• Về đầu trang
Caroline
Caroline

10 thảm họa nhân tạo gây chấn động nhất lịch sử (Phần 1)

Thế Giới

Lịch sử loài người đã chứng kiến nhiều thảm họa do con người tạo ra, từ sự cố hạt nhân, tràn dầu trên biển đến các vụ nổ hóa chất và sập hầm mỏ. Bên dưới là 10 thảm họa nhân tạo gây chấn động nhất trong lịch sử mà con người là nhân tố chính gây nên.

10. Thảm họa Aberfan.

Những thảm họa nhân tạo lớn không thường xuyên xảy ra ở nước Anh, chính vì điều này, vụ lở tuyết ở Aberfan càng trở nên chấn động. Ngôi làng Aberfan ở Thung lũng xứ Wales được bao bọc xung quanh bằng những mỏ than thành lập vào năm 1869.

Đến năm 1966, khu tái định cư đã phát triển và ngôi làng này được bao quanh bởi bảy đống rác thải khổng lồ - phế liệu từ khai thác mỏ.

Đó không hẳn là một vấn đề, nhưng vào tháng 10 năm 1966, ngôi làng Aberfan bị ảnh hưởng bởi con mưa lớn tới hơn 6-inch và cuốn trôi đống phế liệu. Vào lúc 09 giờ 15 GMT ngày 21 tháng 10 năm 1966, một lượng lớn các mảnh vỡ thoát ra khỏi đống rác và di chuyển về phía ngôi làng với tốc độ từ 11 đến 21 dặm một giờ (khoảng 17 và 34 km) và tạo nên những đợt sóng cao tới 30 feet (9 mét).

Và kết quả rất tàn khốc, 144 người đã thiệt mạng trong đó có116 trẻ em. Phế thải lan nhanh đã phá hủy một trường tiểu học và làm hư hại một trường trung học cơ sở và 18 ngôi nhà ở gần đó.

Theo BBC, hàng nghìn tình nguyện viên đã tới Aberfan để hỗ trợ công tác cứu hộ, Thủ tướng và Nữ hoàng Elizabeth cũng đến thăm trong những ngày sau vụ việc. Thảm họa Aberfan hiện là một trong những sự cố khai thác tồi tệ nhất lịch sử của Vương quốc Anh.

9. Thảm họa Seveso.

Vụ tai nạn xảy ra tại một nhà máy hóa chất ở phía bắc Milan, Ý. Vào thứ Bảy, ngày 10 tháng 7 năm 1976, khi nhà máy đang sản xuất một chất hóa học gọi là 2,4,5-Trichlorophenol, được sử dụng làm vũ khí hóa học và thuốc diệt cỏ thì phản ứng dây chuyền đã làm vỡ lò phản ứng. Tai nạn này khiến sáu tấn hóa chất độc hại thoát ra và bay lên trời.

Theo tạp chí Môi trường quốc tế, đám mây khí độc đã đọng lại trên 6 dặm vuông (18 km vuông) khu vực xung quanh, bao gồm cả thị trấn Seveso. Trẻ em phải nhập viện vì bị viêm da, hàng trăm người dân bị các bệnh về da, và những khu dân cư đông đúc đã phải sơ tán. Hàng nghìn con vật bị chết hoặc phải giết thịt để ngăn chất độc xâm nhập vào chuỗi thức ăn.

Thảm họa Seveso cũng có tác động lâu dài. Kể từ năm 1976, các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nhiều cư dân địa phương chết vì các bệnh tim mạch, hô hấp, và một số loại ung thư gia tăng tần suất ở các khu vực bị ảnh hưởng.

8. Tai nạn hạt nhân Chernobyl.

Vụ nổ ở Chernobyl là một trong những thảm họa nhân tạo chấn động nhất thế giới. Nó bắt đầu với việc các kỹ sư thực hiện một thí nghiệm định kỳ nhằm tìm hiểu xem liệu hệ thống làm mát bằng nước khẩn cấp của nhà máy có hoạt động khi cúp điện hay không.

Thử nghiệm đã được thực hiện trước đó nhiều lần, nhưng lần này điện đã tăng đột biến và các kỹ sư không thể đóng cửa các lò phản ứng hạt nhân của Chernobyl. Hơi nước tích tụ trong một lò phản ứng làm mái nhà bị thổi bay, lõi hạt nhân lộ ra ngoài và chất phóng xạ được giải phóng vào khí quyển.

Các công nhân và nhân viên cứu hỏa đã phải nhập viện và 28 người đã nhanh chóng qua đời do nhiễm phóng xạ cấp tính. Phải mất gần hai tuần và nhờ sự can thiệp của quân đội mới dập tắt được đám cháy.

Điều quan trọng là phải mất hơn một ngày để 50.000 cư dân của Pripyat gần đó được sơ tán. Sau đó, chính phủ đã thiết lập một "khu vực loại trừ" dài 19 dặm (30 km) và xây dựng một mái vòm ngăn chặn trên đỉnh của địa điểm.

Trong những năm sau vụ việc, các nghiên cứu ước tính rằng hàng nghìn người đã chống chọi với bệnh ung thư vì bức xạ. Đây cũng là một trong những thảm họa tốn kém nhất trong lịch sử và người ta ước tính rằng các nỗ lực ngăn chặn và dọn dẹp sẽ tiếp tục cho đến năm 2065.

7. Ngộ độc amiăng ở Montana.

Thảm họa ở Libby, Montana bắt đầu khi những người định cư đến vào những năm 1800 và thị trấn mở rộng nhờ vào xây dựng mỏ và đường sắt. Vào năm 1919, việc phát hiện ra một khoáng chất có tên là Vermiculite đã thay đổi số phận của Libby.

Vermiculite có rất nhiều cách sử dụng, từ làm vườn đến các bộ phận xe hơi, và mỏ ở Libby đã sản xuất 80% nguồn cung trên thế giới vào năm 1963. Tuy nhiên một số loại vermiculite có chứa amiăng, một chất đặc biệt nguy hiểm có thể gây nên vấn đề về phổi.

Vermiculite ở Libby, Montana, có chứa amiăng, và công ty khai thác đã biết về những tác dụng phụ nguy hiểm của nó. Nhưng họ không nói cho ai biết và người dân ở Libby đã sử dụng phế phẩm của mỏ để xây dựng và tạo cảnh quan, bao gồm cả trong các dự án trường học và sân trượt băng.

Kết quả là gần 10% dân số của thị trấn chết vì bệnh liên quan đến amiăng và những người chết không phải lúc nào cũng là thợ mỏ.

6. Tràn dầu ở Deepwater Horizon.

Sự cố tràn dầu là một trong những thảm họa nhân tạo dễ thấy nhất trong thời đại chúng ta và sự cố ở Deepwater Horizon năm 2010 được cho là sự cố tràn dầu trên biển lớn nhất trong lịch sử.

Cái tên bắt nguồn từ bộ máy khoan ở trung tâm của vụ việc. Giàn khoan dầu Deepwater Horizon là một giàn khoan nổi đang khoan một giếng dầu thăm dò ở độ cao khoảng 18.300 feet (5.600 mét) dưới mực nước biển ở Vịnh Mexico.

Bản thân điều đó không phải là vấn đề và giàn khoan đang hoạt động tốt trong giới hạn của nó. Nhưng vào ngày 20 tháng 4 năm 2010, khí mêtan từ giếng khoan dưới nước nở ra và bốc lên giàn khoan, nơi nó bốc cháy và phát nổ.

Vụ nổ nhanh chóng nhấn chìm toàn bộ giàn khoan, khiến 11 công nhân thiệt mạng, 94 thành viên phi hành đoàn phải sơ tán. Hai ngày sau, giàn khoan đã chìm.

Tuy nhiên, vào thời điểm đó, một vết dầu loang lớn đã nổi lên từ giếng dưới nước và bắt đầu lan rộng tại khu vực này. BP - công ty đã ký hợp đồng với tàu Deepwater Horizon để khoan thăm dò đã cố gắng ngăn chặn sự rò rỉ bằng các phương tiện dưới nước được điều khiển từ xa, một mái vòm ngăn chặn nặng 137 tấn và bằng cách khoan một giếng thứ cấp, nhưng dầu đã chảy trong suốt 87 ngày.

Người ta ước tính rằng 210 triệu gallon (khoảng 954 triệu lít) dầu đã bị rò rỉ từ giếng dưới nước và sự cố này đã ảnh hưởng trực tiếp đến 70.000 dặm vuông (khoảng 181.000 km vuông) đại dương ở Vịnh Mexico.

Theo: livescience.com
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.