• Về đầu trang
Ngọc Ánh
Ngọc Ánh

Da xương rồng_chất liệu tiềm năng thay thế da động vật trong tương lai

Môi trường

Suốt nhiều thế kỷ, da thuộc đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống xã hội. Vì đặc tính dày dặn và bền, da thuộc được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực thời trang. Tuy nhiên da thuộc không phải là một chất liệu bền vững như chúng ta vẫn tưởng.

Các nhà máy sản xuất da thuộc thải hóa chất ra những con sông ở Ấn Độ

1, Tác động tiêu cực của ngành sản xuất da thuộc

Để sản xuất ra một tấm da thành phẩm phải trải qua rất nhiều công đoạn, tốn rất nhiều nước và hóa chất độc hại, cụ thể người ta ước tính cứ 900kg da động vật sống thì cần đến 300kg hóa chất để xử lý trong suốt quá trình thuộc da. Đó cũng là lý do tại sao ngành công nghiệp sản xuất da được coi là ngành công nghiệp gây ô nhiễm nhất trên thế giới.

Lượng nước mang những hóa chất độc hại này sau đó được xả thẳng ra môi trường và chỉ có khoảng 20% trong số chúng đã qua quá trình xử lý. Lượng nước này sẽ chảy vào khu vực nông nghiệp hoặc nguồn nước sinh hoạt của những khu dân cư quanh khu vực nhà máy sản suất khiến môi trường bị ô nhiễm nặng nề và phá hủy nền nông nghiệp.

Ngoài ra việc lấy da động vật cũng vướng phải rất nhiều bất cập. Hầu hết chúng ta đều coi da động vật là một sản phẩm phụ của ngành công nghiệp thực phẩm (thịt), tuy nhiên thực tế lại tàn khốc hơn như vậy gấp nhiều lần. Chẳng hạn như những tấm da bê là vật liệu phổ biến trong phân khúc thời trang cao cấp sẽ được lấy từ những con bê nhỏ, có một làn da nhẵn nhụi, không bị thương và không có các vết bầm tím. Hoặc như một cuộc điều tra của PETA vài năm trước đây về sự tàn khốc trong quy trình lột da cá sấu.

2, Tìm kiếm giải pháp thay thế da động vật.

Có rất nhiều chất liệu đã được thử nghiệm để tạo ra da thuần chay. Tuy nhiên, thật không may những tấm da thuần chay đầu tiên lại được làm ra từ nhựa_loại vật liệu thường được coi là có hại và không bền vững. Tất cả những nguyên nhân trên chính là lí do bộ đôi Adrián López Velarde và Marte Cázarez đã nảy ra ý tưởng sản xuất da từ một loại nguyên liệu tự nhiên và có tính bền vững cao đó là xương rồng.

Loại xương rồng được sử dụng là xương rồng nopal (xương rồng tai thỏ), có gai nhỏ và mảnh, xuất hiện nhiều ở các hoang mạc và bán hoang mạc trên thế giới. Những cây xương rồng này được trồng trong trạng trại hữu cơ, nơi đã được cấp giấy chứng nhận ở bang Zacatecas, Mexico. Khi cây xương rồng đủ lớn, người ta sẽ thu thập những lá đã trưởng thành và để lại phần gốc cùng những đoạn lá non để chúng tiếp tục phát triển (thường chỉ từ 6-8 tháng là có thể thu hoạch tiếp).

Tiếp theo người ta sẽ nghiền nhỏ lá và phơi nắng 3 ngày. Khi phơi đạt, chúng sẽ được trộn với những loại hóa chất không độc hại để tạo kết cấu và màu sắc tùy theo nhu cầu sử dụng.

Theo bộ đôi, để sản xuất ra 1kg nguyên liệu khô chỉ cần dùng 200 lít nước, trong khi những loại chất liệu khác như cây ngô cần đến 1.000 lít để cho ra một khối lượng tương tự. Quy trình trồng và chăm sóc cũng vô cùng đơn giản và tiết kiệm vì xương rồng cần rất ít nước để sinh trưởng.

Thành phẩm da xương rồng không chứa các chất độc hại, hoàn toàn hữu cơ và có thể phân hủy sinh học. Với tính bền cao, mềm mại thoáng khí, da xương rồng đã được đưa vào sản xuất rất nhiều loại sản phẩm như túi xách, áo khoác, giày dép, bọc ghế xe hơi... với giá thành chỉ bằng giá của những sản phẩm da thông thường. Adrián cho biết rằng những người dùng sản phẩm của họ đều không thể phát hiện được đó không phải là da động vật.

Tuy nhiên, nó cũng có một vài điểm yếu. Đầu tiên là thời hạn sử dụng của da xương rồng chỉ khoảng trên dưới 10 năm, ngắn hơn so với da động vật. Và vì sản phẩm chỉ mới được phát triển vào năm 2019 cho nên vẫn còn khá hạn chế trong màu sắc và kiểu dáng.

Sản phẩm da xương rồng được ra mắt lần đầu tại Hội chợ quốc tế Lineapelle, Milan vào năm 2019 và đã được cấp bằng sáng chế. Hiện tại bộ đôi vẫn đang tiếp tục nghiên cứu và phát triển thêm sản phẩm của mình với hi vọng đây sẽ là chất liệu thay thế cho da động vật trong tương lai.

  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.