• Về đầu trang
Ngọc Ánh
Ngọc Ánh

Đối phó với biến đổi khí hậu bằng cách giảm thiểu lãng phí thực phẩm

Môi trường

Hiện nay, theo ước tính, khoảng 1/3 tổng số lượng thực phẩm trên thế giới đang bị lãng phí. Con số này tương đương với khoảng 1,3 tỷ tấn trái cây, rau, thịt, sữa, hải sản và ngũ cốc sẽ không bao giờ được rời khỏi trang trại để đến với người tiêu dùng, hoặc bị thất lạc, hư hại trong quá trình vận chuyển, hoặc bị vứt bỏ trong quá trình tiêu thụ và chế biến. Lượng thực phẩm bị lãng phí này thậm chí có đủ lượng calo để cung cấp cho tất cả những người bị suy dinh dưỡng trên khắp thế giới.

Tuy nhiên, lãng phí thực phẩm không chỉ liên quan đến vấn đề về xã hội hay nhân đạo mà còn là mối nguy hại với môi trường. Bởi khi chúng ta lãng phí thực phẩm cũng có nghĩa là chúng ta đang lãng phí cả nguồn năng lượng, nước,… trong quá trình chăn nuôi, trồng trọt, thu hoạch, đóng gói và vận chuyển chúng. Và nếu thực phẩm dư thừa bị đưa ra bãi rác khi chưa được xử lý phù hợp thì quá trình phân hủy của chúng sẽ tạo ra khí metan_một loại khí gây hiệu ứng nhà kính còn mạnh hơn cacbon dioxite. Theo ước tính, lượng thực phẩm bị lãng phí ở Hoa Kỳ đã tạo ra lượng khí thải nhà kính tương đương với 32,6 triệu ô tô. Và chúng ta sẽ có thể giảm thiểu được khoảng 6% - 8% tổng lượng phát thải khí nhà kính nếu chúng ta ngừng lãng phí thực phẩm.

Thật may, có rất nhiều những hành động nhỏ chúng ta có thể làm hàng ngày để góp phần hạn chế lãng phí thực phẩm, dưới đây là một vài ví dụ:

  • Lên kế hoạch trước khi mua sắm và chỉ mua những thứ thực sự cần.

Đi mua hàng khi không có tính toán trước và đôi khi là với một chiếc bụng đói sẽ khiến chúng ta mua hàng một cách vô tội vạ. Hãy thử dọn tủ lạnh để tận dụng hết những đồ ăn còn thừa trước và kiểm tra lại xem bạn có lịch hẹn ăn ngoài nào hay không trước khi xách túi đi chợ để tránh mua phải những món đồ không cần thiết.

  • Tủ đông sẽ là một giải pháp “chữa cháy” khi bạn còn quá nhiều đồ ăn chưa động đến.

Mặc dù ai cũng phải công nhận sử dụng thực phẩm tươi sống luôn ngon hơn và tốt cho sức khỏe hơn là đồ đông lạnh, tuy nhiên nếu bạn không có thời gian đi chợ hàng ngày thì tủ đông vẫn là một lựa chọn đúng đắn. Thậm chí với đồ ăn thừa, nấu chúng chín kỹ, bảo quản trong ngăn đông và hâm nóng lại khi ăn sẽ là cách tuyệt vời để kéo dài thời gian sử dụng của chúng một cách đáng kể.

  • Vận dụng hết kỹ năng bếp núc của bạn để sáng tạo với đồ ăn thừa.

Với những người có kinh nghiệm nấu nướng, sẽ không khó để biến đồ ăn thừa thành những món ăn mới vừa đẹp mắt mà vẫn ngon miệng. Còn nếu không, bạn hoàn toàn có thể nhờ đến sự trợ giúp của Google để giải quyết chúng.

  • Cách tận dụng các loại rau, củ, quả mặc cho chúng đã không còn lành lặn

Với những loại thực phẩm như hoa quả, rau củ quá chín, héo, hoặc không được lành lặn, bạn hoàn toàn có thể tận dụng chúng để làm bánh mì, mứt, sinh tố, nước sốt hoặc súp thay vì ngay lập tức quẳng chúng đi.

Theo: WWF
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.