• Về đầu trang
Vàng Anh
Vàng Anh

Yếu tố nữ quyền nửa vời của 'Mulan' đã phá nát nhân vật ra sao?

Phim ảnh

Mulan (Tựa Việt: Hoa Mộc Lan) nằm trong dự án làm lại các bộ phim hoạt hình kinh điển của Disney. Tuy nhiên, tác phẩm ăn không ít "gạch đá" ngay từ những ngày đầu khi chọn Lưu Diệc Phi vào vai chính. Nhưng đến khi ra mắt, phim đã chứng tỏ rằng "Thần tiên tỷ tỷ" không phải điểm yếu duy nhất, bên cạnh đó còn là yếu tố nữ quyền và thông điệp nửa vời cùng dàn nhân vật đáng quên.

Ý nghĩa thật sự đằng sau câu chuyện Hoa Mộc Lan

"Hoa Mộc Lan" vốn là câu truyện đề cao chữ "Trung" và "Hiếu".

Những bản truyện cổ nhất về Hoa Mộc Lan lấy bối cảnh thời Nam Bắc Triều ở Trung Quốc. Lúc này, biên cương nhà Bắc Ngụy thường xuyên bị bộ tộc Nhu Nhiên xâm lăng. Nhà vua bèn truyền lệnh bắt mỗi nhà phải có một nam giới đi lính. Vì cha già, nhà lại không có con trai, Hoa Mộc Lan đành phải nữ cải nam trang tòng quân. Đây là một câu chuyện đề cao Nho giáo với hai chữ "Trung" và "Hiếu" làm gốc.

Ở phiên bản hoạt hình năm 1998, Disney vẫn làm tốt mảng này. Tuy nhiên, hãng cũng đã thêm thắt một vài yếu tố nữ quyền mới như việc Hoa Mộc Lan không thích trở thành "vợ ở xó bếp" hay buộc phải lấy chồng theo mai mối như truyền thống. Cô cũng trở thành người lập công lớn trong việc đánh bại quân thù bất chấp thân phận nữ giới. Đây đều là những cải biên khá tốt và ý nghĩa.

Mulan bản người đóng làm sai lệch yếu tố nữ quyền ra sao?

Nữ quyền trong phiên bản hoạt hình đến từ sự nỗ lực không ngừng.

Trong bản hoạt hình 1998, Hoa Mộc Lan đi tòng quân vì chữ "Hiếu" là trước tiên. Cô không thích làm vợ người ta nhưng cũng chẳng rõ bản thân muốn gì qua lời bài hát Reflection. Với thể lực của nữ giới, Mộc Lan thua kém toàn bộ các đồng đội nam và suýt nữa thì bị đuổi về. Tuy nhiên, cô đã tập luyện chăm chỉ gấp nhiều lần họ để vượt lên dẫn đầu.

Ngoài ra, yếu tố nữ quyền còn thể hiện ở việc Mộc Lan dùng sự khéo léo và trí tuệ để lấy được mũi tên trên đỉnh cột. Điều này chứng tỏ rằng một người phụ nữ vẫn có thể vượt trội hơn đàn ông nhưng không phải bằng cách cố gắng dùng sở đoản của mình để đấu với sở trường của họ. Thay vào đó, nữ giới có thể tận dụng những thế mạnh riêng mà nam giới không có.

Mộc Lan dùng món vũ khí "nữ giới" để đánh bại kẻ thù.

Điều này thể hiện ở cuối phim khi Mộc Lan dùng quạt - một món đồ mềm mại luôn gắn liền với nữ nhân - để đánh thắng thanh kiếm nặng của kẻ thù. Đây cũng được cho là một quan điểm rất hay trong võ thuật Trung Quốc là "dĩ nhu khắc cương". Nếu xem Shadow (2019) của Trương Nghệ Mưu, bạn sẽ thấy rằng môn võ công mang tính uyển chuyển và âm nhu sẽ thắng được thương pháp chí dương chí cương.

Phiên bản Mulan 2020 có nhiều sự thay đổi biến phim thành một thảm họa. Đầu tiên, bộ phim cho Mộc Lan sở hữu "Khí" - một loại sức mạnh không khác gì Thần Lực trong loạt phim Star Wars. Cô gần như bá đạo hơn hẳn các đồng đội cùng trang lứa và chỉ cố tình tỏ ra thua kém họ để che giấu sức mạnh này. Điều này khiến toàn bộ quyết tâm tập luyện của Mộc Lan trong bản gốc biến mất hoàn toàn.

Phiên bản người đóng biến Mộc Lan thành "kẻ được chọn" một cách phi lý.

Không những thế, phim còn tạo ra cảnh cô tự nhận mình là nữ giới một cách khó hiểu. Hãy nhớ rằng, Mộc Lan chưa từng ham mê danh vọng hay cố chứng tỏ mình là con gái ra trận phiến diện như thế. Bằng chứng là cô chỉ muốn về nhà thay vì ở lại làm quan theo lệnh Hoàng đế. Hơn hết, việc tiết lộ thân phận nữ nhi sẽ khiến cô mắc tội khi quân và cả nhà sẽ bị chu di. Hóa ra chỉ vì khẳng định nữ quyền phi lý mà Mộc Lan chấp nhận đánh đổi tính mạng cả gia đình?

Yếu tố nữ quyền của nhân vật Tiên Nương (Củng Lợi) thì quá sáo rỗng khi cũng sở hữu "Khí" với khả năng biến hình. Nhân vật này cứ vài phút lại nhắc khán giả rằng ả là nữ giới và muốn chứng tỏ bản thân. Ấy vậy mà Tiên Nương cuối cùng lại mang đến một cái kết gượng gạo và khó có thể phi lý hơn.

Nhân vật của Củng Lợi liên tục đòi nữ quyền sáo rỗng.

Dàn nhân vật cả chính lẫn phụ nhạt nhẽo

Như đã đề cập, quá trình luyện tập không chỉ nói lên được yếu tố nữ quyền mà còn là then chốt trong việc xây dựng tính cách Mộc Lan. Ban đầu, cô là một người nhút nhát, yếu đuối nhưng dần trở nên tự tin và mạnh mẽ hơn, sẵn sàng đối đầu với kẻ thù đông đảo và mạnh hơn gấp nhiều lần.

Dàn nhân vật then chốt trong hoạt hình bị ngó lơ một cách thê thảm.

Trong khi đó, nhân vật của Lưu Diệc Phi chẳng hề có sự trưởng thành nào xuyên suốt thời lượng. Tính cách của cô cứ thế trôi qua một cách nhạt nhẽo xuôi theo phần kịch bản nhàm chán và chẳng có nút thắt. Bên cạnh đó, việc cắt bớt những cảnh luyện tập cũng khiến cho mối quan hệ của Mộc Lan và đồng đội trở nên lỏng lẻo.

Trong bản hoạt hình, cô liên tục bị trêu chọc, bắt nạt nhưng dần dần, họ buộc phải công nhận sự tiến bộ và dành lời thán phục cho Mộc Lan. Đến cuối, cả nhóm quyết tâm theo chân người anh hùng này bất chấp giới tính. Chi tiết này biến mất triệt để khiến phân cảnh trong bản phim 2020 trở nên lạc quẻ và khó hiểu.

Viên tướng cực chất ở bản gốc trở thành "tên hề" trong phần phim mới.

Đồng thời, dàn nhân vật phụ cũng mờ nhạt không kém. Cả Đường Tướng quân (Chân Tử Đan), Trần Hồng Huy (An Dữu Hâm) hay bộ ba "tấu hài" đều cố tình bị xây dựng theo hướng gia trưởng, cổ hủ và thiếu não. Đặc biệt, tuyến phản diện Bảo Lý Hãn (Lý Tiệt) bị tàn phá không thương tiếc. Viên tướng cơ trí, kinh nghiệm và quyết tâm hoàn thành mục tiêu tới cùng trong bản gốc nay biến thành một gã nhẫn tâm hy sinh toàn bộ quân đội vì âm mưu riêng và "ngốc nghếch" trong từng hành động.

Có lẽ, Disney không nên cố gắng "tỏ ra nguy hiểm" khi thay đổi kịch bản gốc xuất sắc của Mulan hay thậm chí chẳng nên làm lại thì đúng hơn.

  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.