• Về đầu trang
Mèo một mẩu
Mèo một mẩu

Giun trở thành loài xâm lấn, gây hại cho những loại côn trùng khác ở Bắc Mỹ

Thiên nhiên

Trong suốt năm năm qua, nhiều báo cáo khoa học đã đưa ra lời cảnh báo về sự sụt giảm số lượng nghiêm trọng ở nhiều loài côn trùng - “những cỗ máy nhỏ bé đang vận hành thế giới” – theo như cách gọi của nhà sinh vật học E. O. Wilson. Thủ phạm chính được cho là môi trường sống bị phá hủy, thuốc trừ sâu và biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, nghiên cứu mới được công bố ngày 30 tháng 3 vừa qua, trên tạp chí Biology Letters, đã chỉ ra một nghi phạm mới không ngờ tới, đặc biệt là ở khu vực Bắc Mỹ rộng lớn, đó là giun đất.

Kết quả có vẻ bất ngờ vì giun đất vẫn luôn được coi là người bạn thân thiết và hữu ích của những người làm vườn. Giun góp phần bổ sung nguồn dinh dưỡng cho đất, cải thiện hệ thống thoát nước, tăng độ thoáng khí của đất, tái tạo keo đất, tái tạo lớp đất mặt, … từ đó, giúp tăng năng suất cây trồng.

Tuy nhiên, theo báo cáo của nghiên cứu trên, giun đất không thực sự vô hại như chúng ta vẫn nghĩ. Nico Eisenhauer, một nhà sinh thái học tại Đại học Leipzig, Đức nói:

“Khi nghiên cứu về sự suy giảm số lượng của côn trùng, chúng ta thường bỏ qua những diễn biến xảy ra dưới mặt đất. Trong khi đó, nhiều trong số chúng phải trải qua giai đoạn đầu của cuộc đời là ấu trùng hoặc con non nằm trong đất. Rất có thể, những sinh vật nhỏ bé này đã chết trước khi kịp rẽ đất chui lên. Và giun với khả năng làm thay đổi điều kiện đất có thể là nguyên nhân gây ra vấn đề này.”

Những kẻ xâm lược thầm lặng

Khác với nhiều khu vực trên thế giới, ở nửa phía bắc của Bắc Mỹ, những con sông băng hình thành từ thời kỳ kỷ băng hà đã xóa sổ gần như sạch sẽ số giun đất đã từng sinh sống tại khu vực này cách đây hơn 10,000 năm. Các tảng băng bao phủ gần như toàn bộ Canada, phần lớn phía đông bắc và Trung Tây Hoa Kỳ.

Khi thời tiết ấm lên, băng rút dần, những cánh rừng sẽ xanh tốt trở lại, nhưng giun đất thì không kịp thích nghi khi chúng chỉ có thể mở rộng phạm vi hoạt động tối đa 9m mỗi năm. Các hệ sinh thái phía bắc Bắc Mỹ này đã phát triển như thế hàng thiên niên kỷ mà không có sự hiện diện của giun đất.

Không có giun ăn những phiến lá rụng và xới tung mặt đất, đất rừng ở đây được hình thành từ những tầng “phân ủ hữu cơ” thực vật dày, đã hình thành qua hàng nghìn năm. Chính vì thế, đất ở đây rất khác do có độ mềm mịn và là môi trường lý tưởng cho nhiều loài thực vật, nấm phát triển.

Nhưng vài năm gần đây, vừa vô tình vừa cố ý, con người đã đưa giun đất đến vùng đất này. Một số nhóm người định cư đã cố tình mang giun về đây nuôi với mục đích thương mại, một số khác lại vô tình mang theo trứng giun trên đế giày, trên bánh xe đạp leo núi, trên cây trồng từ nơi khác mang tới hay trên các chuyến hàng.

Trước đây, theo một nghiên cứu khác đã từng được thực hiện, việc đưa giun đến miền bắc Bắc Mỹ có thể làm giảm sự đa dạng sinh học của một số loài thực vật, điển hình là lan rừng. Hay như với các loài chim làm tổ trên mặt đất hoặc kỳ nhông thường dựa vào lớp lá rụng để ngụy trang, sự xuất hiện của giun đất đẩy nhanh quá trình phân hủy của lá cây sẽ khiến những loài động vật bản địa này dễ phải đối mặt với nguy hiểm.

Liên tục đào đất và kiếm ăn, giun trực tiếp gây ra những biến đổi về tính chất vật lý, hóa học và sinh học của đất. Hệ sinh thái đất tại địa phương cũng vì thế mà thay đổi, trong khi không phải sinh vật bản địa nào cũng có khả năng thích nghi nhanh chóng.

Tác động đến sinh vật sống khác trong đất

Để nghiên cứu về ảnh hưởng của giun đất đến côn trùng bản địa, nhóm các nhà khoa học đã dựng lên 60 ô đất trong rừng, mỗi ô có kích thước 1m*1m. Để xác định số lượng giun đất có sẵn trong mỗi ô, nhóm nghiên cứu đã đào những chiếc hố nhỏ, sâu hơn 1m và đổ vào đó hỗn hợp nước trộn bột mù tạt. Dung dịch này sẽ tạo ra những kích thích trên da của giun đất (nhưng không ảnh hưởng đến chức năng sinh lý của chúng), khiến chúng quằn quại và ngoi lên mặt đất.

Sau khi xác định chính xác số lượng giun trong mỗi ô và tiến hành phân loại thành nhóm những ô có ít/nhiều giun đất, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục xác định số lượng các loài côn trùng/động vật không xương sống khác trong cùng ô.

Kết quả là trong tổng số 13,000 con côn trùng được tìm thấy, sau một thời gian, ô nào có càng nhiều giun đất, số lượng côn trùng trong ô giảm càng mạnh. Cụ thể, trung bình số lượng loài ít đi 18%, giảm 27% sinh khối và giảm 61% số lượng cá thể mỗi loài có trong ô.

Mặc dù vẫn cần nhiều thời gian để nghiên cứu chính xác, nhưng nguyên nhân chủ yếu được đưa ra là do giun đã tiêu thụ một lượng lớn lớp lá mục trên mặt đất, khiến đất ở khu vực đó không còn thích hợp cho sự phát triển của côn trùng bản địa.

Eisenhauer nói:

“Bất cứ sinh vật nào phụ thuộc hoặc sống trong lớp lá rụng đều sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực”

Theo: National geographic
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.