• Về đầu trang
H.Khanh
H.Khanh

x: Vài phút tìm hiểu về những sự thật thú vị khiến chúng ta bị 'thổi bay' tâm trí (Phần 2)

Khám phá

21. Bài toán ngày sinh

Bạn có cùng ngày sinh với bao nhiêu người trên thế giới này? Hầu hết số liệu thống kê từ các quốc gia trên toàn cầu cho thấy tỷ lệ trẻ em sinh ra mỗi năm đều khá tương đồng với biến số rất nhỏ. Các ước tính chỉ ra rằng mỗi ngày trong năm sẽ có số lượng ca sinh đẻ gần như nhau. Vì vậy, nếu chúng ta lấy toàn bộ dân số thế giới ngày nay và chia cho 365, không tính năm nhuận, thì sẽ có kết quả là 20 triệu: 20 triệu người có cùng ngày sinh với nhau.

Nhưng con số này vẫn chỉ là kết quả của một ước tính còn thiếu chuẩn xác. Có một số ngày nổi bật và phổ biến hơn những ngày còn lại trong năm rất nhiều. Ví dụ, ở Mỹ có nhiều người sinh vào ngày 16/9 hơn bất kỳ ngày nào khác trong năm. Trên thực tế, tháng Chín có 10 ngày sinh nhật phổ biến nhất nói chung. Hẳn là đêm Giáng Sinh và đêm giao thừa thực sự khiến cho nhiều người muốn có con. Những ngày sinh ít phổ biến nhất là ngày 29/2. Nếu sinh nhật của bạn là ngày 29/2 thì theo số liệu sẽ có khoảng 4,8 triệu người trên thế giới có cùng ngày sinh với bạn.

22. Tác phẩm văn học dài nhất thế giới

Một trong những tác phẩm thể loại viễn tưởng dài nhất từng được viết là bộ fanfic tên The Subspace Emissary's Worlds Conquest dựa trên Super Smash Bros. dài hơn bốn triệu chữ. Để dễ so sánh, chúng ta phải nhớ rằng toàn bộ series Chúa Tể Của Những Chiếc Nhẫn, tính luôn cả The Hobbit chỉ dài 576.459 chữ và bộ sách Harry Potter chỉ dài khoảng 1,1 triệu chữ.

Loạt tác phẩm viễn tưởng dài nhất là series khoa học viễn tưởng của Đức có tên Perry Rhodan và bắt đầu xuất bản lần đầu vào năm 1961. Tổng số chữ của tất cả các tiểu thuyết cộng lại ước tính khoảng 150 triệu. Nhưng danh hiệu bộ sưu tập sách lớn nhất từng được viết lại thuộc về bộ bách khoa toàn thư tên Siku Quanshu (Tứ khố toàn thư). Đây là bộ bách khoa toàn thư được viết vào thế kỷ thứ 18 ở Trung Quốc, cụ thể là từ năm 1773-1782. Sau khi hoàn thành, bộ sách bao gồm bốn phần lớn là Kinh (經), Sử (史), Tử (子), Tập (集) chứa khoảng 800 triệu chữ.

23. Loài vật đáng sợ nhất

Hầu hết mọi người đều có một nỗi sợ cá mập mạnh mẽ, nhưng cũng có những người lại cho rằng cá mập là một loài vật cực kì thú vị. Tuần lễ Cá mập hàng năm của Discovery Channel là một trong những sự kiện chứng minh điều này. Nỗi sợ hãi cá mập đã khiến nhiều người tin rằng cá mập là những cỗ máy giết người vô tâm và chúng giết hàng trăm đến hàng nghìn người mỗi năm.

Điều này thật ra chỉ là một suy đoán vô căn cứ. Trên thực tế, giữa cá mập và loài người, thì chúng ta đáng sợ hơn rất nhiều. Kể từ khi những vụ cá mập tấn công bắt đầu được ghi lại vào năm 1580, chỉ có 548 người trên toàn thế giới được báo cáo là bị cá mập cắn chết. 232 vụ trong số đó xảy ra ở Úc. Vào năm 2014, tổng số người thiệt mạng do cá mập gây ra là ba người, trong khi đó, con người giết 11.415 con cá mập mỗi giờ.

24. Bản nhạc làm nên tên tuổi Mozart

Bản nhạc trong đoạn video này có tên Miserere mei, Deus, theo tiếng Latin nghĩa là Xin Thương Xót Con, Hỡi Chúa. Bản nhạc được sáng tác bởi nhà soạn nhạc người Ý Gregorio Allegri trong những năm 1630 để Nhà nguyện Sistine ở Vatican sử dụng độc quyền. Bản nhạc bị cấm sao chép dưới mọi hình thức hoặc biểu diễn ở bất cứ nơi nào, vi phạm điều luật sẽ bị vạ tuyệt thông. Trong khoảng 150 năm, sheet nhạc của bản Miserere mei, Deus là một bí mật tuyệt đối.

Vào năm 1770, cậu bé Wolfgang Amadeus Mozart khi đó mới 14 tuổi tình cờ đến thăm Rome. Vào ngày 11/4 cậu đã tham dự một buổi biểu diễn tại nhà nguyện Sistine và nghe bản nhạc này lần đầu tiên. Bị mê hoặc bởi màn trình diễn cực phẩm, Mozart trở về nhà và trình bày lại gần như hoàn hảo toàn bộ tác phẩm hợp xướng dài 15 phút gồm chín phần.

Mozart trở lại nhà nguyện lần thứ hai để nghe lại và thực hiện một vài chỉnh sửa nhỏ. Vài tháng sau, cậu trở nên nổi tiếng vì có thể hoàn thiện được bản nhạc bí mật này. Nhưng Mozart đã không bao giờ bị trừng phạt vì trình diễn bản nhạc. Giáo Hoàng rất ấn tượng với khả năng của Mozart đến mức người hết lời khen ngợi kỳ tích của thiên tài âm nhạc và thậm chí còn trao cho Mozart Huân chương Hiệp sĩ của Golden Spur.

25. Nguồn gốc cái tên Bluetooth

Tại sao chúng ta lại gọi công nghệ Bluetooth là Bluetooth và biểu tượng Bluetooth có ý nghĩa gì? Bluetooth thực chất là biệt danh được đặt cho vị vua của Đan Mạch vào thế kỷ thứ 10 tên Harald Gormsson. Cái tên Bluetooth chỉ là một kiểu Anh hóa cách đánh vần và phát âm gốc của chữ Blåtand. Vậy thì vua Gormsson có gì đặc biệt?

Lời giải thích được chấp nhận rộng rãi là do ông có hàm răng rất xấu và ố xanh, vì một lý do kì lạ nào đó. Còn lý do Bluetooth được chọn làm tên cho một công nghệ truyền thông không dây là do những gì nhà vua đã đạt được trong suốt triều đại của ông. Ông đã thành công hợp nhất nhiều bộ lạc Đan Mạch độc lập thành một vương quốc. Hàm ý là Bluetooth cũng làm như vậy với các giao thức truyền thông, hợp nhất chúng thành một tiêu chuẩn chung duy nhất.

Biểu tượng Bluetooth được tạo bằng cách kết hợp hai ký tự trong một bảng chữ cái cổ điển Scandinavia cổ. Chữ bên trái là "Hagall" và chữ ở bên phải được gọi là "Bjarkan” – tên viết tắt của Harald Blåtand.

26. Người phụ nữ với biệt tài nhận biết bệnh Parkinson

Joy Milne, một phụ nữ ở Anh từng tuyên bố có thể xác định những người bị Parkinson đơn giản bằng cách ngửi họ. Và đây là một trong những trường hợp hiếm hoi nơi sự thật còn lạ hơn hư cấu. Một nhóm các nhà nghiên cứu đã mời 12 tình nguyện viên. Sáu người mắc bệnh Parkinson và sáu người hoàn toàn khỏe mạnh. Họ được đều yêu cầu mặc một chiếc áo thun trong vòng một ngày. Joy sau đó được yêu cầu ngửi từng chiếc áo để xác định ai bị Parkinson. Bà đã đoán trúng được 11/12 người, một thành tích rất đáng nể, nhưng mọi chuyện không dừng lại ở đó.

Joy đã xác định chính xác sáu người mắc Parkinson nhưng cũng tuyên bố rằng một trong sáu người khỏe mạnh cũng sẽ mắc Parkinson. Các nhà nghiên cứu cho rằng bà đã sai. Nhưng tám tháng sau, đối tượng nghiên cứu thông báo với các nhà nghiên cứu rằng anh ta vừa được chẩn đoán mắc Parkinson. Joy thực sự đã đúng 100% và bằng cách nào đó bà có thể xác định được căn bệnh này rất lâu trước khi bất kỳ triệu chứng rõ ràng nào xuất hiện. Các nhà khoa học tin rằng những thay đổi trên da của người bị Parkinson đã tạo ra một mùi hương đặc biệt liên quan đến căn bệnh.

27. Mức độ bảo mật của vũ khí hạt nhân Mỹ

Vào đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh tức năm 1962, tổng thống Mỹ John F. Kennedy quyết định thực hiện các biện pháp an ninh mới để ngăn chặn các vụ phóng và kích nổ trái phép vũ khí hạt nhân. Các thiết bị bảo mật này được gọi là Permissive Action Link controllers (PAL), và nhìn vẻ ngoài của chúng không khác gì một bộ điều khiển trong James Bond. Trong khoảng 15 năm, những thiết bị này được cho là hoạt động chính xác, nhưng sự thật không phải vậy.

Bộ Tư lệnh Không quân Chiến lược coi sự bổ sung an ninh này là một trở ngại bởi vì nếu Hoa Kỳ bị tấn công, họ sẽ chỉ có một thời gian ngắn để khởi động phản công. Theo ý kiến ​​của họ, những thiết bị PAL này có khả năng đặt sinh mạng của hàng triệu người vào vòng nguy hiểm vì có thể mất thêm vài giây đến vài phút quan trọng để nhập chính xác mã kích hoạt. Vì vậy, Bộ Tư lệnh Không quân Chiến lược Hoa Kỳ đã có một nước đi hết sức táo bạo: Họ cài đặt mã bảo mật trên các thiết bị PAL thành 00000000 và không nói với ai hết. Trong khoảng 15 năm, mã truy cập kho vũ khí hạt nhân của Mỹ là 00000000, rất bảo mật và cực kỳ hiệu quả.

28. Ảo giác xúc giác và những phát hiện thú vị

Cảm giác điện thoại của bạn đang rung trong túi mặc dù thật sự không phải vậy được gọi chung là hiện tượng rung động ảo. Đây là một hình thức ảo giác xúc giác mang tên pareidolia. Hiện tượng xảy ra khi bộ não của chúng ta nhận ra được những khuôn mẫu từ cảnh tượng hàng ngày. Đá hoặc mây đôi khi có thể tạo thành những hình dạng thú vị như khuôn mặt, một con phượng hoàng lửa, hay những hình thù khác. Bộ não liên tục quét môi trường để tìm kiếm các hình mẫu quen thuộc, đồng thời nhận biết trước những mối nguy.

Các nhà khoa học tin rằng đây cũng là cách giải thích cho hiện tượng rung động ảo. Khi vải quần áo cọ xát với da hoặc khi chúng ta gặp các cơn co thắt cơ nhỏ, các thụ thể ở đùi nhầm lẫn điều này với một chiếc điện thoại đang rung. Bởi vì bộ não liên kết hoạt động ở khu vực cụ thể này với việc nhận điện thoại hoặc có tin nhắn. Hiện tượng tương tự xảy ra với những người đeo kính thường xuyên và đã quá quen với việc đeo kính đến nỗi khi họ đã tháo kính ra rồi thì vẫn sẽ có cảm giác như thể họ vẫn đang đeo.

Theo: Tổng hợp
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.