• Về đầu trang
CIBOONG
CIBOONG

Tìm ra lý do tại sao cơ thể dễ bị bầm tím

Sức khoẻ

Vết bầm tím xảy ra khi máu bị tụ dưới da, thường là do lực tác động do té ngã, va đập hoặc bất cứ thứ gì tạo áp lực lớn đột ngột lên da dều có thể làm tổn thương các mạch máu nhỏ và gây ra vết bầm. Thông thường, các vết bầm tím nhỏ thường sẽ tự lành trong vòng vài ngày.

Tuy lý thuyết là vậy nhưng thực tế lại có nhiều người dễ bị bầm tím hơn binh thường. Nếu bạn có một trong các dấu hiệu dưới đây thì bài viết này chính là dành cho bạn.

  • Xuất hiện những vết bầm không rõ nguyên nhân
  • Vết bầm to và đau dù chỉ va chạm nhẹ
  • Các vết bầm phải mất hàng tuần để lành lại
  • Mất hơn 10 phút để cầm máu vết thương

Thực ra không phải cứ dễ bị bầm nghĩa là mắc bệnh nên bạn cũng đừng vội lo lắng. Có nhiều nguyên nhân khác nhau để lý giải cho việc tại sao cơ thể dễ bị bầm tím. Hãy tìm hiểu cùng Lost Bird nhé!

Tuổi già

Khi già đi, chúng ta có xu hướng dễ bị bầm tím hơn vì các mạch máu yếu đi và da thì mỏng dần.

Di truyền

Dễ bị bầm tím cũng có thể do di truyền. Do đó, những người có người thân dễ bị bầm tím thì khả năng cao là họ cũng sẽ như vậy.

Thuốc men

Một số loại thuốc gây loãng máu có thể khiến người dùng dễ bị chảy máu và bầm tím hơn. Một số thuốc phổ biến gây loãng máu bao gồm: warfarin, heparin, rivaroxaban, dabigatran, apixaban và aspirin.

Bên cạnh đó, một số loại thuốc khác có thể làm suy yếu hoặc thay đổi hoạt động của mạch máu, làm trầm trọng thêm tình trạng viêm hoặc làm tăng nguy cơ chảy máu:

  • Các phương pháp chữa bệnh bằng thảo dược như ginkgo biloba, nhân sâm, cỏ thơm, một lượng lớn tỏi, gừng, cây cọ lùn và vỏ cây liễu
  • Corticosteroid và glucocorticoid, ví dụ như prednisone (Rayos)
  • Một số thuốc chống trầm cảm như citalopram (Celexa) và fluoxetine (Prozac)

Nếu bạn đang dùng các loại thuốc kể trên và nhận thấy cơ thể dễ bị chảy máu hoặc bầm tím thì nên hỏi bác sĩ để được tư vấn chính xác về những rủi ro và lợi ích để cân nhắc việc tiếp tục điều trị.

Lạm dụng thức uống có cồn và bệnh gan

Lạm dụng rượu là nguyên nhân chính gây ra các bệnh về gan, chẳng hạn như xơ gan. Xơ gan và các bệnh gan khác làm suy giảm dần chức năng gan. Khi bệnh gan tiến triển, gan sẽ ngừng sản xuất các protein giúp đông máu. Kết quả là người bệnh có thể bị chảy máu quá nhiều và dễ bị bầm tím.

Các bệnh về máu

Nhiều bệnh di truyền có thể khiến máu khó đông hoặc hoàn toàn không đông. Von Willebrand – căn bệnh rối loạn cầm máu phổ biến nhất – ảnh hưởng đến khoảng 1% dân số. Những người mắc bệnh này không có protein von Willebrand hoặc có nhưng bị lỗi khiến quá trình đông máu của cơ thể gặp vấn đề.

Hemophilia – một căn chảy máu di truyền khác gây ra thiếu hoặc khiếm khuyết yếu tố VIII (hemophilla A) hoặc yếu tố IX (hemophilla  B).

Khi chứng dễ bị bầm tím do rối loạn chảy máu di truyền gây ra, người bệnh có khả năng bị chảy máu quá nhiều hoặc thậm chí bị xuất huyết đe dọa đến tính mạng. Các triệu chứng không xuất hiện đột ngột mà thường xuất hiện ngay từ khi sinh ra. Vì vậy rối loạn chảy máu di truyền thường dễ thấy ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Thiếu hụt vitamin

Một số loại vitamin giúp cơ thể chữa lành và đông máu. Sự thiếu hụt vitamin C có thể gây ra bệnh Scurvy (hay còn gọi là Scorbut). Scorbut gây chảy máu nướu răng, vết thương không lành và dễ bị bầm tím.

Vitamin K giúp cơ thể hình thành cục máu đông để cầm máu. Trẻ sơ sinh thường có lượng vitamin K rất thấp không đủ để cầm máu. Nếu không được tiêm vitamin K khi mới sinh, trẻ có thể dễ bị bầm tím hoặc xuất huyết. Người lớn thiếu vitamin K cũng có thể dễ dàng nhận ra khi thấy các vết bầm tím tăng đột ngột.

Nếu nguyên nhân dễ bầm tím đến từ việc thiếu hụt vitamin thì khá dễ để chúng ta điều chỉnh và bổ sung cách hợp lý. Tuy nhiên, nếu đã bổ sung vitamin nhưng cơ thể vẫn không phục hồi thì có thể là do một nguyên nhân khác như rối loạn chuyển hóa hoặc tiêu hóa khiến cơ thể khó hấp thụ chất dinh dưỡng.

Viêm mạch máu

Viêm mạch là một nhóm các tình trạng gây ra các mạch máu bị viêm. Ngoài việc hay bị chảy máu và bầm tím, người bị viêm mạch có thể cảm thấy khó thở, tê ở tay chân và xuất hiện các vết loét, cục da hoặc các đốm tím trên da.

Ban xuất huyết ở tuổi già

Ban xuất huyết tuổi già thường ảnh hưởng đến những người lớn tuổi, gây ra các tổn thương giống như vết bầm tím đỏ tía trên da và rất có khả năng sẽ ảnh hưởng đến cánh tay và bàn tay.

Bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Những người bị ban xuất huyết do tuổi già cần cẩn trọng và cố gắng bảo vệ da khỏi bị thương.

Ung thư

Tuy hiếm gặp nhưng nếu cơ thể đột ngột chảy nhiều máu và thường xuyên bị bầm tím thì không thể loại trừ khả năng đó là dấu hiệu của ung thư. Các bệnh ung thư ảnh hưởng đến máu và tủy xương như bệnh bạch cầu có thể gây bầm tím hoặc chảy máu nướu răng.

Nhiều bệnh ung thư có thể được điều trị cao, đặc biệt là khi được chẩn đoán sớm. Do đó, đừng trì hoãn việc thăm khám bởi hóa trị, thuốc và phẫu thuật tuy đáng sợ thật đó nhưng có thể cứu sống bệnh nhân.

Kết

Cận cảnh một người bị thương khớp gối. Vết bầm xuất hiện trên đầu gối, đau chân.

Trong hầu hết các trường hợp, dễ bị bầm tím chỉ là một bất tiện nhỏ do yếu tố di truyền hoặc tình trạng bệnh lý nhỏ. Tuy nhiên, vết bầm tím cũng có thể là một dấu hiệu cảnh báo sớm rằng các cơ quan trong cơ thể hoặc mạch máu có vấn đề gì đó. Chính vì thế, đừng bỏ lơ những thay đổi dù là nhỏ nhất để chăm sóc cơ thể thật tốt bạn nhé!

Theo: Medical News Today
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.