• Về đầu trang
Chloe Li
Chloe Li

Anna Sui - Nhà thiết kế gốc Á nổi tiếng với những thiết kế nữ tính hòa cùng một chút nổi loạn

Thời trang

Anna được sinh ra vào năm 1964 ở ngoại ô Detroit. Khi mới bốn tuổi, bà đã có ước mơ và quyết định trở thành một nhà thiết kế thời trang. Bước vào độ tuổi thiếu niên, bà đọc được một bài viết trên Life Magazine kể về cuộc sống của người phụ nữ tốt nghiệp Parsons The New School for Design và chuyển đến Paris, nơi Richard Burton và Elizabeth Taylor mở một cửa hàng cho cô. Vào thời điểm đó, Anna đã tìm thấy tấm vé đến với thời trang cùng niềm mơ ước được gia nhập vào cùng học viện. Nhiều năm sau đó, khi Anna đã trưởng thành hơn, bà đã đọc lại câu chuyện và phát hiện ra rằng cô gái đó chính là con gái của nhiếp ảnh gia huyền thoại Irving Penn. Khám phá này đã khiến Anna càng trở nên tham vọng hơn và bắt tay vào cuộc hành trình hiện thực hóa ước mơ thời bé của mình. Anna cũng đã đăng ký theo học tại Parsons The New School for Design vào năm 1973.

Sau khi tốt nghiệp, Anna tích góp cho bản thân những kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực thời trang bằng cách thiết kế cho các thương hiệu quần áo thể thao và làm stylist trong những buổi chụp hình của Steven Meisel. Trong khoảng thời gian này, bà cũng bắt đầu tự thiết kế và sản xuất thời trang từ căn hộ của mình. Khi còn làm việc tại Glenora, Anna đã giới thiệu một bộ sưu tập gồm 5 thiết kế tại một triển lãm thương mại tại New York và thu hút được một số cửa hàng bách hóa của thành phố. Sau một vài tuần, các thiết kế của bà đã xuất hiện trên mặt báo New York Times. Điều này đã làm người quản lý của Glenora rất khó chịu và sa thải bà ngay lập tức. 

Rơi vào cảnh thất nghiệp, Anna đã đầu tư 300$ tiền tiết kiệm của mình vào công việc kinh doanh thời trang. Sau vài năm, công ty dường như vẫn “dậm chân tại chỗ” và để có thêm thu nhập, bà đã làm thêm những công việc lặt vặt để đầu tư lại vào công việc kinh doanh. Những năm 80 là thời kỳ hoàng kim của phong cách ăn mặc quyền lực được thống trị bởi các thương hiệu như Versace, Lacroix và Chanel. Đứng trước những tên tuổi lớn như vậy, thật khó để Anna Sui có thể tạo nên chỗ đứng trong ngành thời trang lúc bấy giờ. 

Theo chân một số ít nhà thiết kế đã tách mình ra khỏi các nhà mốt truyền thống, Anna đã chuyển sang khám phá nền thời trang grunge cùng với các nhà thiết kế như Marc Jacobs, Daryl K và Todd Oldham. Vào khoảng năm 1987, nhờ vào sự giúp đỡ của Annette Breindel, người nuôi dưỡng nhiều tài năng trẻ, Anna đã có thể chuyển các hoạt động kinh doanh từ căn hộ của bà đến showroom Annette B. Vào cuối những năm 1980, Anna Sui đã nổi tiếng toàn cầu nhờ thu hút được sự chú ý của các hãng thời trang Nhật Bản như Onward Kashiyama và tiếp tục mở rộng hoạt động tại Nhật vào giữa những năm 90. 

Bước đột phá trong sự nghiệp của Anna diễn ra khi các siêu mẫu như Linda Evangelista và Naomi Campbell, cũng như những người bạn lâu năm của bà là Meisel và Madonna, đã thuyết phục Anna thực hiện một show diễn thời trang. Naomi và Linda là ngôi sao của buổi trình diễn và bộ sưu tập của Anna cũng được khán giả khen ngợi hết lời. 

Naomi Campbell, Christy Turlington và Linda Evangelista trong thiết kế váy babydoll nằm trong bộ sưu tập Xuân Hè 1994 của Anna Sui.

Anna Sui nổi tiếng với việc tái định nghĩa thời trang văn hóa đại chúng bằng yếu tố rock-and-roll đặc trưng của thương hiệu trong những năm 1990. Các thiết kế của bà được lấy cảm hứng từ những nghiên cứu chi tiết về phong cách cổ điển, lịch sử và văn hóa arcana. Vì vậy, mỗi bộ sưu tập của bà đều ẩn chứa một câu chuyện của lịch sử và gắn liền với một thời đại nhất định. Bạn có thể hình dung Anna Sui như một nhà sử học tự học về văn hóa, nghệ thuật và thời trang. Bà hay kể về những người phụ nữ, từ các cô gái cao bồi đến các cô gái theo đuổi phong cách grunge hay những thiếu nữ Pre-Raphaelite,... Điển hình như bộ sưu tập mùa Xuân năm 2005, các thiết kế của Anna xoay quanh phong cách hippie của các cô gái Biba trong những năm 60. Bà đã vẽ nên một câu chuyện lãng mạn của miền Tây nước Mỹ vào cuối thế kỉ 19, kết hợp những nguồn cảm hứng từ cao bồi, thổ dân da đỏ, người định cư, binh lính và những cô cái rodeo. Bà đã đưa những yếu tố như tấm da cao bồi, lông vũ của người da đỏ, chiếc áo khoác quân sự của những người lính bị tàn tật trong cuộc Nội chiến của Mỹ, những chiếc váy phong cách prairie của những người phụ nữ tiên phong và nội y của những phụ nữ ở quán rượu lên sàn diễn để tôn vinh văn hóa phương Tây.

Một ví dụ khác là bộ sưu tập mùa Xuân năm 2011 cũng được Anna lấy cảm hứng từ bộ phim yêu thích của bà, “Days of Heaven”. Bộ sưu tập kể về những người phụ nữ tiên phong như Joni Mitchell và những quý cô của Laurel Canyon vào cuối những năm 60, kết hợp với tình yêu của bà với đồ thủ công. Vì vậy, bộ sưu tập có sự xuất hiện của những chiếc áo len đan móc với những mảnh ghép “granny squares” và kỹ thuật thêu chữ thập. 

Trả lời trong cuộc phỏng vấn với CR Fashion Book vào năm 2019 về phong cách nữ tính có phần nổi loạn của mình trong từng thiết kế, Anna Sui đã chia sẻ rằng,

“Mọi người bị thu hút bởi thời trang của tôi vì tất cả những yếu tố mà tôi cố gắng đưa vào nó. Luôn có một khía cạnh nữ tính, ngọt ngào và một chút hoài cổ. Ngoài ra, còn có khía cạnh của xu hướng, sự sành điệu mà tôi cố gắng tạo ra bằng cách thêm một chút chất rock-and-roll. Luôn có một sự mơ hồ trong ranh giới giữa good girl và bad girl. Tất cả những khía cạnh này phải nằm trong các thiết kế của tôi.” 

Theo: Vogue, PeoplePill, FamousFashionDesigners, CRFashionBook, AnnaSui, Fashionabc, BoF
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.