• Về đầu trang
H.Khanh
H.Khanh

Những vụ án đáng sợ với hiện trường không thể nào khó hiểu hơn (P4: Án mạng trong phòng 1046)

Kinh dị

Vào khoảng hơn 1h trưa ngày 2/1/1935, một người đàn ông bước đến khách sạn President để book 1 phòng đơn, theo lời những người có mặt lúc đó, anh này trong tầm từ 20 – 35 tuổi, tóc nâu, vóc dáng khá cao to và có một vết sẹo phía sau đầu. Anh ta ghi tên mình trong sổ đăng kí là Roland T. Owen, đến từ Los Angeles. Nhân viên hành lý lúc đó, Randolph Propst, khi đi cùng Roland đến phòng 1046 thì thấy lạ vì hành lý của Roland chỉ gồm một chiếc lược, một chiếc bàn chải đánh răng và kem đánh răng. Khi đã thu xếp mọi thứ xong xuôi, Roland nói rằng anh ta cho phép lao công vào phòng mình dọn trong khi anh ở trong phòng, nhưng đừng khóa cửa lúc ra vì đang chờ một người bạn đến. Người lao công lúc đó, Mary Soptic, tả lại rằng căn phòng rất tối, màn cửa được kéo kín lại, những chiếc đèn lớn đều đã bị tắt, trừ một chiếc đèn bàn nhỏ ở bên cạnh giường ngủ của Roland.

4h chiều hôm đó, Mary quay lại căn phòng để mang khăn tắm đến, và thấy Roland đang nằm trên giường, căn phòng vẫn tối mịt, lần này có một quyển sổ ghi chú để trên bàn có nội dung:

Don, chờ tôi, tôi sẽ quay lại sau 15 phút.

Vào sáng ngày 3/1, khoảng 10h30 sáng, Mary đến phòng 1046 để lau dọn thì cửa phòng đã bị khóa từ bên ngoài, cô dùng chìa khóa lao công của mình để vào phòng thì thấy Roland đang ngồi bên cạnh giường, có nghĩa là đã có ai đó khóa cửa phòng từ bên ngoài trong khi Roland vẫn còn đang ở bên trong. Trong lúc Mary lau dọn, Roland trả lời một cuộc điện thoại với giọng điệu rất hấp tấp:

Không, Don, tôi không muốn ăn sáng. Tôi không đói.

4h chiều hôm đó, Mary mang khăn tắm mới đến phòng 1046 như mọi ngày thì nghe thấy tiếng 2 người đàn ông đang cãi nhau. Khi cô gõ cửa, một giọng nam trầm vang lên hỏi ai vậy. Khi Mary giải thích mình là lao công, giọng nam đó lại vang lên:

Chúng tôi không cần khăn tắm.

Cũng vào buổi tối hôm đó, một vị khách ở cạnh phòng 1046 than phiền rằng cô nghe thấy tiếng chửi rủa ở tầng mình đang ở, có cả giọng nam và nữ.

Đây là lúc mọi thứ bắt đầu trở nên kì lạ.

Vào 7h sáng ngày 4/1, người điều hành điện thoại của khách sạn để ý rằng điện thoại của phòng 1046 đã bị ngắt kết nối, Randolph Propst đã được cử lên để xử lí. Trên cửa phòng 1046 lúc đó là biển báo “đừng làm phiền”. Sau vài lần gõ cửa, một giọng nam trầm trong phòng vang lên:

Vào đi, mở đèn lên.

Điều kì lạ là lúc đó cửa vẫn đang bị khóa. Nghĩ rằng Roland lúc đó đang say, Randolph chỉ nói rằng: “Quý khách vui lòng kiểm tra lại đường dây điện thoại”, và sau đó rời đi.

Khoảng 1 tiếng rưỡi sau đó, điện thoại ở phòng 1046 vẫn đang bị ngắt kết nối. Lần này, một nhân viên hành lý khác, Harold Pike, đã cầm chìa khóa dự phòng lên để kiểm tra. Bước vào phòng, anh thấy rằng Roland đang nằm trên giường, không mặc quần áo, và có vẻ đang say. Ngoài ra, trên ga giường lúc đó cũng có một vài vết ố. Chiếc bàn để điện thoại đã bị lật đổ và dây của chiếc điện thoại đã bị bung ra, Harold cắm lại sợi dây nối, và lặng lẽ ra khỏi phòng.

a bizarre death and the mysterious room 1046

Trong khoảng từ 10h30 đến 10h45, điện thoại bàn ở phòng 1046 lại một lần nữa bị ngắt kết nối. Lần này, Randolph được cử lên để xem xét tình hình, khi cánh cửa vừa được mở ra, Randolph nhìn thấy một cảnh tượng vô cùng đáng sợ, đây là lời khai của anh:

Khi tôi bước vào căn phòng, người đàn ông này đang quỳ cách tôi khoảng 60cm, 2 cánh tay và cổ anh ta được giữ bằng những sợi dây cước, anh ta được tạo dáng rất lạ, chiếc đầu đẫm máu nằm gọn trong 2 bàn tay. Tôi bật đèn lên, và có máu ở khắp căn phòng: Từ các bức tường, rèm cửa sổ, cho đến cả phòng tắm cũng có vết máu, tôi kết nối lại điện thoại rồi ngay lập tức chạy ra khỏi căn phòng để đi tìm người quản lý.

Điều đáng ngạc nhiên nhất của vụ án này là cho tới thời điểm được tìm thấy, Roland T. Owen vẫn còn sống. Thám tử Johnson, một trong những người đầu tiên có mặt tại hiện trường đã hỏi Roland vài câu hỏi trước khi anh được đưa đến bệnh viện. Roland nói rằng anh đã không ở cùng với ai suốt buổi sáng, và anh bị thương vì đã ngã vào bồn tắm. Sau khi nói chuyện được khoảng 2 phút, nạn nhân mất dần ý thức và rơi vào trạng thái hôn mê.

owen paper

Các vết thương trên người Roland cho thấy rằng nạn nhân đã bị tra tấn rất tàn bạo: Nhiều vết đâm liên tục vào ngực, phổi bị thủng, phía bên phải não bị bầm. Trên cổ và tay của nạn nhân là nhiều vết hằn do sợi dây cước để lại. Mắt cá chân và cổ tay của nạn nhân cũng bị bầm tím nặng. Ngoài ra, các bác sĩ khi khám nghiệm cũng cho biết rằng những vết thương trên cơ thể của nạn nhân đã được gây ra từ 6 – 7 tiếng trước khi nạn nhân được phát hiện, nghĩa là nạn nhân đã bị thương từ trước khi Randolph Propst lên phòng anh lần đầu tiên vào lúc 7h sáng.

Điều tra kĩ hơn căn phòng 1046, các thám tử thấy rằng bộ đồ nạn nhân mặc lúc check-in vào khách sạn đã biến mất, những vật dụng như xà bông, dầu gội đầu và khăn tắm cũng biến mất theo, những gì còn lại ở hiện trường gồm một chiếc kẹp tóc, một điếu thuốc và một lọ acid sulfuric (H2SO4) còn nguyên. Trên chiếc bàn nhỏ để điện thoại là 4 dấu vân tay, có thể là của một người phụ nữ. Nói về chiếc điện thoại bị ngắt kết nối, các thám tử đưa ra giả thuyết rằng có thể nạn nhân đã cố gắng dùng điện thoại để cầu cứu, nhưng vì bị thương quá nặng nên đã không thể nhấc điện thoại lên mà đã làm đổ chiếc bàn, dẫn đến việc sợi dây kết nối bị bung ra.

Một lúc sau nửa đêm ngày 5/1/1935, Roland T. Owen qua đời do mất máu quá nhiều.

detectives

2 thám tử điều tra chính của vụ án Roland T. Owen

Ngay sau đó, vụ án bắt đầu được điều tra kĩ hơn. Sở cảnh sát Los Angeles khi đối chiếu danh tính nạn nhân đã không tìm thấy bất kì ai tên Roland T. Owen. Không ai biết được tại sao nạn nhân lại dùng tên giả để check-in vào khách sạn, trong suốt quá trình điều tra, danh tính thật của nạn nhân cũng chưa bao giờ được tiết lộ. Sau khi thất bại trong việc xác định danh tính thật của nạn nhân, sở cảnh sát Kansas tập trung vào “Don”, cái tên nằm trong tờ ghi chú của nạn nhân, và cuộc tìm kiếm này cũng đã không mang lại bất cứ kết quả gì, những thông báo về cái chết của nạn nhân sau khi được đăng lên trang nhất của các tờ báo lớn để tìm thêm thông tin cũng đã không nhận được bất cứ phản hồi nào khả quan. Quá trình điều tra dần đi vào bế tắc và không có manh mối lớn nào xuất hiện. Vì lý do này, nạn nhân sẽ được chôn cất ở một khu nghĩa trang và sẽ không có nghi thức tang lễ nào được tiến hành.

Tuy nhiên, nhà tang lễ Melody McGilley đã nhận được một cuộc gọi ẩn danh, người gọi bảo rằng họ sẽ cung cấp đủ số tiền để tổ chức một nghi lễ mai táng đàng hoàng và trang trọng. Điều này cực kì đáng ngờ vì khi nạn nhân xuất hiện khắp các mặt báo, đã không có ai tìm đến cảnh sát để xác nhận danh tính của nạn nhân. Nhiều người cho rằng người gọi ẩn danh này chính là nhân vật “Don” bí ẩn, và việc tổ chức tang lễ cho nạn nhân cho thấy rằng giữa “Don” và nạn nhân có thể có một mối quan hệ nào đó mà phía điều tra vẫn chưa thể khám phá ra. Vào ngày 21/3/1935, một xấp tiền cuộn trong một tờ báo đã được gửi đến nhà tang lễ Melody McGilley, cùng với một lẵng hoa, và một tờ giấy note với nội dung:

Love Forever, Louise.

Tua nhanh khoảng một năm sau, vào khoảng giữa năm 1936, một người phụ nữ tên Ruby Ogletree đã liên hệ với cảnh sát, xác nhận nạn nhân của vụ án là con trai của mình, Artemus Ogletree, người đã bỏ nhà đi vào năm 1934. Điều đáng ngạc nhiên hơn là nạn nhân chỉ mới 17 tuổi. Những chi tiết cuối cùng sở cảnh sát có thể tìm được là nạn nhân trước khi check-in vào khách sạn President cũng đã từng ở tại khách sạn St. Regis dưới một cái tên giả khác với một người đàn ông, có thể là Don.

Một điều thú vị ở vụ án này là không thật sự có bất cứ nghi phạm nào cả. Gần như mọi người liên quan đến vụ án này đều có chứng cứ ngoại phạm rất hoàn hảo. Nhân vật “Don” bí ẩn thì cũng đã chưa bao giờ được tìm thấy. Tuy nhiên, đã có rất nhiều giả thuyết được đề xuất cho vụ án này, và một trong những giả thuyết nổi tiếng nhất cho vụ án của Artemus Ogletree chính là giả thuyết Cặp tình nhân:

Trước thời điểm bị sát hại, Artemus Ogletree có một vị hôn thê không được tiết lộ danh tính. Nhưng một điều không ai biết về Artemus Ogletree là anh là một người đồng tính, và nhân vật “Don” chính là tình nhân của anh. Artemus liên tục đến nhiều khách sạn khác nhau dưới những cái tên giả là để gặp gỡ và làm tình với những người đàn ông khác. Thời điểm xảy ra vụ án là vào những năm 1930, khi mà những định kiến cũng như sự kì thị những người đồng tính vẫn còn rất cao. Khi vị hôn thê của Artemus phát hiện ra việc này, một người nhà của cô đã giết Artemus vì sự phản bội này. Cả Don và vị hôn thê sau đó đều cảm thấy hối hận về việc này, nên họ đã cùng dàn xếp bằng cách để Don gửi tiền làm đám tang của Artemus, và lẵng hoa với dòng ghi chú Love Forever, Louise là món quà cuối cùng của vị hôn thê.

Nói về những giả thuyết khác, cũng đã từng có nhiều người đề xuất rằng vụ án này có liên quan đến những băng đảng vì sự tàn bạo trong cách gây án. Tuy nhiên, giả thuyết này trở nên thiếu tin cậy khi xét đến các chi tiết nhỏ như là những tờ giấy note nạn nhân viết trước khi bị sát hại. Ngoài ra, nếu thật sự vụ án này có liên quan đến băng đảng, cũng sẽ không có lý do gì để họ lại chu cấp tiền cho đám tang của nạn nhân và nguy cơ để lộ danh tính của mình.

Nhìn chung, án mạng ở phòng 1046 là một vụ án khá lạ lùng và có nhiều điểm không hợp lý lắm. Về các giả thuyết được đưa ra, lý do mà giả thuyết Cặp tình nhân được nhiều người đồng tình nhất có lẽ là vì giả thuyết này giải thích được nhiều lỗ hổng của vụ án nhất nếu chúng ta nhìn tổng thể vụ án. Thời điểm xảy ra án mạng là vào giữa những năm 1930, khi mà việc điều tra chưa có nhiều tiến bộ và phát triển lắm, nếu không có một nhân chứng rõ ràng, gần như ai cũng có thể phạm tội và trốn thoát được nếu đã có chuẩn bị từ trước. Vụ án này cũng không là ngoại lệ, và cho đến nay, những gì xảy ra tại phòng 1046 ngày 4/1/1935 vẫn còn là một bí ẩn.

Theo: Tổng Hợp
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.