• Về đầu trang
Chou Chou
Chou Chou

Những điểm 'chết người' trong hồ sơ xin việc khiến ngay cả ứng cử viên giỏi nhất cũng bị loại

Tin tức

Để có thể có được công việc mong muốn, chúng ta đều cố gắng trang hoàng cho CV của mình thật đẹp, thật "lộng lẫy" với bảng thành tích đáng ngưỡng mộ. Song, rất có thể bản giới thiệu đó sẽ gặp phải những lỗi nhỏ nhưng có khả năng "hủy hoại" tất cả nỗ lực của bạn.

Cựu giám đốc nhân sự của Google Laszlo Bock, người đã xem hơn 20.000 hồ sơ xin việc trong suốt hơn 15 năm, đã chia sẻ những sơ suất sẽ khiến bạn mất điểm, thậm chí "mất lượt" trong mắt nhà tuyển dụng. Đây đều là lỗi lầm bạn hoàn toàn có thể tránh được, chỉ cần chú ý và cẩn thận một chút.

Định dạng lộn xộn

Cho dù thành tích của bạn có đẹp đẽ đến đâu, nếu trình bày chúng một cách lộn xộn trên CV, chắc chắn bạn sẽ bị loại. Hãy tham khảo các template "chuẩn mực" trên mạng theo ngành nghề muốn ứng tuyển để có được quyết định trình bày hồ sơ của mình sao cho hợp lý.

Những điều nên tránh trong một CV

Đừng quá màu mè hoa lá, và bố cục chúng một cách sạch sẽ, có tổ chức. Căn chỉnh lề, các cột bảng (nếu có) và khoảng cách giữa các đối tượng sao cho phù hợp. Nếu đó là một CV nhiều hơn một trang, hãy đảm bảo tên và thông tin liên hệ của bạn có ở mọi trang, thay vì chỉ ở trang đầu tiên. Sử dụng mực đen trên giấy trắng nếu đó là một CV bản cứng. Nếu đó là một CV gửi qua email, hãy lưu nó dưới dạng PDF để bảo toàn định dạng, và "bảo toàn" cả cơ hội làm việc của bạn.

Hé lộ thông tin nhạy cảm

Đôi khi, một số thông tin sẽ không được tiết lộ đối với một vài vị trí ứng tuyển. Ví dụ, nếu bạn đến từ một công ty tư vấn, bạn sẽ không được tiết lộ thông tin hay cung cấp những gợi ý về khách hàng. Hãy chú ý đến các chính sách, điều khoản công việc để tránh tạo xung đột giữa nhà tuyển dụng và nhu cầu của chính bạn.

Lỗi chính tả

Bạn có thể sẽ rất bất ngờ khi biết rằng, theo khảo sát của CareerBuilder, 58% số hồ sơ xin việc có lỗi chính tả. Chính điều này sẽ tạo ấn tượng cho các nhà tuyển dụng về một con người cẩu thả, không chú ý đến tiểu tiết...

Những lỗi kinh điển thường gặp trong văn bản

Hãy cảnh giác với các lỗi chính tả, ngữ pháp, căn chỉnh không chính xác... Đọc lại sơ yếu lý lịch, CV và thư xin việc của bạn nhiều lần. Nhờ bạn bè hoặc đồng nghiệp của mình kiểm tra thêm một lần nữa. Bock cũng đề xuất bạn nên đọc lại mọi thứ từ dưới lên; điều này sẽ giúp bạn tập trung vào từng dòng riêng biệt tốt hơn.

Quá dài

Một ngày, các nhà tuyển dụng phải đọc rất nhiều hồ sơ ứng tuyển, và họ chỉ có thể dành cho bạn khoảng 2-3 phút xem xét. Vì thế, nếu hồ sơ quá dài, bạn không những tốn thời gian chăm chút mà người đọc nó cũng chưa chắc đã xem - thậm chí nhiều nguy cơ CV của bạn sẽ bị "lơ" luôn.

Bock cho biết, "Một nguyên tắc chung là cứ 10 năm kinh nghiệm làm việc thì tương ứng với một trang sơ yếu lý lịch", bởi lý do bạn viết sơ yếu lý lịch là để được phỏng vấn, không phải để tuyển dụng tại chỗ.

Hãy tạo một CV ngắn gọn và tập trung, ưu tiên những điều quan trọng và nổi bật nhất.

Nói dối

Rất nhiều người, vì muốn khiến CV của mình trở nên ấn tượng hơn, lại nói dối trong bản trình bày của mình. Điều này sẽ khiến hồ sơ của bạn bị loại thẳng tay, bởi không ai muốn có một nhân viên không trung thực trong tập thể công ty. Bạn sẽ khó lòng qua mắt được các nhà tuyển dụng, bởi họ đã có rất nhiều kinh nghiệm và sẽ dễ dàng phát hiện ra đâu là những lời nói dối.

Hãy trung thực. Ngay cả khi bạn có ít kinh nghiệm, hãy cứ chỉ trình bày về chúng. Đừng thêm thắt bất cứ điều gì hoặc nói về những điều mình chưa từng làm. Ngay cả khi qua được vòng hồ sơ thì bạn cũng sẽ không thể vượt được những câu hỏi trong vòng phỏng vấn.

Trên thực tế, Bock chia sẻ, một giám đốc điều hành của Google đã bị sa thải khi bị phát hiện ra nói dối trong sơ yếu lý lịch.

Theo: inc.com
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.