• Về đầu trang
Chim Mỏ Rộng
Chim Mỏ Rộng

Loài người sẽ chỉ tồn tại thêm 4 năm sau khi ong mật tuyệt chủng và biến mất khỏi thế giới?

Cuộc sống

Mặc dù con người hiện đang thống trị Trái Đất, có trí tuệ, văn minh và hiện đại nhưng không thể phủ nhận mọi sự sống trên hành tinh này đều có mối liên kết kỳ diệu với nhau. Con người muốn tiếp tục sinh tồn phải dựa vào thiên nhiên, nếu thiên nhiên thay đổi, con người cũng sẽ vì đó mà chịu ảnh hưởng.

1

Nhiều thông tin cho rằng nhà vật lý Einstein đã từng khẳng định rằng nếu ong mật biến mất khỏi thế giới, con người cũng sẽ chỉ sống thêm 4 năm.

Tuy nhiên, nhà sinh thái thuộc Trung tâm Sinh thái và Thủy văn, Tiến sĩ Michael Pocock đính chính: "Hoàn toàn không có bằng chứng nào cho thấy Einstein từng nói điều này!". Mặc dù nghe rất có lý nhưng hầu hết các chuyên gia đều không chắc chắn đó là những gì Einstein từng nói.

2

Tuy nhiên, mặc dù thông tin trên là không đúng, nhưng ong mật biến mất có thật sự dẫn đến cái chết sớm của loài người?

Tiến sĩ Pocock là một chuyên gia về ong, ông không chỉ nghiên cứu về ong mật mà còn cả ong vò vẽ. Chứng rối loạn sụt giảm bầy đàn (CCD) thật sự đang ảnh hưởng rất lớn đến loài ong mật, nhưng ong mật cũng chỉ là 1 trong số 240 loài ong. Vẫn còn rất nhiều loài ong khác không bị CCD tấn công.

4

Thêm vào đó, ong không phải là loài thụ phấn hoa duy nhất. Ruồi bay, bướm, chim ruồi hay thậm chí cả dơi cũng có khả năng này.

Ngay cả khi tất cả những loài côn trùng có thể thụ phấn hoa đều chết hết, và chúng ta sẽ đối mặt với sự biến đổi rất lớn của tự nhiên; nhưng đó cũng không phải đường cùng của con người.

Nhiều cây cối vẫn sẽ sống sót tốt, mặc dù trong một số trường hợp chất lượng quả và hạt của chúng sẽ thấp hơn. Ví dụ như ngô là thực vật cần thụ phấn có thể bị ảnh hưởng bởi hiện tượng này nhưng khoai tây, cà rốt đều được trồng từ củ. Các loại rau lá, chẳng hạn như bắp cải cũng phát triển khoẻ mạnh mà không cần côn trùng.

5

Những loại quả mọng như dưa hay trái cây như táo, lê có thể sẽ gặp nhiều rắc rối. Tuy nhiên, với những phát minh của con người, chúng ta hoàn toàn có thể thụ phấn nhân tạo.

Mặc dù sẽ cực nhọc và không còn tự nhiên như cách mà ong làm nhưng con người sẽ không đối mặt với cái chết quá sớm. Cùng lắm thì nông dân và con cái của họ sẽ phải leo trèo lên cành cây để thực hiện công việc thụ phấn nhân tạo cho từng bông hoa.

Tuy nhiên, tiến sĩ Pocock cũng khẳng định cách làm này sẽ không khả thi ở các nước phát triển, nơi không có đủ nhân lực nông nghiệp. Bên cạnh đó, giá thành trái cây cũng tăng vọt khiến thị trường thực phẩm đảo điên và người nghèo có thể sẽ không được ăn táo, lê hay dưa nữa.

6 1

Bên cạnh đó cũng có những bằng chứng cho thấy thuốc trừ sâu gây ra nhiều vấn đề cho hệ sinh thái và những loài thụ phấn. Nhưng con số thiệt hại này không phải là nguyên nhân duy nhất, có thể chắc chắn CCD mới là nguyên nhân quan trọng khiến loài ong mật đang dần biến mất.

Một báo cáo của chính phủ Úc vào tháng 2 cho thấy nước này dùng thuốc trừ sâu neonicotinoids một cách rộng rãi nhưng ong mật ở đây không mắc bệnh CCD.

Tuy nhiên, cũng không thể bác bỏ tác hại của thuốc trừ sâu neonicotinoids lên hệ sinh thái của côn trùng. Các nghiên cứu gần đây cũng phát hiện ra rằng neonicotinoids gây ra rất nhiều vấn đề ở côn trùng, trong đó nghiêm trọng nhất là khiến chúng khó di chuyển. Nhưng nhiều nghiên cứu trong số này lại chỉ được thực hiện trong phòng thí nghiệm, có thể không hoàn toàn đúng trong tự nhiên. Vì vậy, các nhà khoa học vẫn tranh cãi về tác hại của thuốc trừ sâu lên ong trong nhiều năm qua.

6

Mặc dù khi ong mật tuyệt chủng, con người không tới mức chỉ còn 4 năm để sống nhưng Tiến sĩ Pocock cũng khẳng định số lượng loài thụ phấn đang giảm rất nhanh, dĩ nhiên con người sẽ nhận lấy hậu quả của tình trạng này.

Đến nay, khoa học vẫn chưa có câu trả lời thoả đáng cho câu hỏi vì sao loài ong mật lại mắc chứng CCD nguy hiểm. Ong mật vốn đóng vai trò rất quan trọng với con người, nếu chúng ta không mau tìm cách khống chế tình hình hiện tại, có thể con người phải đối mặt với sự biến đổi đáng sợ trong tự nhiên.

Theo: Forbes
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.