• Về đầu trang
Mèo một mẩu
Mèo một mẩu

Vùng chết đại dương là gì?

Thiên nhiên

1, Vùng chết đại dương là gì?

Vùng chết là những khu vực đại dương có nồng độ oxy rất thấp, hầu như không thể tìm thấy sự sống tại đây. Có thể coi vùng chết ở đại dương giống như những sa mạc trên đất liền, nơi có hệ sinh thái nghèo nàn vì khí hậu quá khắc nghiệt.

Những vùng chết này chính là ác mộng với đa dạng sinh học dưới lòng đại dương vì chúng phá hủy hầu hết hệ sinh thái nơi chúng xuất hiện. Hiện nay có khoảng 400 vùng chết ở khắp các đại dương trên toàn thế giới, với tổng diện tích ước tính lên đến 4,233,255 km2. Trong đó có 3 vùng lớn nhất là Vịnh Oman với 165,000 km2, biển Baltic với 70,000 km2 và vịnh Mexico với 18,000 km2 diện tích vùng chết. Những con số này vẫn đang lớn dần qua từng ngày, cả về diện tích và số lượng.

2. Nguyên nhân hình thành

Những vùng chết này có thể được hình thành một cách tự nhiên hoặc do tác động từ con người, nhưng rõ ràng rằng con người đã góp phần đẩy nhanh tốc độ lan rộng của chúng.

Có hai nguyên nhân chính tạo nên các vùng chết trên đại dương đó là ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.

  • Ô nhiễm từ ngành nông nghiệp

Phân bón hóa học dư thừa trong sản xuất nông nghiệp (với hàm lượng phốt-pho và ni-tơ cao) đổ ra biển sẽ kích thích tảo biển phát triển nhanh chóng, gây ra hiện tượng tảo nở hoa. Tuy nhiên, vòng đời của tảo rất ngắn. Khi chúng bắt đầu chết hàng loạt, quá trình chúng phân hủy sẽ tiêu tốn một lượng lớn oxy hòa tan trong nước, khiến hàm lượng oxy tại khu vực đó không còn đủ để duy trì sự sống, lượng CO2 quá cao và độ pH của nước biển giảm, hình thành nên các vùng chết. Ngoài ra chất độc có trong một số loại tảo cũng là nguyên nhân khiến các sinh vật thủy sinh chết hàng loạt, số còn lại cũng sẽ bỏ nơi đó và di chuyển đến khu vực khác an toàn hơn.

  • Biến đổi khí hậu

Các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng khí hậu thay đổi dẫn đến sự thay đổi về nhiệt độ, độ axit hóa, các hiện tượng thời tiết như nước biển dâng, gió, bão ngày càng khắc nghiệt cũng là nguyên nhân hình thành lên vùng chết dưới lòng đại dương. Các vùng chết có thể được hình thành theo mùa. Ví dụ như vùng chết ở Vịnh Mexico có xu hướng bắt đầu hình thành vào tháng Hai và biến mất vào mùa thu, do bão làm gia tăng sự pha trộn giữa các tầng nước dưới đại dương.

3. Tác động của vùng chết

Mặc dù các vùng chết đại dương đã xuất hiện từ cách đây hàng triệu năm, nhưng tốc độ lan rộng của chúng chưa bao giờ nhanh như hiện nay.

Trong suốt 50 năm qua, lượng oxy hòa tan ở đại dương ước tính đã giảm 2%, và nếu không có các biện pháp giải quyết các vấn đề như ô nhiễm, biến đổi khí hậu hay giảm lượng khí thải nhà kính thì con số này dự kiến sẽ là 3%-4% vào năm 2100. Các vùng chết hình thành không chỉ ảnh hưởng đến tổng thể hệ sinh thái dưới lòng đại dương mà còn ảnh hưởng đến cả con người khi chúng ta đang sống phụ thuộc vào tài nguyên mà đại dương ban tặng.

  • Tác động đến hệ sinh thái

Khi cá và những loài có thể di chuyển bỏ vùng chết đến sinh sống tại vùng nước khác. Chúng sẽ bỏ lại những loài như san hô, bọt biển,… không có khả năng di chuyển và cả các loài động vật thân mềm như trai và hàu. Dần dần, vì lượng oxy quá thấp, những sinh vật này cũng sẽ chết. Quá trình phân hủy của chúng góp phần làm mất đi nhiều oxy hòa tan hơn, khiến tình trạng của vùng chết ngày càng nghiêm trọng, khó có thể tự phục hồi.

Thiếu oxy cũng ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của các loài cá. Nồng độ oxy thấp có liên quan đến việc giảm sự phát triển của tuyến sinh dục và giảm chất lượng của tinh trùng, ảnh hưởng xấu đến tỉ lệ thụ tinh, tỉ lệ nở và sống sót của cá con.

Các nhà nghiên cứu cũng nghi ngờ rằng, sự xuất hiện của vùng chết có thể là nguyên nhân gây ra cái chết của hàng loạt rạn san hô tại những khu vực lân cận. Từ đó, gây nên hậu quả vô cùng nghiêm trọng với đa dạng sinh học dưới lòng đại dương.

  • Tác động với nền kinh tế

Khi các vùng chết hình thành, những người ngư dân sống dựa vào nghề đánh bắt sẽ phải đi xa bờ hơn, tiêu tốn nhiều nhân công, thời gian, công sức và cần nhiều chi phí hơn. Sản lượng giảm, chi phí cao bắt buộc họ phải tăng giá thành của các loại thủy hải sản, gây ra khó khăn không hề nhỏ đối với ngành công nghiệp đánh bắt. Một ví dụ cụ thể tại Mỹ, theo ước tính, các vùng chết đại dương đã khiến ngành đánh bắt và du lịch của nước này tiêu tốn khoảng 82 triệu USD mỗi năm.

Đang đọc
Vùng chết đại dương là gì?
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.