• Về đầu trang
CIBOONG
CIBOONG

Tại sao không thể thôi khóc? (P.1)

Sức khoẻ

Hãy thử nhớ lại xem lần cuối bạn khóc là khi nào. Đó là khi đọc một câu chuyện buồn hay lúc xem một bộ phim cảm động? Một số người chỉ khóc khi phải vĩnh viễn chia tay với người mà họ yêu quý. Nhưng đối với một số người khác, bất cứ điều gì khơi dậy cảm xúc cũng có thể khiến họ rơi nước mắt.

Nếu bạn đã từng rơi nước mắt ở nơi đông người hoặc khóc nức nở khi xem phim, hẳn bạn đã tự hỏi liệu điều đó có bình thường không. Có ai định mức được thế nào là khóc quá thường xuyên hay quá nhiều?

Bạn có khóc nhiều quá không?

Không có một định lượng cụ thể nào để xác định khóc bao nhiêu sẽ bị coi là quá nhiều. Một nghiên cứu vào những năm 1980 cho thấy phụ nữ khóc trung bình 5,3 lần/tháng và đàn ông khóc trung bình 1,3 lần/tháng. Một nghiên cứu khác gần đây hơn chỉ ra thời lượng trung bình của một lần khóc là 8 phút.

Nếu bạn thấy rằng bạn đang khóc quá nhiều, hoặc bạn dường như không thể ngừng khóc, hoặc bắt đầu khóc nhiều hơn bình thường, hãy nói chuyện với bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý. Đó có thể là dấu hiệu của bệnh trầm cảm hoặc một chứng rối loạn khí sắc khác.

Nguyên nhân khiến người ta khóc nhiều hơn bình thường

Bên cạnh những phản ứng cảm xúc tức thì, có nhiều lý do dẫn tới việc bạn có thể khóc nhiều hơn bình thường một chút. Khóc thường có liên quan đến trầm cảm và lo âu. Người ta thường trải qua cả hai trạng thái này cùng một lúc. Một số trạng thái thần kinh nhất định cũng có thể khiến bạn khóc hoặc cười không kiểm soát.

Trầm cảm

Trầm cảm là một chứng rối loạn khí sắc (mood disorder). Khi rơi vào trạng thái trầm cảm, bạn có cảm giác buồn dai dẳng kéo dài hơn một vài tuần. Những hoạt động bạn từng thấy thú vị có thể không còn khiến bạn hứng thú nữa. Các triệu chứng của bệnh trầm cảm có thể bao gồm:

  • Cảm thấy buồn bã và u ám
  • Cảm giác vô vọng hoặc vô giá trị
  • Mức năng lượng thấp
  • Khó tập trung

Tuy nhiên, khóc chỉ có thể liên quan đến chứng trầm cảm nếu như bạn:

  • Khóc vì những điều nhỏ nhặt hoặc khó xác định được tại sao lại khóc
  • Khóc nhiều hơn bình thường
  • Khó ngăn được nước mắt

Thường thì việc khóc chỉ xảy ra ở giai đoạn trầm cảm nhẹ. Những người bị trầm cảm nặng thường không dễ khóc cũng như khó bày tỏ được những cảm xúc khác.

Lo âu

Tất cả chúng ta đều có những lúc căng thẳng và lo âu. Tuy nhiên, với chứng rối loạn lo âu, bạn sẽ thường xuyên cảm thấy lo lắng và hồi hộp, thậm chí trạng thái này có thể xảy ra hàng ngày. Các triệu chứng thường bao gồm:

  • Bực bội hoặc cáu kỉnh
  • Lo lắng quá mức
  • Căng cơ
  • Mệt mỏi, uể oải
  • Khó tập trung
  • Khó ngủ

Chứng nhiễu loạn cảm xúc (PBA)

Chứng nhiễu loạn cảm xúc (pseudobulbar affect) là khi một người đột ngột không thể kiểm soát được trạng thái khóc, cười hoặc cảm thấy tức giận. PBA là một trạng thái thần kinh không tự chủ, có liên quan đến chấn thương hoặc rối loạn ở các bộ phận kiểm soát cảm xúc của não bộ.

Những cảm xúc bị mất kiểm soát liên quan đến PBA thường không phù hợp với cảm xúc thật của bệnh nhân. Vì các triệu chứng tương tự nhau nên PBA có thể bị chẩn đoán nhầm là trầm cảm. PBA thường xảy ra ở những người mắc:

  • Tiền sử đột quỵ
  • Bệnh Parkinson
  • Bệnh Alzheimer
  • Sa sút trí tuệ
  • Bệnh xơ cứng teo cơ một bên (ALS), còn được gọi là bệnh Lou Gehrig
  • Đa xơ cứng (MS)

Giới tính và tính cách

Các nghiên cứu chỉ ra rằng trung bình phụ nữ khóc nhiều hơn nam giới. Một lý do có thể lý giải cho điều này là hormone testosterone có khả năng ức chế việc khóc. Bên cạnh đó, các chuẩn mực văn hóa cũng tác động đến những khác biệt trong việc rơi nước mắt ở nam giới và nữ giới.

Bên cạnh sự khác biệt về giới tính thì tính cách của mỗi người cũng quyết định mức độ khóc nhiều hay ít. Người hay đồng cảm và để ý đến tâm trạng của người khác dễ khóc hơn. Người hay lo lắng, bất an hoặc bị ám ảnh cũng khóc nhiều và khóc lâu hơn những người khác. Do đó, không có gì lạ khi những người nhạy cảm (HSP) thường mau nước mắt hơn phần lớn mọi người.

Nước mắt đến từ đâu?

Các tuyến lệ (lacrimal gland) nằm ở phía trên mắt là nơi tiết ra phần lớn nước mắt. Mỗi khi chớp mắt, nước mắt chảy ra từ các ống dẫn được gắn với tuyến lệ. Nhờ đó mà mắt của chúng ta luôn được “cấp ẩm” và được bảo vệ khỏi bụi bẩn, khói,... Nước mắt sau đó cũng chảy xuống mũi nữa.

Thành phần của nước mắt cảm xúc cũng khác với nước mắt để làm ẩm và bảo vệ mắt. Nước mắt cảm xúc chứa nhiều hormone gốc protein mà cơ thể chúng ta sản xuất ra khi bị căng thẳng.

Hiện tại những nghiên cứu khoa học và tâm lý về việc khóc vẫn còn khá hạn chế. Một số nhà nghiên cứu tin rằng khóc là cách để cơ thể chúng ta loại bỏ các hormone liên quan đến căng thẳng. Các nghiên cứu khác lại cho thấy rơi nước mắt có thể kích hoạt giải phóng endorphin (hormone tạo cảm giác dễ chịu và giúp giảm đau).

Kết

Bên cạnh những phản ứng cảm xúc tức thì, có nhiều nguyên nhân khiến một người khóc nhiều hơn bình thường: trầm cảm mức nhẹ, lo âu, chứng nhiễu loạn cảm xúc, giới tính và tính cách. Nếu bạn cảm thấy mình bắt đầu khóc thường xuyên hơn bình thường, hoặc khóc quá nhiều, hoặc không thể làm chủ cảm xúc, hãy bình tĩnh quan sát các dấu hiệu và nếu cần thiết hãy tìm đến các bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý.

Ở phần tiếp theo, Lost Bird sẽ bật mí một số cách giúp chúng ta kiểm soát nước mắt nhé!

Theo: Healthline
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.