• Về đầu trang
Ngọc Ánh
Ngọc Ánh

Cách các nhà khoa học phục hồi lại trạng thái nguyên thủy cho rừng sau đám cháy

Thiên nhiên

Vào những năm 1960, khi Phillip Tafoya còn là một cậu bé, ông nhớ rằng những dãy núi thuộc hẻm núi Santa Clara ở quê hương New Mexico của ông luôn được phủ kín bởi màu xanh của những cây thông Ponderosa và gỗ linh sam Dograt. Suốt nhiều thế kỷ, những ngọn núi này vẫn là nơi đáp ứng nhu cầu của người dân Santa Clara Pueblo cả về mục đích văn hóa, giải trí lẫn sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng đến nay nó đã gần như biến mất.

Núi Jemez xinh đẹp với những suối nước nóng nổi tiếng New Mexico

Mười năm trước, đám cháy Las Conchas_ một trong những đám cháy lớn nhất lịch sử của tiểu bang, đã thiêu rụi gần 65.000 hecta rừng, tàn phá hầu hết các loại cây cối tại đây, kể cả những khu vực có khả năng cháy rất thấp.

Đám cháy Las Conchas vào năm 2011

Những gì còn lại bây giờ chỉ là một ‘nghĩa địa’ cây cối rộng lớn. Nằm rải rác khắp khu rừng là những thân cây gỗ lớn bị đổ xuống sau đám cháy. Sự sống còn lại duy nhất là hoa, cỏ dại. Một vài cây may mắn sống sót nhưng cũng vô cùng gầy guộc, trơ trọi giữa quang cảnh tan hoang của khu rừng. Nếu cứ tiếp tục để cho khu rừng tự phục hồi thì với điều kiện khí hậu ngày càng nóng và khô, khu rừng sẽ biến thành một rừng cây bụi. Và vì thế Tayofa đã quyết định sẽ hành động để đem khu rừng tuổi thơ trở lại.

Quang cảnh núi Jemez bị tàn phá sau đám cháy Las Conchas

Trong một ngày, ông cùng đồng đội đã tự tay trồng 1.000 cây thông và linh sam tại phía đông dãy núi Jemez. Đây là một phần trong chiến dịch trồng 23.000 cây con ở Santa Clara Pueblo trong năm nay, cộng với 24.000 cây khác trong Rừng Quốc gia Santa Fe và 7.840 cây ở Đài tưởng niệm Quốc gia Bandelier.

Dự án được hoạt động dưới nỗ lực hợp tác của Sở Lâm Nghiệp Hoa Kỳ, Sở Công viên Quốc gia, Cơ quan Bảo tồn Thiên nhiên cùng với các trường học, người dân tại các bang với mục đích phục hồi lại gần 1.700 hecta rừng đã bị tàn phá sau đám cháy Las Conchas cho đến cuối năm 2022. Khu rừng được phục hồi cũng đồng nghĩa với việc rất nhiều loài sinh vật đang bị đe dọa sẽ được cứu sống, ví dụ như kỳ nhông núi Jemez, cú đốm Mexico, sóc Abert. Và hơn hết, chính con người cũng sẽ được hưởng lợi khi rừng giúp ngăn chặn xói mòn, bảo vệ nguồn nước cho người dân trong khu vực.

Dự án này là một trong những dự án đầu tiên tận dụng lợi thế về khoa học kỹ thuật mới để khôi phục rừng sau hỏa hoạn. Những hạt giống chất lượng nhất được chọn lọc từ những cây to, khỏe, phát triển mạnh trên các sườn núi nóng, nơi có khí hậu khắc nghiệt khó để tồn tại và phát triển. Để biến chúng thành những cá thể lai siêu việt, mang những lợi thế để chống trọi với môi trường khô và nóng, Burney-một trong những chuyên gia trong nhóm nghiên cứu đã làm rất nhiều thí nghiệm trên những cây con được nuôi trồng trong nhà kính. Ông phát hiện ra rằng khi để chúng thiếu nước gần đến mức khô héo, chúng sẽ tự hình thành một cơ chế bảo vệ thông minh đó là phát triển nhiều “ống hút” hơn trong mạch gỗ, giúp chúng tận dụng tối đa lượng nước mà chúng nhận được. Và điều này giúp chúng có tỉ lệ chịu hạn lên đến 67% trong khi những cây con sống trong điều kiện được tưới nước thông thường chỉ có tỉ lệ chịu hạn 25%.

Những cây con được trồng trong phòng thí nghiệm

Ngoài ra các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra mối liên hệ giữa cách trồng cây và khả năng chịu hạn của chúng. Thay vì trồng chúng theo hàng như hầu hết chúng ta vẫn làm, nhóm nghiên cứu đã trồng chúng thành từng cụm, giữa các cụm là một bãi đất trống. Kỹ thuật này được gọi là “cấu tạo hạt nhân”, mô phỏng quá trình tái tạo tự nhiên. Khi có đám cháy xảy ra, khoảng đất trống đó sẽ đóng vai trò là điểm gián đoạn, ngăn đám cháy lan từ cụm cây này sang cụm cây khác. Vì vậy khi một cụm bị phá hủy, những cụm còn lại sẽ có khả năng sống sót cao hơn.

Giám đốc phục hồi và phát triển rừng Chad Brown kiểm tra một cây con mới trồng cạnh thân cây gỗ bị đổ sau đám cháy

Yếu tố cuối cùng là trồng cây trên sườn dốc. Trên địa hình bằng phẳng, những hạt giống từ cây mẹ có khả năng tự phát tán trong khoảng 90m xung quanh. Khi trồng chúng trên sườn dốc, nhờ chiều rơi và tốc độ gió, chúng sẽ được đẩy đi xa hơn. Chad Brown, giám đốc phục hồi và phát triển rừng của Santa Clara Pueblo cho biết thêm ‘Trồng cây con dưới bóng của những thân cây gỗ bị đổ sau đám cháy trên sườn dốc, quay mặt về hướng bắc sẽ mang lại khởi đầu tốt hơn cho chúng do ít nắng hơn và tỉ lệ độ ẩm trong đất cao hơn’.

Mặc dù không thể chắc chắn sẽ có bao nhiêu cây con sống sót và trưởng thành, nhưng với kế hoạch cẩn thận của mình, Tayofa và đồng đội hi vọng rằng đây sẽ là giải pháp để phục hồi lại trạng thái nguyên thủy cho khu rừng tại vùng đất quê hương của ông cũng như những khu rừng bị tàn phá bởi hỏa hoạn trong tương lai.

Theo: scientificamerican
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.