt thấy 5 cá voi sát thủ đang xếp hàng bơi thẳng đến chúng tôi, đó là một hành vi chuẩn bị tấn công. Giám đốc Kathryn Jeffs của đài BBC từng thực hiện chương trình Frozen Planet (người đã quay đoạn phim những con orca lật úp một tảng băng để ăn thịt con hải cẩu trên đó) cho biết đội ngũ của cô từng gặp tình huống bị tấn công y hệt khi cô chọc giận chúng. Đối với tôi đây là một giây phút vô cùng đáng sợ.

22

Từ trái qua, Philip Hoare, thủy thủ Manura Fonseka, thuyền trưởng Joseph Warnakulasooriya, và nhà khoa học Ranil Nanayakkara.

Tái hiện lại cảnh cuối của tiểu thuyết Moby-Dick trong đầu, hoảng sợ, chúng tôi lái thuyền rời đi với tốc độ cao. Cái micro chuyên dụng ghi âm dưới nước của Ranil Nanayakkara đã bị bọn orca cắn đứt, chỉ còn sợi dây trơ lại, anh ta đang cầm trên tay để làm bằng chứng khi chụp ảnh trên.

23

Lũ orca nổi giận vì con người đã can thiệp vào chuyến đi săn của chúng. (Ảnh: Andrew Sutton)

24

Cá nhà táng trưởng thành và con non.

Câu chuyện trên được viết trong tác phẩm Rising Tide Falling Star của Philip Hoare, đăng lại trên báo The Guardian.

Theo: Philip Hoare
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.