• Về đầu trang
An Hy
An Hy

Các nhà khoa học dạy chuột chơi trốn tìm, phát hiện tụi nó thực ra rất khoái trò này

Dễ thương

Trốn tìm là một trong những trò chơi phổ biến nhất thế giới. Dù ở quốc gia nào, hay nền văn hóa cách biệt đến mấy, đây cũng là thú vui tuổi thơ mà ai cũng đều từng chơi qua ít nhất một lần trong đời. Bên cạnh những niềm vui mà trò chơi mang lại, các nhà nghiên cứu còn khám phá thêm nhiều lợi ích tiềm tàng khác mà trốn tìm đem lại cho cơ thể cũng như tinh thần của mọi người.

Mới đây, các nhà khoa học ở Berlin đã tận dụng trò chơi thú vị này để tìm hiểu hành vi của loài chuột.

Hello

Michael Brecht - nhà thần kinh học tại đại học Humboldt, tình cờ xem qua vài video trên YouTube về những người chủ đang chơi với các bé chuột nuôi của họ. Nhiều người trong số này nhận thấy các bé thực sự thích các hoạt động chơi đùa, bao gồm cả việc đi trốn tìm với chủ.

Một trong các video truyền cảm hứng cho Michael

Đã có một nghiên cứu trước đây tìm hiểu hành vi của loài chuột và cho ra kết luận chúng rất thích những hoạt động đùa giỡn, ồn ào, nhiều náo nhiệt. Nhưng hiện nay vẫn chưa có một lí luận hay bài nghiên cứu chính thức nào về lũ chuột đối với trốn tìm. Trong khi trò chơi này có sự khác biệt rõ rệt về độ phức tạp, cũng như quy tắc và vai trò của người chơi.

Chính vì lí do đó, Michael, cùng sự giúp đỡ của các đồng nghiệp, đã thiết lập một sân chơi rộng 30 mét vuông chứa đầy góc khuất và hộp rỗng. Những điểm này không chỉ làm chỗ nấp cho chuột mà còn cho Annika Stefanie Reinhold đi trốn. Cô vừa là nhân vật tham gia thí nghiệm, vừa là người hướng dẫn tụi gặm nhấm tí hon cách chơi.

5..10..15..20..

Tổng cộng sẽ có 7 nhân vật, bao gồm 1 người và 6 con chuột. Trò chơi bắt đầu khi một con được đặt trong hộp có nắp. Ngay khi Annika trốn xong, chiếc hộp được mở từ đằng xa và chú chuột nhảy ra ngoài đi tìm cô ấy. Khi tìm được, chúng sẽ được vuốt ve và chọc lét xem như là phần thưởng vì đã hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Sau đó, vai trò của người chơi thay đổi. Lần này chuột sẽ là kẻ trốn và Annika là người tìm. Cô sẽ đứng cúi mình bên cạnh chiếc hộp được mở nắp, để những chú chuột nhảy ra và nấp đi.

Video quay lại thí nghiệm

Chỉ trong vòng 2 tuần thí nghiệm, 5 trên 6 chú chuột đã biết cách chơi trốn tìm ở cả 2 vai trò: đi tìm và đi trốn. Chúng cũng biết cách tuân thủ quy luật 1 con đi tìm, còn những con còn lại đi trốn và đổi lần lượt các vai cho nhau khi hoàn thành lượt chơi.

Hầu hết những trò chơi mà loài này ưa thích thường thô bạo, lộn xộn, không hề bao gồm những trò chứa các yếu tố như: phân vai, luật lệ, quy tắc hay chiến lược. Trong khi ngược lại, trốn tìm lại chứa đầy đủ những yếu tố trên. Điều đó ám chỉ các hành vi của loài động vật có vú này không đơn thuần như chúng ta vẫn nghĩ, chúng có tập tính và độ phức tạp riêng. Các bài kiểm tra thần kinh còn cho thấy chuột có những vùng đặc biệt trong não để chứa thông tin đặc biệt như học thuộc và ghi nhớ.

Có những bài nghiên cứu cũ cũng chỉ ra độ phức tạp trong cấu tạo não của chúng. Một nghiên cứu thậm chí còn cho thấy chuột có khả năng bộc lộ, bày tỏ sự cảm thông đối với đồng loại. Điển hình như, một con chuột thấy bạn mình bị bao vây và lao đến giải thoát cho bạn. Hoặc, một trường hợp khác tương tự, con chuột thường ngày hà tiện biết chia sẻ socola của nó với một đồng loại khác đang đói.

Khi được hỏi, liệu lũ chuột có đang chơi trốn tìm thực sự vì vui thích, hay chỉ đơn thuần là do chúng muốn được vuốt ve và chọc lét, Michael giải thích: bọn chúng đã nhảy phẫng lên một cách vui sướng – một điều nhiều động vật có vú làm khi cảm thấy hạnh phúc. Chúng còn biết chạy đến những điểm trốn khác sau khi bị phát hiện mà không hề nhận được màn thưởng nào xuyên suốt trò chơi khi đó.

Đơn giản là do mình thích thì mình chơi thôi!
Theo: Boredpanda
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.