• Về đầu trang
Vàng Anh
Vàng Anh

9 góc tối trong ngành công nghiệp game: Trả lương dựa theo điểm phê bình, game thủ lạm dụng thuốc kích thích

Game

Trò chơi điện tử - nhất là e-Sports, đang ngày càng phổ biến. Chúng không còn là những trò chơi vô bổ chỉ để giải trí mà đã trở thành ngành công nghiệp khổng lồ thu về hàng tỷ USD mỗi năm. Từ đây mà những mặt trái cũng dần xuất hiện, nhất là khi nhiều quốc gia chưa có một bộ luật cụ thể để quản lý game.

1. Nếu bạn rời khỏi dự án dang dở thì có khả năng sẽ chẳng được ghi công

Với bản chất phức tạp, việc phát hành một tựa game AAA (tiêu tốn nhiều tiền, thời gian và tài nguyên) thường đòi hỏi đến 600 nhân sự. Trong khi đó, con số này ở những game bom tấn dễ dàng vượt mốc 1000. Do đó mà đoạn credit trong trò chơi thường kéo rất dài. Song, các hãng lại dùng chính những dòng ghi công này để làm luật ngầm trừng phạt nhân viên.

Cụ thể, nếu rời khỏi một dự án còn dang dở thì tên bạn sẽ bị rớt xuống phần "cảm ơn đặc biệt" hay thậm chí bị loại khỏi tựa game. Không giống như điện ảnh, ngành công nghiệp game chưa có bất kì quy định pháp lý nào về việc này. Do đó mà Rockstar đã loại bỏ tên của hàng trăm người khỏi Red Dead Redemption 2 (2019). Họ còn tuyên bố đây là biện pháp để các nhân viên "làm việc đến cùng".

2. Diễn viên lồng tiếng không được hưởng lợi nhuận doanh thu

Trong vài năm trở lại đây, các diễn viên lồng tiếng đã thực hiện nhiều chiến dịch nhằm đòi hỏi môi trường làm việc tốt hơn, đặc biệt là thù lao dựa trên thành công của những tựa game mà họ góp giọng. Tiền bản quyền là một yếu tố được đánh giá cao của ngành công nghiệp điện ảnh và truyền hình nhưng game thì không như vậy.

Ví dụ điển hình là Michael Hollick - người lồng tiếng cho nhân vật chính Niko Bellic của Grand Theft Auto IV (2008) - chỉ được trả 100.000 USD để lồng tiếng cho nhân vật suốt 15 tháng. Trò chơi đã thu về 500 triệu USD chỉ trong tuần đầu tiên. Những trường hợp tương tự đã dẫn đến việc các diễn viên lồng tiếng chống lại gần một chục hãng game vào năm 2016.

Sau gần một năm, cả hai đi đến thỏa thuận cung cấp cho các diễn viên một khoản tiền thưởng sau mỗi phiên lồng tiếng. Tuy nhiên, đáng buồn thay, lợi nhuận doanh thu vẫn là số 0. Điều này có nghĩa là ngay cả khi họ đóng các nhân vật mang tính biểu tượng, cực kỳ nổi tiếng và được đưa ra tiếp thị liên tục thì vẫn không được hưởng bất cứ khoản thu nào.

3. Thuốc tăng lực xuất hiện mọi nơi trong thể thao điện tử

Các loại thuốc kích thích bị cấm trong thể thao truyền thống là quá hiển nhiên. Nhưng ở e-Sport, chúng lại xuất hiện ở khắp mọi nơi. Đặc biệt, các loại thuốc như Ritalin, Adderall và Vyvanse - có thể tăng cường sự tập trung, cải thiện thời gian phản ứng và ngăn ngừa mệt mỏi - được sử dụng rộng rãi trong nhiều giải đấu, dù một số nơi đã ban hành lệnh cấm.

Năm ngoái, The International của Dota 2 có giải thưởng vượt mốc 30 triệu USD. Nhiều chuyên gia nghi ngờ rằng một số game thủ có sử dụng những loại thuốc này để tăng khả năng giành chiến thắng món tiền khổng lồ trên. Các nghiên cứu cho thấy người trẻ rất dễ bị nghiện các loại nước, thuốc tăng lực dẫn đến các bệnh nghiêm trọng về sau.

4. Tiền thưởng của nhân viên có thể phụ thuộc vào điểm Metacritic

Giống với điện ảnh, điểm số của giới phê bình cũng đóng vai trò rất quan trọng với một tựa game. Với việc giá thành các trò chơi AAA khá cao, người chơi thường xem xét các đánh giá trước khi quyết định chi tiền. Điều này khiến nhiều hãng game khen thưởng dựa trên các mốc điểm nhất định.

Nổi tiếng nhất là Obsidian Entertainment đã bị mất 1 triệu USD vì Fallout: New Vegas (2009) thiếu mất 1 điểm để đạt mốc 85 trên Metacritic. Song, trường hợp này lại rất đáng lên án khi tựa game thu về 300 triệu chỉ sau vài tuần ra mắt. Nhiều hãng game ngày nay còn bắt các nhân viên phải kê khai điểm Metacritic của các dự án mình từng tham gia, trước khi giao cho họ công việc mới.

5. Tiền quảng cáo cao gấp vài lần kinh phí sản xuất

Bạn đã nghe việc các bom tấn như Justice League (2017) hay Avengers: Endgame (2019) chi bộn cho việc quảng bá? Nhưng ở thế giới game, tỉ lệ này còn cao hơn gấp nhiều lần. Ví dụ như kinh phí của Call of Duty: Modern Warfare 2 (2009) chỉ là 50 triệu USD. Tuy nhiên, Activision đã chi đến 200 triệu USD cho quảng cáo. Dĩ nhiên, con số này là xứng đáng khi game này mang về 1 tỷ USD sau vài tháng.

Không chỉ các bom tấn, những tựa game độc lập cũng tương tự như Heavy Rain (2010) có kinh phí quảng cáo gấp đôi sản xuất là 20 triệu USD. Tuy nhiên, điều này không áp dụng cho tất cả các tựa game.

6. Nhân viên có thể phải làm việc đến 100 tiếng mỗi tuần

Vấn đề lớn nhất của ngành công nghiệp game chính là sự bóc lột sức lao động khi các nhân viên được "khuyến khích" hoặc ra lệnh làm thêm một cách tàn nhẫn để trò chơi ra mắt kịp tiến độ. Vài năm gần đây, các scandal lớn từ Rockstar Games, BioWare, Treyarch và Epic Games cho thấy nhân viên phải làm đến 100 tiếng mỗi tuần trong tình trạng tồi tệ.

Nhiều người buộc phải ngủ lại văn phòng nhiều ngày liền và tệ hại hơn là không được trả công cho việc tăng ca. Những ảnh hưởng thể chất và tinh thần khi phải làm đến 16 tiếng/ngày khiến nhiều người rời khỏi ngành chỉ sau vài năm ngắn ngủi.

7. Nhiều tựa game lớn được thực hiện bởi các công ty "vô hình"

Tin hay không thì rất nhiều tựa game bom tấn bạn đang chơi được phát triển bởi những công ty "vô hình". Tức là các studio lớn không trực tiếp sản xuất mà bí mật cộng tác ngoài. Các hãng game nhỏ này đã tồn tại từ rất lâu và không hề được ghi danh để tránh gây ảnh hưởng danh tiếng của nhà sản xuất lớn. Song, điều này lại giúp họ có thể thực hiện cùng lúc cả hai dự án của các công ty đối thủ mà không làm mất lòng một ai.

8. Phần mềm bản quyền sẽ ảnh hưởng hiệu suất trò chơi

Vấn nạn game lậu cũng khiến các nhà phát hành đau đầu như phim lậu vậy. Vì thế mà nhiều hãng đã tìm mọi cách để cài vào các chương trình chống ăn cắp bản quyền. Song, phần mềm nổi tiếng nhất là Denuvo lại gây tác dụng phụ khiến hiệu năng game bị ảnh hưởng rõ rệt. Sonic Mania Plus (2018), Tekken 7 (2015), Rime (2017) và Doom Eternal (2020) bản quyền chậm hơn rõ rệt so với các phiên bản crack.

Dĩ nhiên, Denuvo đã giúp nhà sản xuất tiết kiệm kha khá trong vài tuần đầu khi game ra mắt. Song trò chơi trước sau gì cũng bị bẻ khóa và nó bỗng trở thành sự trừng phạt cho những ai đã mua bản quyền khi hiệu năng thua kém người "xài chùa".

9. Tội phạm công nghệ dùng game online để rửa tiền

Từ lâu nay, các nhóm hacker vẫn dùng các tựa game trực tuyến như Fortnite, Counter-Strike: Global Offensive, World of Warcraft hay Dota 2 để rửa tiền. Chúng thường mua các vật phẩm trong trò chơi bằng tiền từ các tải khoản tín dụng bị hack, sau đó bán lại cho người chơi với mức chiết khấu hấp dẫn.

Cuối cùng, Valve buộc phải ngừng việc giao dịch tiền tệ trong Counter-Strike: Global Offensive khi các nghiên cứu chỉ ra rằng hầu hết chúng đều phạm pháp. Tuy nhiên, hàng trăm tựa game khác của họ vẫn xảy ra tình trạng tương tự.

Theo: Whatculture

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.