• Về đầu trang
Lost Bird
Lost Bird

Mắt Biếc: Sau tất cả, Ngạn và Hà Lan thật sự sẽ hạnh phúc nếu đến với nhau?

Phim ảnh

Lưu ý: Bài viết có tiết lộ nội dung phim

Năm 2016, nước bạn Thái Lan của chúng ta cho ra mắt bộ phim tình cảm mang tên One Day (được công chiếu ở Việt Nam dưới tên 24h Yêu). Phim thành công rực rỡ không chỉ ở Thái Lan mà còn cả ở Việt Nam và một số nước lân cận, lấy đi nước mắt của bao nhiêu khán giả.

Bộ phim xoay quanh chuyện tình yêu có phần huyền hoặc của một chàng trai và "nữ thần" làm chung công ty. Trong khi chàng chỉ là một nhân viên IT mờ nhạt, ngoại hình bình thường, kém tài ăn nói thì nàng lại đúng chuẩn "hotgirl văn phòng", khiến chàng thầm thương trộm nhớ biết bao ngày. Dù vậy, biết rõ khoảng cách vời vợi giữa hai người nên chàng chưa bao giờ dám thổ lộ tình riêng với nàng, cho đến một ngày cả công ty của họ du lịch chung đến Nhật Bản.

Vô tình được nghe kể về truyền thuyết "chiếc chuông thần", chỉ cần gióng lên và thành tâm cầu nguyện thì ước mong của bạn sẽ thành hiện thực trong 24 giờ, chàng trai lập tức thử vận may. Không ngờ, điều ước của chàng linh ứng. Cô gái tạm quên mọi ký ức cũ trong 24 giờ, còn chàng được cơ hội giả làm bạn trai của cô.

Tuy nhiên sau 24 giờ bên nhau, tìm hiểu, gắn bó với tâm thế một cặp đôi, cuối cùng chàng trai vẫn quyết định nói hết sự thật và rời xa cô gái. Chàng tiết lộ một bí mật động trời: trước kia, chàng từng lấy hết can đảm thổ lộ tình cảm với cô nhưng chỉ đổi lại sự xa lánh, chán ghét. Hoá ra nếu không có sự tác động của phép màu, trong cuộc sống đời thường hầu như không thể có khả năng một cô gái xinh đẹp, toàn mỹ lại chấp nhận "hạ mình" đến bên anh chàng thấp kém hơn về mọi mặt, dù cho tấm chân tình của chàng dành cho nàng có lớn đến chừng nào.

Dễ thấy trường hợp của Ngạn và Hà Lan trong Mắt Biếc cũng sẽ có kết cục tương tự. Dù hai người có chung xuất phát điểm, sự chênh lệch không nhiều thì họ cũng khó có thể đến với nhau khi mà quan điểm sống quá trái ngược. Họ như đường thẳng song song, có thể ở sát nhưng mãi chẳng bao giờ giao nhau được.

Trong phim, Ngạn cũng từng một lần bày tỏ thẳng thắn ý định "về chung một nhà" với Hà Lan, và Hà Lan cũng chẳng ngây ngốc tới nỗi không thể nhận ra tình cảm đặc biệt của cậu bạn thân. Như vậy họ không đến với nhau không phải do Ngạn quá nhút nhát hay Lan quá lạnh lùng, mà có lẽ họ thiếu một chút "duyên phận".

Ngay cả khi ông trời se duyên đưa đẩy cho Lan bắt kịp chuyến tàu chở Ngạn, thì khán giả cũng đồng lòng nhất trí rằng: chưa chắc họ đã có được hạnh phúc vĩnh viễn. Rất có thể trong một ngày không xa sau lễ cưới, Hà Lan sẽ chán ngấy cuộc sống quẩn quanh nơi góc làng với ông chồng cục mịch, hiền lành; hay Ngạn sẽ cảm thấy áp lực không nhỏ vì phải chạy theo làm hài lòng người vợ vốn quen lối sống sang chảnh, bận rộn nơi thành thị. Sẽ khó mà tưởng tượng ra cảnh Hà Lan kiên nhẫn ngồi bên Ngạn trong rừng Sim, ngắm mãi một khung cảnh hàng chục năm không đổi thay khi mà cô đã quen với nhịp điệu gấp gáp, đổi thay từng ngày ở thành phố.

Ngược dòng thời gian lại thêm nhiều năm nữa, ta cũng bắt gặp một chàng Ngạn khác - thi sĩ Nguyễn Bính - từng "van em em hãy giữ nguyên quê mùa" sau khi "crush" của ông từ phố về quê. Khó có thể nói các cô gái này tham phú phụ bần, ưa sống hư vinh, xa hoa. Chỉ là, có một số người thích hợp với nhịp sống thành thị, nơi họ được tắm mình trong bầu không khí xô bồ, hỗn loạn nhưng luôn mới mẻ, phóng khoáng. Lại có những người khác hợp hơn với lối sống điền viên yên tĩnh chốn thôn dã, quẩn quanh trong một không gian hẹp với những gương mặt thân thiết, cũ kỹ. Nếu được cư ngụ đúng môi trường yêu thích, họ sẽ như cá gặp nước và ngược lại, họ sẽ sớm cảm thấy chán nản, khó thích nghi lâu dài.

Hà Lan không bám trụ thành phố vì ham hư vinh. Cô phải tự bươn chải một mình, cặm cụi may vá từng thước vải cho đến khi đủ khả năng trở thành bà chủ tiệm may. Cô gái nhỏ cũng từng bị khách mắng vì sản phẩm không ưng ý, cũng từng ăn vội miếng cơm nguội và luôn luôn đầu tắt mặt tối vì những đơn hàng tấp nập. Thế nhưng bất chấp tất cả khó khăn đó, kể cả việc phải xa con, Hà Lan vẫn không có ý định trở về quê. Nếu phải ghé lại làng Đo Đo trong những chuyến viếng thăm ngắn ngủi, cô cũng bày ra vẻ mặt mệt mỏi, chán nản trước vùng quê hàng chục năm không có gì đổi mới. Một người phụ nữ như vậy liệu có chịu yên phận làm "bà giáo thôn" suốt phần đời còn lại không, khi mà tình cảm cô dành cho Ngạn thậm chí còn không phải là tình yêu?

Còn Ngạn, anh cứ mải miết đuổi theo cái bóng của cô bé "mắt biếc" ngày nào chứ không phải là Hà Lan bây giờ. Anh chỉ cảm thấy nàng "mắt biếc" thật sự đúng như mình tưởng tượng khi cô ở làng Đo Đo, khi cô chạy trong rừng Sim. Ở một khía cạnh nào đó, có lẽ Ngạn cũng không hẳn yêu Hà Lan, anh yêu cái ảo tưởng toàn mỹ về vùng đất quê hương nơi không có nỗi sầu muộn, chỉ có niềm vui và sự yên bình. Vì vậy mà mặc dù yêu Lan lắm lắm, anh cũng không chọn ở lại thành phố sau khi tốt nghiệp mà ngay lập tức trở về làng Đo Đo, và tìm kiếm niềm vui mới bên "hình bóng" của Hà Lan trong bé Trà Long. Nếu bắt anh rời làng, Ngạn vẫn có thể sống được ở nơi khác nhưng anh sẽ không bao giờ có được cảm giác thoả mãn tròn vẹn như ở quê. Cuộc sống xa làng Đo Đo với Ngạn như cá xa nước, khó có thể thích nghi nổi chứ đừng nói đến hạnh phúc.

Ngạn yêu Hà Lan hay yêu bóng hình người con gái lý tưởng do anh tạo nên?

Bởi những lý do trên, khán giả cảm thấy có phần thất vọng khi đạo diễn mạnh tay "chế" thêm đoạn kết để Hà Lan đuổi theo Ngạn sau màn thuyết giảng có phần sến súa "ngôn tình" của con gái rượu. Ngay cả con gái ruột lẫn mẹ đẻ còn không khiến Hà Lan bỏ phố về quê được, thì chút tình thương ban ơn cho Ngạn có thể sao? Cứ giả sử cô đuổi kịp chuyến tàu chở Ngạn thì có lẽ cũng chỉ là vài ba câu tạ từ, giải thích, động viên... chứ không có màn tái hợp lâm ly nào để chúng ta hy vọng. Tuy nhiên nếu so sánh thì cái kết lửng lơ như trong nguyên tác của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh vẫn được coi là hợp logic tâm lý nhân vật hơn: Ngạn rời đi sau khi gửi bức thư chia tay cho Trà Long. Hà Lan sẽ không đuổi theo anh, vì anh là quá khứ cô đã bỏ lại nơi làng cũ. Hà Lan đã thoát ra khỏi nó, cô vẫn có cơ hội tìm kiếm hạnh phúc cho mình ở phố thị. Còn Ngạn sẽ đi xa, nơi anh tiếp tục chạy trốn khỏi ảo tưởng "mắt biếc" đã trói chặt mình suốt bao năm. Một khi thoát ra được khỏi quá khứ đó, Ngạn sẽ lại trở về Đo Đo mà thôi.

Có những chuyện tình chỉ đẹp khi nó còn dang dở - như nhà thơ Xuân Diệu từng cảm thán. Mắt Biếc đẹp và day dứt vì nó khắc hoạ một chuyện tình con nít như gió như sương, như hoa như mây, là miền ký ức vàng vọt xa xăm mà ai cũng có. Sự chấm dứt lửng lơ nhưng cũng là dứt khoát khiến người đọc tiếc nuối nhiều. Không ai phải tưởng tượng ra viễn cảnh họ sẽ ở bên nhau, quanh chuyện cơm áo gạo tiền lẫn khác biệt lối sống. Khi đó, tình sẽ không còn như mơ và đời sẽ không còn như thơ nữa. "Mắt biếc" sẽ thành mắt lườm, mắt liếc, biết đâu chừng.

  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.