• Về đầu trang
Mai Mèo
Mai Mèo

Phương Tây phồn hoa ngày xưa (Kỳ 2): Khi chuyện làm đẹp cũng chẳng lấy gì làm vui vẻ

Beauty

Đối với phụ nữ thành thị - những người mà bụi bẩn sẽ bám từ đầu đến chân mỗi khi bước ra khỏi nhà – thì ngâm toàn thân trong bồn tắm rất được khuyến khích. Nhưng họ chỉ ngâm mình như thế từ một đến hai lần mỗi tháng, và chỉ sử dụng nước ấm vì nhiệt độ quá nóng hay quá lạnh đều có thể gây ra các vấn đề sức khỏe, từ phát ban đến thần kinh. Ít nhất thì họ tin là như thế. Giữa những lần “ngâm mình” đó, phụ nữ lau rửa cơ thể bằng bông thấm nước lạnh và giấm. Kiểu tắm bằng cách ngồi vào chậu đáy nông cũng khá thông dụng.

woman bathing

Tranh vẽ khoảng năm 1880-1895 của họa sĩ người Pháp Edgar Degas (1834-1917), mô tả cảnh một phụ nữ ngồi trên thành bồn tắm và kỳ cọ phần cổ của mình. Nguồn ảnh: theconversation.com

Phụ nữ thời xưa nuôi tóc rất dài và dày, thế nên việc làm sạch mái tóc đó tốn khá nhiều thời gian và gặp không ít khó khăn. Bởi thế, các bà các cô cũng hiếm khi gội đầu. Họ được khuyên nên dùng amoniac pha loãng với nước để massage tóc và da đầu, giống như cách chúng ta dùng dầu gội hiện nay. Nhưng tác giả Oniell cũng chỉ ra rằng, sử dụng amoniac còn nguy hiểm hơn để vài giọt xà phòng rơi vào mắt.

“Amoniac có tính bào mòn cao khi gặp nước, bởi thế nó rất công hiệu trong việc làm sạch sợi tóc và đôi khi lấy theo một ít da đầu luôn.”

elisabeth of bavaria

Tương truyền mái tóc của Hoàng hậu Elisabeth nước Áo tốn cả ngày trời để gội và hong khô. Bà cũng không dùng amoniac mà sử dụng rượu, lòng đỏ trứng để làm sạch tóc mình, và rõ ràng không phải ai cũng có thể học theo phương pháp chăm sóc tóc của bà vì nó quá kỳ công, tốn thời gian. Đây là tranh vẽ của họa sĩ người Đức Franz Xaver Winterhalter (1805-1873).

Nếu còn hoài nghi phương pháp amoniac kể trên, các quý cô vẫn có thể sử dụng nước ép tỏi để làm sạch tóc. Khả năng làm sạch của thứ nước ép này có thể không bằng amoniac, nhưng nó được tin là giúp tóc nhanh dài và bóng mượt.

Song vấn đề là nước ép tỏi có mùi không lấy gì làm thơm tho, cũng giống như y phục của phụ nữ vậy: họ không bao giờ giặt váy đầm, bởi chất vải và các họa tiết trang trí quá đỗi mỏng manh. Những thứ được giặt là áo, váy lót làm từ vải linen và chiếc quần lót không đáy. Thời ấy cũng chưa có lăn khử mùi chứ nói chi đến dao cạo cho nữ, thế nên các bà các cô thường đặt những miếng vải hình bán nguyệt vào giữa áo và phần dưới cánh tay đầy lông của mình nhằm ngăn mồ hôi.

Tuy nhiên, rõ ràng cách chắc chắn nhất để giải quyết vấn đề mùi cơ thể là nước hoa – rất nhiều nước hoa. Mùi hương thông dụng nhất lúc bấy giờ là long diên hương, được lấy từ ruột của cá nhà táng chết. Nhưng cho dù một quý cô thời Victoria có “kém tắm” hay lười dùng nước hoa thế nào, thì da mặt của cô vẫn có thể trông thật hoàn hảo. Đó là vì phụ nữ đã sớm được tiếp xúc với nền công nghiệp mỹ phẩm mà nguyên liệu chủ yếu là chì. Một quá trình được gọi là “tráng men cho khuôn mặt” loại bỏ mọi khuyết điểm, mà theo lời bà Oneill thì “một khuôn mặt mịn màng được hồi xuân, nơi mọi lỗ chân lông được bao phủ bởi nét tươi trẻ và sự mất cân bằng khoáng chất đầy nguy hiểm.”

woman bying cosmetics

Quý cô đang hỏi về độ bền màu của các loại mỹ phẩm trang điểm bán ở nhà thuốc. Nguồn ảnh: Welcome Images, London

Những người “kém may mắn” sinh ra với làn da có tàn nhang được khuyên nên dùng nước chanh để rửa mặt. Hoặc nếu họ muốn thứ gì đó hiệu quả nhanh hơn, thì axit carbolic bôi khắp mặt hoặc ngồi dưới ánh nắng cho các đốm tàn nhang bị thiêu rụi là những phương thức được lựa chọn. Nếu các phương pháp chữa trị này quá “nặng đô” đến mức tạo nên nếp nhăn, họ tiếp tục dùng thịt bò sống thái mỏng để đắp lên mặt vào buổi tối. Ngủ với mỡ động vật trên mặt – mỡ cừu, bê, lợn,… - được tin rằng sẽ trả lại làn da đàn hồi cho phụ nữ.

Một khuôn mặt chuẩn mực của phụ nữ cũng giống với thân hình lý tưởng mà họ luôn hướng đến: hoàn hảo và đầy đặn. Sự đầy đặn khác với nặng nề vì những ai thừa cân sẽ phải uống nước với chanh để giảm cân, và khi phương án đó dường như không mang lại kết quả gì, họ viện đến thuốc giảm cân. Nhưng thuốc giảm cân thời bấy giờ chứa đầy nhiều chất độc hại như asen, stricnin, cocain, hay thậm chí là ấu trùng sán dây. Là một phụ nữ mảnh khảnh ở thời Victoria cũng chẳng dễ dàng gì, họ được bảo rằng nên thường xuyên nằm yên ở nơi nào có ánh sáng mờ, “tránh xa mọi điều lo âu để có thể cảm thấy bình thường trong mọi tình huống”, một cuốn sách đã viết như thế.

victorian lady

Tranh minh họa trong tạp chí thời trang Le Mode Illustree của Pháp năm 1885

Có lẽ mọi nỗ lực trên đều xứng đáng nếu một cô gái tìm được tấm chồng phù hợp. Để đảm bảo điều đó, các cô được dạy đủ kiểu tán tỉnh, ví dụ như rút khăn tay và phẩy qua mặt có nghĩa là “Em yêu anh”, còn cắn lấy chiếc găng trên tay có nghĩa là “Đi đi”. Đương nhiên, một quý cô phải sử dụng thứ ngôn ngữ bí mật này thật cẩn trọng, bởi những ai được cầu hôn nhờ vào mấy hành động tán tỉnh trên đều có thể bị xem như “đồ lôi thôi”.

the love letter

Tranh “The Love Letter”của họa sĩ người Ý Vittorio Reggianini (1858-1938). Ở thời Victoria, những đôi nam nữ thường trao nhau thư tình, viết thư sao cho hay và lãng mạn cũng là cả một nghệ thuật. Nguồn ảnh: Pinterest

Nam giới cũng rất thận trọng khi lựa chọn bạn đời. Ngoại hình mỗi cô gái đều nói lên những câu chuyện: vòng eo quá nhỏ là dấu hiệu xấu cho thấy cô ấy sở hữu nội tạng và thể trạng yếu. Trong khi đó, có ngoại hình đối lập với vợ hoặc chồng mình lại là dấu hiệu tốt. Đàn ông tóc tối màu được khuyên nên chọn vợ có tóc vàng, và những ai hồng hào hay nước da olive khỏe mạnh nên tìm một cô gái có da sáng màu làm vợ.

Khi đã lấy chồng, người phụ nữ có đủ nhiệm vụ, từ giữ cho nhà cửa vừa mắt quan khách đến thăm cho tới sinh con đẻ cái. Theo pháp lý thì người phụ nữ thuộc sở hữu của chồng mình, và những cô vợ trẻ được cảnh báo về mọi lí do có thể dẫn đến bất hòa trong hôn nhân. Vụng về, nấu ăn dở hay không biết lắng nghe đều mang tội khiến cho chồng mình không vừa ý.

Nhưng “tội lỗi” lớn nhất, lớn hơn cả già đi hay tăng cân, là bị gọi bằng “đồ bẳn tính”. Đó là kiểu phụ nữ tỏ ra ngoài mặt sự khó chịu và kém vui vẻ. Cô sẽ là kẻ phá đám không nghe lời chồng, phàn nàn và xét nét chồng, ví dụ như thú vui ghé thăm nhà chứa khi trên đường từ chỗ làm về nhà của anh ta. Ở thời Victoria, một người vợ tốt phải biết ngó lơ mọi hành động không chung thủy của phu quân. Nói chung là người phụ nữ có không vui thì cũng chẳng phải lỗi của người chồng.

womans mission

Tranh vẽ năm 1863 “Woman's Mission: Companion of Manhood” của họa sĩ George Elgar Hicks (1824-1914). Nguồn ảnh: Mimi Matthews

Không vui thì lỗi là do cái tử cung rỗng không của cô ta. Oneill so sánh rằng “Hãy tưởng tượng tử cung là một người phụ nữ năng nổ, nhiệt huyết… làm sao cô ấy có thể chịu được sự buồn chán chứ. Cô ấy muốn những thử thách, cô ấy cần làm việc!”

Suy cho cùng thì cái tử cung chính là nguồn cơn của căn bệnh đáng sợ nhất ở nữ giới: chứng cuồng loạn. Nói như vậy thì có thể cách giải quyết cho một mớ những vấn đề đó là giải tìm đến ngay căn nguyên của nó, và giữ cho tử cung áy náy kia đừng rỗng. Thậm chí đến người phụ nữ giàu nhất thời Victoria cũng chỉ có một khoảng thời gian rất ngắn trong đời được khiêu vũ trong căn phòng mạ vàng với những thanh niên đứng đắn vây quanh.

Vậy những ngày còn lại của người phụ nữ ấy thì sao? Giống như lời truyền đạt của một vị bác sĩ giỏi: có thai.

Theo: nypost
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.