• Về đầu trang
Mèo một mẩu
Mèo một mẩu

Những điều cần biết về các loại sợi may mặc _ (Phần 5): Vải lụa tơ tằm _ tự nhiên nhưng không bền vững

Thời trang

Lụa là một trong những loại vải lâu đời và có giá trị nhất. Được dệt từ sợi tơ tằm, độ mềm mượt, bóng và bền đã khiến nó trở thành loại vải được tầng lớp vua chúa và quý tộc ưa chuộng, giống như nhung.

Tơ lụa được sử dụng từ thời Trung Quốc cổ đại, các bằng chứng sinh học phân tử đầu tiên của lụa có niên đại từ 8500 năm trước, vào thời kỳ đồ đá tại một địa điểm thuộc Hà Nam, Trung Quốc.

Các bước dệt tơ tằm

Mặc dù là sợi tự nhiên và có khả năng phân hủy sinh học nhưng quá trình làm ra một tấm vải lụa tơ tằm lại kém bền vững hơn hầu hết các loại vải tự nhiên khác.

Quá trình nuôi tằm đóng vai trò quyết định liệu sợi tơ tằm có đạt chất lượng tốt hay không. Mất từ 23 đến 25 ngày kể từ khi tằm nở đến lúc chúng sẵn sàng nhả tơ. Tằm ăn lá dâu tươi suốt ngày đêm, trải qua 4 lần lột xác. Sau khoảng 3 tuần, chúng phát triển đến kích thước tối đa và cơ thể lúc đó chứa đầy một loại protein dạng lỏng. Chất dịch protein trong suốt này được chúng tiết ra để kéo thành sợi tơ tạo kén. Các sợi tơ này sau đó được liên kết chặt chẽ với nhau nhờ chất keo có tên Sericin. Cả quá trình nhả tơ kéo dài từ 2 – 3 ngày.

Nếu để quá trình này tiếp tục diễn ra tự nhiên thì khi con tằm phát triển thành bướm đêm, nó sẽ phá kén bằng cách tiết ra một loại chất lỏng đốt các sợi tơ tạo thành một lỗ trên kén để chui ra ngoài. Việc này sẽ khiến các sợi tơ bị hư hỏng nên khi nuôi tằm lấy kén, người ta sẽ chỉ đợi đến khi kén tằm được dệt hoàn chỉnh, sau đó thả chúng vào nồi nước sôi để lớp keo Sericin tan bớt đồng thời giết tằm bên trong kén khiến chúng không thể đốt kén bay ra, từ đó thu được sợi tơ nguyên vẹn.

Thông thường cần khoảng 2500 con tằm để tạo ra một pound (~0,5kg) tơ thô.

Tác động môi trường của ngành sản xuất tơ lụa

Lụa là loại vải tự nhiên, có thể phân hủy sinh học và bền. Tuy nhiên, để đánh giá về độ bền vững thì quá trình sản xuất vải lụa lại có tác động xấu đến môi trường hơn nhiều so với những loại vải sợi tự nhiên khác.

Đầu tiên, cả quá trình làm ra một tấm vải lụa, kể cả bước nuôi tằm, sử dụng rất nhiều năng lượng. Để đảm bảo tằm phát triển khỏe mạnh, khu vực nuôi luôn phải duy trì một mức nhiệt ổn định và việc thu hoạch kén cũng phải diễn ra trong điều kiện nhiệt độ nóng, nước nóng.

Thứ hai, cây dâu làm thức ăn cho tằm đòi hỏi phải được trồng ở khu vực đất màu mỡ, nguồn nước dồi dào, vì vậy rất dễ gây ra tình trạng căng thẳng nguồn nước ở những nơi khan hiếm nước ngọt. Một số công đoạn khác trong chu trình sản xuất tơ tằm cũng phải dùng đến một lượng nước khá lớn.

Thứ ba, các hóa chất sử dụng để làm sạch và nhuộm lụa tơ tằm có thể gây ô nhiễm nguồn nước và cản trở khả năng phân hủy sinh học của vải.

Ngành công nghiệp tơ lụa.

Mặc dù tơ tằm chỉ chiếm khoảng 2% trong tổng sản lượng sợi toàn cầu, nhưng giá trị của nó lại rất cao, gấp khoảng 20 lần so với cùng một khối lượng sợi cotton. Chính vì thế, chỉ tính năm 2021, 2% sợi tơ tằm đó đã mang lại giá trị gần 17 tỷ USD.

Tại Trung Quốc, quốc gia sản xuất tơ lụa lớn nhất thế giới, có khoảng hơn 1 triệu lao động làm trong lĩnh vực này. Còn tại Ấn Độ, nơi có sản lượng tơ lụa nhiều thứ hai nhưng lại có đến 7,9 triệu lao động phục vụ, chủ yếu hoạt động theo các nhóm nhỏ hoặc hộ gia đình.

Cũng tại Ấn Độ, lao động trẻ em đã trở thành vấn đề đáng chú ý, khiến mức độ bền vững của loại vải cao cấp này giảm đi đáng kể. Vào năm 2003, theo ước tính của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền có đến 350,000 lao động trong ngành công nghiệp tơ lụa ở Ấn Độ là trẻ em, rất nhiều trong số đó bị ngược đãi cả về thể chất và tinh thần.

Ngoài ra, các hóa chất sử dụng trong quá trình sản xuất tơ lụa cũng gây ra những rủi ro xấu đến sức khỏe của công nhân. Theo một nghiên cứu đã được công bố vào năm 2016 trên tạp chí Journal of International Academic Research for Multidisciplinary:

“Mặc dù lụa có nguồn gốc tự nhiên nhưng hầu hết tất cả các công đoạn trong ngành công nghiệp tơ lụa đều tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe người lao động. Chẳng hạn như ảnh hưởng từ thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ sử dụng trên các ruộng trồng dâu, ngộ độc khí carbon monoxide hay chất khử trùng gây khó thở, thậm chí là thủ phạm dẫn đến ung thư.”

Một số loại tơ tự nhiên khác

  • Lụa hòa bình (Lụa Ahimsa)

Là loại lụa sử dụng sợi tơ lấy từ những kén tằm đã hoàn thành chu trình hóa bướm vì vậy nó có độ bóng và mượt kém hơn, quá trình rút tơ cũng đòi hỏi nhiều công đoạn và tỉ mỉ hơn. Tuy nhiên, bù lại loại lụa này lại không làm hại đến tằm. Tằm vẫn có thể hóa bướm và hoàn thành vòng đời tự nhiên của nó. Nhưng vì sống trong môi trường an toàn và được chăm sóc quá lâu nên tuổi thọ của chúng cũng bị rút ngắn.

Lụa Ahimsa
  • Lụa hoang dã (Lụa Tussar/Tussah)

Được làm từ kén bướm đêm hoang dã trong các khu rừng, loại lụa này có cấu trúc kém nhất quán do các loài bướm đêm tự nhiên ăn nhiều loại thực vật khác nhau, kết hợp với môi trường sống hoang dã không được chăm sóc nên tơ do chúng nhả ra có chất lượng không đồng đều. Người ta có thể thu hoạch kén sau khi bướm đã phá kén bay đi hoặc ngay từ khi còn sâu bên trong tùy vào nhu cầu sử dụng. Tuy nhiên màu vàng kim ấm áp lại là điểm cộng khiến loại tơ này được đánh giá cao.

  • Tơ nhện

Từ hàng trăm năm qua con người đã cố gắng dùng những mạng nhện đàn hồi để sản xuất vải lụa thay thế cho tơ tằm, tuy nhiên thành công còn rất hạn chế. Tác phẩm lụa tơ nhện lớn nhất được trưng bày tại bảo tàng Victoria & Albert, London vào năm 2012. Tác phẩm này là một chiếc áo choàng được dệt từ tơ của 1,2 triệu con nhện Golden Orb, phải mất bảy năm để lấy đủ số tơ và hoàn thành được chiếc áo do loài nhện này chỉ nhả tơ vào mùa mưa và có xu hướng ăn thịt đồng loại khi ở gần nhau.

Áo choàng tơ nhện

Trước đó cũng nhóm tác giả này đã mất 5 năm để thành công dệt lên một tấm khăn choàng lụa tơ nhện Golden Ord và trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Mỹ, New York vào năm 2009.

  • Lụa thuần chay.

Giống như da thuần chay, có rất nhiều loại tơ thuần chay từ thực vật đã được sử dụng để thay thế cho tơ tằm. Ví dụ như tơ sen được lấy từ cuống của hoa sen hay như loại vải piña truyền thống của Philippine được làm từ lá dứa. Tuy nhiên những loại tơ này thường không có độ bóng và mượt. Hơn nữa để làm ra một đoạn vải lụa thuần chay cần một lượng rất lớn tơ thực vật nên giá cả của chúng cũng không hề rẻ.  

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.