• Về đầu trang
[+ +]
[+ +]

'Venom' (2018): Tệ hại nhưng vẫn hấp dẫn, kẻ khơi mào cuộc chiến giữa giới phê bình và khán giả

Phim ảnh

Venom có thể là một bộ phim dở tệ và cực kỳ lộn xộn về mặt nội dung; thế nhưng mặc cho những lời chê bai thậm tệ từ giới phê bình, khán giả vẫn cứ “ào ào” đổ ra rạp chỉ để ngắm siêu ác nhân của Spider-Man lên phim như thế nào.

venom suit

Doanh thu 125 triệu USD (tính trong tuần đầu tiên) của Venom tại các phòng vé trên toàn thế giới là một con số khiến cho nhiều bộ phim khác phải ganh tỵ. Thậm chí, Venom không chỉ thu hút một lượng lớn khán giả đến rạp một cách bất ngờ, mà còn tạo ra một làn sóng yêu thích bộ phim tới mức… điên đảo. Bằng chứng là, dù cho số điểm hiện tại của phim trên trang Rotten Tomatoes (do các nhà phê bình đánh giá) chỉ lèo tèo ở mức 33%, lượng phần trăm khán giả “phát cuồng” vì anh chàng ác nhân này lại “đạt đỉnh” với 88% - một con số cách biệt khổng lồ giữa những nhà phê bình điện ảnh và quan điểm của khán giả.

tumblr pgsb01v7by1rpg6yd 540

Từ trước đến nay, những bộ phim nhận phải ý kiến “phân cực” giữa critic và khán giả luôn là một đề tài nóng hổi và khó giải thích. Tuy nhiên trong trường hợp của Venom, đây lại là câu hỏi thực dễ dàng để trả lời. Dù thích hay không, chúng ta vẫn phải công nhận rằng nhân vật Eddie Brock/Venom (Tom Hardy) thực sự là “điểm sáng” của cả bộ phim. Cái bóng của nhân vật này không những đủ lớn để “che đi” phần nội dung/cốt truyện nhạt nhẽo, lối diễn xuất buồn ngủ và những câu thoại vụng về, mà Eddie Brock/Venom còn là một nhân vật được phát triển rõ ràng và mạch lạc - chứ không phải chỉ biết mỗi việc là “ném xe” và “cắn đứt đầu người khác”.

Khán giả có thể thấy rõ được “công sức” mà Tom Hardy dành cho Venom lớn như thế nào, cơ mà kết quả cuối cùng thì lại thật… đáng tiếc. Điều đáng ngạc nhiên nhất ở đây lại là, toàn bộ những điểm thu hút nhất của Venom lại nằm ở Tom Hardy. Điều này càng trở nên rõ ràng hơn khi chúng ta biết được rằng chính Tom Hardy đã phải tự ứng biến một số đoạn tương tác giữa Eddie với Venom - những phân đoạn được đánh giá cao bởi tính hài hước và xuất sắc nhất trong cả bộ phim.

Liệu bạn có sẵn sàng “điên đảo” trước sự hấp dẫn của Tom Hardy? Hay cảm thấy hứng thú trước sự xuất hiện của Venom trên màn ảnh rộng? Vậy thì Venom chính là bộ phim dành cho bạn! Với điều kiện bạn đã sẵn sàng bỏ qua những sai sót có trong Venom. Đây có phải là một bộ phim kinh dị về người ngoài hành tinh? Ký sinh trùng? Hài-kỳ quái-lãng mạn? Ai thèm quan tâm mớ hỗn độn đó khi bạn đã có Tom Hardy và Venom cơ chứ? Màn biểu diễn cực kỳ xuất sắc của Tom Hardy, cùng sự xuất hiện của Venom được cho là yếu tố giúp cho bộ phim tách biệt khỏi những bộ phim siêu anh hùng/phản anh hùng khác.

Nên nhớ rằng trước Venom, khán giả và giới phê bình cũng đã từng phải “đánh nhau bôm bốp” vì Suicide SquadBatman vs Superman: Dawn of Justice. Tuy nhiên, không giống như hai “đàn anh” đến từ vũ trụ DC, Venom lại hoàn toàn “ăn đậm” tại các phòng vé. Có lẽ, công chúng đã quá ngán ngẩm với những đạo lý “đao to búa lớn” và quá đỗi nghiêm túc trong Batman vs Superman hay vẻ hài hước nửa mùa của Suicide Squad. Venom hoàn toàn “dễ hiểu” với người xem, cung cấp đủ tính giải trí và phân ra được một danh giới rạch ròi giữa hai khái niệm: Xấu và Tốt (dù đây là một bộ phim phản anh hùng!)

venom in full form

Tuy nhiên, mọi sự so sánh đều khập khiễng. Lý do Venom “thành công” trong việc chinh phục người hâm mộ nằm ở chỗ: bộ phim có tất cả những yếu tố “vừa đủ” để không trở thành thảm họa. Venom được xây dựng trên nền của một bộ phim viễn tưởng và kinh dị hạng B - dễ tạo cảm giác thoải mái và không đòi hỏi người xem phải quá “xoắn não” để hiểu.

Dù vậy, không giống như những bộ phim hạng B “rẻ tiền”, Venom lại được thực hiện bởi một ê-kíp chuyên nghiệp và “có ý thức”. Bộ phim không quá sa đà vào yếu tố kinh dị, vừa đủ để tạo ra những xung đột, đấu tranh nội tâm của nhân vật Eddie khi buộc phải “cộng sinh” với Venom. Bộ phim là một ly “cocktail” kỳ lạ được pha trộn giữa những khoảnh khắc đầy xuất thần của Tom Hardy và phần nhạt nhẽo còn lại. Bên cạnh đó, việc tác phẩm được dán nhãn R cũng sẽ giúp ích rất nhiều - thu hút được đa dạng đối tượng khán giả khi đến rạp, cơ mà như thế vẫn chưa đủ với “một số người” thực sự muốn chứng kiến một cái gì khác nữa của Venom ngoại trừ… Tom Hardy.

venom chiec luoi doi

Điều quan trọng nhất chính là, Venom phải sở hữu cho mình một “thương hiệu” riêng. Người ta biết tới Venom vì Spider-man, và đó chính là thế mạnh của nhân vật này. Sự ủng hộ từ cộng đồng fan luôn là “thành trì” vững chãi để giữ nhiệt cho một thương hiệu. Một người hâm mộ trung thành và tận tâm sẽ làm tất cả để duy trì độ “nổi tiếng” của Venom: đồ lưu niệm, cosplay, truyện tranh,… - trở thành nền tảng quan trọng trong việc thiết lập danh tiếng, hay “cult” cho bộ phim.

Những đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ điều trên là ai? Các phòng vé! Mặc dù Venom mới chỉ công chiếu được vỏn vẹn 2 tuần, Chủ tịch phân phối quốc tế của Sony đã vỗ ngực khoe với tờ Deadline rằng: “Chúng tôi đã có những đứa trẻ mặc trang phục đen trắng cosplay Venom đến trường sau khi xem xong bộ phim. Chúng thích Venom!”

Chắc chắn, “viết hay viết đẹp” về Venom hiện giờ là điều quá dễ dàng, nhưng chỉ có thời gian mới biết được Venom có đủ “lực” để bám trụ và tồn tại lâu hơn trong những năm vàng của thể loại phim siêu anh hùng/phản anh hùng hay không.

Marvel có thể là một thương hiệu đáng tin cậy về mặt chất lượng, thế nhưng đây không phải là “lời bào chữa” cho những thất bại. Có rất nhiều bài đánh giá bốn và năm sao từ khán giả cho rằng: “không tin những lời chỉ trích” và “bộ phim không hề tệ đến thế!”. Có chúng ta sẽ phải đợi đến năm 2028 mới biết được liệu Venom - nếu có - sẽ để lại “di sản” gì trong kỷ nguyên vàng của các siêu anh hùng!

Theo: cbr.com
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.