• Về đầu trang
An Hy
An Hy

Cướp biển đâu phải nghề nghiệp chỉ dành riêng cho đàn ông?

Chị em

Anne Bonny

anne bonny 1

Anne Bonny tên thật là Anne Gormac sinh năm 1698 người Ireland. Với mái tóc đỏ rực và bản tính cộc cằn, dữ dội, bà đã trở thành một biểu tượng trong Thời kì Hoàng kim của Cướp biển (1650s - 1730s). Cha của Anne không hề chấp nhận cuộc hôn nhân giữa bà và James Bonny – một hải tặc, nên 2 người đã chuyển đến một địa phận nhỏ thuộc Bahamas, nơi có biệt danh là Cộng Hòa Cướp Biển để sinh sống. Tuy nhiên, cặp vợ chồng không hòa thuận với nhau được lâu dài, James sau này trở thành một kẻ bán tin cho chính quyền trong khi Anne lại rất quý trọng cuộc sống hải tặc.

Cả hai li hôn, Anne nhanh chóng cặp kè với Calico Jack Rackham và sau đó là người tình của hắn trên con thuyền Báo Thù. Bà lên thuyền, phiêu lưu trên những con sóng đại dương và trở thành cơn khiếp đảm của những tàu bè trên biển. Sau này bà còn cùng người bạn tri kỉ - Mary Read tạo nên cặp đôi cướp biển khủng khiếp nhất thế kỉ 18.

general history of the pyrates ann bonny and mary read coloured

Anne Bonny và Mary Read

Tháng 10 năm 1720, mặc kệ những nỗ lực can đảm chống trả của cả 2 trước hải quân Hoàng gia Anh, cả thủy thủ đoàn bị bắt giữ. Anne đổ tất cả mọi tội lỗi lên Rackham. Những lời cuối cùng bà nói với hắn được ghi nhận lại như sau, “Xin lỗi vì thấy mày phải ở đây, nhưng nếu mày đã chiến đấu như một thằng đàn ông, mày sẽ không bị treo lên và phải chết như một con chó.”

Hắn ta bị treo cổ trong khi Anne thoát khỏi án tử nhờ cái thai trong bụng. Tuy nhiên, không có bất kì ghi chép nào về việc bà đã chết trong tù. Một số kẻ suy đoán người cha giàu có của bà đã đưa một cái giá khá cao để bà được tại ngoại.

Mary Read

mary read

Sinh ra ở Anh Quốc cuối thế kỉ 17, Mary Read thời trẻ phải cải trang thành đứa em trai chết yểu để người mẹ không xu dính túi có thể lừa bà nội đồng ý nuôi 2 người họ. Khi lớn lên, bà đổi tên thành Mark Read và chính thức trở thành cướp biển cuối những năm 1710 sau khi hải tặc tấn công thuyền và gây ấn tượng với bà. Bà đã gia nhập thủy thủ đoàn của Calico Jack Rackham, gặp và kết thân với Anne Bonny - người mà bà đồng ý tiết lộ thân phận thật là phụ nữ.

Chỉ làm cướp biển một khoảng thời gian ngắn, nhưng Read cũng đã tạo tiếng vang đầy đáng sợ cho những kẻ ngoài khơi. Cuộc chiến nổi tiếng nhất của bà là cuộc chiến cuối cùng với hải quân trước khi bị bắt. “Nếu có một thằng đàn ông trong mày,” bà hét lên với đám đực rựa hèn nhát dưới gầm bàn, “thì hãy đến đây và chiến đấu như một thằng đàn ông!”. Trong khi những tên đồng đội nát rượu bỏ trốn xin hàng, bà cùng Bonny đã kiên cường chống trả với đối thủ trước khi bị bắt giữ và xử phạt.

Cũng như người bạn thân, Read thoát khỏi án tử nhờ nói mình đang mang thai. Số phận sau đó của bà vẫn được nhiều người đồn đoán. Kẻ nói bà mắc bệnh rồi chết, người bảo bà chỉ giả bệnh rồi lẻn đi, cũng có ai đó nói bà đã trốn thoát cùng lúc với Bonny, cả 2 chuyển đến phương xa sinh con và sống an nhàn đến cuối đời cùng nhau.

Trịnh Nhất Tẩu

trinh nhat tau

Không chỉ thuộc hàng nữ tướng danh tiếng mà Trịnh Thị còn được nhắc đến như một trong những cướp biển khét tiếng nhất mọi thời đại. Sinh tại Quảng Đông, Trung Hoa năm 1775, bà kiếm sống bằng cách hành nghề gái điếm ở một nhà thổ nổi. Nhan sắc của bà đã làm xiêu lòng Trịnh Nhất – thuyền trưởng của hạm đội cướp biển Cờ Đỏ, và vào năm 1801, hắn ta lấy bà làm vợ. Bà đồng ý với một điều kiện: được chia ngang phần chiến lợi phẩm với Nhất.

Dưới sự chỉ huy của cả 2, hạm đội phát triển lớn mạnh từ 200 lên đến 1700 – 1800 thuyền. Khi Trịnh Nhất chết, dưới trướng họ có hơn 70.000 hải tặc. Tiếp nối sự nghiệp của chồng, Trịnh Nhất Tẩu trở thành thuyền trưởng của hạm đội và vùng vẫy ngoài biển khơi, gieo rắc nỗi khiếp sợ lên khắp tàu bè. Hạm đội của bà đã chiếm đóng rất nhiều làng ven biển và ban hành thuế lên chúng cũng như các tàu bè muốn đi lại quanh khu vực.

cuoc chien cua trinh nhat tau

Tranh vẽ minh họa cảnh chiến đấu của Trịnh Thị

Trịnh Thị có thể rất nghiêm khắc và tàn độc, nhưng đồng thời bà cũng có quy tắc đạo đức riêng. Dưới quyền bà, một cướp biển muốn lấy vợ, hắn phải cam kết chung thủy và đối xử tốt với cô ấy, nếu có ai bị phát hiện có hành vi cưỡng hiếp, kẻ đó sẽ bị xử tử. Đối với những kẻ đào ngũ, bà đặc biệt tàn khốc, sẵn sàng săn lùng rồi tra tấn và cắt bỏ đi 2 tai của chúng.

Cờ Đỏ lúc ấy được nhắc đến với cái tên “Nỗi khiếp sợ của Biển Trung Hoa.” Sự lớn mạnh của nó biến Trịnh Thị trở thành kẻ thù số một của chính phủ. Một hạm đội Mãn Thanh cùng quân tiếp viện Anh và Tây Ban Nha được lập ra để lùng bắt bà, nhưng chưa bao giờ thành công. Khi đó, chính phủ mới quyết định ban hành lệnh ân xá để thỏa hiệp và được bà đồng ý để đổi lấy tự do. Sau khi hoàn lương, Trịnh Thị mở sòng bạc và sống đến năm 1844, hưởng dương 69 tuổi.

Anne Dieu-le-Veut

anne dieu le veut

Anne Dieu-le-Veut sống một cuộc đời mà ít người có thể nghĩ đến. Bà đã 2 lần trở thành góa phụ. Người chồng thứ 2 của bà bị giết bởi một tên cướp biển khét tiếng người Hà Lan – Laurens de Graaf. Để trả thù cho chồng, bà thách thức tên tướng cướp một cuộc chiến. Bị ấn tượng bởi sự can đảm của Dieu-le-Veut, Graaf từ chối lời thách đấu mà thay vào đó cầu hôn và đã được bà đồng ý.

Bà đồng hành cùng chồng trong những năm rong ruổi ngoài đại dương rộng lớn, và được biết đến là một chiến binh dũng mãnh. Chưa bao giờ bà náu mình để cải trang thành nam giới trong một đám cướp biển xem sự xuất hiện của phụ nữ là vận xui. Ngược lại, sự hiện diện của bà được cả thủy thủ đoàn coi là điềm lành. Chồng bà – Graaf, được Tây Ban Nha gọi là “Ác quỷ đội lốt người,” và được xem là “Tai họa của phương Tây” trong con mắt dân Hà Lan. Trong khi bà, Anne Dieu-le-Veut hay dịch sang tiếng anh là Anne Gods-want-it, được xem như hiện thân của Chúa. Bất cứ thứ gì bà muốn, cũng là thứ Chúa muốn, và chúng luôn luôn được dâng đến cho bà. Sự kết hợp của cả hai, giữa ác quỷ và Chúa đã tạo nên nỗi khiếp đảm nơi vùng biển Đại Tây Dương rộng lớn.

Jeanne de Clisson

jeanne de clisson 2

Hạm Đội Đen của "Sư tử cái xứ Brittany"

Jeanne de Clisson hay còn được biết đến là “Sư tử cái xứ Brittany.” Không như những người khác trở thành cướp biển vì nghèo khổ, hoặc vì khát khao được phiêu lưu, Jeanne dấn thân vào những con sóng biển để trả thù.

Sinh ra trong một gia đình đại quý tộc miền bắc nước Pháp, bà kết hôn với lãnh chúa Olivier de Clisson Đệ Tam và có với nhau 5 người con. Trong cuộc chiến giành thuộc địa giữa Pháp và Anh, chồng bà bị một gian thần đổ tội phản quốc dẫn đến hình phạt tử hình. Xác của ông bị kéo lê lết và treo lủng lẳng trên một ngọn giáo dài, đầu thì được gửi về quê nhà để bêu trên một ngọn giáo khác ở cổng thành. Giận dữ, Jean đã thề sẽ rửa hận cho chồng mình, trả thù lên vị vua Pháp bấy giờ - Philip Đệ Lục.

jeanne de clisson

Bức tranh vẽ trận hải chiến của de Clisson

Bà bán tất cả đất đai để mua 3 chiến thuyền, sơn toàn bộ màu đen, bọc lên những cánh buồm đỏ máu và đặt tên chúng là Hạm Đội Đen. 3 chiến thuyền của bà lúc nào cũng chứa đầy ắp những tên cướp biển tàn độc vô nhân tính. Từ năm 1343 – 1356, Jeanne ra khơi, bắt giữ tất cả tàu bè của vua Pháp mà bà thấy, dùng rìu chặt đầu và phanh thây toàn bộ thủy thủ đoàn cùng tất cả những ai có mặt. Bà chỉ tha duy nhất một người mỗi tàu đủ để loan truyền về nỗi khiếp sợ ngoài khơi cho tất cả thương thuyền và chiến thuyền của vua Philip. Không chỉ cả nước Pháp run sợ trước bà, mà ngay cả những tàu bè Châu Âu cũng khiếp vía khi nghe danh của “Sư tử cái xứ Brittany.”

Tuy nhiên, sau 13 năm tung hoành, Jeanne bất thình lình rút lui, từ bỏ đại cuộc báo thù và biển cả dậy sóng. Thậm chí, bà còn tái hôn với một người Anh và sống với ông ta đến cuối đời trước khi mất năm 1359.

Sayyida al Hurra

sayyadi al hurra

Là đồng minh và cũng là đồng nghiệp của tên cướp biển khét tiếng Thổ Nhĩ Kỳ Barbarossa, Sayyida al Hurra cũng không phải hạng vừa. Bà được xưng tụng là nữ hoàng hải tặc và là người phụ nữ cuối cùng nhận danh hiệu al Hurra sau cái chết của chồng – kẻ cai trị xứ Tetouan, Morroco. Không ai biết tên thật của bà. Sayyida al Hurra thực chất là danh xưng, mang ý nghĩa “quý cô cao quý, người nắm giữ tự do và độc lập của mình; người phụ nữ tối cao không chịu khuất phục trước bất cứ quyền năng nào.”

Xuyên suốt những năm 1515 – 1542, al Hurra kiểm soát nguyên vùng Tây Địa Trung Hải trong khi Barbarossa thống trị bờ Đông. Cũng giống như “Sư tử cái xứ Brittany,” bà trở thành cướp biển để trả thù. Sau cuộc thanh trừng của Tòa án dị giáo Tây Ban Nha lên người Hồi giáo và Do Thái, al Hurra cùng gia đình theo đạo Hồi bị buộc phải rời bỏ quê nhà Granada. Từ đó bà đã xem Thiên Chúa giáo là cái gai trong mắt và trở thành nỗi khiếp đảm của cả 2 nước Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha khi liên tiếp gây ra những vụ tấn công tồi tệ và đẫm máu.

Nhưng khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp làm nữ hoàng hải tặc, al Hurra tái hôn với vua Morocco, trong khi vẫn giữ nguyên quyền lực tại Tetouan. Cho đến năm 1542, bà mới mất đi vị thế khi bị lật đổ bởi người con rể. Số phận của bà sau đó vẫn còn là một ẩn số.

Theo: Tổng hợp
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.