• Về đầu trang
Mèo một mẩu
Mèo một mẩu

Những điều cần biết về các loại sợi may mặc _ (Phần 6): Loại vải bán tổng hợp và "bán bền vững" Viscose

Thời trang

Lụa tơ tằm tự nhiên chất lượng cao thực sự quá đắt đỏ và không được ứng dụng rộng rãi do rất ít người có đủ khả năng chi trả. Mặc dù vậy, tính chất bóng mượt và mềm mại của nó khiến không ít người say mê. Vì thế con người bắt đầu phát minh ra tơ lụa nhân tạo giá rẻ nhằm phục vụ cho nhu cầu sử dụng của đại bộ phận người tiêu dùng.

Loại lụa nhân tạo đầu tiên có tên Chardonnett do Hilaire de Chardonnet phát minh với thành phần chính là cellulose. Loại lụa này tuy thuần chay, đáp ứng đủ độ bóng mượt và mềm mại nhưng lại có duy nhất một nhược điểm là dễ cháy. Sau sự cố “chiếc váy của một cô gái trẻ thời thượng vô tình chạm vào điếu xì gà của người tháp tùng, chiếc váy đã biến mất chỉ sau một làn khói ngay trên sàn khiêu vũ”, lụa Chardonnett đã nhanh chóng bị “tẩy chay” khỏi thị trường.

Váy dạ hội từ lụa nhân tạo Chardonnett

Sau đó vào năm 1892, Charles Cross và Edward Bevan đã phát hiện ra rằng xử lý cellulose với xút ăn da và carbon disulfide sẽ tạo ra một hỗn hợp chất lỏng sệt như mật ong, gọi là viscose (‘sền sệt’ trong tiếng anh là ‘viscous’). Hỗn hợp này sau khi được gia công sẽ trở thành một loại vật liệu chống cháy tốt, nhưng bởi vì có độ cứng nên việc kéo sợi còn gặp nhiều khó khăn.

Đến năm 1899, Charles Topham đã mua bản quyền sản xuất sợi từ viscose. Mặc dù ban đầu cũng phải loay hoay để tìm cách kéo sợi, tuy nhiên rất nhanh sau đó, lấy cảm hứng từ bánh xe đạp quay, ông đã phát minh ra “hộp Topham” với tốc độ quay 3000 vòng/phút, nhờ vậy mà có thể tạo ra sợi viscose hoàn hảo. Chỉ trong vài tháng ông đã kiếm được 12,000 bảng Anh từ loại sợi này và phổ biến nó ra toàn thế giới.

Cách tạo ra sợi viscose

Cellulose để sản xuất ra tơ viscose có thể được lấy từ nhiều nguồn khác nhau như gỗ, tre hoặc rong biển. Ban đầu, cellulose sẽ được phân hủy trong xút (dung dịch kiềm/ Natri hydroxit), và xử lý qua carbon disulfide pha loãng cùng xút ăn da để tạo thành hỗn hợp nhớt. Hỗn hợp này sau đó sẽ được bơm vào bể chứa axit H2SO4 loãng, Na2SO4 và ZnSO4 thông qua vòi bơm có nhiều lỗ nhỏ như vòi hoa sen để đông thành sợi.

Thuộc tính của sợi tơ Viscose

So với sợi tổng hợp từ polyester, viscose có tính hút nước và thoáng khí tốt hơn vì vậy sẽ mang lại cảm giác dễ chịu hơn cho người mặc, đặc biệt là trong thời tiết nóng bức mùa hè.

Cụ thể tơ viscose có những ưu và nhược điểm sau:

  • Ưu điểm: Thoáng khí, lên phom đẹp, hấp thụ nhiệt và ánh sáng mặt trời tốt, bền và rẻ.
  • Nhược điểm: Dễ bị co và tạo nếp nhăn, dễ hư hỏng khi phơi trực tiếp dưới nắng, khó bảo quản do đa phần sản phẩm từ chất liệu này đều cần giặt khô.

Tác động môi trường

Viscose không giống như sợi tổng hợp từ polyester, nó hoàn toàn không góp phần gây ra ô nhiễm rác thải nhựa và chỉ mất 6 tuần để có thể phân hủy sinh học. Tuy nhiên nhược điểm lớn nhất của viscose đến từ carbon disulfide – hợp chất hóa học độc hại dùng trong quá trình xử lý cellulose. Khi tiếp xúc với một lượng nhỏ chất này có thể gây cảm giác khó chịu và đau đầu. Nguy hiểm hơn là ngộ độc, rối loạn giấc ngủ, ác mộng, bệnh lý thần kinh ngoại biên, Parkinson hoặc bệnh võng mạc đối với công nhân tiếp xúc lâu ngày.

Một mối quan tâm khác đến từ nguồn gốc của cellulose để làm ra sợi viscose. Theo ước tính có khoảng 200 triệu cây bị chặt hàng năm để phục vụ cho nhu cầu sản xuất tơ viscose, trong số đó có một lượng lớn gỗ đến từ các rừng cây cổ thụ và cả những loại cây quý hiếm.

Ngoài ra, mặc dù sợi tre được biết đến là loại sợi “xanh”, thân thiện với môi trường do tre là loài cây dễ trồng và có tộc độ phát triển rất nhanh, nhưng đến năm 2010, Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ đã ra quy định cấm loại sợi này với lý do:

“Các loại vải dệt mềm mang nhãn mác ‘sợi tre’ thực chất không còn chứa bất kỳ bộ phận nào từ cây tre. Quá trình xử lý tre thành sợi tơ sử dụng rất nhiều hóa chất độc hại vì thế tính chất của tre ở sản phẩm cuối cùng đã hoàn toàn biến mất.”

Giải pháp bền vững cho Viscose

Các thương hiệu thời trang hiện nay đang được yêu cầu cam kết sử dụng nguồn cellulose “thân thiện” với hệ sinh thái, chẳng hạn như phụ phẩm nông nghiệp (rơm, …), phụ phẩm của ngành trồng bông, bông tái chế, …, để đảm bảo không gây ảnh hưởng đến những tài nguyên thiên nhiên có giá trị và không thể thay thế.

Vào năm 1972, một công ty ở Mỹ đã tìm ra phương pháp xử lý cellulose mà không cần dùng đến carbon disulfide độc hại, quá trình này có tên Lyocell. Tuy nhiên công ty này đã phá sản trước khi có thể giới thiệu công nghệ mới ra thị trường. Phải đến những năm 1980, phương pháp này mới được giới thiệu lại và sản phẩm cuối cùng nó tạo ra có tên Tencel. Mặc dù có tính chất khá giống với Viscose và đều có nguồn gốc từ cellulose, nhưng nhờ vào quá trình sản xuất mà Tencel được đánh giá bền vững hơn Viscose gấp nhiều lần. Cụ thể về loại sợi này sẽ được giới thiệu vào bài biết sau trong series “Những điều cần biết về các loại sợi may mặc”.

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.